(Baothanhhoa.vn) - 9h sáng, chúng tôi có mặt tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Bỉm Sơn. Trong không khí những ngày nắng nóng đỉnh điểm, số lượng bệnh nhân đến khám, điều trị tại bệnh viện khá đông. Ai cũng bận rộn, vậy nhưng, nét khác lạ mà ngay từ ban đầu chúng tôi cảm nhận được, đó là sự cởi mở, chân thành của những y, bác sĩ nơi đây, ngay cả đối với tôi, một người khách lạ! Điều đó phần nào giúp chúng tôi lý giải được câu hỏi vì sao ở đây hình thành và phát triển được một đội quân hùng hậu - “Ngân hàng máu sống đặc biệt”, luôn sẵn sàng có mặt kịp thời để cứu sống bệnh nhân.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những giọt máu hồng!

9h sáng, chúng tôi có mặt tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Bỉm Sơn. Trong không khí những ngày nắng nóng đỉnh điểm, số lượng bệnh nhân đến khám, điều trị tại bệnh viện khá đông. Ai cũng bận rộn, vậy nhưng, nét khác lạ mà ngay từ ban đầu chúng tôi cảm nhận được, đó là sự cởi mở, chân thành của những y, bác sĩ nơi đây, ngay cả đối với tôi, một người khách lạ! Điều đó phần nào giúp chúng tôi lý giải được câu hỏi vì sao ở đây hình thành và phát triển được một đội quân hùng hậu - “Ngân hàng máu sống đặc biệt”, luôn sẵn sàng có mặt kịp thời để cứu sống bệnh nhân.

Những giọt máu hồng!

Bác sĩ Trần Thùy Trang – một trong những người giữ “Ngân hàng máu sống đặc biệt” đang thăm khám cho bệnh nhân và trẻ sơ sinh tại Khoa Sản. Ảnh: Minh Hằng

Bác sĩ hiến máu ngay trong ca trực

Có lẽ, gia đình chị Lê Thị Thúy Vân, anh Nguyễn Đức Thuận ở phường Ba Đình (thị xã Bỉm Sơn) sẽ không bao giờ quên được giây phút chị Vân giành giật lại sự sống từ tay tử thần. Chị Vân phải truyền đến 5 đơn vị máu, trong đó có 2 đơn vị máu được cho từ các bác sĩ trẻ tại bệnh viện, đó là bác sĩ Trần Thùy Trang và bác sĩ Hoàng Thị Lan Anh, trong đó, bác sĩ Trần Thùy Trang, công tác tại Khoa Sản là người trực tiếp hiến máu ngay trong ca trực này. Bác sĩ Trang chia sẻ: Đêm 17-3, chị Vân được thực hiện ca phẫu thuật lấy thai song sinh. Sau phẫu thuật, chị Vân có cảm giác chóng mặt. Bệnh nhân nhanh chóng được thăm khám và chẩn đoán bị băng huyết, mất nhiều máu do đờ tử cung sau mổ. Một ca mổ khác được tiến hành ngay lập tức sau đó, tuy nhiên với điều kiện bệnh nhân phải được truyền máu trực tiếp ngay trong quá trình mổ. Có nhóm máu tương thích, bác sĩ Trần Thùy Trang có mặt trong kíp mổ đêm hôm ấy đã ngay lập tức hiến 1 đơn vị máu, kịp thời cứu sống bệnh nhân trong khi chờ đợi những người khác đến tiếp ứng. “Hiến máu cứu người là một hành động không phải suy nghĩ gì” - bác sĩ trẻ có khuôn mặt xinh xắn, dễ mến hồn nhiên nói với chúng tôi.

“Nghe điện thoại tiếp ứng, là chỉ nghĩ đến bệnh nhân”!

Đó là câu nói của bác sĩ Hoàng Thị Lan Anh, sinh năm 1994, công tác tại Khoa Y học cổ truyền, người thứ 2 tiếp ứng máu cho bệnh nhân Lê Thị Thúy Vân trong ca mổ đêm 17-3. Đã từng nhiều lần tham gia phong trào hiến máu tình nguyện ngay khi ngồi trên ghế Trường Đại học Y Thái Bình, đồng thời tham gia đội hiến máu lưu động cho Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Phụ sản Thái Bình, ngay khi về công tác tại BVĐK Bỉm Sơn, Hoàng Thị Lan Anh đã xung phong “đầu quân” vào đội hiến máu tình nguyện của bệnh viện. Bác sĩ Lan Anh nhớ lại: Đêm 17-3, khi ấy đã muộn và tôi đã đi ngủ. Nhận được điện thoại của Khoa Hành chính cần người hiến máu, tôi lúc ấy đang ở trọ cách bệnh viện 7km và ngay lập tức lên đường, có mặt để tiếp ứng đơn vị máu thứ 2 cho bệnh nhân sau bác sĩ Trần Thùy Trang. “Lúc ấy chỉ nghĩ đến bệnh nhân thôi” - bác sĩ Lan Anh chia sẻ.

Lan tỏa những nghĩa cử đẹp

Bác sĩ Lan Anh, bác sĩ Thùy Trang chỉ là 2 trong rất nhiều những tấm gương y, bác sĩ hiến máu cứu người tại BVĐK Bỉm Sơn. Được mệnh danh là “Ngân hàng máu sống” trong khoa, bác sĩ Mai Văn Cao (33 tuổi) phụ trách Khoa Hồi sức cấp cứu BVĐK Bỉm Sơn là một tấm gương điển hình trong việc hiến máu tình nguyện. Bác sĩ Cao cho biết, anh đã nhiều lần hiến máu và đến giờ không nhớ rõ là mình đã hiến bao nhiêu lần. Chỉ biết là khi người bệnh cần, anh sẽ sẵn sàng cho đi. Hay như bác sĩ trẻ Vũ Lại Thành Công, 27 tuổi, công tác tại Khoa Đông y của bệnh viện, mặc dù mới công tác tại đây 3 năm, nhưng anh đã 3 lần hiến máu trực tiếp cứu sống bệnh nhân và 10 lần hiến máu tình nguyện. Bác sĩ Công cho biết, nhiều thời điểm đang trong ca trực, khi được thông báo có ca phẫu thuật cấp cứu cần máu ngay lập tức, anh đã sẵn sàng cho máu và sau đó vẫn tiếp tục ca trực bình thường.

Bác sĩ Ngô Thị Thu Phương, Bí thư Chi đoàn BVĐK Bỉm Sơn, cho biết: Đội hiến máu tình nguyện đặc biệt này là ý tưởng do bác sĩ Tống Lê Bách, bí thư đảng ủy, giám đốc bệnh viện khởi xướng, phát động và chỉ đạo. Trong đó, chi đoàn thanh niên bệnh viện là đơn vị tổ chức thực hiện chính. 20 y, bác sĩ mà nòng cốt là lực lượng đoàn viên, thanh niên đã tình nguyện xung phong gia nhập đội ngũ cơ động này. Các y, bác sĩ được niêm yết tên, đơn vị công tác, nhóm máu, số điện thoại tại Khoa Hành chính của bệnh viện. Những người mang “Ngân hàng máu sống đặc biệt” này sẽ lập tức có mặt khi được điều động hiến máu trong những ca mổ khẩn cấp.

Là người trực tiếp “đứng” nhiều ca mổ cấp cứu, bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Thị Hường, Phó Giám đốc BVĐK Bỉm Sơn, chia sẻ: Với điều kiện của bệnh viện tuyến huyện chưa có ngân hàng máu dự trữ, đội tình nguyện đặc biệt này có vai trò vô cùng quan trọng. Trong nhiều trường hợp cấp cứu bệnh nhân đa chấn thương, bệnh nhân Khoa Sản mất nhiều máu, trong khi bệnh nhân không có người nhà hoặc nhóm máu người nhà không tương thích, nếu không có những tình nguyện viên này, nhiều trường hợp nguy cơ tử vong sẽ rất cao. Các thành viên trong đội hiến máu cơ động này với nòng cốt là các đoàn viên, thanh niên của bệnh viện có sức khỏe tốt. Ngoài việc biết nhóm máu của mình, các y, bác sĩ còn định kỳ khám sức khỏe hay test đột xuất để sẵn sàng hiến máu cứu bệnh nhân bất cứ lúc nào. Từ năm 2016 đến nay, đã có 20 bệnh nhân được cho máu. Riêng những tháng đầu năm 2019, đã có 3 trường hợp bệnh nhân được cứu sống nhờ nguồn máu của những người giữ “Ngân hàng đặc biệt” này.

Được biết, cùng với việc duy trì hoạt động của “Ngân hàng máu sống”, Chi đoàn BVĐK Bỉm Sơn cũng là đơn vị tích cực trong các hoạt động hiến máu tình nguyện do thị xã Bỉm Sơn phát động. Đồng thời, thường xuyên phối hợp, tham gia các hoạt động thiện nguyện như thăm, khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho bà con nhân dân vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn trong tỉnh.

Minh Hằng


Minh Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

2 bình luận

 Phạm Hà Thanh - 22:00 02/05/19

 Trả lời

Tuyệt vời. Những bác sĩ tốt.Hãy luôn duy trì và làm ngày một tốt hơn nhé Bách.

 Lê xuân mai - 14:20 02/05/19

 Trả lời

Ý tưởng tuyệt vời, mô hình này nên được nhân rộng.

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]