(Baothanhhoa.vn) - Thành tích vô địch trước 5 vòng đấu của “đội bóng thủ đô” tại V.League 2018 thật sự là kỷ lục đáng nể, chưa biết bao giờ mới bị phá. Nó thể hiện sức mạnh tuyệt đối của thầy trò ông Chu Đình Nghiêm và cả làng cầu chỉ còn biết “ngả mũ” tâm phục khẩu phục. Tuy nhiên, đằng sau chiếc “vương miện” mà Hà Nội FC lần thứ tư giành được, không phải không có những điều đáng để suy ngẫm.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Kỳ 3: Phía sau “chiếc vương miện” của Hà Nội FC

Thành tích vô địch trước 5 vòng đấu của “đội bóng thủ đô” tại V.League 2018 thật sự là kỷ lục đáng nể, chưa biết bao giờ mới bị phá. Nó thể hiện sức mạnh tuyệt đối của thầy trò ông Chu Đình Nghiêm và cả làng cầu chỉ còn biết “ngả mũ” tâm phục khẩu phục. Tuy nhiên, đằng sau chiếc “vương miện” mà Hà Nội FC lần thứ tư giành được, không phải không có những điều đáng để suy ngẫm.

Trước hết phải thấy rằng, “bộ khung” của Hà Nội FC gần như được giữ nguyên so với mùa giải trước. Điều đó có nghĩa đội bóng này không hề được tăng cường về sức mạnh; nói cách khác, 13/14 đội bóng còn lại hoặc trong cơn bĩ cực, trên đà suy thoái hoặc chưa phải đối thủ xứng tầm với thầy trò ông Chu Đình Nghiêm. Sự suy giảm chất lượng chuyên môn, thiếu tính cạnh tranh của V.League còn thể hiện ở chỗ: Một đội bóng gồm toàn các cầu thủ trẻ như S.Khánh Hòa vẫn đứng thứ 3 chung cuộc; một Sông Lam Nghệ An có giai đoạn bết bát đến mức đã phải tính đến chuyện “thay tướng” song kết thúc mùa bóng lại đứng hiên ngang trong 4 đội dẫn đầu.

Nói cách khác, sự “nhạt nhẽo” của cuộc đua đến ngôi vị cao nhất V.League 2018 là minh chứng rõ nhất cho thấy năm nay chất lượng chuyên môn của V.League đi xuống; giải thiếu tính cạnh tranh, không hấp dẫn như những năm trước.

Thành tích đáng nể của Hà Nội FC in đậm dấu giày của tiền đạo nhập tịch Hoàng Vũ Samson. Chân sút người Nigeria đã ghi tới 15 bàn thắng (chỉ kém “Vua phá lưới” và cũng là đồng đội Oseni Ganiyu Bolaji 2 bàn thắng), đáng nói hơn, trong 9 vòng đấu ở lượt về, tiền đạo này đã 12 lần “phá lưới” đối phương - một hiệu suất rất đáng nể.

Tuy nhiên, một thực tế ai cũng nhận thấy là trước khi trở lại khoác áo Hà Nội FC, Hoàng Vũ Samson từng có một thời gian đầu quân cho câu lạc bộ Buriram United (Thái Lan). Và ở xứ Chùa Vàng, cái tên Hoàng Vũ Samson chìm nghỉm giữa vô vàn đồng đội khác nên bị trả về điểm xuất phát cùng lời nhận định khá “phũ” từ phía đội bóng nước bạn: xoàng xĩnh, không hơn các chân sút Thái Lan! Ấy thế nhưng, thật bất ngờ là ở V.League, tiền đạo này lại “tỏa sáng rực rỡ”, ghi bàn đều đặn... “như gà đẻ trứng”.

Từ thực tế ấy, rất đúng nếu nói Hoàng Vũ Samson “hợp duyên” với V.League, song bảo rằng anh là “vua xứ mù” cũng... chẳng sai. Vì vậy, nếu cứ lấy Samson mà suy thì khoảng cách giữa bóng đá Việt Nam với Thái Lan vẫn không dễ san lấp, chứ không phải đã “sàn sàn nhau” như nhận định đầy tính ngoại giao của cựu tiền đạo Kiatisuk - người từng “làm mưa làm gió” ở giải quốc nội khi còn khoác áo đội bóng phố núi Pleiku - cách đây chưa lâu.

Cuối cùng, vẫn cần phải nhắc lại chuyện “xưa như diễm”, rằng: Giải đấu cao nhất cấp câu lạc bộ (chuyên nghiệp vô địch quốc gia) chính là “mặt tiền” của một nền bóng đá (dù ở châu Âu, Nam Mỹ hay châu Á). Và trong một mùa giải mà đội bóng đương kim vô địch không có sự tăng cường lực lượng đáng kể vẫn băng băng về đích thì đây thực sự là điều vui ít buồn nhiều với người hâm mộ nước nhà khi giải đấu AFF Suzuki Cup 2018 dành cho các đội tuyển khu vực Đông Nam Á đã cận kề.


Mạnh Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]