(Baothanhhoa.vn) - Trong định hướng phát triển giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Thanh Hóa xác định phấn đấu giữ vững vị thế trong tốp đầu toàn quốc và tiếp tục giành được thành tích bứt phá hơn trên đấu trường quốc tế. Để đạt được mục tiêu trên, thể thao Thanh Hóa sẽ phải nỗ lực vượt qua những thách thức phía trước.

Thể thao thành tích cao Thanh Hóa hiện thực hóa mục tiêu bứt phá trong giai đoạn phát triển mới

Bài 1: Thực trạng và những thách thức

Trong định hướng phát triển giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Thanh Hóa xác định phấn đấu giữ vững vị thế trong tốp đầu toàn quốc và tiếp tục giành được thành tích bứt phá hơn trên đấu trường quốc tế. Để đạt được mục tiêu trên, thể thao Thanh Hóa sẽ phải nỗ lực vượt qua những thách thức phía trước.

Bài 1: Thực trạng và những thách thứcCác VĐV đội tuyển xe đạp Thanh Hóa nỗ lực vượt qua khó khăn, tăng cường tập luyện, chuẩn bị cho các giải đấu quan trọng trong năm 2022. Ảnh: Mạnh Cường

Trong 2 năm trở lại đây, thể thao thành tích cao Thanh Hóa phải đối mặt với không ít khó khăn. Bên cạnh những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, một trong những khó khăn lớn nhất mà các huấn luyện viên (HLV), vận động viên (VĐV) Thanh Hóa phải đối diện đó là điều kiện cơ sở vật chất cho công tác huấn luyện, tập luyện còn thiếu thốn, nhiều phòng tập, sàn tập, nơi tập luyện xuống cấp, khó có thể đáp ứng yêu cầu mới hiện nay.

Điền kinh là một trong những bộ môn có nhiều đóng góp nhất cho thể thao tỉnh nhà ở đấu trường quốc gia, quốc tế ở bất cứ giai đoạn phát triển nào. Dù vậy, đây cũng là bộ môn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn nhất về điều kiện tập luyện, huấn luyện. Hàng ngày các VĐV ở cả ba tuyến (năng khiếu, trẻ và đội tuyển) của bộ môn vẫn phải tập luyện tại sân vận động tỉnh. Dù vậy, nhiều năm nay, đường piste của sân đã hư hỏng nặng, bong tróc. Điều này đồng nghĩa với việc, đường piste này gần như không còn đáp ứng với yêu cầu huấn luyện, tập luyện của đội ngũ HLV, VĐV. Thậm chí, nguy cơ chấn thương tăng cao trong quá trình tập luyện trên đường piste này, đặc biệt là với các VĐV ở các nội dung chạy cự ly ngắn với tốc độ cao. Theo ban huấn luyện bộ môn điền kinh: Do không có sự lựa chọn nào khác nên gần 30 HLV, VĐV của bộ môn vẫn phải “liệu cơm, gắp mắm”, chấp nhận thực tế, luôn phải nỗ lực vượt khó với tinh thần cao nhất.

Với điền kinh là điều kiện sân bãi, thì với các bộ môn khác là sự thiếu thốn về trang thiết bị, dụng cụ tập luyện và thi đấu. Bắn súng luôn là bộ môn thế mạnh của Thanh Hóa với xạ thủ huyền thoại Trần Oanh trong lịch sử và từng giành những thành tích tốt trên đấu trường quốc gia, quốc tế trong hơn 2 thập kỷ qua, trong đó có HCV SEA Games, giải vô địch Đông Nam Á, cùng thành tích khá ổn định ở các giải quốc gia. Tuy vậy, trong nhiều năm trở lại đây, bộ môn này luôn rơi vào tình trạng thiếu súng, đạn cho quá trình tập luyện và thi đấu. Khó khăn trong việc mua đạn, các VĐV bộ môn này còn phải sử dụng những khẩu súng đã cũ, có tuổi đời trên dưới chục năm. Chưa dừng lại ở đó, khu vực trường bắn tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh đã xuống cấp từ khá lâu và gần như được xem là “lỗi thời”. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng công tác huấn luyện, tập luyện của bộ môn. Công tác đào tạo các tuyến VĐV năng khiếu, trẻ gặp nhiều khó khăn, khi các VĐV này vẫn phải “nhường” VĐV lớp trên những khẩu súng mới hơn, cơ số đạn để tập luyện.

Đây cũng là thực tế mà một số bộ môn thế mạnh khác hiện đang phải đối diện. Điển hình như các môn xe đạp, đua thuyền (rowing và canoeing). Do tính chất đặc thù, phương tiện và dụng cụ tập luyện của 2 bộ môn này có bảo đảm chất lượng, đạt chuẩn thì mới có hy vọng giành được huy chương ở đấu trường quốc gia, quốc tế. Tuy nhiên, việc mua sắm thuyền bơi chuẩn, những chiếc xe đạp tốt với các bộ môn này không hề đơn giản. Số xe đạp mà các VĐV Thanh Hóa đang sử dụng để tập luyện hàng ngày có giá trị thua xa so với các đơn vị mạnh khác, chưa kể đến việc có những chiếc xe “dự bị” sẵn sàng thay thế khi xe chính bị hỏng, trục trặc. Việc có kinh phí đầu tư mua sắm xe đạp tốt có giá hàng chục, thậm chí trăm triệu đồng vẫn chỉ là mơ ước của các cua rơ trẻ xứ Thanh. Tương tự như vậy, các tay chèo của bộ môn đua thuyền vẫn cơ bản tập luyện trên những chiếc thuyền đã có tuổi đời khá lâu. Thành tích của bộ môn này vì vậy cũng đã có phần “trầm hơn” so với nhiều năm trước kia.

Các bộ môn võ thuật vốn được xem là “mỏ vàng” của thể thao Thanh Hóa như pencak silat, vovinam, karate, taekwondo, judo, kick boxing, muay... về cơ bản không quá thiếu thốn về trang thiết bị, dụng cụ cho công tác huấn luyện, tập luyện song lại thiếu nơi tập luyện. Sàn tập của các bộ môn này là khu vực sảnh tại các tầng thuộc tòa nhà chính của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh. Các bộ môn cũng phải chia ca tập luyện cho các tuyến để bảo đảm công tác, nhiệm vụ thường xuyên. Đối với các bộ môn khác tập luyện tại Nhà thi đấu TDTT tỉnh, việc chia ca cho các bộ môn như bóng chuyền, cầu mây, đá cầu... cũng buộc phải triển khai thực hiện. Dù vậy, một số bộ môn đặc thù như cầu mây, việc phải phân phối thời gian cho cả ba tuyến VĐV gặp nhiều khó khăn do thời lượng tập luyện được phân chia hàng ngày chưa đáp ứng với yêu cầu thực tế hiện nay. Bộ môn bơi, lặn với lứa VĐV tài năng, triển vọng vẫn phải tập luyện tại bể bơi cũ, không đạt chuẩn về kích thước...

Một thách thức khác đối với sự phát triển của thể thao thành tích cao Thanh Hóa trong giai đoạn mới đó là công tác chăm lo đời sống, chế độ dinh dưỡng, khen thưởng cho đội ngũ HLV, VĐV. Đây là yếu tố quan trọng quyết định thành công cho thể thao tỉnh nhà. Đến tháng 3-2022, thể thao Thanh Hóa có gần 700 VĐV, hơn 100 HLV của 30 bộ môn. Những năm gần đây, cùng với sự quan tâm của tỉnh, sự nỗ lực của ngành văn hóa, thể thao và du lịch, điều kiện sinh hoạt của các VĐV cơ bản ổn định, các VĐV đều được lưu trú ngay tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh, không còn cảnh phải thuê nơi ở, phải đưa đón hàng ngày. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác huấn luyện, tập luyện cho các bộ môn.

Vấn đề cần quan tâm nhất hiện nay là bảo đảm chế độ dinh dưỡng cho các VĐV phù hợp với yêu cầu của giai đoạn phát triển mới. Hiện, chế độ dinh dưỡng của các VĐV Thanh Hóa vẫn còn thấp so với nhiều tỉnh, thành, ngành khác.

Công tác khen thưởng cho các VĐV giành được thành tích cao ở các giải đấu cấp quốc gia, quốc tế đã cơ bản được thực hiện tốt theo các quy định của Tổng cục TDTT, của tỉnh Thanh Hóa. Việc khen thưởng đột xuất cũng đã được Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh có nhiều đổi mới trong những năm gần đây nhưng mức khen thưởng mới chỉ mang tính động viên. Mặc dù vậy, vẫn còn đó những tồn tại, bất cập trong công tác khen thưởng như: việc khen thưởng bổ sung cho các VĐV khi có sự thay đổi về thành tích; VĐV giành thành tích cao tại một số giải cấp quốc gia nhưng vẫn chưa được khen thưởng... Công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực tài trợ, khen thưởng đột xuất, khen thưởng cho các VĐV giành được những thành tích xuất sắc vẫn chưa được quan tâm xứng đáng.

Qua tìm hiểu và từ phản ánh của các bộ môn, sự mong mỏi lớn nhất của các VĐV, HLV đó là tiếp tục nhận được sự quan tâm nhằm cải thiện, nâng cao điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện, cũng như việc áp dụng chế độ dinh dưỡng cho cả 3 tuyến VĐV một cách phù hợp nhất. Bên cạnh đó, công tác khen thưởng tiếp tục được thực hiện có hiệu quả, xứng đáng với sự đóng góp, thành tích mà các VĐV, HLV đã giành được. Có như vậy, các HLV, VĐV mới yên tâm, gắn bó, nỗ lực hết mình để đem lại thành tích, vinh quang cho thể thao tỉnh nhà.

Mạnh Cường

Bài 2: Những giải pháp chiến lược và sáng tạo.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]