(Baothanhhoa.vn) - 20h (giờ địa phương) ngày 22-4-2013, Manchester United gặp Aston Villa tại vòng 34 Ngoại hạng Anh trên sân nhà Old Trafford. Trước vòng đấu này, Manchester United bỏ xa Man City 13 điểm và coi như đã chạm tay vào Cúp vô địch, nhất là ở trận đấu trước đó Man City đã “giương cờ trắng” khi thua ngược 1-3 trên sân đối thủ Tottenham.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Dấu giày trên sân cỏ: Đừng mong đích đến sẽ thay đổi nếu như bạn không thay đổi con đường

20h (giờ địa phương) ngày 22-4-2013, Manchester United gặp Aston Villa tại vòng 34 Ngoại hạng Anh trên sân nhà Old Trafford. Trước vòng đấu này, Manchester United bỏ xa Man City 13 điểm và coi như đã chạm tay vào Cúp vô địch, nhất là ở trận đấu trước đó Man City đã “giương cờ trắng” khi thua ngược 1-3 trên sân đối thủ Tottenham.

Dấu giày trên sân cỏ: Đừng mong đích đến sẽ thay đổi nếu như bạn không thay đổi con đường

Van Persie và chức vô địch Ngoại hạng Anh duy nhất của mình.

Nếu chỉ nhìn vào kết quả trận đấu, sẽ chẳng có gì đáng bàn. Chỉ sau 2 phút, lưới của đội khách đang vật lộn ở cuối bảng xếp hạng đã rung lên. 11 phút sau, cách biệt là 2 bàn và đến phút 33, trận đấu được định đoạt.

Thế nhưng, cảm xúc lâng lâng vẫn trào dâng trong lòng những người hâm mộ “Quỷ đỏ” mỗi lần nhớ lại trận đấu đêm hôm đó. “Nhà hát của những giấc mơ” trở thành sân khấu để một trong những ngôi sao sáng nhất Ngoại hạng Anh thời điểm đó - Robin Van Persie, tỏa sáng và biến giấc mơ thành hiện thực bằng việc ghi cả 3 bàn thắng.

Bàn thắng đầu tiên, Van Persie có mặt đúng thời điểm ở góc trái khung thành để đệm bóng cận thành vào lưới. Bàn thắng thứ 3, Van Persie bình tĩnh nhận bóng từ đường căng ngang của đồng đội vào vòng cấm, đẩy bóng một nhịp qua thủ môn Brad Guzan. Khoảnh khắc sau đó, 5 cầu thủ của Aston Villa có mặt gần như che kín khung thành, chỉ biết ngẩn ngơ nhìn trái bóng bung ra từ cái chân trái của Van Persie và găm thẳng vào góc cao bên phải khung thành - khán giả truyền hình còn nghe rõ mồn một tiếng bóng dội vào lưới, như nốt nhạc mở đầu cho đoạn chorus (điệp khúc) trong một bản rock cuồng say dội lên từ các khán đài.

Bàn thắng thứ 2 mới thực sự là một siêu phẩm, là tiếng guitar điện trong bản rock đắm say đêm đó. Van Persie di chuyển ngang hàng với 2 hậu vệ Aston Villa trong một pha phản công của Manchester United. Wayne Rooney phất bóng dài từ sân nhà. Máy quay hướng đến Van Persie và ta đếm được 10 bước chạy của anh để tách ra khỏi hậu vệ, ở bước thứ 11 là một cú volley găm bóng vào lưới. Brad Guzan chỉ với tay chiếu lệ. SVĐ Old Trafford như muốn nổ tung.

Bàn thắng đẹp như một tác phẩm nghệ thuật đó, “hattrick” hôm đó của Van Persie đã chính thức đưa Manchester United đến với chức vô địch Premier League lần thứ 20 theo cách không thể hoành tráng hơn. HLV Alex Ferguson đã có lần thứ 13 lên ngôi vô địch Ngoại hạng Anh - món quà đầy ý nghĩa trước khi tuyên bố “về hưu”. Và, với Van Persie, anh đã hiện thực hóa giấc mơ trở thành nhà vô địch (mặc dù đã có chức vô địch... Cup FA với Arsenal).

Ở giai đoạn thi đấu đỉnh cao của mình, Van Persie được đánh giá là trung phong nguy hiểm bậc nhất với “vũ khí” quen thuộc là những pha dứt điểm 1 chạm. Van Persie cũng là người kế thừa mỹ danh “Người Hà Lan bay” của Dennis Bergkamp.

Thế nhưng, tất cả rồi chỉ là những lời khen suông nếu Van Persie không có quyết định làm thay đổi cuộc đời mình vào mùa hè năm 2012: Rời Arsenal tới Manchester United vào thời điểm anh đang đóng vai trò “yếu nhân” ở Arsenal và là chân sút số một Premier League.

Manchester United cần một trung phong cắm để lấp vào khoảng trống mà Ruud van Nistelrooy để lại từ năm 2006. Arsenal thu về số tiền 27 triệu bảng - được coi là chấp nhận được đối với cầu thủ khi ấy đã 29 tuổi. Van Persie thì cần cho mình một danh hiệu để khẳng định chân giá trị.

Giai đoạn còn thi đấu cho Arsenal, Van Persie từng phát biểu trong một lần gia hạn hợp đồng: Chẳng thể tưởng tượng được tôi sẽ khoác lên mình màu áo khác. Arsenal là nơi chắp cánh cho Van Persie bay lên vũ đài của những ngôi sao bóng đá, là nơi có những đàn anh dạy dỗ anh những bài học đầu tiên của bóng đá đỉnh cao, là bệ đỡ giúp anh đứng dậy sau những biến cố ngoài sân cỏ và những lần chấn thương...

Ngược lại, Van Persie đến Arsenal năm 2004, thời điểm ánh hoàng kim của đội bóng này dần tắt và đi vào thoái trào. Ngày Van Persie ở Arsenal cũng là thời kỳ “Pháo thủ” ngập trong những khoản nợ vì xây sân bóng mới.

Van Persie đã nỗ lực để đáp lại ân tình của Arsenal. Ở mùa giải cuối cùng trong hàng ngũ những “Pháo thủ”, anh đã ghi tới 30 bàn thắng, nhưng cũng chỉ giúp đội bóng về thứ 3 khi kết thúc mùa giải. Chỉ còn 1 năm hợp đồng, Van Persie biết rằng đến lúc mình cần ra đi, để làm được điều mà ở Arsenal anh không thể.

Ngày nâng chiếc Cúp vô địch Ngoại hạng Anh, Van Persie đã xúc động nói rằng: Tôi không tiếc vì đã rời Arsenal, chỉ xin lỗi vì đến Manchester United quá muộn. Sau này, khi thi đấu trong màu áo Fernebahce, trở lại Old Trafford gặp đội bóng cũ, Van Persie đã gọi đây là Nhà.

Bởi chỉ khi đến Old Trafford, anh mới hội tụ được những “điều kiện đủ” để tài năng của mình thăng hoa, chinh phục đỉnh cao vinh quang: Một người thầy vĩ đại dẫn dắt, những đồng đội tài năng có cùng khát khao.

3 năm ngắn ngủi thi đấu cho Manchester United với 1 chức vô địch giành được, thành tích mà nhiều người cho rằng chưa tương xứng với tài năng của Van Persie.

Nhưng với Van Persie, anh đã làm được điều ý nghĩa nhất cuộc đời, chứng tỏ sự đúng đắn của câu nói: Đừng mong đích đến sẽ thay đổi nếu như bạn không thay đổi con đường.

Nguyên Phong


Nguyên Phong

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]