(Baothanhhoa.vn) - Trong bối cảnh quân đội Ukraine đang gặp nhiều khó khăn trên chiến trường do thiếu hụt vũ khí, trang bị, các cam kết viện trợ quân sự từ Mỹ và châu Âu được xem là phao cứu sinh quan trọng có thể giúp quân đội Ukraine cải thiện tình thế. Câu hỏi đặt ra là các gói viện trợ quân sự này có tác động như thế nào đến cục diện chiến trường Nga - Ukraine thời gian tới?

Thấy gì từ những cam kết viện trợ quân sự khổng lồ của Mỹ và châu Âu cho Ukraine?

Trong bối cảnh quân đội Ukraine đang gặp nhiều khó khăn trên chiến trường do thiếu hụt vũ khí, trang bị, các cam kết viện trợ quân sự từ Mỹ và châu Âu được xem là phao cứu sinh quan trọng có thể giúp quân đội Ukraine cải thiện tình thế. Câu hỏi đặt ra là các gói viện trợ quân sự này có tác động như thế nào đến cục diện chiến trường Nga - Ukraine thời gian tới?

Thấy gì từ những cam kết viện trợ quân sự khổng lồ của Mỹ và châu Âu cho Ukraine?

Thông điệp đằng sau các gói viện trợ

Thời gian gần đây, Mỹ và các nước châu Âu đưa ra nhiều cam kết viện trợ quân sự cho quân đội Ukraine. Ngày 24/4/2024, Tổng thống Mỹ Biden chính thức ký thành luật gói viện trợ 61 tỷ USD cho Ukraine, sau khi dự luật được Quốc hội Mỹ phê duyệt, nhất là Hạ viện Mỹ thông qua sau nhiều tháng bế tắc. Theo đó, khoảng 23 tỷ USD sẽ được Mỹ sử dụng để bổ sung kho dự trữ quân sự của mình, mở đường cho việc chuyển giao quân sự của Mỹ cho Ukraine trong tương lai. 14 tỷ USD khác sẽ dành cho Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine, cho phép Lầu Năm Góc mua các hệ thống vũ khí mới tiên tiến cho quân đội Ukraine trực tiếp từ các nhà thầu quốc phòng Mỹ. Ngoài ra, còn có các khoản tài trợ cho các hoạt động quân sự hiện tại của Mỹ trong khu vực, nâng cao năng lực của quân đội Ukraine và thúc đẩy hợp tác tình báo giữa Kiev và Washington...

Ngoài Mỹ, nhiều nước châu Âu tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine, tập trung vào nâng cao năng lực phòng không. Trong năm 2024, Đức cam kết sẽ gửi một loạt vũ khí mới tới Ukraine, bao gồm 20 xe chiến đấu bộ binh Marder, 15 pháo phòng không tự hành Gepard, 124 máy bay không người lái trinh sát RQ-35 Heidrun, 06 trực thăng quân sự đa nhiệm Sea King Mk41...; Pháp thông báo sẽ chuyển giao gói viện trợ quân sự gồm 40 tên lửa hành trình SCALP-EG và bom dẫn đường thông minh AASM cho Ukraine. Còn với khoản cam kết viện trợ 2,5 tỷ bảng Anh (3,2 tỷ USD) cho năm tài chính tiếp theo, chính quyền Ukraine kỳ vọng Anh có thể cung cấp thêm cho Ukraine tên lửa hành trình Storm Shadow và tên lửa chống tăng.

Gói viện trợ quân sự từ Mỹ và phương Tây đến vào thời điểm quan trọng khi Quân đội Ukraine đang thất thế vì thiếu hụt nghiêm trọng vũ khí, thiết bị quân sự. Theo giới phân tích quân sự Nga, thông qua các gói viện trợ trên, Mỹ và phương Tây muốn đạt được một số mục tiêu chiến lược sau:

Thứ nhất, giúp quân đội Ukraine củng cố vững chắc tuyến phòng thủ, tập trung lực lượng để tổ chức phản công thời gian tới. Kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine xảy ra vào tháng 2/2022, sự hậu thuẫn từ các nước phương Tây là yếu tố quan trọng hàng đầu giúp quân đội Ukraine đứng vững trước sức tấn công mạnh mẽ từ phía Nga cho đến ngày nay.

Sự hậu thuẫn của phương Tây giúp chính quyền Ukraine gần như chỉ phải tập trung duy nhất vào việc chiến đấu chống lại Nga, trong khi một phần nguồn kinh phí để duy trì hoạt động của bộ máy chính quyền Ukraine cũng được cung cấp bởi các nước phương Tây. Riêng về viện trợ quân sự, Mỹ và các nước phương Tây đã cung cấp cho Ukraine gần như mọi chủng loại vũ khí mà nước này yêu cầu, từ các loại vũ khí cá nhân cho đến khí tài hạng nặng, bao gồm cả những loại vũ khí tấn công tầm xa. Không chỉ cung cấp vũ khí, các nước phương Tây còn giúp đào tạo, làm chủ công nghệ và nâng cao khả năng tác chiến cho các đơn vị quân đội Ukraine. Nhìn chung, sự hậu thuẫn mạnh mẽ của phương Tây là yếu tố quan trọng nhất giúp Ukraine có thể kháng cự hiệu quả và duy trì khả năng chiến đấu tới tận thời điểm hiện tại của cuộc chiến, trong bối cảnh Ukraine đã phải chịu nhiều thiệt hại và hầu như không còn tiềm lực để tiếp tục duy trì xung đột.

Thứ hai, phương Tây ưu tiên tập trung vào những vũ khí có thể đối phó hiệu quả với chiến thuật tác chiến của Nga, nhất là về phòng không. Tháng 4/2024, Anh tuyên bố gửi thêm cho Ukraine tên lửa hành trình Storm Shadow trong gói viện trợ quân sự lớn nhất trong hơn 2 năm qua. Pháp cũng gửi biến thể tương tự của Storm Shadow là SCALP-EG cho Ukraine.

Theo các chuyên gia quân sự phương Tây, từ cách tiến hành chiến tranh của Nga, có thể nhận thấy rằng, phía Nga hầu như không hướng đến việc kiểm soát nhiều lãnh thổ của Ukraine nhất có thể, mà chủ trương làm suy yếu đến mức tối đa khả năng tiến hành chiến tranh của Ukraine. Điều này được thể hiện qua việc, kể từ đầu cuộc xung đột đến nay, phía Nga đã tập trung nhiều nỗ lực đánh phá hệ thống kho tàng, cơ sở hạ tầng quân sự và công nghiệp quốc phòng của Ukraine, sử dụng triệt để thế mạnh về hỏa lực pháo binh và không quân để làm tiêu hao tối đa các lực lượng Ukraine trên chiến trường. Theo thời gian, chiến lược này của Nga khiến Ukraine gần như không còn khả năng tự mình tiến hành chiến tranh nếu không nhận được sự giúp đỡ từ bên ngoài và trở nên phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn viện trợ quân sự cũng như kinh tế của phương Tây.

Thứ ba, các gói viện trợ như một thông điệp khẳng định rằng, Mỹ và phương Tây tiếp tục sẽ hỗ trợ cho chính quyền Ukraine, qua đó khích lệ tinh thần chiến đấu cho binh sĩ Ukraine. Theo các quan chức quân sự phương Tây, tâm lý, tinh thần chiến đấu của quân đội Ukraine sẽ khó tránh khỏi bị tác động, ảnh hưởng sau những thất bại từ đầu năm 2024 do thiếu hụt vũ khí, trang bị. Điều này cũng được chính Tổng thống Ukraine Zelensky thừa nhận trong cuộc trả lời phỏng vấn AFP vào ngày 17/5/2024, rằng quân đội Ukraine đang gặp phải khó khăn về nhân sự và tinh thần chiến đấu.

Cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường

Với các gói viện trợ mới từ phương Tây, quân đội Ukraine có thêm động lực tinh thần và nguồn vũ khí dồi dào để tổ chức phản công quy mô lớn trên nhiều mặt trận chiến lược quan trọng. Trước mắt, nhiệm vụ ưu tiên của quân đội Ukraine là duy trì vững chắc các tuyến phòng thủ, đồng thời tổ chức, cơ cấu lại lực lượng. Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn trên chiến trường và đối mặt với sự thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng, ngày 8/5/2024, Quốc hội Ukraine đã thông qua dự luật cho phép một số nhóm tù nhân chiến đấu trong lực lượng vũ trang nước này. Trước đó, tháng 4/2024, Tổng thống Ukraine Zelensky đã ký ban hành luật về động viên nhập ngũ, loại bỏ quy định cho giải ngũ đối với binh sĩ sau 36 tháng phục vụ trong quân đội, bao gồm 18 tháng ở tiền tuyến. Theo đánh giá của các chuyên gia Nga, các gói viện trợ quân sự mới từ phương Tây, một mặt, giải quyết tình trạng thiếu hụt vũ khí của Chính quyền Kiev; mặt khác, tạo ra áp lực lớn đối với quân đội Ukraine trên chiến trường. Việc gói viện trợ của Mỹ bị trì hoãn nhiều tháng ở Hạ viện như một thông điệp cho thấy, mọi khoản viện trợ từ Mỹ là không dễ dàng và Chính quyền Ukraine phải hành động hiệu quả hơn nữa trên chiến trường thời gian tới.

Trong khi đó, với quân đội Nga, những lợi thế đang có trên chiến trường có thể giúp phía Nga tiếp tục tấn công sâu hơn vào các vùng lãnh thổ của Ukraine. Để đối phó với các gói viện trợ quân sự cho Ukraine từ Mỹ/phương Tây, Nga cũng có kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng lên tới 7,5% GDP và đổi mới trên chiến trường. Theo đó, Nga ngày càng sử dụng nhiều loại bom lượn phóng từ trên không, từ những khoảng cách mà Ukraine không thể chống trả, và tăng cường sử dụng máy bay không người lái. Nga cũng có lợi thế về số binh sĩ trên mặt trận và tiếp tục sử dụng các cuộc không kích nhằm dọn đường để lực lượng trên thực địa tấn công sâu hơn vào các tuyến phòng thủ của Ukraine. Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu tiết lộ, lính thủy đánh bộ Nga đã tham gia chiến dịch kiểm soát Novomykhailivka và thu giữ được các loại vũ khí do phương Tây sản xuất, bao gồm súng phóng lựu của Thụy Điển, tên lửa chống tăng Javelin của Mỹ và hệ thống tác chiến điện tử của NATO. Ngoài ra, còn một phương án mà nhiều khả năng quân đội Nga sẽ thực hiện là tăng cường cường độ tấn công vào các trung tâm hậu cần và kho chứa vũ khí của phương Tây.

Hùng Anh (CTV)


Hùng Anh (CTV)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]