Tháo gỡ khó khăn để giáo viên được hưởng chế độ trợ cấp dạy học sinh khuyết tật
Nhiều giáo viên ở huyện Nga Sơn phản ánh đến Báo Thanh Hóa việc chưa được hưởng chế độ dạy học sinh khuyết tật theo phương thức giáo dục hòa nhập bậc mầm non đến THCS từ năm 2012-2021.
Bà Đặng Thị Thành, nguyên giáo viên Trường Tiểu học Nga Thạch về hưu đã nhiều năm nhưng chưa được nhận tiền trợ cấp giảng dạy trẻ khuyết tật.
Về hưu nhiều năm nhưng chưa nhận được chế độ trợ cấp
Bà Mai Thị Duyên, nguyên giáo viên Trường Tiểu học Nga Trung có thời gian công tác trong ngành giáo dục từ tháng 9/1991 đến tháng 9/2021. Trong quá trình công tác, năm học 2019-2020 bà được phân công trực tiếp giảng dạy tại lớp học có người khuyết tật theo học. Theo Khoản 1, Điều 7, Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 4/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật, giáo viên dạy học sinh khuyết tật sẽ được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi. Mặc dù đã được hướng dẫn làm hồ sơ, tuy nhiên đến khi về hưu vào năm 2021 bà vẫn chưa được nhận tiền trợ cấp theo quy định.
Còn bà Đặng Thị Thành, nguyên giáo viên Trường Tiểu học Nga Thạch, cho biết: "Tôi công tác từ năm 1989 đến năm 2020, được giao nhiệm vụ giảng dạy tại lớp học có học sinh khuyết tật theo học. Khi nghị định ra đời, tôi và các giáo viên khác rất vui vì được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ chế độ cho giáo viên dạy học sinh khuyết tật, tiếp thêm động lực để chúng tôi gắn bó với nghề. Tuy nhiên, dù chờ đợi nhiều năm, đến khi nghỉ hưu tôi vẫn không được nhận chế độ này”.
Năm 2022, khi đang là giáo viên hợp đồng tại Trường Tiểu học Nga Thạch, bà Thành được nhà trường hướng dẫn làm hồ sơ để nhận chế độ ưu đãi cho giáo viên dạy học sinh khuyết tật từ năm học 2012-2013 đến năm học 2020-2021. Theo cách tính của Nghị định số 28/2012/NĐ-CP, tổng số tiền phụ cấp mà bà được hưởng từ tháng 9/2012 đến tháng 10/2020 là hơn 37,7 triệu đồng.
“Do thời gian giảng dạy trẻ khuyệt tật dài, hồ sơ minh chứng nhiều, tôi đã phải mất rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc để làm công chứng giấy tờ theo quy định... Tuy nhiên, hơn 3 năm kể từ khi làm hồ sơ và gần 5 năm từ ngày nghỉ hưu, tôi vẫn chưa nhận được tiền. Hồ sơ bị trả lại mà không biết nguyên nhân do đâu”, bà Thành cho biết thêm.
Theo tìm hiểu của phóng viên, tất cả giáo viên dạy học sinh khuyết tật theo phương thức hòa nhập từ bậc mầm non đến THCS từ năm 2012-2020 tại huyện Nga Sơn đều chưa nhận được phụ cấp theo Nghị định số 28/2012/NĐ-CP.
Một hiệu trưởng tại huyện Nga Sơn cho biết, trước năm 2022 các trường không lập kế hoạch giáo dục riêng cho học sinh khuyết tật, vì vậy không có hồ sơ đầy đủ để xét duyệt trợ cấp. “Dạy học sinh khuyết tật là công việc rất vất vả. Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ thì cần tháo gỡ khó khăn về hồ sơ, tránh để giáo viên bị thiệt thòi”, vị hiệu trưởng này đề nghị.
Có thể tháo gỡ khó khăn?
Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Nga Sơn Phạm Văn Úy cho biết: Giai đoạn từ năm 2012 đến 2021, giáo viên tại 82 trường mầm non và THCS trên địa bàn huyện chưa nhận được phụ cấp ưu đãi theo Nghị định số 28/2012/NĐ-CP. Nguyên nhân là vướng mắc do hồ sơ không đầy đủ. Cụ thể, theo Thông tư số 03/2018/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT quy định về giáo dục hòa nhập đối với người khuyết tật, hồ sơ xét duyệt trợ cấp cho giáo viên dạy học sinh khuyết tật cần có các giấy tờ như: giấy xác nhận mức độ khuyết tật của học sinh, kế hoạch giáo dục cá nhân cho học sinh và sổ theo dõi tiến độ học tập của học sinh.
Tuy nhiên, trong giai đoạn này hầu hết các trường không có kế hoạch giáo dục cá nhân cho học sinh khuyết tật. Giáo viên cũng không cung cấp được bản gốc sổ theo dõi tiến độ hoặc giấy chứng nhận khuyết tật của học sinh.
Trước tình trạng hồ sơ có dấu hiệu “mới làm lại”, Phòng GD&ĐT yêu cầu các hiệu trưởng - thành viên hội đồng thẩm định hồ sơ xác nhận tính xác thực của các tài liệu. Tuy nhiên, không có hiệu trưởng nào ký xác nhận rằng hồ sơ là bản gốc được lưu trữ từ những năm trước theo đúng quy định...
Theo Công văn số 4112/SGDĐT-HTTC của Sở GD&ĐT Thanh Hóa về hồ sơ thực hiện chi trả chế độ cho giáo viên dạy trẻ khuyết tật theo phương thức giáo dục hòa nhập kế hoạch năm học là một trong những tài liệu bắt buộc để xét duyệt trợ cấp. Đây cũng là hồ sơ có thời hạn bảo quản vĩnh viễn theo quy định. Vì vậy, nếu các nhà trường không còn kế hoạch năm học của nhà trường thì không đủ điều kiện để chi trả chế độ theo quy định, như vậy giáo viên là những người phải chịu thiệt.
Để giải quyết khó khăn, vướng mắc liên quan đến hồ sơ, chế độ cho giáo viên dạy trẻ khuyết tật, các cơ quan chức năng cần có giải pháp tháo gỡ vướng mắc về thủ tục hồ sơ để bảo đảm quyền lợi cho giáo viên.
Bài và ảnh: Linh Hương
{name} - {time}
-
2025-04-12 13:34:00
Giáo dục STEM giúp học sinh khám phá, sáng tạo
-
2025-04-12 09:03:00
Bộ GD-ĐT đề nghị giữ nguyên các trường học khi thực hiện sáp nhập
-
2025-04-09 15:37:00
Chuẩn bị cho mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2025
Tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho học sinh
Lịch nghỉ lễ 30/4-1/5 của học sinh cả nước
Học sinh lớp 12 cả nước sẽ thi thử tốt nghiệp THPT 2025
Bộ Giáo dục Đào tạo thông tin việc dạy học 2 buổi mỗi ngày ở cấp THCS và THPT
Ocean Edu chính thức trở thành “Pearson Connected School” đầu tiên tại Việt Nam
Bộ Công an tổ chức thi đánh giá vào ngày 6/7, tất cả thí sinh phải thi Ngữ văn
Hơn 1,1 triệu thí sinh tham gia Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông 2025
Tổ hợp tuyển sinh không có môn chính: Bộ GD&ĐT sẽ yêu cầu các trường rà soát
Hướng nghiệp cho học sinh trong kỷ nguyên AI