(Baothanhhoa.vn) - Phát huy thế mạnh vùng đất “Quế Ngọc Châu Thường”, nhiều thanh niên của huyện Thường Xuân đã và đang xây dựng hiệu quả các mô hình kinh tế, những cách làm giúp họ thoát nghèo, vươn lên làm giàu và truyền cảm hứng cho nhiều thanh niên khác.

Thanh niên Thường Xuân và khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương

Phát huy thế mạnh vùng đất “Quế Ngọc Châu Thường”, nhiều thanh niên của huyện Thường Xuân đã và đang xây dựng hiệu quả các mô hình kinh tế, những cách làm giúp họ thoát nghèo, vươn lên làm giàu và truyền cảm hứng cho nhiều thanh niên khác.

Thanh niên Thường Xuân và khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương

Thanh niên Hà Việt Huy, xã Xuân Cao với mô hình trồng nho Hạ Đen.

Gương thanh niên tiêu biểu

Người đầu tiên mang giống nho Hạ Đen - giống nho không hạt, ngọt thanh về trồng ở đất Thường Xuân không ai khác chính là hai thanh niên Lê Văn Sơn và Hà Việt Huy.

Lê Văn Sơn (sinh năm 1999), người dân tộc Mường, tốt nghiệp với 2 bằng đại học của Học viện Hành chính Quốc gia và Trường Đại học Luật Hà Nội. Hà Việt Huy (sinh năm 2000) người dân tộc Thái, cũng có 2 tấm bằng cử nhân của Trường Đại học Luật Hà Nội và Đại học Hồng Đức. Hai thanh niên dù cùng quê Xuân Cao nhưng chưa từng biết nhau, đến khi ra Hà Nội học đại học họ mới làm quen, đặc biệt cả hai đều cùng chung khát khao được trở về lập nghiệp tại quê hương.

“Để tìm ra cây trồng mới phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương, mang lại hiệu quả, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, chúng em đã nghiên cứu, tìm hiểu rất nhiều về các giống cây ăn quả trong và ngoài tỉnh hiện nay. Trong một chuyến đi chơi ở Bắc Giang, thấy giống nho Hạ Đen đang được trồng nhiều, chúng em đã học hỏi kinh nghiệm, cách thức,... nung nấu ý định mang về quê”, Huy cho biết.

Năm 2021, khi về quê do dịch bệnh, Sơn và Huy bắt đầu dự án khởi nghiệp nông nghiệp của mình. Được gia đình hỗ trợ quỹ đất, hai thanh niên mạnh dạn vay vốn từ người thân, đầu tư xây dựng giàn mái che, hệ thống tưới bán tự động... Đưa hơn 500 cây giống nho Hạ Đen về trồng trên diện tích hơn 5 sào đất, chi phí ban đầu khoảng 50 triệu đồng/sào. Những tháng đầu tiên, Sơn và Huy vừa trồng vừa tự học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm trên mạng, từ những người đi trước. Sau 7 tháng nỗ lực ăn, ở tại vườn để chăm sóc từng gốc nho, thành quả khả quan bước đầu đạt được đó là vườn nho đã cho thu hoạch lứa quả đầu tiên. Lúc đó, cả Sơn và Huy như được thở phào nhẹ nhõm bởi đất đã không phụ công người, cây nho đã thực sự “bén duyên” với vùng đất ven bờ sông Chu.

Đến nay, năng suất nho trung bình đạt 1,5 - 2 tạ/sào. Thị trường tiêu thụ chủ yếu do các thương lái thu mua cho các cửa hàng thực phẩm sạch và bán trực tiếp cho các nhóm du khách đến tham quan, trải nghiệm tại vườn. Thành công từ mô hình trồng nho, Sơn và Huy còn có nhiều ấp ủ cho phát triển nông nghiệp của địa phương, tiếp tục đưa những cây trồng mới năng suất, hiệu quả về trồng.

Thanh niên Thường Xuân và khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương

Chị Hà Thị Tuyến, bản Mạ (khu phố Thanh Xuân), thị trấn Thường Xuân giới thiệu đặc sản địa phương.

Cùng mang trong mình bầu nhiệt huyết tuổi trẻ, khởi nghiệp làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, vợ chồng chị Hà Thị Tuyến chọn du lịch cộng đồng, một trong những lợi thế của Thường Xuân hiện nay, xây dựng homestay tại bản Mạ (khu phố Thanh Xuân), thị trấn Thường Xuân.

Sinh ra trong gia đình thuần nông, cuộc sống hai vợ chồng chị Hà Thị Tuyến khó khăn chồng chất do không có công việc ổn định. Sau này, khi tiếp cận được các chính sách ưu đãi của Nhà nước và nắm bắt làn sóng du lịch cộng đồng tại địa phương, năm 2017 gia đình chị mạnh dạn vay vốn ngân hàng để đầu tư làm du lịch. Tích lũy kinh nghiệm, vợ chồng chị tự đến các điểm du lịch cộng đồng trong và ngoài tỉnh học hỏi, học từ quản lý đến xây dựng mô hình, quảng bá sản phẩm, nhu cầu khách hàng... Vợ chồng chị đã cải tạo khu nhà sàn với diện tích 120m2, thành khu nghỉ dưỡng và phục vụ ăn uống.

Đến nay, sau gần 10 năm gắn bó với du lịch cộng đồng, mô hình của vợ chồng chị Tuyến là một trong những mô hình du lịch thành công của huyện. Đến nay, homestay Tuyến Tính trở thành điểm nghỉ dưỡng được khách du lịch yêu thích. Gia đình chị cũng đã đầu tư xây dựng thêm 8 nhà sàn, trong đó có 3 căn riêng, 3 căn cho khách nghỉ và 2 nhà sàn phục vụ ăn uống cho khoảng 300 khách. Trung bình mỗi năm, gia đình chị Tuyến đón khoảng 8 nghìn lượt khách. Nhờ phát triển du lịch cộng đồng, cuộc sống của gia đình chị được cải thiện rõ nét, có điều kiện chăm sóc các con tốt hơn, và tạo việc làm ổn định cho một số lao động địa phương.

Góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp

Thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trong đoàn viên thanh niên, những năm qua Huyện đoàn Thường Xuân tích cực triển khai nhiều hoạt động sáng tạo, cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp”, “Ý tưởng sáng tạo”, cuộc vận động “Mỗi thanh niên một ý tưởng, sáng kiến sáng tạo"... Kết quả, toàn huyện có 23 ý tưởng sáng tạo được hỗ trợ, hiện thực hóa trong năm 2024 với đa dạng hình thức như: Hỗ trợ vay vốn từ ngân hàng Chính sách xã hội; hỗ trợ giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tạo điều kiện cho đoàn viên thanh niên tham gia các lớp tập huấn. Huyện có 4 cá nhân là gương thanh niên, sinh viên tiêu biểu và tấm gương khởi nghiệp thành công trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024.

Thanh niên Thường Xuân và khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương

Thanh niên Thường Xuân góp sức xây dựng nông thôn mới

Bên cạnh đó, đoàn viên thanh niên trong huyện tích cực tham gia xây dựng quê hương với nhiều hoạt động, chương trình cụ thể, thiết thực. Trong đó, đoàn thanh niên cơ sở đăng ký đảm nhận hàng trăm công trình, phần việc thanh niên như tu sửa, làm mới đường giao thông liên thôn bản, cải tạo vườn tạp, trao sinh kế, cây giống; duy trì xây dựng và nhân rộng các mô hình “Đường tranh bích họa”, “Vườn hoa thanh niên”, “Hàng cây thanh niên”, tuyến đường điện “Thắp sáng đường quê”, “Tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp - văn minh - an toàn”. Câu lạc bộ thanh niên bảo vệ môi trường, thu gom rác thải... Năm 2024, Huyện đoàn Thường Xuân đã gắn biển 20 tuyến đường thanh niên tự quản, tuyến đường “Sáng - xanh - sạch - đẹp - văn minh - an toàn”, xây mới 6 tuyến đường tranh bích họa, đường hoa thanh niên, mô hình cột điện nở hoa...

Thanh niên Thường Xuân và khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương

Đoàn viên thanh niên huyện Thường Xuân giúp bà con cài mã định danh điện tử.

Phó Bí thư Huyện đoàn Thường Xuân, Lê Đình Quyền cho biết: “Thúc đẩy thanh niên khởi nghiệp, chung sức xây dựng quê hương, những năm qua Huyện đoàn Thường Xuân đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động bổ ích, thiết thực như tư vấn, giới thiệu việc làm; tổ chức đối thoại giữa thanh niên và lãnh đạo; mở lớp tập huấn nghề nghiệp... Đồng thời, tạo điều kiện, hỗ trợ về nguồn vốn vay cho các mô hình, khuyến khích nhân rộng với những mô hình có hiệu quả...”.

Bài và ảnh: Vân Anh


Bài và ảnh: Vân Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]