(Baothanhhoa.vn) - Từng là một xã miền núi nghèo và lạc hậu, Thành Lâm giờ đây trù phú, khang trang nhưng vẫn giữ được những nét văn hóa bản địa nhờ phát triển du lịch cộng đồng.

Thành Lâm: Nơi đất, núi chuyển mình

Từng là một xã miền núi nghèo và lạc hậu, Thành Lâm giờ đây trù phú, khang trang nhưng vẫn giữ được những nét văn hóa bản địa nhờ phát triển du lịch cộng đồng.

Thành Lâm: Nơi đất, núi chuyển mìnhBản Đôn - nơi có những thửa ruộng bậc thang đẹp nhất xã Thành Lâm.

“Chuyển mình” từ những điều nhỏ nhất

Ngược núi vào một ngày tháng 7, giữa khung cảnh nguyên sơ, yên bình của núi rừng Pù Luông, xã Thành Lâm (Bá Thước) chào đón chúng tôi với cái nắng vàng trải trên những thửa ruộng bậc thang, đâu đó còn nghe tiếng suối róc rách từ trong khe núi. Thành Lâm - nơi có tới hơn 93% diện tích đất làm nông nghiệp trên địa hình đồi núi không bằng phẳng, được bao bọc bởi những cánh rừng xanh mướt, những thác nước mát lạnh, những dòng suối chảy xuyên rừng.

Dù phát triển du lịch dựa trên những bản sắc nguyên sơ vốn có, nhưng ở Thành Lâm hầu hết các dịch vụ cơ bản như lưu trú, ăn uống đều khá đầy đủ, chuyên nghiệp và bài bản. Hiện tại, xã có 27 cơ sở lưu trú và nhiều nhà hàng, đơn vị kinh doanh dịch vụ khác. Thôn Đôn là nơi tập trung các homestay và resort nhiều nhất, có thể kể đến như: Puluong Tree House, Puluong Retreat... Đặc biệt, ít có nơi nào mà hầu hết người dân đều giữ được nhà sàn truyền thống có kiến trúc độc đáo như thôn Đôn.

Đến với xã Thành Lâm, du khách còn có cơ hội khám phá những nét văn hóa độc đáo của dân tộc Thái như mặc trang phục truyền thống, giao lưu văn hóa, văn nghệ mỗi tối hay thưởng thức những món ẩm thực đặc trưng vùng cao như: nộm rau dớn rừng, sâu măng, xôi nếp nương... Thú vị hơn cả là được nghe già làng, trưởng bản kể những câu chuyện về cách người dân nơi đây “bén duyên” với du lịch để có được cuộc sống mới tươi đẹp như ngày nay.

Ông Hà Huy Giáp, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Đôn, mới ngoài 60 nhưng lúc trò chuyện ông hay dẫn nhập “hồi xưa, trước đây, bây giờ” để so sánh thu nhập, đời sống người dân. Theo ông, sự thay đổi của thôn Đôn nói riêng và xã Thành Lâm nói chung như nhân vật Lọ Lem bước ra từ câu chuyện cổ tích vậy. Trước những năm 2000, đời sống của người dân trong thôn phần lớn vất vả vì mỗi năm chỉ độc 2 vụ lúa, xen canh thêm ít ngô và hoa màu nhưng không đáng kể. Đa số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, tết nào huyện Bá Thước cũng lo cứu trợ lương thực, thực phẩm cho người dân. Rồi những vị khách nước ngoài đầu tiên đến tham quan, họ đi rồi quay lại cùng những người bạn. Gia đình ông Giáp và một vài gia đình trong thôn đã sửa sang lại căn nhà sàn truyền thống để phục vụ nhu cầu lưu trú của khách.

Du lịch cộng đồng ở Thành Lâm càng rõ nét khi Puluong Retreat được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động tại bản Đôn vào năm 2017. Người ta truyền tai nhau những bức ảnh về một resort cao cấp với bể bơi vô cực giữa núi rừng hoang vu. Vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ của núi, rừng và những thửa ruộng bậc thang nên thơ đã thu hút rất nhiều khách du lịch đến địa phương. Từ đó, người dân trong xã có thêm nghề mới - nghề làm du lịch.

Để xây dựng đội ngũ nhân lực phục vụ du lịch, con em trong xã được đưa đi học các ngành nghề liên quan, tham gia các lớp đào tạo, tập huấn về nhà hàng, khách sạn, nấu ăn, học ngoại ngữ... Đến nay, xã đã thành lập các đội hướng dẫn viên, đội văn nghệ, đội thêu, đội thể thao, đội xe ôm... để phục vụ du khách. Ông Giáp nhớ lại: “Trước kia, mùa màng xong xuôi, đàn ông, thanh niên trong bản tụ tập lại nhậu nhẹt, đánh bài, rồi gây gổ đánh nhau gây mất trật tự an ninh xã hội. Bây giờ, đã tham gia làm dịch vụ thì không thể uống bia rượu như ngày xưa. Ai uống bia, uống rượu thì bị cấm tiệt, không được phục vụ khách. Ai có hơi men thì doanh nghiệp và các cơ sở làm dịch vụ họ không kêu người đó đi làm. Đó là chưa kể tới việc ảnh hưởng hình ảnh của địa phương. Vì vậy, tình trạng thanh niên uống rượu bia trong ngày giảm đáng kể”.

Kể từ khi du lịch cộng đồng xuất hiện, bà con ở Thành Lâm có cơ hội tiếp xúc nhiều nền văn hóa khác nhau từ trong nước đến khách quốc tế. Sự e dè, ngại ngùng đã không còn hiện hữu trên ánh mắt hay cử chỉ của mỗi người thay vào đó là những lời mời chào thân thiện, mến khách. Và cũng nhờ làm du lịch, ý thức của người dân thay đổi hẳn. Bà con tự nhắc nhở nhau sửa nhà cửa, quy hoạch lại chuồng gà chuồng lợn, không thả rông vật nuôi ra đường; dọn vệ sinh chuồng nuôi gà, lợn; không vứt rác bừa bãi, giữ gìn vệ sinh môi trường chung; trang trí lại nhà cửa sao cho đẹp và bắt mắt hơn...

Hơn 90% hộ nghèo, giờ còn 11 hộ

Sau khi chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang dịch vụ - nông nghiệp phục vụ du lịch, ông Giáp bảo người dân có việc làm ổn định hơn. Có đồng ra đồng vào, chuyện học hành của con em trong thôn cũng được quan tâm hơn. Giờ thôn chỉ còn lo phát triển cơ sở hạ tầng để phục vụ du khách ngày càng tốt hơn. Bản có 160 hộ/715 nhân khẩu, hầu hết trực tiếp hay gián tiếp tham gia làm du lịch cộng đồng như nhà nghỉ homestay, bungalow; sản xuất nông nghiệp, trồng lúa, chăn nuôi gia súc, gia cầm và làm dịch vụ du lịch. Hiện nay, bản chỉ còn 11 hộ nghèo, mà những hộ này thuộc diện bảo trợ xã hội (người già neo đơn, người bị bệnh hiểm nghèo không có khả năng lao động...).

“Bén duyên” với du lịch, Thành Lâm chuyển mình từng ngày. Tuy nhiên, nhìn từ thực tế Thành Lâm còn đang gặp rất nhiều khó khăn bởi nhiều lý do khác nhau như: Kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, giao thông đi lại còn khó khăn; số lượng dịch vụ du lịch còn manh mún, tự phát; chất lượng chưa cao, chưa đạt được kỳ vọng đặt ra; trình độ dân trí không đồng đều nên việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia vào các hoạt động du lịch cũng là một thách thức không nhỏ... Ông Nguyễn Cơ Thạch, Chủ tịch UBND xã Thành Lâm cho biết: “Chúng tôi đề nghị với tỉnh, huyện và các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công các tuyến đường và các quy hoạch trên địa bàn xã để Thành Lâm thực chất trở thành điểm du lịch hấp dẫn với du khách, giao thông đi lại thuận tiện. Tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền tới cán bộ, đảng viên và Nhân dân xác định kinh tế du lịch là một lĩnh vực quan trọng để từ đó nâng cao nhận thức của người dân và của cả hệ thống chính trị; góp phần xây dựng Thành Lâm trở thành xã có sự phát triển kinh tế gắn với du lịch của huyện Bá Thước”.

Bài và ảnh: Tăng Thúy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]