(Baothanhhoa.vn) - Xuất khẩu lao động (XKLĐ) là một trong những giải pháp quan trọng trong chiến lược giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Với cách làm quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả, Thanh Hóa đã trở thành điểm sáng trên bản đồ XKLĐ cả nước, không chỉ về số lượng mà còn ở chất lượng lao động và độ mở thị trường.

Thanh Hóa - điểm sáng trên bản đồ xuất khẩu lao động cả nước

Xuất khẩu lao động (XKLĐ) là một trong những giải pháp quan trọng trong chiến lược giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Với cách làm quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả, Thanh Hóa đã trở thành điểm sáng trên bản đồ XKLĐ cả nước, không chỉ về số lượng mà còn ở chất lượng lao động và độ mở thị trường.

Thanh Hóa - điểm sáng trên bản đồ xuất khẩu lao động cả nước

Chất lượng đào tạo nghề quyết định năng lực lao động xuất khẩu. (Trong ảnh: Sinh viên Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa trong giờ thực hành). Ảnh: Trần Hằng

Những con số ấn tượng

Năm 2024, XKLĐ tiếp tục là điểm sáng nổi bật trong bức tranh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa với 13.820 lao động được đưa đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, vượt 130,3% kế hoạch năm và đạt 91,35% so với cùng kỳ năm trước. Riêng 6 tháng đầu năm 2025, toàn tỉnh đã đưa 5.075 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt 84,6% kế hoạch năm (mức cao so với mặt bằng chung cả nước). Thị trường Đài Loan tiếp tục dẫn đầu với 2.150 lao động, theo sau là Nhật Bản (1.913 lao động) và Hàn Quốc (635 lao động). Thanh Hóa một lần nữa đứng đầu toàn quốc về số lượng người đăng ký dự thi tiếng Hàn EPS với 5.533 hồ sơ (chiếm tới 24,4% cả nước).

Lao động tỉnh ta được đánh giá cao nhờ ý thức kỷ luật, tinh thần học hỏi và khả năng thích nghi tốt với môi trường làm việc chuyên nghiệp ở nước ngoài. Các ngành nghề tuyển dụng tập trung chủ yếu vào nông nghiệp, cơ khí, điện tử, xây dựng, chế biến thực phẩm, thủy sản - những lĩnh vực có nhu cầu lớn, mức thu nhập ổn định và khả năng phát triển lâu dài.

Song song với việc mở rộng quy mô, công tác đào tạo, tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho người lao động cũng được đẩy mạnh. Từ năm 2024 đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa đã tổ chức 22 phiên giao dịch việc làm định kỳ tại trung tâm và phiên lưu động tại các địa phương trong tỉnh thu hút trên 300 lượt doanh nghiệp, đơn vị tham gia và trên 10.500 lượt người lao động tìm kiếm cơ hội việc làm. Qua các phiên giao dịch, đã kết nối thành công việc làm cho hơn 1.800 lao động, bao gồm những người tìm việc trong nước, XKLĐ và học nghề. Đồng thời, đã cung cấp thông tin về thị trường lao động, tư vấn việc làm, XKLĐ và các chính sách liên quan cho trên 60.000 lượt người lao động.

Ngoài ra, công tác phối hợp giữa các sở, ngành cũng được tăng cường để đảm bảo quy trình XKLĐ được thực hiện đúng luật, minh bạch và hiệu quả. Tỉnh ta không chỉ dẫn đầu về số lượng mà còn tiên phong về tổ chức kỳ thi tiếng Hàn theo chương trình EPS ngay tại địa phương, một động thái được đánh giá cao về cải cách hành chính, tiết kiệm chi phí, tạo thuận lợi lớn cho người lao động. Đây cũng là bước đệm quan trọng để tỉnh tiếp tục mở rộng thị trường trong những năm tiếp theo.

Kết quả đạt được là minh chứng rõ nét cho hiệu quả của các giải pháp đồng bộ, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp và sự chủ động, nỗ lực vươn lên của chính người lao động. Những con số ấy không chỉ thể hiện thành tích, mà còn khẳng định uy tín và vị thế của tỉnh ta trên bản đồ XKLĐ quốc gia.

Hướng đi bền vững

Để đạt được những kết quả nổi bật trong công tác XKLĐ, các ngành có liên quan đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực, trọng tâm là tạo điều kiện toàn diện cho người lao động tiếp cận cơ hội làm việc ở nước ngoài. Trước hết, tỉnh đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về các chương trình XKLĐ chính thống, tập trung vào các địa phương còn khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Những buổi hội nghị, ngày hội việc làm, phiên giao dịch được tổ chức trực tiếp tại cơ sở, giúp người dân hiểu rõ về điều kiện tuyển dụng, quy trình hồ sơ và chi phí minh bạch.

Thanh Hóa - điểm sáng trên bản đồ xuất khẩu lao động cả nước

Người dân đến tìm hiểu thông tin về xuất khẩu lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa. Ảnh tư liệu của Tr.H

Song song với đó, công tác đào tạo nghề, ngoại ngữ và kỹ năng mềm được tăng cường. Các trung tâm dịch vụ việc làm, trung tâm giáo dục nghề nghiệp phối hợp với doanh nghiệp tổ chức lớp học sát với yêu cầu thị trường. Riêng với chương trình đi Hàn Quốc theo diện EPS, tỉnh tổ chức thi tiếng Hàn ngay tại địa phương, tạo điều kiện thuận lợi về thời gian, chi phí cho người lao động. Hàng nghìn lao động đã được hỗ trợ ôn luyện miễn phí trước kỳ thi, góp phần đưa Thanh Hóa trở thành địa phương có số lượng thí sinh đăng ký thi tiếng Hàn nhiều nhất cả nước.

Đặc biệt, tỉnh ta triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ tài chính. Người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được hỗ trợ chi phí học nghề, học ngoại ngữ và khám sức khỏe. Ngoài ra, họ còn được tạo điều kiện vay vốn tín chấp tại Ngân hàng Chính sách xã hội, mức vay lên tới 100 triệu đồng với lãi suất ưu đãi. Nhiều địa phương còn chủ động trích ngân sách hỗ trợ một phần chi phí hồ sơ, lệ phí xuất cảnh, qua đó tháo gỡ rào cản tài chính - yếu tố vốn là trở ngại lớn nhất với người lao động nghèo.

Không chỉ hỗ trợ trước khi đi, công tác hậu kiểm sau xuất cảnh cũng được chú trọng. Các ngành chức năng phối hợp theo dõi sát tình hình cư trú, việc làm của lao động tại nước ngoài, hỗ trợ pháp lý khi xảy ra tranh chấp. Đây là điểm khác biệt quan trọng giúp Thanh Hóa đảm bảo an toàn, quyền lợi chính đáng cho người lao động, xây dựng được uy tín bền vững với các thị trường quốc tế.

Với định hướng mở rộng XKLĐ sang các thị trường mới có thu nhập cao và yêu cầu chuyên môn sâu, tỉnh ta đang tích cực xúc tiến hợp tác với các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp nước ngoài, và tham gia các chương trình quốc gia về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, đẩy mạnh liên kết “4 nhà” (Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp - nhà nông) trong đào tạo lao động phục vụ xuất khẩu. Đồng thời, xác định rõ: Chỉ khi người lao động có đủ năng lực chuyên môn, kỹ năng nghề và ngoại ngữ thì mới có thể tiếp cận được thị trường cao cấp, tạo bước phát triển bền vững cho cả cá nhân và cộng đồng. XKLĐ vì thế không chỉ là lối thoát nghèo, mà còn là hành trình hội nhập toàn diện vào thị trường lao động quốc tế.

XKLĐ đã và đang trở thành một trụ cột quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Những kết quả đạt được trong thời gian qua không chỉ phản ánh hiệu quả của các giải pháp điều hành, mà còn thể hiện sự đồng thuận, nỗ lực từ chính người lao động. Với định hướng mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đảm bảo an sinh bền vững, Thanh Hóa tiếp tục khẳng định vai trò là điểm sáng trên bản đồ XKLĐ cả nước.

Trần Hằng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]