Thầm thì tiếng tiền nhân
Lịch sử là sự tiếp nối, vùng đất bên bờ sông Mã, sông Chu giờ đây không chỉ là đất thiêng, mà còn trở thành đất phát.
Từ trên núi Đọ nhìn xuống là một không gian xóm làng trù mật.
Năm 1994, lần đầu tiên vào Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa tôi đã dừng lại khá lâu trước những công cụ dùng để săn bắt, canh tác bằng đá được bảo tàng đem về từ núi Đọ. Những công cụ thô sơ nhưng nói lên rất nhiều điều về đời sống, sinh hoạt của cộng đồng người từ thời chưa có Nhà nước. Tôi định bụng sẽ phải đến tận di chỉ khảo cổ học đặc biệt này để thỏa mãn sự tò mò, nhưng rồi áp lực cuộc sống khiến cho dự định ấy phải mất 30 năm sau mới thực hiện được. Đó là một ngày cuối đông năm Quý Mão.
Trong hành trình từ trung tâm TP Thanh Hóa ra núi Đọ ở mạn Tây Bắc phải đi qua Khu Công nghiệp Đình Hương - Tây Bắc Ga và một làng hoa nổi tiếng của thành phố thuộc phường Đông Cương.
Ở bên hữu ngạn hai dòng sông lớn nhất xứ Thanh này trong cơn lốc đô thị hóa vẫn khiến chúng ta nhận ra vẻ đẹp của làng mạc với ít nhiều nét cổ xưa. Ở đó có những cái tên gợi nhớ biết bao điều, từ lịch sử, văn hóa, đến ý chí, khát vọng chinh phục của tiền nhân như Dương Xá, Hạc Oa, Đại Khối, làng Vồm, làng Giàng... Những cái tên đem đến những lát cắt văn hóa khiến nhiều người mường tượng ra và liên hệ đến những gạch nối giữa quá khứ và hiện tại. Trong vài dặm vuông dưới chân núi, dọc triền sông, cảm giác còn lưu giữ biết bao trầm tích. Cũng phải thôi, bởi vùng đất Thiệu Dương, Thiệu Khánh này từng là thành Tư Phố, trấn lỵ Thanh Hóa xưa, cũng là nơi gắn với những anh hùng, hào kiệt, những câu chuyện đẫm màu sử thi. Theo sách sử chép lại, đây là trị sở sớm nhất và tương đối lâu của Thanh Hóa thời thuộc Hán cho đến đầu tiền Tống. Thành Tư Phố xưa nằm trên phần đất Kẻ Vồm, có núi Vồm và nhiều cảnh đẹp quanh vùng có tên là Bàn A thập cảnh...
Chùa Vồm tọa lạc trong không gian văn hóa Bàn A thập cảnh, nơi có tiếng là đẹp và thiêng, nay thuộc phường Thiệu Khánh, TP Thanh Hóa.
Khoan hãy nói đến thời kỳ này, vì có huy hoàng, rực rỡ tới chừng nào thì cũng là giai đoạn muộn so với những chứng tích trước đó đã làm nên sự nổi tiếng của vùng đất. Đó là núi Đọ - nơi các nhà khảo cổ học phát hiện được một công xưởng lớn sản xuất công cụ bằng đá của người nguyên thủy, nay thuộc các xã, phường Thiệu Vân, Thiệu Khánh, TP Thanh Hóa và xã Tân Châu, huyện Thiệu Hóa; là làng cổ Đông Sơn thuộc phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa. Chính nơi này cách đây tròn 100 năm đã phát hiện ra những đồ dùng bằng đồng thuộc thời đại đồng thau. Tên làng Đông Sơn sau đó được chọn đặt cho một nền văn hóa nổi tiếng trong lịch sử: Văn hóa Đông Sơn.
Đi qua mép làng Đông Sơn, con đường dẫn vào núi Đọ không xa lắm. Ngọn núi có dáng vẻ giống hình con rùa này từng là trung tâm cư trú và chế tác công cụ của người xưa, giờ trập trùng cây lá hỗn giao. Nếu không đủ kiên trì sẽ khó để có thể lên đỉnh núi. Người dẫn đường là một thanh niên bản địa nói với tôi điều đó khi gặp con đường nhỏ, đá xếp lô nhô, cây quấn chân rất khó chịu. Sau khoảng 30 phút chúng tôi lên đến một bãi đất bằng. Thanh niên dẫn đường giới thiệu đây là nơi có view đẹp nhất của núi Đọ, có thể quan sát được bốn phương, tám hướng. Tôi phóng tầm mắt và thấy TP Thanh Hóa với những tòa nhà cao, mạn Thiệu Hóa là những làng mạc trù phú, cánh đồng vụ đông đang tấp nập trong kỳ thu hoạch. Đẹp nhất là nhìn dòng sông Chu với con đê như một nét mày của tạo hóa trong bức tranh khó có thể đẹp hơn. Từ đây nhìn về cầu phao Vồm, chùa Vồm rất rõ. Thú vị nhất là hai quả “núi mồ côi” hai bên bờ sông từng được thần thoại hóa gắn tên ông Bưng, ông Vồm với cuộc giao đấu kinh thiên động địa. Đó là câu chuyện được xem như là sự thể hiện ý chí, khát vọng về một sức mạnh phi thường của cư dân nông nghiệp xưa.
Cúi xuống nhặt những viên đá với nhiều hình thù khác nhau, tôi cố liên tưởng tới những mảnh tước mà con người thời kỳ đồ đá đã dùng làm công cụ, vũ khí. Có lẽ trong sâu thẳm núi Đọ vẫn sẽ còn những di vật mà tổ tiên loài người đã sử dụng. Những đợt khai quật trước đây vẫn chưa thể tìm ra cuộc sống đầy đủ nhất của con người trong giai đoạn lịch sử sơ khai này. Di chỉ khảo cổ học núi Đọ nếu được mở rộng diện khai quật có thể sẽ còn phát hiện được những điều lý thú hơn nữa. Vậy nên, trong lần trèo lên núi Đọ này tôi đã nuôi một ước mong. Một người yêu lịch sử như tôi cũng phải mất 30 năm mới thực hiện được việc mình từng nghĩ đến đó là đến nơi ở của người xưa. Nếu như nơi này được quy hoạch, phát triển thành một điểm đến chính quy với hạ tầng tốt hơn, có lẽ sẽ cuốn hút khách đến nhiều hơn, tạo ra một gạch nối dẫn truyền quá khứ với hiện tại một cách trực quan nhất.
Trong không gian mạn bờ Nam sông Mã, sông Chu trên dải đất đậm đặc chất liệu lịch sử và dòng chảy của phù sa văn hóa, núi Đọ là một di chỉ khảo cổ học nổi tiếng thời kỳ đồ đá, thì làng cổ Đông Sơn lại là một di chỉ đại diện cho thời kỳ đồ đồng. Hai thời kỳ cách rất xa nhau về thời gian, nhưng lại cùng hiện diện trên cùng một không gian rất gần gũi cả về địa lý và sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng.
Năm 2004 trong dịp kỷ niệm 80 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Đông Sơn, vì có mối quen nên tôi đã xin phụ giúp đoàn khai quật khảo cổ học đào thám sát ở làng cổ, và vì thế cảm nhận được nhiều hơn giá trị của nền văn hóa đặc sắc và nổi tiếng này qua các địa tầng sinh thổ. Từ đó, tôi ngộ ra rằng còn có rất nhiều thứ gắn với văn hóa Đông Sơn hơn mình từng nghĩ. Làng cổ Đông Sơn chỉ là nơi phát hiện ra nền văn hóa đồ sộ và rực rỡ này. Giá trị của văn hóa Đông Sơn đến nay đã vượt ra khỏi biên giới quốc gia. Tôi cho rằng, mình có bỏ bê công việc để theo đoàn khai quật cũng rất đáng giá.
Còn có câu chuyện khác ở vùng đất này, đó là trên đỉnh non thiêng Hàm Rồng nhiều năm nay sự ra đời của Thiền viện Trúc lâm Hàm Rồng được xem như là một trung tâm tín ngưỡng Phật giáo mới tại xứ Thanh. Trong lần đến thiền viện này tôi cố gắng bước hết mấy trăm bậc đá mà không mảy may vướng bận điều gì cho đến tận khi tựa lưng vào tòa đại hùng bảo điện. Dưới kia là dòng Mã giang an nhiên chảy, lượn sát núi Rồng, núi Ngọc, được người xưa xếp vào hàng đất thiêng. Dù biết rằng dưới lòng đất ấy có thể vẫn còn bom Mỹ một thời đánh phá cầu Hàm Rồng, nhưng trên đất ấy bây giờ là cuộc sống mới. Cụm từ “đất lửa” thường chỉ còn được nhắc đến vào dịp 3 - 4/4 hàng năm kỷ niệm ngày Hàm Rồng chiến thắng. Hàm Rồng bây giờ là đất du lịch, đất tâm linh. Những giá trị lịch sử, văn hóa ở đây cùng sự nỗ lực kiến tạo của chính quyền và tham gia của doanh nghiệp, đã khởi phát một trung tâm “công nghiệp không khói” của xứ Thanh. Từ thiền viện, nhìn ra những ngọn đồi, cả bên mạn bờ Bắc phía Tào Xuyên là một màu xanh yên bình... Con đường du lịch sông nước với hành trình thủy cơ xuất phát từ bến Hàm Rồng đưa khách ngược xuôi sông Mã đã kết nối đất này với những địa danh hai bên bờ mà con tàu dừng lại; qua đó cũng góp phần hút rất nhiều du khách đến với xứ Thanh.
Có lần từ bến thủy Hàm Rồng tôi đã ngược lên ngã Ba Bông trong câu chuyện đẫm màu huyền thoại của sông nước, làng mạc, những di tích, danh thắng hai bên bờ. Một hành trình ngắn ngủi nhưng được nghe kể về tâm thức Việt, tài hoa Việt trong những chiếc trống đồng nhiều năm tuổi, như được sống trong tâm sự của những chiếc rìu đá của người xưa từ xa xăm núi Đọ vọng về...
Lịch sử là sự tiếp nối, vùng đất bên bờ sông Mã, sông Chu giờ đây không chỉ là đất thiêng, mà còn trở thành đất phát. Trong vi vu gió và xào xạc lá, tôi như nghe thấy “những buổi ngày xưa vọng nói về”.
Lam Vũ
{name} - {time}
-
2025-01-15 09:31:00
Nhiều kênh truyền hình dừng phát sóng kể từ ngày hôm nay
-
2025-01-14 13:56:00
Báo chí chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ thông tin đối ngoại quan trọng năm 2025
-
2024-02-12 15:04:00
Lung linh miền di sản
Xúc tiến, quảng bá - tiền đề cho du lịch “cất cánh”
Một thế kỷ di chỉ văn hóa Đông Sơn trên đất Thanh
Trẩy hội Đền Nưa - Am Tiên
[E-Magazine] – Những buổi ngày xưa vọng nói về…
Trong hương xuân thơm nồng
Cáp treo Fansipan mở cửa trở lại từ 8/2 cùng chuỗi lễ hội rộn ràng đón xuân
[Podcast] Truyện ngắn: Xuân về bên sườn đồi
Cà kê chuyện rồng
Nét đẹp tục xông đất và hái lộc đầu xuân