Tạo tiền đề cho mục tiêu xây dựng xã hội học tập
Cùng với mô hình “Gia đình học tập”, trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, hội khuyến học (HKH) các cấp, ngành giáo dục, cấp ủy, chính quyền các địa phương luôn coi trọng và đẩy mạnh phong trào xây dựng “Dòng họ học tập” (DHHT) hướng tới mục tiêu xây dựng thành công xã hội học tập (XHHT) từ cơ sở.
Các cháu học sinh, sinh viên dòng họ Nguyễn Trọng (xã Tống Sơn) đạt thành tích xuất sắc trong học tập nhận thưởng từ ban khuyến học dòng họ.
Tại xã Thiệu Ngọc (cũ), nay là xã Thiệu Tiến, từ sự tham mưu của HKH xã, UBND xã đã tổ chức thành công hội nghị gặp mặt 38 trưởng họ, hội đồng gia tộc dòng họ trong toàn xã. Tại hội nghị này, các trưởng họ, hội đồng gia tộc dòng họ đã đóng góp nhiều ý kiến hay về việc giáo dục con cháu, thi đua gắn kết giữa gia đình trong dòng họ giúp đỡ lẫn nhau để không ai bị bỏ lại phía sau; khen thưởng, động viên các cháu có thành tích trong học tập. Từ đó, các dòng họ, chi họ trên địa bàn xã đã hưởng ứng tích cực, thực hiện có hiệu quả phong trào khuyến học, khuyến tài (KH, KT) tại dòng họ; phong trào học tập của con em các dòng họ ngày một lan tỏa với nhiều tấm gương tiêu biểu. Đặc biệt, việc xây dựng quỹ khuyến học (QKH) tại các dòng họ trên địa bàn xã có sự chuyển biến rõ nét. Điển hình như QKH dòng họ Ngô đạt 750 triệu đồng. Nhiều dòng họ có chân quỹ từ 100 đến 200 triệu đồng trở lên, như các dòng họ: Nguyễn Duy, Nguyễn Phúc, Nguyễn Văn, Lê Xuân...
Tại các địa phương khác cũng vậy, với sự năng động và vào cuộc tích cực của hội đồng gia tộc, nhiều dòng họ đã khơi dậy phong trào học tập trong mỗi cá nhân và từng gia đình, từ đó xây dựng thành công mô hình DHHT theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Ví như dòng học Bùi Sỹ, Lê Bá ở thị trấn Tân Phong, nay là xã Lưu Vệ; dòng họ Trịnh Văn ở xã Định Tân; dòng họ Nguyễn Trọng ở thị trấn Hà Lĩnh, nay là xã Tống Sơn... Định cư tại xã Lưu Vệ từ thế kỷ thứ 16, dòng họ Bùi Sỹ đã sớm khẳng định một dòng tộc với truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, đặc biệt là truyền thống khoa bảng, tinh thần hiếu học của nhiều thế hệ. Phát huy truyền thống ấy, dòng họ Bùi Sỹ đã sớm thành lập ban khuyến học với mục đích khuyến khích, chăm lo việc học tập của các thành viên trong gia đình, dòng họ. Từ khi thành lập năm 1997 đến nay, ban khuyến học dòng họ đã có nhiều hoạt động thiết thực như hỗ trợ, cấp học bổng cho con cháu trong dòng họ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập; khen thưởng, động viên những học sinh đạt thành tích trong học tập, rèn luyện... Nhờ đó, hàng chục năm nay dòng họ Bùi Sỹ không có con cháu phải thất học, những cháu có hoàn cảnh khó khăn đều được hỗ trợ kịp thời.
Hay như dòng họ Dương ở phường Thiệu Dương (cũ), nay là phường Hàm Rồng, để phát huy truyền thống hiếu học của cha ông, mỗi chi họ đều thành lập một ban khuyến học để thực hiện việc xây dựng “Gia đình học tập”, DHHT, hưởng ứng xây dựng XHHT. Cùng với việc tuyên truyền, động viên con cháu nỗ lực thi đua học tập, ban khuyến học dòng họ đã phát động các gia đình, tích cực kêu gọi các nhà hảo tâm, con em thành đạt trong dòng họ đóng góp xây dựng QKH. Đến nay, QKH của các chi họ và hội đồng họ Dương đã có số dư trên 600 triệu đồng. Hằng năm, ngoài việc tổ chức phát phần thưởng cho các cháu ở từng chi họ, ban khuyến học dòng họ còn tổ chức lễ vinh danh các cháu có thành tích cao trong học tập, đạt giải trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế, các cháu thi đỗ vào các trường đại học, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ... Sự động viên kịp thời của ban khuyến học dòng họ đã giúp con cháu trong dòng họ thi đua phấn đấu ngày càng thành đạt. Theo đó, nhiều gia đình có con cháu học giỏi, thành đạt như gia đình anh Dương Tiến Hòa có hai con đều đậu vào Trường THPT Chuyên Lam Sơn; cháu Dương Tiến Anh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ chuyên ngành dược khi mới 28 tuổi; cháu Dương Tiến Quang Huy đoạt giải Ba quốc tế môn Sinh học; nhiều người bảo vệ thành công luận án tiến sĩ...
Thực tế cho thấy, khi dòng họ có phong trào khuyến học thì việc phát động phong trào học tập suốt đời, xây dựng XHHT có nhiều thuận lợi hơn. Và khi phong trào khuyến học dòng họ phát triển mạnh, có nhiều dòng họ đạt danh hiệu DHHT thì sẽ có nhiều cộng đồng khuyến học, cộng đồng học tập... góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng XHHT. Theo thống kê của HKH tỉnh, hiện nay số dòng họ trong toàn tỉnh đăng ký xây dựng DHHT là 10.374/11.149, đạt tỷ lệ 93,05%. Kết quả rà soát, đánh giá trong năm 2024 toàn tỉnh đã có gần 9.000 dòng họ được công nhận DHHT. Đây được xem là tiền đề, nền tảng quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng XHHT từ cơ sở theo chủ trương của Đảng và Nhà nước đã đề ra.
Bài và ảnh: Phong Sắc
{name} - {time}
-
2025-07-25 09:47:00
Tự hào cờ đỏ sao vàng tại lễ bế mạc Olympic Vật lý Quốc tế 2025
-
2025-07-23 09:36:00
Cách học ngoại ngữ khiến bạn muốn quay lại mỗi ngày
-
2025-07-23 09:05:00
Điểm môn Toán thấp, Bộ GD&ĐT “nới” quy định tiêu chuẩn đào tạo ngành bán dẫn
Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào năm 2025
Trường Đại học Hồng Đức công bố điểm sàn xét tuyển năm 2025
Bộ GD-ĐT công bố bách phân vị: 25 điểm khối A tương đương 23 điểm khối D
Thanh Hóa tạm dừng tổ chức các hoạt động giáo dục để ứng phó với bão số 3