Tăng cường bảo vệ môi trường đất
Đất là nguồn tài nguyên quý giá và không thể tái tạo, là tư liệu sản xuất đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân và nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, do sự lạm dụng và việc sử dụng đất có lúc, có nơi chưa hiệu quả khiến cho môi trường đất gặp nhiều rủi ro.
Khảo sát lấy mẫu đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường đất tại xã Thiệu Phúc (Thiệu Hóa).
Theo đánh giá từ ngành chức năng, hiện nay đất đang bị tác động nghiêm trọng bởi các hoạt động của con người như khai thác tài nguyên thiếu trách nhiệm, sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học, đổ rác và khai thác khoáng sản gây ô nhiễm môi trường, làm suy giảm chất lượng đất và gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái, từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống con người. Vì vậy, việc bảo vệ môi trường đất là một nhu cầu cấp thiết, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng, mỗi tổ chức, cá nhân và toàn thể xã hội.
Để bảo vệ môi trường đất trên địa bàn tỉnh, những năm qua cùng với công tác tuyên truyền, thực hiện quan trắc những vùng có nguy cơ ô nhiễm, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản và các giải pháp thiết thực, nhất là việc xử lý triệt để các điểm ô nhiễm môi trường đất. Minh chứng cho thấy, sau nhiều năm triển khai thực hiện các quyết định của Trung ương, của tỉnh, năm 2022, UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục ban hành Quyết định số 1220/QĐ-UBND ngày 8/4/2022 về phê duyệt danh mục các điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV) không còn ô nhiễm và các điểm tồn lưu hóa chất BVTV cần tiếp tục điều tra, đánh giá.
Theo thống kê trên địa bàn tỉnh có tới 45 điểm tồn lưu thuốc BVTV. Tuy nhiên, từ khi thực hiện Quyết định số 1946/QĐ-TTg, ngày 21/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ đến nay, toàn tỉnh đã xử lý triệt để 13 điểm tại một số địa phương, như: xã Vĩnh Long (Vĩnh Lộc), phường Hải An (thị xã Nghi Sơn), xã Minh Sơn (Triệu Sơn)... Sau khi được xử lý, kết quả nồng độ thuốc BVTV ở các điểm đều dưới tiêu chuẩn cho phép. Đối với 32 điểm tồn lưu hóa chất BVTV còn lại, qua khảo sát lấy mẫu đánh giá của Sở TN&MT và Trung tâm Phân tích và Chuyển giao công nghệ môi trường thuộc Viện Môi trường nông nghiệp Việt Nam có 27 điểm có nồng độ ô nhiễm thấp hơn QCVN 54:2013/BTNMT. Theo đó, Sở TN&MT đã đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định đưa 27 điểm ra khỏi danh sách các điểm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và thông báo cho các địa phương có điểm tồn lưu là khu vực không bị ô nhiễm theo quy định. Riêng các điểm tồn lưu còn lại như: khu vực tồn lưu hóa chất BVTV nhà máy hóa chất Trung Hưng, phường An Hưng (TP Thanh Hóa); kho chứa hóa chất BVTV tại Trạm BVTV Cổ Điệp, xã Vĩnh Phúc (Vĩnh Lộc); kho chứa hóa chất BVTV Đình Thôn 1, xã Vĩnh An (Vĩnh Lộc); điểm tồn lưu hóa chất BVTV kho vật tư nông nghiệp cũ, xã Vạn Hòa (Nông Cống) và điểm tồn lưu hóa chất BVTV kho vật tư nông nghiệp cũ thuộc phường Nguyên Bình (thị xã Nghi Sơn) đang được ngành chức năng điều tra, đánh giá chi tiết và xử lý theo yêu cầu.
Cùng với nhiệm vụ trên, công tác quan trắc môi trường cũng được Sở TN&MT đặc biệt quan tâm và thực hiện thường xuyên. Năm 2022, ngành chức năng đã phối hợp với các địa phương quan trắc môi trường tại các huyện: Nông Cống, Triệu Sơn, Thọ Xuân, TP Thanh Hóa. Kết quả quan trắc cho thấy, tại các vị trí quan trắc (đất nông nghiệp xã Tế Lợi, huyện Nông Cống; đất nông nghiệp phường An Hưng và phường Quảng Hưng, TP Thanh Hóa; đất nông nghiệp xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung; đất nông nghiệp xã Dân Lực, huyện Triệu Sơn; đất nông nghiệp thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân) có xuất hiện hàm lượng các kim loại nặng, dư lượng hóa chất BVTV. Tuy nhiên, đều nằm trong giới hạn cho phép. Cũng ở các địa phương trên, kết quả quan trắc trong năm 2023 cho thấy, hàm lượng kim loại nặng (Cd, Cu, Zn, Pb) và dư lượng hóa chất BVTV xuất hiện với giá trị thấp, nằm trong giới hạn cho phép và ít có biến động giữa các đợt kiểm tra so với năm 2022. Các chỉ tiêu kali dễ tiêu, phốt pho dễ tiêu trong đất có nguy cơ suy thoái phần lớn ở mức giàu...
Theo đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TN&MT, từ những việc làm thiết thực trên cũng như căn cứ kết quả điều tra, khảo sát, quan trắc, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản gửi các huyện, thị xã, thành phố về các điểm ô nhiễm, không còn ô nhiễm để quản lý, cảnh báo các tác động có thể xảy ra. Đồng thời, xây dựng phương án, kế hoạch điều tra, khảo sát chi tiết để xây dựng phương án xử lý triệt để ô nhiễm, góp phần bảo vệ môi trường nói chung, môi trường đất nói riêng, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Bài và ảnh: Phong Sắc
- 2024-11-02 06:30:00
Dự báo thời tiết 2/11: Khu vực Thanh Hóa không mưa, ngày nắng nhẹ
- 2024-11-01 19:01:00
Tuổi trẻ làng biển cùng nhau giữ cho biển xanh
- 2024-04-10 07:29:00
Dự báo thời tiết Thanh Hóa 10/4: Dự báo thời tiết toàn vùng Thanh Hóa chi tiết
Khu vực Bắc Mỹ chứng kiến nhật thực toàn phần
Dự báo thời tiết Thanh Hóa 9/4: Dự báo thời tiết toàn vùng Thanh Hóa chi tiết
Dự báo thời tiết Thanh Hóa 8/4: Dự báo thời tiết toàn vùng Thanh Hóa chi tiết
Dự báo thời tiết Thanh Hóa 7/4: Dự báo thời tiết toàn vùng Thanh Hóa chi tiết
Dự báo thời tiết hôm nay 6/4: Dự báo thời tiết cả nước và Thanh Hóa chi tiết
Dự báo thời tiết Thanh Hóa 5/4: Dự báo thời tiết toàn vùng Thanh Hóa chi tiết
Dự báo thời tiết Thanh Hóa 4/4: Dự báo thời tiết toàn vùng Thanh Hóa chi tiết
Đưa công tác quản lý tài nguyên nước đi vào nền nếp
Dự báo thời tiết Thanh Hóa 3/4: Dự báo thời tiết toàn vùng Thanh Hóa chi tiết