Tấm lòng của nữ bác sĩ, điều dưỡng ở bệnh viện tâm thần
Điều trị, chăm sóc cho người bệnh bình thường đã vất vả, đối với những bệnh nhân tâm thần còn vất vả gấp bội phần, song với tình yêu nghề và tấm lòng của người thầy thuốc “Lương y như từ mẫu”, các nữ bác sĩ, điều dưỡng ở Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa vẫn đang hàng giờ, hằng ngày nỗ lực chữa lành, xoa dịu vết thương tinh thần cho người bệnh.
Điều dưỡng trưởng Lê Thị Phương ân cần thăm hỏi sức khỏe người bệnh.
15 năm công tác tại bệnh viện thì điều dưỡng CKI Lê Thị Phương đã có 14 năm gắn bó tại khoa để khám chữa bệnh trực tiếp cho bệnh nhân. Hằng ngày, số lượng bệnh nhân trung bình từ 200 đến 300 người với nhiều trạng thái như: loạn thần, trầm cảm, nhiều trường hợp mất năng lực hành vi, mất khả năng nhận thức, bệnh nhân rơi vào tình trạng bị kích động... Mặc dù áp lực công việc lớn nhưng bằng tình thương, cảm thông với người bệnh, điều dưỡng Lê Thị Phương luôn nỗ lực, được đồng nghiệp đánh giá cao về chuyên môn, đạo đức và được lãnh đạo tin tưởng giao nhiệm vụ điều dưỡng trưởng của Khoa Khám bệnh.
Chị Phương kể rằng, chị gắn bó công việc tại bệnh viện như một cơ duyên. Đó là vào năm 2009, sau khi tốt nghiệp Khoa Điều dưỡng, Trường Đại học Y dược Huế, mặc dù chị và một số bạn cùng khóa được trực tiếp lãnh đạo Sở Y tế Đà Nẵng mời về công tác và bố trí chuyên ngành theo nguyện vọng, nhưng chị đã từ chối và mong muốn được cống hiến tại quê hương. Đó cũng là thời gian bệnh viện thông báo tuyển dụng và được sự động viên của gia đình, chị nộp hồ sơ xin việc, thầm nghĩ nếu được tuyển thì có “duyên” với công việc này.
Trong câu chuyện với chúng tôi, chị Phương chia sẻ: “Tôi luôn tâm niệm, bệnh nhân tâm thần là đối tượng yếu thế trong xã hội. Được trực tiếp trò chuyện với họ trong những lúc họ phát bệnh cũng như lúc bình thường, tôi thấy họ thật đáng thương. Bởi tôi hiểu họ cũng khao khát trở thành người bình thường nên mình phải yêu thương, vỗ về bằng cả cái tâm lẫn y đức của người thầy thuốc”.
Từ sự đồng cảm, thấu hiểu của bệnh nhân, điều dưỡng Lê Thị Phương luôn nỗ lực nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ bằng việc tham gia các lớp nghiệp vụ về ngành y và năm 2018, chị tốt nghiệp chuyên khoa I về điều dưỡng tâm thần tại Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định. Cùng với việc trau dồi chuyên môn, chị Phương cũng rèn luyện thêm được sự kiên nhẫn, điềm tĩnh khi tiếp xúc với bệnh nhân đặc biệt này. Trong quá trình làm việc, chị thường chú ý quan sát trạng thái, ánh mắt, cử chỉ của bệnh nhân để tìm cách trò chuyện phù hợp, thấu hiểu thế giới của những người không may mắc căn bệnh này. Điều này giúp bệnh nhân cảm thấy tin tưởng, an toàn và thoải mái khi tiếp xúc, xem chị như là người bạn để giãi bày tâm sự. Từ đó cũng giúp công việc của chị đạt hiệu quả cao hơn.
Thạc sĩ, bác sĩ Hà Thị Vân Anh chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân.
Đó cũng là hình ảnh nhiệt tình, tận tâm, trách nhiệm của thạc sĩ, bác sĩ Hà Thị Vân Anh, Khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng. Bác sĩ Vân Anh gắn bó với bệnh viện đến nay được gần 11 năm kể từ khi tốt nghiệp Học viện Quân y. Từ một cô sinh viên còn nhiều rụt rè, bỡ ngỡ, giờ đây bác sĩ Vân Anh đã trở thành điểm tựa tinh thần cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Ngoài chăm sóc bệnh nhân, bác sĩ Vân Anh còn dành thời gian lắng nghe người bệnh trò chuyện, tháo gỡ vướng mắc trong bệnh nhân để có phác đồ điều trị hiệu quả nhất.
Thạc sĩ, bác sĩ Vân Anh cho biết: “Để chăm sóc một bệnh nhân bình thường đã nhọc nhằn, đối với bệnh nhân tâm thần khó khăn càng gấp bội. Hành trình để một bệnh nhân phục hồi sức khỏe, tinh thần ổn định là bao vất vả của những người thầy thuốc nơi đây. Muốn điều trị được bệnh nhân tâm thần thì ngoài việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tôi luôn tận tâm, trách nhiệm và coi người bệnh như người thân của mình. Từ đó tạo được lòng tin đối với bệnh nhân, khai thác tâm tư, nắm bắt được tình trạng bệnh nhân để có phác đồ điều trị hiệu quả”.
Bác sĩ CKII Đào Quang Long, Phó Giám đốc Bệnh viện tâm thần Thanh Hóa, cho biết: "Hiện nay, Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa có 242 viên chức, bác sĩ và điều dưỡng, trong đó đội ngũ là nữ bác sĩ, điều dưỡng chiếm số đông. Nhiệm vụ của các nữ bác sĩ, điều dưỡng là điều trị, chăm sóc và quản lý bệnh nhân. Trong quá trình làm việc, các chị thường xuyên phải đối mặt với hiểm nguy khi bệnh nhân là những người bị tổn thương về mặt tinh thần, tâm hồn, như rối loạn hành vi, cảm xúc, tư duy. Trong khó khăn, các nữ bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, y đức của người thầy thuốc, luôn kiên trì, nhẫn nại, với tấm lòng “Lương y như từ mẫu”, họ đã và đang nỗ lực, tận tâm với nghề và với người bệnh".
Được tận mắt chứng kiến công việc chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân tâm thần của những nữ bác sĩ, điều dưỡng nơi đây mới nhận thấy đó là công việc khó khăn, vất vả và đầy rẫy những nguy hiểm mà không phải ai cũng làm được. Những câu chuyện về y, bác sĩ, điều dưỡng không ít lần bị chính những bệnh nhân của mình tấn công, mắng chửi hay thậm chí phải bỏ chạy khi bệnh nhân lên cơn kích động rượt đuổi... cũng thường xuyên xảy ra. Thậm chí có đồng nghiệp của các chị đã bị bệnh nhân đánh, tổn thương 30% sức khỏe... Thế nhưng vượt lên khó khăn, những “thiên thần áo blouse trắng” ấy bằng trái tim nhân hậu, lòng yêu nghề và đồng cảm với người bệnh đã nỗ lực từng giờ, từng ngày lan tỏa tình người ấm áp để giúp người bệnh trở về với cuộc sống đời thường.
Bài và ảnh: Trung Hiếu
{name} - {time}
-
2024-11-22 09:59:00
“Bật đèn xanh” cho dạy thêm, học thêm (Bài 3): Nới lỏng và quản lý
-
2024-11-22 08:27:00
Sắp xếp đơn vị hành chính của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
-
2024-03-04 16:26:00
Giọt hồng đầu xuân
Rà soát, tổ chức giao thông các tuyến cao tốc chỉ có 2 làn xe
[Infographics] – Đất không có giấy tờ được cấp sổ đỏ khi nào?
Ươm mầm cho những mùa sau
Chủ Nhật Đỏ tiếp nhận hơn 47.000 đơn vị máu ở 35 tỉnh, thành phố
Sửa Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới
“Khu nghỉ” nơi biên viễn
Chi tiết mức phạt vi phạm nồng độ cồn
Hội LHPN huyện Thạch Thành tổ chức trồng 5.000 cây xanh
Siết chặt quản lý vận tải thông qua thiết bị giám sát hành trình