Tại sao Israel và Hezbollah quyết định tránh một cuộc chiến lớn?
Ngày 25/8 ghi nhận những màn tấn công đáp trả giữa Israel và phong trào Hezbollah ở Lebanon, được đánh giá là có mức độ lớn nhất kể từ mùa hè năm 2006. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, các bên vẫn tránh được một cuộc chiến tranh trên diện rộng ở khu vực bất chấp mọi lo ngại từ cộng đồng quốc tế.
Màn giao tranh nảy lửa
Theo Financial Times, ngày 25/8 đánh dấu cuộc giao tranh ác liệt nhất giữa Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) và Hezbollah có trụ sở tại Lebanon kể từ Chiến tranh Lebanon lần thứ hai năm 2006. Quân đội Israel cho biết, các cuộc tấn công của nước này mang tính chất phòng thủ: ngay trước khi hoạt động, tình báo đã nắm bắt được kế hoạch của Hezbollah nhằm tiến hành một cuộc tấn công lớn vào miền bắc Israel. Israel buộc phải ban bố tình trạng khẩn cấp: Sân bay Ben Gurion đình chỉ hoạt động trong vài giờ, chính quyền đóng cửa các bãi biển, hủy bỏ các sự kiện giải trí và mở hầm tránh bom, kêu gọi người dân cảnh giác.
IDF cho biết vào khoảng 5h sáng (giờ địa phương), khoảng 100 máy bay chiến đấu của không quân Israel đã tấn công hơn 270 mục tiêu ở 40 địa điểm khác nhau ở miền nam Lebanon, phá hủy hàng nghìn quả tên lửa và tiêu diệt ít nhất 6 thành viên Hezbollah. Người phát ngôn IDF Daniel Hagari cho biết, hệ thống phòng không nước này bắn hạ được khoảng 90% tên lửa tầm ngắn của Hezbollah. Theo ông Daniel Hagari, phong trào Hezbollah đã phóng khoảng 230 tên lửa và vài chục máy bay không người lái nhắm vào miền bắc Israel.
Trong khi đó, theo tuyên bố của Hezbollah, phong trào này đã phóng 340 tên lửa và hàng chục (UAV) tấn công 11 cơ sở quân sự của Israel (IDF nhấn mạnh rằng các cơ sở quân sự ở miền bắc và trung Israel không bị hư hại dưới bất kỳ hình thức nào do cuộc tấn công tên lửa của Hezbollah). Quân đội Israel cho biết, một căn cứ của IDF gần Herzliya, trụ sở của cơ quan tình báo Mossad, cũng được coi là một mục tiêu tiềm năng, nhưng Hezbollah đã từ bỏ kế hoạch vào phút chót vì lo ngại sẽ vượt “lằn ranh đỏ”.
Lãnh đạo Hezbollah Hassan Nasrallah phủ nhận tuyên bố của IDF rằng các cuộc tấn công của Hezbollah đã bị đánh chặn phủ đầu. Ông Hassan Nasrallah cho biết, tên lửa và UAV của nhóm đã đạt được mục tiêu. Hezbollah cũng cho biết các cuộc tấn công của Israel chỉ giết chết 2 thành viên của nhóm này.
Iran, quốc gia được cho là ủng hộ Hezbollah, cho biết cuộc tấn công của Hezbollah đã khiến Israel bất ngờ. “Bất chấp sự ủng hộ của các quốc gia như Mỹ, Israel đã không dự đoán được thời gian và địa điểm, dẫn đến sự phản ứng bị động. Israel đã mất đi khả năng răn đe”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani tuyên bố hôm 26/8, lưu ý rằng cán cân quyền lực ở Trung Đông đang chuyển hướng chống lại Israel. Phong trào Hamas và lực lượng Houthi ở Yemen cũng lên tiếng chúc mừng Hezbollah về hoạt động tấn công hiệu quả.
Trong cuộc họp nội các ngày 25/8, Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố, Israel “không hướng tới một cuộc chiến tranh toàn diện”, song cảnh báo nước này sẽ “bắt các bên thực hiện bất cứ hành động tấn công nào phải trả giá đắt”. “Chúng tôi tung đòn bất ngờ để nghiền nát lực lượng Hezbollah”, ông Netanyahu nói. “Đây tiếp tục là biện pháp hướng tới thay đổi tình hình ở miền bắc và đưa người dân Israel trở về nhà an toàn. Tôi xin nhắc lại đây không phải là chiến dịch cuối cùng”. Ngày 26/8, IDF đã mở các cuộc tấn công đáp trả ở miền nam Lebanon, nhưng cho đến nay các nhà quan sát cho rằng, những hành động này vẫn còn hạn chế. Ngoại trưởng Israel Israel Katz kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ và lưu ý rằng, Israel “không tìm kiếm một cuộc chiến tranh toàn diện và sẽ hành động phù hợp với những diễn biến trên thực địa”.
Các bên giữ “cái đầu lạnh”
Vòng leo thang mới bắt nguồn từ ngày 27/7, khi Hezbollah tiến hành một cuộc tấn công bằng tên lửa vào sân bóng ở khu vực Cao nguyên Golan đã cướp đi sinh mạng 12 người, trong đó có cả trẻ em, mở ra các cuộc tấn công trả đũa từ phía Israel. Ngày 30/7, quân đội Israel đã tấn công vùng ngoại ô Beirut, giết chết Fuad Shukr, một trong những đặc vụ cấp cao nhất của Hezbollah và là cố vấn quân sự cho thủ lĩnh nhóm. Vào ngày 31/7, người đứng đầu Bộ Chính trị của phong trào Hamas, thủ lĩnh Ismail Haniyeh, cũng bị giết ở Tehran - chính quyền Israel được cho là đứng đằng sau vụ việc, song không chính thức xác nhận thông tin này. Iran đe dọa Israel bằng một phản ứng mạnh mẽ, thậm chí còn giăng “cờ báo thù” đỏ trên Nhà thờ Hồi giáo Jamkaran ở thành phố Qom linh thiêng của Iran (điều tương tự được thực hiện vào tháng 1 năm 2020, khi Mỹ tiêu diệt tư lệnh chỉ huy lực lượng đặc nhiệm thuộc Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), tướng Qasem Soleimani, và vào tháng 1 năm nay khi một cuộc tấn công khủng bố được thực hiện tại lễ tưởng niệm tướng Soleimani tại thành phố Kerman).
Có lo ngại rằng cuộc tấn công trả đũa có thể xảy ra của Iran nhằm vào Israel sẽ có sự tham gia của Hezbollah do Tehran hậu thuẫn và việc leo thang hơn nữa sẽ kích động một cuộc xung đột vũ trang toàn diện mới ở Trung Đông. Nó có thể gây ra hậu quả tàn khốc hơn cuộc đụng độ quân sự trực tiếp gần đây nhất giữa Israel và Lebanon vào năm 2006.
Trong bối cảnh căng thẳng ngày càng gia tăng ở biên giới Israel - Lebanon, nhiều hãng hàng không đã đình chỉ các chuyến bay đến Beirut và Tel Aviv, đồng thời một số quốc gia kêu gọi công dân của họ rời khỏi Lebanon. Kể từ đầu tháng 8, khoảng 12 nghìn người đã rời miền nam Lebanon. Tuy nhiên, gần một tháng sau vụ sát hại thủ lĩnh Ismail Haniyeh, Iran vẫn chưa tiến hành một cuộc tấn công trả đũa vào lãnh thổ Israel.
Theo CNN, các cuộc tấn công đáp trả lẫn nhau giữa Israel và Hezbollah làm giảm nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh trên diện rộng. Cả hai bên đều tuyên bố chiến thắng và Trung Đông dường như đã tránh được việc rơi vào một cuộc xung đột kéo dài khác. Tạp chí Phố Wall dự đoán rằng, với xu hướng như hiện nay, Israel và Hezbollah sẽ tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công nhỏ lẻ dọc theo biên giới.
Nhận định về vấn đề này, Tiến sĩ Timofey Bordachev, Giám đốc Chương trình Câu lạc bộ Thảo luận Valdai, thành viên Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế (RIAC), cho rằng sẽ không xảy ra một cuộc chiến tranh trên diện rộng ở Trung Đông. Trước hết, các bên tham gia trực tiếp vào mâu thuẫn, xung đột, điển hình như Israel và Iran đều không muốn khơi mào một cuộc chiến tranh do mức đô rủi ro là rất lớn. Theo Tiến sĩ Timofey Bordachev, các bên thực sự muốn giải quyết lẫn nhau, nhưng không thể làm được điều này nếu không tiến hành một cuộc chiến tranh toàn diện. Tình trạng này được xác định bởi nhiều lý do, bao gồm cả sự chặt hẹp về mặt địa lý của khu vực, cũng như mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, lãnh thổ... Thời gian gần đây, Israel đang theo đuổi tham vọng nhằm tái cơ cấu toàn bộ hệ thống an ninh của mình, với hy vọng giảm thiểu vĩnh viễn các mối đe dọa xung quanh. Nhưng rõ ràng, Israel không muốn một “ván cược” quá lớn khi đẩy mình vào tình thế “tứ bề thọ địch”, từ phong trào Hamas ở Dải Gaza, Hebollah ở Lebanon, Houthi ở Yemen, đế các lực lượng thân Iran ở Syria, Iraq. Trong khi đó, tiến hành một cuộc chiến tranh toàn diện với Israel không phải là một phương án có lợi cho Iran trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi nước này có thể sử dụng các nhóm đối tác (“trục kháng chiến”) ở các quốc gia khác nhau trong khu vực nhằm làm tiêu hao lực lượng Israel.
Ngoài ra, một yếu tố không thể bỏ qua là vai trò của Mỹ trong kiềm chế các cuộc xung đột tại Trung Đông. Ngày 22/8, tàu sân bay lớp Nimitz Abraham Lincoln của Hải quân Mỹ với các máy bay chiến đấu F-35C và F/A-18 Block III đã đến khu vực do Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM) quản lý, bao gồm Trung Đông, Trung Phi và Đông Phi. Giới phân tích chính trị - quân sự cho rằng, sự hiện diện của tàu sân bay và máy bay chiến đấu bổ sung được triển khai tới Trung Đông như một thông điệp khẳng định sự cam kết của Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đối với đồng minh Israel trong trường hợp xảy ra một cuộc chiến tranh toàn diện; đồng thời, nhằm “nắn gân” các đối thủ của Israel ở khu vực.
Bên cạnh đó, những nỗ lực ngoại giao do Mỹ thực hiện trong những tháng gần đây cũng đóng một vai trò quan trọng. Sự leo thang ở biên giới Lebanon là chủ đề thảo luận giữa Nhà Trắng và lãnh đạo các nước Trung Đông, bao gồm cả trong các chuyến thăm gần đây của Cố vấn Tổng thống Mỹ Amos Hochstein và Ngoại trưởng Antony Blinken. Mỹ, cùng với các nhà hòa giải khu vực khác - Ai Cập và Qatar - đang nỗ lực thúc đẩy đàm phán nhằm đạt được lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza và thả các con tin Israel đang bị Hamas giam giữ. Cho đến nay, các bên vẫn chưa thể đạt được tiến bộ đáng kể, nhưng chính các cuộc đàm phán rất có thể là nguyên nhân khiến Tehran tạm thời trì hoãn tấn công Israel.
Hùng Anh (CTV)
{name} - {time}
-
2024-12-14 11:11:00
Quốc gia nào sẽ thay thế Iran ở Syria?
-
2024-12-14 10:02:00
Liệu tên lửa “Oreshnik” của Nga có thay đổi quy tắc chiến tranh hạt nhân?
-
2024-08-26 16:26:00
Các nhà đầu tư bắt đầu chuyển hướng sang Đông Nam Á
Ứng viên độc lập Robert Kennedy Jr. rút lui, tạo bước ngoặt cho cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ?
Thách thức không nhỏ của nền kinh tế lớn nhất châu Âu
Ấn Độ, Nhật Bản tăng cường hợp tác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Từ Trung Đông đến Ukraine: Trật tự thế giới mới đang được định hình
Khoảng lặng cần thiết đối với Tổng thống Macron
Chiến dịch quân sự của Ukraine tại khu vực Kursk đẩy xung đột Nga - Ukraine lên nấc thang mới
Nền kinh tế Liban đứng trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn do xung đột
Cơ hội cho thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas
Đối đầu với Mỹ thúc đẩy chính sách năng lượng của Nga và Trung Quốc như thế nào?