(Baothanhhoa.vn) - Khoảng vài tháng trở lại đây, tình trạng trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi bán hàng rong hoặc lang thang xin ăn lại tái diễn tại các điểm du lịch, khu di tích lịch sử - văn hóa, tâm linh, chợ, quán ăn... Có những trường hợp mang con nhỏ ngồi ngay ở cột đèn tín hiệu giao thông ở trung tâm TP Thanh Hóa để "xin tiền", ảnh hưởng đến an toàn giao thông, trật tự xã hội và mỹ quan đô thị.

Tái diễn nạn ăn xin, bán hàng rong

Khoảng vài tháng trở lại đây, tình trạng trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi bán hàng rong hoặc lang thang xin ăn lại tái diễn tại các điểm du lịch, khu di tích lịch sử - văn hóa, tâm linh, chợ, quán ăn... Có những trường hợp mang con nhỏ ngồi ngay ở cột đèn tín hiệu giao thông ở trung tâm TP Thanh Hóa để “xin tiền”, ảnh hưởng đến an toàn giao thông, trật tự xã hội và mỹ quan đô thị.

Tái diễn nạn ăn xin, bán hàng rongNgười lang thang ăn xin tại ngã tư đèn tín hiệu giao thông Bưu điện tỉnh (Ảnh chụp 5h sáng 27-8).

Khoảng hơn 1 tháng trở lại đây, tại ngã tư Bưu điện tỉnh (Đại lộ Lê Lợi giao nhau với đường Trần Phú, TP Thanh Hóa), khoảng 5 đến 7 giờ sáng người tham gia giao thông thường xuyên bắt gặp hình ảnh bà cụ có dáng người nhỏ thó, khoảng tầm 70 tuổi, tay xách túi bóng màu đỏ đứng ngay cột đèn tín hiệu giao thông. Khi đèn đỏ bật, bà liền tiến xuống lòng đường chìa tay xin tiền người đi đường, thậm chí, có thời điểm bất chấp nguy hiểm, len lỏi trong dòng xe đông đúc, bà tiến sát và gõ cửa các xe ô tô để xin tiền. Với giọng thều thào: “Tôi quê ở Thái Bình, bị lạc đường, lại bị móc túi hết sạch tiền, giờ không còn tiền bắt xe về quê, cô, chú thương, cho tôi xin ít tiền bắt xe về quê”...

Cách đó không xa, tại ngã tư giao giữa Đại lộ Lê Lợi với đường Hạc Thành... thường xuyên xuất hiện một người đàn ông tàn tật ngoài 40 tuổi cùng đứa trẻ khoảng 3 tuổi ngồi cạnh cái giỏ cũ kỹ, bên trong để mấy gói tăm và vài đồng tiền lẻ. Khi các phương tiện tham gia giao thông dừng xe chờ tín hiệu đèn, đôi mắt người ăn xin tội nghiệp đưa rất nhanh để kịp nhận ra đâu là xe sang, đâu là người có “tiềm năng” cho mình tiền rồi lết thật nhanh về phía họ, gương mặt nhăn nhó, đau đớn, chìa tay xin sự “bố thí” của mọi người.

Ngoài ra, dọc các cột tín hiệu đèn giao thông trên đoạn đường Tô Vĩnh Diện giao đường Bà Triệu, đường Lê Quý Đôn giao đường Quang Trung cũng xuất hiện những người xin ăn, có cả người già, trẻ nhỏ, người tàn tật, có người chuyên đi xin tiền, nhưng cũng có không ít người bán hàng rong... kiêm luôn việc ăn xin. Nhiều người ngồi chễm chệ trên vỉa hè chờ đợi, nhưng có không ít người ngồi ngay sát mép đường chìa cái ca, chiếc nón, chiếc rổ nhựa cầu xin sự “thương hại” của mọi người, khiến người tham gia giao thông gặp không ít khó khăn khi di chuyển.

Anh Đỗ Thanh Bình, một tài xế xe taxi cho biết: “Nhiều lần dừng đèn đỏ ở ngã tư Bưu điện tôi giật mình toát mồ hôi vì bỗng dưng ở đâu lù lù xuất hiện một người đi “cà dật” với bộ mặt thảm hại, chìa tay xin tiền ngay phía đầu xe. Mỗi lần qua đây, tôi phải căng mắt nhìn trước nhìn sau vì sợ không may bất cẩn nhấn ga một chút là có thể xảy ra tai nạn chết người như chơi".

Theo ghi nhận, vào lúc 8 giờ ngày 26-8-2023, tại khu vực chợ đầu mối rau, củ, quả, phường Đông Hương (TP Thanh Hóa) có khoảng 5 - 6 đối tượng đi xin tiền. Đó là một người đàn bà khoảng ngoài 50 tuổi, hai tay đẩy trên xe một người đàn ông bị thiểu năng, tay ôm chiếc giỏ nhựa, bên trong đựng vài cái bút, móc chìa khóa, kẹo cao su, bông tăm... vừa bán hàng rong, vừa kiêm luôn xin tiền những người đi chợ. Tiếp theo là một phụ nữ mặc chiếc quần rộng, lê đôi chân khuyết tật trông rất đau đớn, nặng nhọc đi khắp chợ với giọng điệu thảm thương để xin tiền. Tại đây, còn có một phụ nữ trạc 30 tuổi bế đứa con nhỏ chừng 2 tuổi, miệng kêu la, bên cạnh là đứa lớn hơn, mệt mỏi gục đầu xuống đường, rất đáng thương và nhận được khá nhiều người cho tiền...

“Ngón nghề” quen thuộc của hầu hết các đối tượng là nằm, ngồi vật vã nhằm đánh vào lòng thương của những người hảo tâm. Đội quân “ăn xin” rất đa dạng, nhưng chủ yếu là trẻ em, người già, phụ nữ, người tàn tật (hoặc giả tàn tật)...

Đặc biệt tại các phường có nhiều quán ăn, cà phê như Đông Hương, Lam Sơn, Điện Biên, Ba Đình, Đông Thọ... chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người hành nghề kiếm tiền từ “lòng thương cảm” của xã hội. Từ những quán ăn sáng sang trọng, đến những quán nước vỉa hè, cứ một chốc lại có người già, trẻ nhỏ hay người khuyết tật cổ đeo, tay cầm một giỏ đựng đủ các mặt hàng chào mời khách mua. Người này qua đi, người khác lại tới hoặc thậm chí họ còn vòng đi vòng lại đến hai, ba lần, nhất là vào giờ cao điểm các thực khách đông, khiến không ít người tỏ ra khó chịu.

Tái diễn nạn ăn xin, bán hàng rongNgười lang thang ăn xin tại ngã tư Đại lộ Lê Lợi với đường Hạc Thành (Ảnh chụp 9h sáng 19-8).

Chị Nguyễn Phương Anh thường xuyên ngồi uống cà phê trên đường Bào Ngoại (phường Đông Hương) tỏ ra bức xúc: “Nhiều hôm ngồi uống nước cùng bạn, khoảng 10 phút mà có đến bốn, năm lượt mời chào mua hàng, người này đi, người kia lại đến, đứng lỳ, nài nỉ rất khó chịu”.

Ngoài khu vực TP Thanh Hóa, tại TP Sầm Sơn, thị xã Bỉm Sơn, thị xã Nghi Sơn... và các khu di tích lịch sử - văn hóa, tâm linh, chúng tôi vẫn bắt gặp người ăn xin ngồi trước cổng để xin tiền người đi lễ. Đối tượng này thường tập trung đông hơn vào các ngày rằm, mùng 1 hàng tháng. Người ăn xin tại các điểm di tích trên địa bàn tỉnh gồm nhiều độ tuổi, nhưng đa số là người già và người trung tuổi, họ thường để những vật dụng có thể đựng tiền trước mặt như mũ, nón, rổ, ca nhựa, khách qua đường sẽ cho tiền vào đó hoặc họ vừa hát rong vừa xin ăn.

Để gìn giữ nét đẹp văn hóa và hình ảnh người xứ Thanh, thời gian qua chính quyền các địa phương đã chỉ đạo cơ quan chức năng và các xã, phường, thị trấn thực hiện tốt việc quản lý địa bàn, không để các đối tượng lang thang cơ nhỡ xin ăn, ảnh hưởng đến hình ảnh và gây phiền hà đến người dân và du khách. Từ sự quyết liệt của các địa phương, một thời gian dài số lượng người hành nghề ăn xin, bán hàng rong đã giảm hẳn. Tuy nhiên, thời gian gần đây tình trạng này lại tái diễn trở lại.

Theo ý kiến của một số ngành chức năng, hiện nay số lượng người ăn xin thật vẫn còn nhưng không nhiều, mà chủ yếu là những người bán hàng rong (bán hàng rong biến tướng). Thực tế cho thấy, việc thu dung, phân loại, chăm sóc các đối tượng này chỉ là biện pháp hành chính tạm thời. Về lâu dài, để giảm thiểu vấn nạn trên, cần huy động thêm các nguồn lực hỗ trợ những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhất là trẻ em thuộc hộ nghèo, người khuyết tật, người già cô đơn, không nơi nương tựa, giúp họ khắc phục khó khăn để không phải lang thang kiếm sống. Tạo việc làm, dạy nghề cho đối tượng lang thang ăn xin đang trong độ tuổi lao động. Các địa phương tăng cường tuyên truyền; quản lý nhân khẩu, hộ khẩu; an sinh xã hội và phát hiện, báo tin kịp thời về đối tượng lang thang, xin ăn. Bản thân người dân cũng cần nhận thức đúng về cách giúp người lang thang, xin ăn; hạn chế cho tiền trực tiếp và nên báo chính quyền để có những giải pháp hỗ trợ cho những đối tượng này...

Bài và ảnh: Trần Hằng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]