Sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy: Cần đảm bảo quyền lợi của người lao động
Cử tri và nhân dân mong muốn khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, cần quan tâm đến việc đảm bảo quyền lợi cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Quang cảnh Phiên họp thứ 40 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 40, sáng 10/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 11/2024 (trong đó có công tác dân nguyện tháng 10/2024).
Trình bày Báo cáo, Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Hoàng Anh Công cho biết cử tri và nhân dân đánh giá cao chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là đòi hỏi rất cấp thiết của tình hình thực tiễn, cử tri và nhân dân kỳ vọng việc thực hiện chủ trương trên sẽ tạo sinh lực mới cho nhiệm vụ bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, tạo đòn bẩy để bứt phá, hoàn thành toàn bộ các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.
Đồng thời, cử tri và nhân dân mong muốn khi thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, cần quan tâm đến việc đảm bảo quyền lợi cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Cử tri và nhân dân quan tâm, đánh giá cao các hoạt động của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày càng đổi mới, dân chủ, trách nhiệm, có tính xây dựng cao, bám sát thực tiễn cuộc sống, thể hiện trách nhiệm cao trước các vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm.
Cử tri và nhân dân đánh giá cao kết quả Kỳ họp thứ 8, nhất là việc đổi mới tư duy, phương thức tiến hành công tác lập pháp theo hướng ngắn gọn, rõ ràng, tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách hành chính; chuyển mạnh từ luật thiên về quản lý sang kết hợp hài hòa giữa quản lý có hiệu quả với kiến tạo phát triển, khuyến khích đổi mới sáng tạo, kiên quyết từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”...
Tuy nhiên, cử tri và nhân dân còn băn khoăn, lo lắng hiện tượng tiêu cực trong đấu giá đất; tình trạng doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động chưa có chiều hướng giảm; tình trạng công nhân lao động bị ngừng việc, nghỉ việc, rút bảo hiểm xã hội; các vụ cháy gây thiệt hại về người và tài sản liên tiếp xảy ra thời gian gần đây...
Ban Dân nguyện đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan xem xét, có giải pháp kiểm soát chặt chẽ việc đấu giá đất và bảo đảm cơ chế đấu giá đất minh bạch nhằm hạn chế hiện tượng trả giá cao rồi bỏ cuộc, ảnh hưởng đến kết quả đấu giá đất; nghiên cứu để đưa ra chế tài xử lý đối với hành vi thao túng thị trường bất động sản.
Bộ Y tế tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo an toàn thực phẩm, đặc biệt tại bếp ăn tập thể, bếp ăn căng tin; tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, quản lý các nguồn cung cấp thực phẩm nhằm hạn chế tối đa nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng Báo cáo cần khái quát hơn phần cử tri và nhân dân, ghi nhận hoạt động của Quốc hội, nêu bật Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV bước đầu có sự thay đổi tư duy rất sâu sắc trong công tác xây dựng pháp luật.
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thông qua 18 luật, đều là những vấn đề khó, mới, cho thấy sự nỗ lực cố gắng của Chính phủ, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình các luật này ra Quốc hội đều nhận được sự đồng tình cao của đại biểu Quốc hội.
Quốc hội đã thông qua “một luật sửa 4 luật” về đầu tư, Luật Đầu tư công (sửa đổi), “một luật sửa 9 luật” về tài chính-ngân sách... để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn.
Quốc hội đã và đang chủ động chuyển từ tư duy quản lý sang kiến tạo, tăng cường giám sát, cải cách thủ tục hành chính; giảm chi phí, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân, xác định trách nhiệm gương mẫu đi đầu trong hoàn thiện thể chế, nâng cao tuổi thọ các luật; thực hiện tinh gọn bộ máy trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng dù cử tri và nhân dân đồng tình song cần tuyên truyền tốt hơn nữa về chủ trương tinh gọn bộ máy. Bởi, khi sắp xếp sẽ liên quan, đụng chạm, ảnh hưởng đến quyền lợi của người này, người kia. Nếu không quan tâm đến công tác tuyên truyền, khi thực hiện phát sinh những việc ngoài dự tính sẽ rất khó thực hiện thắng lợi chủ trương này.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh cần làm tốt hơn, sâu sắc hơn nữa, tạo đồng thuận cao trong hệ thống chính trị, cử tri và nhân dân cả nước liên quan việc thực hiện các chủ trương mới, trong đó có việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.
Bên cạnh đó, một nội dung rất quan trọng là xây dựng cơ chế, chính sách hợp lý, tạo thuận lợi cho đội ngũ cán bộ nằm trong diện sắp xếp, tinh giản biên chế; đồng thời cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức viên chức, người lao động.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, trước đây, khi thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế cũng có một phần rất quan trọng là chế độ, chính sách. Trong bối cảnh hiện nay với quy mô nền kinh tế và ngân sách đã lớn hơn rất nhiều so với trước đây, cần quan tâm chăm lo chính sách cho người lao động.
Nhấn mạnh việc sắp xếp ngoài mục tiêu tinh giản bộ máy để phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng những người trong diện sắp xếp cũng là người dân, là cán bộ nên việc quan tâm đời sống của những người này cũng là mục tiêu phấn đấu cho đất nước phát triển, người dân được thụ hưởng thành quả của sự nghiệp đổi mới.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị báo cáo bổ sung nội dung cần có cơ chế, chính sách hợp lý, thậm chí phải có cơ chế thật mạnh và vượt trội so với trước đây để khuyến khích những người còn 2-3-4 năm có thể sẵn sàng nghỉ để cho cán bộ trẻ, được đào tạo bài bản ở lại trong hệ thống.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với các kiến nghị như đề xuất của Ban Dân nguyện; tuy nhiên, đề nghị Báo cáo cần cụ thể hơn nữa, không nêu chung chung.
Xung quanh những vấn đề nhân dân quan tâm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Báo cáo cần khái quát hơn những kết quả nổi bật của Kỳ họp thứ 8, nhất là về đổi mới tư duy, phương pháp, quy trình lập pháp; đánh giá sự cố gắng của Chính phủ, Quốc hội đã thật sự tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong đời sống sản xuất kinh doanh, đất đai, nhà ở, bảo hiểm y tế...; đánh giá cao việc Quốc hội quyết định cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng...
Bên cạnh đó, bổ sung nội dung người dân còn băn khoăn về tình trạng thiếu, xuống cấp nhà vệ sinh công cộng ở những thành phố lớn; nhà ở xã hội, ùn tắc, ngập úng tại các đô thị lớn.../.
Theo TTXVN
{name} - {time}
-
2025-01-13 17:46:00
Đoàn ĐBQH tỉnh thăm, tặng quà đoàn viên, người lao động khó khăn các huyện Thiệu Hoá, Triệu Sơn
-
2025-01-08 15:30:00
Đoàn ĐBQH tỉnh - Dấu ấn một năm hoạt động
-
2024-12-04 09:28:00
Chuẩn bị tốt các điều kiện cho kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm
ĐBQH Cầm Thị Mẫn (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) tham gia góp ý về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND
ĐBQH Cầm Thị Mẫn (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) tham gia góp ý về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)
ĐBQH Võ Mạnh Sơn (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) tham gia góp ý về dự án Luật Việc làm (sửa đổi)
Đóng góp của Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
ĐBQH Mai Văn Hải (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa): Giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo phải thực sự công tâm, khách quan
ĐBQH Trần Văn Thức (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) tham gia góp ý về dự án Luật Nhà giáo
Tổ đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri huyện Vĩnh Lộc
Đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thị xã Bỉm Sơn
Nâng cao chất lượng ban hành nghị quyết của HĐND cấp huyện