Sản phẩm công nghiệp xứ Thanh tiếp tục “định vị” trên thị trường quốc tế
Cùng với tiêu thụ nội địa, xuất khẩu là định hướng và cũng chính là động lực giúp cho ngành công nghiệp phát triển. Cùng với nhiều sản phẩm công nghiệp truyền thống đã thành công lâu năm, thời gian gần đây, ngành công nghiệp Thanh Hóa ghi nhận những sản phẩm mới tiếp tục “định vị” trên thị trường quốc tế.
Vận chuyển thép VAS Nghi Sơn đi xuất khẩu tại Cảng Quốc tế Nghi Sơn.
Cuối năm 2023, những lô hàng bia lon Thabrew đã được Công ty CP Bia Hà Nội - Thanh Hóa xuất khẩu thành công sang thị trường Liên bang Nga. Thành công của sản phẩm không chỉ đến từ dây chuyền công nghệ hiện đại, ứng dụng tiến bộ khoa học tiên tiến vào quá trình sản xuất mà còn có đặc trưng riêng với nguyên liệu kết hợp giữa hoa bia và Malt đại mạch nhập khẩu trực tiếp từ châu Âu. Các tiêu chuẩn quốc tế như: ISO 9000 - tiêu chuẩn quốc tế về quản lý chất lượng và đảm bảo chất lượng, ISO 14000 - tiêu chuẩn về quản lý môi trường, ISO 22000 - tiêu chuẩn về quản lý an toàn thực phẩm cũng đã được công ty hoàn thiện, đáp ứng các quy định khắt khe của nhiều thị trường khó tính.
Ông Nguyễn Kiên Cường, Giám đốc Công ty CP Bia Hà Nội - Thanh Hóa, cho biết: Từ thành công của những lô hàng đầu tiên, đối tác thương mại Nga đã ký hợp đồng độc quyền phân phối 2 dòng sản phẩm bia lon Thanh Hoa và bia lon Thabrew với sản lượng 1 container/tháng trong năm 2024 và từ năm 2025 sản lượng sẽ tăng gấp 2 lần. Cùng với thị trường Nga, công ty cũng đang xúc tiến để xuất khẩu sản phẩm sang thị trường châu Mỹ.
Sau các thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan và gần đây nhất là Nhật Bản hay Guatemala, năm 2023, thương hiệu thép VAS Nghi Sơn của Công ty CP Tập đoàn VAS Nghi Sơn cũng đã xuất khẩu thành công sang Hoa Kỳ. Theo đại diện doanh nghiệp, sau lô hàng đầu tiên cập cảng Houston - một trong những cảng biển lớn nhất thế giới và phục vụ các khu vực đô thị của bang Texas và bang phụ cận của Mỹ, thép VAS cũng đã xuất tiếp lô hàng thép thương mại thứ hai đến cảng Los Angeles, trung tâm logistics của Mỹ ngay sau đó. Được biết, thép VAS Nghi Sơn được thị trường Mỹ đón nhận và đánh giá cao không chỉ vì đáp ứng được những quy định xuất xứ nghiêm ngặt, quy trình kiểm định gắt gao, yêu cầu chất lượng chuẩn quốc tế và thời gian giao hàng mà còn bởi tiêu chí “thép xanh, sạch” sản xuất trên mô hình kinh tế “tuần hoàn”.
Hiện nay, toàn tỉnh có 189 doanh nghiệp (DN) xuất khẩu đến 53 thị trường với 55 chủng loại hàng hóa. Vài năm trở lại đây, xuất khẩu Thanh Hóa ghi nhận con số dao động hơn 5 tỷ USD. Trong cơ cấu các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu, cùng với các sản phẩm truyền thống như: Xi măng, đá, dăm gỗ, đường, thuốc lá, thủy sản, may mặc, giày dép... thị trường đã bắt đầu ghi nhận những sản phẩm chế biến sâu và giá trị gia tăng cao như: thép, bia, lưu huỳnh dạng hạt, benzen, p-xylen...
Sản phẩm tất được sản xuất tại Công ty TNHH JASAN Việt Nam, đóng trên địa bàn xã Định Liên (Yên Định) được xuất khẩu đi một số nước và vùng lãnh thổ. Ảnh: Tùng Lâm
Năm 2023, trong bối cảnh suy giảm nhu cầu của thị trường, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực như may mặc, giày dép, dăm gỗ, xi măng, clinker... vẫn có kim ngạch xuất khẩu cao so với cùng kỳ. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu dần được cải thiện theo hướng chế biến sâu và gia tăng giá trị. Theo Sở Công Thương, đó là những tín hiệu tích cực khi các DN đã có sự đầu tư sâu hơn cho yếu tố công nghệ nhằm giảm xuất bán hàng thô, gia tăng giá trị cho sản phẩm và vùng nguyên liệu. Cùng với đó, DN cũng đã chủ động tìm hiểu, đáp ứng các tiêu chuẩn sản phẩm và những tiêu chí liên quan như môi trường, lao động... hướng tới sản xuất “xanh”, sản xuất tuần hoàn như yêu cầu của các đối tác khó tính.
Năm 2024, xuất khẩu Thanh Hóa hướng tới mục tiêu 6 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ. Ngoài may mặc, da giày hiện vẫn đang chiếm từ 80 - 90% kim ngạch xuất khẩu của Thanh Hóa, một số sản phẩm được kỳ vọng sẽ góp phần gia tăng vào mục tiêu này như sản phẩm sau lọc hóa dầu của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, xi măng, bao bì, thép... Cùng với đó, tỉnh Thanh Hóa đang nỗ lực vào cuộc, hỗ trợ và đẩy nhanh tiến độ một số dự án lớn như Nhà máy Xi măng Đại Dương 2, Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn số 2, Nhà máy Sản xuất khung tranh Intco, Nhà máy Hóa chất Đức Giang, Nhà máy luyện cán thép DST Nghi Sơn... Cùng với đó, Cảng container Long Sơn cũng đang được tích cực triển khai nhằm hình thành cảng container chuyên dụng đầu tiên, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ logistics tại Cảng Nghi Sơn, tạo thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa đi tới nhiều cảng biển trung chuyển, trung tâm logistics trên thế giới.
Bài và ảnh: Tùng Lâm
{name} - {time}
-
2024-12-14 07:41:00
Hón Mũ: Sống xanh, làm đẹp và vươn xa
-
2024-12-14 07:00:00
Bản tin Tài chính 14/12: Giá vàng đã vào xu hướng giảm mạnh?
-
2023-12-26 10:26:00
Còn tồn tại, hạn chế trong thực hiện Nghị quyết 294 của HĐND tỉnh
Hiệu quả từ mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh 2 giai đoạn
Sức bật từ hạ tầng giao thông nông thôn
Ai sẽ là người đặt tên cho “Siêu Dự án”?
Góp phần quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm dịch vụ của Agribank
Phát huy thế mạnh phát triển dịch vụ logistics
Cơ duyên ra đời của “Sao Mai Center”
Chú trọng phát triển kinh tế vườn hộ
Góp phần cải thiện, nâng cao đời sống hội viên
Sẵn sàng nguồn cung hàng hóa cho thị trường dịp cuối năm