Quy định mới về dạy thêm, học thêm: Có chấn chỉnh được tiêu cực? (Bài cuối) - Cần sự vào cuộc từ nhiều phía
Quy định mới về dạy thêm, học thêm (DTHT) tại Thông tư 29/2024/TT-BGDDT (sau đây gọi tắt là Thông tư 29) đòi hỏi Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), phòng GD&ĐT, các nhà trường điều chỉnh kế hoạch hợp lý để thực hiện nghiêm quy định. Bên cạnh đó, cũng cần sự vào cuộc trách nhiệm của các cơ quan chức năng, từ chính quyền địa phương, sự phối hợp thực hiện từ phụ huynh học sinh, giáo viên.
Cô và trò Trường THCS Bắc Sơn (TP Sầm Sơn) trong giờ ôn thi đội tuyển Văn. Ảnh: Hạ An
Giải pháp nào để nâng cao chất lượng giáo dục?
Cho rằng kỹ năng tự học và tự hệ thống kiến thức là những kỹ năng học tập suốt đời quan trọng và hiệu quả nhất. Thầy Thiều Ánh Dương, Hiệu trưởng Trường THPT Hàm Rồng (TP Thanh Hóa) chia sẻ: “Nhà trường sẽ quán triệt tới các tổ chuyên môn tích cực thay đổi phương pháp tổ chức, dạy học chính khóa. Thay đổi phương pháp giảng dạy, cách thức kiểm tra đánh giá để thích ứng... Thực hiện thông tư mới, 45 phút mỗi tiết học là cực kỳ quý giá, giáo viên phải tranh thủ toàn bộ thời gian, tận dụng triệt để làm sao truyền đạt cho học sinh trọn vẹn kiến thức, kỹ năng cần đạt mà tiết học quy định. Đồng thời, mỗi giáo viên bộ môn phải giống như một “hướng đạo sinh”, tăng cường hướng dẫn, giao nhiệm vụ học tập cho học sinh, có những nội dung yêu cầu học sinh phải tự học, tự đọc, tự nghiên cứu... đồng thời phải có giải pháp để kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ được giao của học trò, qua đó, giúp phát huy phẩm chất, năng lực người học đúng như tinh thần Chương trình GDPT 2018 hướng tới”.
Theo thầy Ánh Dương, với thời lượng ít ỏi trên lớp, thầy cô chỉ có thể trang bị cho học sinh những kiến thức cơ bản. Để nâng cao kiến thức, bắt buộc học sinh phải có nhiệm vụ “đào sâu”, tự đọc, tự nghiên cứu; tăng cường trao đổi nhóm, sử dụng công nghệ thông tin để trao đổi cùng thầy cô, bạn bè những vấn đề còn băn khoăn, thắc mắc.
Nhất thiết phải cải thiện chất lượng giảng dạy trong mỗi giờ dạy của đội ngũ giáo viên khi thực hiện quy định mới, Hiệu trưởng Trường THCS Bắc Sơn (TP Sầm Sơn) Nguyễn Văn Dũng cho biết: Nhà trường sẽ tăng cường việc truyền thụ kiến thức cho học sinh trong các buổi dạy chính khóa; chia học sinh mỗi lớp thành nhiều đối tượng để theo sát tình hình học tập; trong một tiết dạy cụ thể, giáo viên phải đảm bảo cung cấp đầy đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết của bài học... Đồng thời tăng cường học liệu, bài giảng điện tử để cung cấp cho học sinh trong trường hợp thời lượng giảng dạy trên lớp không đủ trang bị kiến thức nền tảng cho học sinh. Đồng thời, Bộ GD&ĐT cũng nên giảm tải chương trình, giảm tải các kỳ thi... sẽ giảm nhu cầu DTHT".
Chia sẻ về những giải pháp nghiệp vụ sẽ được triển khai trong toàn ngành để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa Trần Văn Thức cho biết: “Ngành giáo dục Thanh Hóa sẽ rà soát, tham mưu cho cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách phù hợp tạo động lực phát triển sự nghiệp giáo dục. Đồng thời, rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục; tăng cường đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị đồ dùng dạy học; thực hiện việc kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Tập trung xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đảm bảo về chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Tiếp tục đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác quản lý và dạy học. Đặc biệt, yêu cầu các đơn vị, nhà trường đổi mới phương pháp dạy học, thi cử, kiểm tra, đánh giá để nâng cao hiệu quả các giờ học chính khóa”.
Câu chuyện quản lý
Thông tư 29 quy định rõ trách nhiệm của hiệu trưởng các nhà trường là phải “Quản lý giáo viên đang dạy học tại nhà trường khi tham gia dạy thêm ngoài nhà trường bảo đảm thực hiện theo đúng quy định tại khoản 3 điều 6 thông tư 29; phối hợp theo dõi, kiểm tra hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường của giáo viên đang dạy học tại nhà trường. Xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm quy định về DTHT”... Như vậy trách nhiệm của hiệu trưởng trong việc thực hiện quy định đã rõ, đối với nội dung này, Hiệu trưởng Trường THCS Bắc Sơn (TP sầm Sơn) Nguyễn Văn Dũng, chia sẻ thêm: “Việc thực hiện nhiệm vụ này thực sự rất khó khăn bởi lẽ hiệu trưởng không có quyền để vào trung tâm kiểm tra nếu không có sự đồng ý của giám đốc trung tâm cũng không có quyền quản lý giáo viên ngoài giờ hành chính. Thêm vào đó, ngoài giáo viên sinh sống trên địa bàn, nhà trường cũng có nhiều giáo viên hiện sống ở nhiều nơi khác như TP Thanh Hóa, huyện Quảng Xương... việc kiểm tra giáo viên có DTHT ngoài nhà trường và DTHT với học sinh của trường hay không thực sự rất khó thực hiện”.
Cô và trò Trường Tiểu học Bắc Sơn (TP Sầm Sơn) trong giờ học.
Thầy Dũng đề xuất, nên chăng cho các nhà trường mở trung tâm ngay tại trường để đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Các nhà trường sẽ có trách nhiệm tuyển chọn giáo viên, thực hiện các quy định của pháp luật... Như vậy vừa có thể tận dụng được nguồn giáo viên, cơ sở vật chất hiện có, lại có thể quản lý được chất lượng giáo dục, giáo viên, học sinh của mình, phụ huynh cũng không phải trả chi phí cao cho việc học thêm của con... lợi cả đôi đường.
Cũng lo ngại về những bất cập có thể nảy sinh tại các cơ sở giáo dục ngoài nhà trường, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bắc Sơn (TP Sầm Sơn) Lê Thị Hạnh cho biết: "Việc tổ chức DTHT rất tốt nếu được thực hiện và quản lý tốt. Tuy nhiên, việc dạy thêm ngoài nhà trường cần có quy định cụ thể về thời gian và tăng cường thanh tra, giám sát từ cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, tổ dân phố, giám sát toàn dân, giám sát của chính phụ huynh, học sinh... trong việc thực hiện quy định về DTHT và phản ánh về đường dây nóng của cơ quan chức năng”.
Bên cạnh đó, những trường hợp giáo viên “lách luật” bằng cách mở các lớp dạy thêm online cho học sinh hoặc có sự “móc nối”, chia sẻ lợi ích giữa các bên để tổ chức DTHT thì quản lý, giám sát ra sao?
Theo quy định tại Thông tư 29, Sở GD&ĐT sẽ là cơ quan đầu mối, chủ trì, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan, tổ chức phổ biến, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện quy định DTHT; chấn chỉnh và xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm. Tuy nhiên, nếu chỉ mình ngành giáo dục vào cuộc thì vẫn chưa đủ, vẫn cần những chế tài xử phạt nặng, có tính răn đe. Bên cạnh đó, chính đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cũng cần là những người phát huy tốt hơn nữa trách nhiệm nghề nghiệp nghiêm túc thực hiện các quy định để nêu gương và giữ gìn phẩm chất.
Thanh Hóa hiện có 2.002 cơ sở giáo dục các cấp học với tổng số 53.908 cán bộ quản lý, giáo viên và khoảng 950.967 học sinh. Để hướng đến mục đích xây dựng nền giáo dục “dạy thật, học thật, thi thật”, tỉnh Thanh Hóa đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; thay đổi phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá học sinh... Cùng việc thực hiện hiệu quả Thông tư 29 sẽ góp phần minh bạch, nâng cao hiệu quả hoạt động GD&ĐT, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục toàn ngành.
Hạ An
{name} - {time}
-
2025-01-24 20:47:00
Quy định mới về dạy thêm, học thêm: Có chấn chỉnh được tiêu cực? (Bài 2) - Vẫn còn những băn khoăn
-
2025-01-24 17:02:00
Dạy và học môn Tin học còn nhiều khó khăn
-
2025-01-24 15:50:00
Hệ thống Anh ngữ Quốc tế Ocean Edu kỷ niệm 18 năm thành lập
Quy định mới về dạy thêm, học thêm: Có chấn chỉnh được tiêu cực? (Bài 1) - “Quản nhưng không cấm”
Thí điểm tuyển người có trình độ cao đẳng dạy một số môn học phổ thông
Đưa Di sản thế giới vào trong học đường
Áp dụng công nghệ Blockchain tại Trường Đại học Hồng Đức
Chương trình “Tết dân gian - Lạt mềm buộc chặt yêu thương” tại FPT School Thanh Hóa
Lịch nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 của học sinh 63 tỉnh, thành phố
Xây dựng môi trường học đường không khói thuốc