Quan tâm giáo dục biến đổi khí hậu cho học sinh, sinh viên
Biến đổi khí hậu (BĐKH), cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường là vấn đề mang tính toàn cầu, một trong những thách thức lớn đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Tại Thanh Hóa, tác động của BĐKH ngày càng trở nên nghiêm trọng, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản. Trước thực trạng này, các cấp, ngành trong tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có việc tăng cường giáo dục BĐKH nhằm phòng, chống, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra và thích ứng với BĐKH.
Học sinh, sinh viên tìm hiểu thông tin về BĐKH tại Trung tâm Giáo dục BĐKH.
Thực hiện dự án tổng thể “Tăng cường khả năng thích ứng với BĐKH của trẻ em và cộng đồng thông qua giáo dục về khí hậu và trồng rừng tại tỉnh Thanh Hóa” do Tập đoàn Hyundai Engineering và Hyundai Motors Group của Hàn Quốc tài trợ, mới đây, tại Trường Đại học (ĐH) Hồng đức đã khánh thành và đưa vào sử dụng Trung tâm Giáo dục BĐKH. Theo PGS. TS Bùi Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Hồng Đức, Trung tâm Giáo dục BĐKH có các khu vực chức năng như: Khu vực lễ tân; khu vực thông tin; các phòng đào tạo, tập huấn gồm các phòng học tương tác có sức chứa tối đa 50 người; khu vực thí nghiệm với các mô hình giáo cụ trực quan mang tính tương tác để cung cấp cho người học trải nghiệm thực hành về hậu quả của BĐKH; khu vực không gian thực hành được bố trí gồm các mô hình năng lượng tái tạo như điện gió, năng lượng mặt trời, mô hình trò chơi tương tác, góc thí nghiệm về các hành động thúc đẩy bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng. Việc đưa trung tâm vào hoạt động không chỉ tạo tiền đề hoàn thành các mục tiêu của Dự án “Tăng cường khả năng thích ứng với BĐKH của trẻ em và cộng đồng thông qua giáo dục về khí hậu và trồng rừng tại tỉnh Thanh Hóa” mà còn đánh dấu bước phát triển quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển của Trường ĐH Hồng Đức, đặc biệt là vai trò của nhà trường trong công tác phục vụ cộng đồng trên địa bàn tỉnh.
Ngay sau khi đưa vào sử dụng, Trung tâm giáo dục BĐKH tại Trường ĐH Hồng Đức đã thu hút đông đảo học sinh, sinh viên đến nghiên cứu, tìm hiểu, học tập về những tác động của BĐKH đến cuộc sống, môi trường xung quanh. Từ đó nhận ra những việc mà học sinh, sinh viên cần hành động để giảm nhẹ thiên tai, để có một cuộc sống xanh, sạch, đẹp, an toàn... Em Nguyễn Ngọc Thanh Trung, Lớp 10B, Trường Tiểu học, THCS, THPT Hồng Đức chia sẻ: “Từ khi thành lập trung tâm, em thường xuyên đến đây nghiên cứu, học tập. Những tư liệu có sẵn ở trung tâm giúp em và các bạn học hỏi được nhiều kiến thức về BĐKH, về thiên nhiên, từ đó nâng cao nhận thức và biết giữ gìn, bảo vệ môi trường, chống BĐKH”.
Theo kế hoạch cũng như mục tiêu đặt ra, sau 3 năm kể từ khi Trung tâm giáo dục BĐKH đưa vào sử dụng có khoảng 4.300 học sinh tham gia vào các hoạt động tại trung tâm và hơn 5.000 học sinh tham gia các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về thích ứng với BĐKH tại 11 trường THPT trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa như: Trường THPT Chuyên Lam Sơn, THPT Như Thanh, THPT Hàm Rồng, THPT Chu Văn An...
Theo chia sẻ của ông Hong seok Eum, Phó Chủ tịch Công ty Hyundai Engineering (Hàn Quốc) tại lễ khánh thành Trung tâm Giáo dục BĐKH diễn ra mới đây, để vận hành hiệu quả trung tâm phía nhà tài trợ sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Thanh Hóa và Trường ĐH Hồng Đức thực hiện tốt các giải pháp cũng như kế hoạch đã đề ra. Ông Hong seok Eum hy vọng việc thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm Giáo dục BĐKH sẽ giúp học sinh của tỉnh Thanh Hóa có môi trường học tập, tiếp nhận thông tin liên quan đến BĐKH, góp phần nâng cao nhận thức và hiểu biết về môi trường thông qua trải nghiệm và học tập tại trung tâm.
Thực tế cho thấy, Trung tâm Giáo dục BĐKH tại Trường ĐH Hồng Đức không chỉ là nơi nghiên cứu mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ, đặc biệt là học sinh và sinh viên về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường và các giải pháp ứng phó với BĐKH. Bằng việc phát triển các chương trình giảng dạy và các hoạt động trải nghiệm thực tế, trung tâm hướng tới mục tiêu trang bị cho học sinh, sinh viên những kiến thức, kỹ năng cần thiết để trở thành lực lượng tiên phong trong cuộc chiến chống BĐKH trong tương lai. TS. Lê Văn Cường, Trưởng Khoa Nông - Lâm - Ngư Nghiệp, Trường ĐH Hồng Đức cho biết: “Hàng tháng, sẽ có các đoàn từ các trường THPT trên địa bàn tỉnh về tham quan, học tập về BĐKH tại trung tâm. Với việc đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, trang thiết bị hiện đại cùng đội ngũ cộng tác viên hỗ trợ về công tác BĐKH với 21 thành viên, tin chắc rằng Trung tâm Giáo dục BĐKH tại Trường ĐH Hồng Đức sẽ là nơi các em học sinh, sinh viên có thể thay đổi nhận thức đến tư duy và hành động để thích ứng với BĐKH trong tương lai”.
Được biết, cùng với việc khai thác, vận hành hiệu quả hoạt động Trung tâm Giáo dục BĐKH, những năm qua, thực hiện chủ trương của ngành giáo dục về đưa các nội dung ứng phó với BĐKH vào các chương trình giáo dục và đào tạo, Trường ĐH Hồng Đức đã chủ động lồng ghép các học phần về BĐKH vào chương trình giảng dạy ở tất cả các ngành học. Điều này không chỉ giúp các em học sinh, sinh viên nhận thức rõ hơn về tác động của BĐKH, mà còn hình thành cho các em thói quen cũng như hành động tích cực trong bảo vệ môi trường, ngăn chặn các thảm họa do BĐKH và tàn phá môi trường gây ra.
Bài và ảnh: Phong Sắc
{name} - {time}
-
2024-11-21 10:11:00
IELTS 7.0 cần bao nhiêu từ vựng? Bí quyết học từ vựng hiệu quả
-
2024-11-21 10:01:00
Đầu tư mua sắm trang thiết bị theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 gặp khó
-
2024-10-23 20:02:00
Chấn chỉnh tình trạng chuyển trường cho học sinh
Đại học FPT Hà Nội: Nơi “lý thuyết” bắt tay “thực hành”
Để Nghị định về tuyển dụng giáo viên hợp đồng sớm mang lại hiệu quả (Bài cuối): Để giáo viên yên tâm gắn bó với nghề
Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018: Vẫn còn những khó khăn
Trường THPT Hậu Lộc 2: 40 năm trang sử tự hào
Để Nghị định về tuyển dụng giáo viên hợp đồng sớm mang lại hiệu quả (Bài 2): Còn nhiều rào cản
Triển lãm du học kết nối tỉnh Niigata (Nhật Bản) và tỉnh Thanh Hóa
Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa khai giảng năm học mới 2024-2025
Để Nghị định về tuyển dụng giáo viên hợp đồng sớm mang lại hiệu quả (Bài1): Gỡ nút thắt
Xu hướng lựa chọn học tiếng Trung Quốc trong giới trẻ