Quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng thúc đẩy khu vực miền núi phát triển
Được sự quan tâm, ưu tiên nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thời gian qua, các địa phương khu vực miền núi xứ Thanh đã huy động tối đa các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, trong đó có hạ tầng các cụm công nghiệp (CCN), giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, qua đó tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Chế biến lâm sản ở Cụm Công nghiệp Bãi Bùi, xã Linh Sơn.
Nếu như trước đây, đa số đường giao thông trên địa bàn các xã (thuộc huyện Quan Hóa cũ) đều xuống cấp, hoặc hư hỏng sau mùa mưa lũ, gây khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa, nông sản của bà con nông dân. Thế nhưng đến nay đã được đầu tư cứng hóa, trên nhiều tuyến đường, từng đoàn xe vẫn nối đuôi nhau đưa sản phẩm lâm sản về xuôi một cách thuận lợi, an toàn...
Có được kết quả đó phải kể đến vai trò quan trọng trong định hướng phát triển chung của địa phương về đầu tư dự án giao thông kết nối giữa bản với bản, xã với bản, xã với xã cũng như kết nối giữa các xã với trung tâm huyện. Điển hình một số công trình trọng điểm, như đường giao thông bản Tang đi bản Sậy (xã Trung Thành cũ); nâng cấp, sửa chữa đường giao thông bản Bó (xã Trung Sơn cũ); nâng cấp, sửa chữa đường giao thông thị trấn Hồi Xuân (cũ)... Qua đó góp phần tạo nên mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại, thuận lợi trong giao thương hàng hóa và thu hút đầu tư.
Theo kế hoạch đầu tư công trung hạn trên địa bàn huyện Quan Hóa (cũ) giai đoạn 2021-2025, tính đến ngày 30/6/2025, địa phương thực hiện việc đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân các nguồn vốn đầu tư công năm 2024 đối với các dự án chuyển tiếp và khẩn trương thực hiện công tác triển khai các dự án khởi công mới. Theo báo cáo, năm 2024, địa phương đã triển khai thực hiện 147 công trình, trong đó có 97 công trình chuyển tiếp, 50 công trình, dự án khởi công mới, với tổng mức đầu tư hơn 187 tỷ đồng...
Tương tự, tại huyện Ngọc Lặc (cũ), hạ tầng giao thông cũng được xác định là một nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm là đầu tư hệ thống giao thông kết nối giao thương với các huyện lân cận, từ đó tạo điều kiện để thu hút đầu tư. Theo thống kê, trong giai đoạn 2020-2024, cùng với chỉ đạo quyết liệt của tỉnh và sự quyết tâm, nỗ lực của các cơ quan chuyên môn, nhiều công trình giao thông quan trọng, thiết yếu hoàn thành được đưa vào sử dụng, mang lại diện mạo mới cho hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông ở địa phương, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, các địa phương trên địa bàn đã cứng hóa được gần 160km đường giao thông các loại, trong đó nhiều dự án trọng điểm đang được triển khai thực hiện, như nâng cấp tuyến đường giao thông từ xã Quang Trung, huyện Ngọc Lặc (cũ) đi xã Yên Lâm, huyện Yên Định (cũ); nâng cấp tuyến đường từ xã Quang Trung - Ngọc Liên - Ngọc Sơn - Ngọc Trung - Lam Sơn, huyện Ngọc Lặc (cũ) đi xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân (cũ) và 4 tuyến đường thuộc tiểu Dự án cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị Ngọc Lặc... Trong đó, một số dự án trọng điểm có tính chất liên vùng, như đường từ xã Kiên Thọ đi huyện Thường Xuân (cũ); tuyến giao thông nối TP Thanh Hóa (cũ) với các địa phương phía Tây của tỉnh...
Cùng với đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông, nhiều địa phương trên địa bàn khu vực miền núi của tỉnh cũng chú trọng, dành quỹ đất để quy hoạch, xây dựng các CCN, nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Việc thành lập các CCN góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, giải quyết việc làm tại chỗ; đồng thời khắc phục tình trạng sản xuất phân tán, tạo thuận lợi cho công tác quản lý, kiểm soát về môi trường...
Điển hình như, tại huyện Thạch Thành (cũ) đã dành quỹ đất, với tổng diện tích khoảng 650ha để quy hoạch, phát triển 8 CCN. Đến nay, đã có 2 CCN được thành lập, gồm CCN Vân Du với diện tích hơn 50ha, tổng mức đầu tư 275 tỷ đồng; CCN Thạch Bình có diện tích 68,74ha, tổng mức đầu tư 490 tỷ đồng... Tại huyện Cẩm Thủy (cũ) đã quy hoạch phát triển 4 CCN với tổng diện tích 109,5ha. Đến nay, đã thành lập 2 CCN là CCN Cẩm Sơn 50ha, tổng mức đầu tư 250 tỷ đồng; CCN Cẩm Châu có diện tích 25ha, tổng mức đầu tư 239 tỷ đồng... Tại huyện Như Xuân (cũ) quy hoạch phát triển 4 CCN, với tổng diện tích 112,2ha. Đến nay, đã thành lập 3 CCN, gồm CCN Thượng Ninh với 20ha, tổng mức đầu tư 110 tỷ đồng; CCN Xuân Hòa có diện tích 30ha, tổng mức đầu tư 160 tỷ đồng; CCN Bãi Trành có diện tích gần 34ha, tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng...
Theo thống kê, trên địa bàn khu vực miền núi xứ Thanh, đến nay đã có 11 CCN được thành lập với tổng diện tích hơn 412ha, tổng vốn đầu tư 2.596 tỷ đồng, lũy kế vốn thực hiện ước đạt gần 500 tỷ đồng... Để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư vào các CCN, các địa phương đã và đang làm tốt công tác cung cấp thông tin quy hoạch, chỉ dẫn địa lý, vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, đồng thời tăng cường gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đẩy mạnh cải cách hành chính, quảng bá, xúc tiến kêu gọi đầu tư, trên cơ sở đó chọn lọc thu hút các dự án đầu tư chất lượng, có tính bền vững...
Tin tưởng rằng, bằng nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, ưu tiên nguồn lực để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, trong thời gian tới, bộ mặt nông thôn miền núi của tỉnh sẽ có nhiều thay đổi, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc tiếp tục được cải thiện và nâng cao.
Bài và ảnh: Xuân Minh
{name} - {time}
-
2025-07-11 21:59:00
Chống hạn cho cây trồng
-
2025-07-11 19:59:00
Xúc tiến thương mại và kết nối giao thương Thanh Hóa - Hải Phòng
-
2025-07-11 16:11:00
Tháo gỡ khó khăn giải phóng mặt bằng tái định cư dự án Hồ chứa nước Bản Mồng