(Baothanhhoa.vn) - Sầm Sơn là địa phương đã và đang thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn, tạo ra động lực mạnh mẽ để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế, thì nhiều vấn đề liên quan đến an sinh xã hội, mà một trong số đó là tạo việc làm, sinh kế bền vững cho người lao động bị thu hồi đất thực hiện các dự án, cũng đang đặt ra và đòi hỏi cấp ủy, chính quyền phải tập trung giải quyết.

Quan tâm đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động bị thu hồi đất

Sầm Sơn là địa phương đã và đang thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn, tạo ra động lực mạnh mẽ để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế, thì nhiều vấn đề liên quan đến an sinh xã hội, mà một trong số đó là tạo việc làm, sinh kế bền vững cho người lao động bị thu hồi đất thực hiện các dự án, cũng đang đặt ra và đòi hỏi cấp ủy, chính quyền phải tập trung giải quyết.

Quan tâm đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động bị thu hồi đấtLao động trên địa bàn TP Sầm Sơn tham gia học nghề kỹ thuật chế biến món ăn.

Theo thống kê, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 100 dự án đã và đang triển khai, trong đó có 10 dự án lớn như: Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội TP Sầm Sơn; Khu đô thị Quảng Trường biển Sầm Sơn; Khu đô thị nghỉ dưỡng và công viên vui chơi giải trí Nam Sông Mã; Khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng sông Đơ; Khu đô thị du lịch sinh thái FLC Sầm Sơn (giai đoạn 2); Khu đô thị sinh thái biển Đông Á; Khu đô thị du lịch sinh thái dọc hai bờ sông Đơ; Khu biệt thự Hùng Sơn; Khu nghỉ dưỡng cao cấp Toàn Tích Thiện; Khu dân cư dịch vụ công cộng phường Bắc Sơn. Cùng với đó là các dự án do các sở, ngành làm chủ đầu tư như đường giao thông nối TP Sầm Sơn với Khu Kinh tế Nghi Sơn; tuyến đường bộ ven biển đoạn Hoằng Hóa - Sầm Sơn và đoạn Quảng Xương - Nghi Sơn; đường giao thông từ ngã ba Voi (TP Thanh Hóa) đi TP Sầm Sơn... Ngoài ra, có trên 50 dự án do thành phố làm chủ đầu tư và nhiều dự án do xã, phường làm chủ đầu tư, với tổng diện tích đất thu hồi ước khoảng 1.139,3 ha; số lao động bị ảnh hưởng khoảng 33.262 người.

Để làm cơ sở cho việc triển khai công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân, thành phố đã tiến hành khảo sát nhu cầu học nghề và giải quyết việc của các đối tượng gồm người bước vào tuổi lao động, trong độ tuổi lao động, có khả năng lao động và những người ngoài độ tuổi lao động có tham gia lao động. Qua khảo sát, có khoảng 11.381 lao động bị ảnh hưởng trực tiếp khi thực hiện các dự án, có nhu cầu học nghề và giải quyết việc làm. Trong đó, nhu cầu đào tạo nghề là 460 người; nhu cầu giải quyết việc làm tương đối đa dạng, gồm: thành lập mới 75 doanh nghiệp; chuyển đổi mục đích kinh doanh, mục đích sản xuất là 726 người; xuất khẩu lao động là 550 người; hỗ trợ giới thiệu việc làm trong nước là 6.584 người. Số lao động không có nhu cầu đào tạo nghề, giải quyết việc làm mà tự chủ động tìm việc là 2.986 người.

Để góp phần giải quyết vấn đề việc làm, thu nhập cho người dân bị thu hồi đất, TP Sầm Sơn đã xây dựng và triển khai thực hiện đề án “Đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động bị thu hồi đất để thực hiện các dự án trên địa bàn TP Sầm Sơn, giai đoạn 2022-2025”. Thành phố đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025 sẽ hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, thành lập doanh nghiệp, vay vốn sản xuất và giới thiệu việc làm cho khoảng 8.395 người. Đồng thời, tổ chức đào tạo, liên kết đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động, vay vốn và tổ chức các dịch vụ vừa và nhỏ cho người dân bị thu hồi đất. Trong đó, chú trọng đào tạo các nghề sát với tình hình thực tế như điện dân dụng, xây dựng, kỹ thuật chế biến món ăn, kỹ thuật khai thác và bảo quản hải sản, tạp vụ, bảo vệ, nghiệp vụ nhà hàng và một số nghề khác.

Nhằm triển khai hiệu quả đề án, thành phố đã chú trọng công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương về công tác đào tạo nghề cho lao động bị thu hồi đất. Đồng thời, giới thiệu những mô hình hay, những gương điển hình sau khi học nghề có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống để nhân rộng ra cộng đồng. Hướng dẫn, giới thiệu các ngành, nghề mà doanh nghiệp cần tuyển, về tiền công, tiền lương của từng ngành nghề, về chính sách đãi ngộ của các doanh nghiệp tới người dân bị ảnh hưởng bởi các dự án... Cùng với đó, thành phố cũng xây dựng kế hoạch đào tạo nghề sát với tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, trong đó lồng ghép đào tạo nghề cho lao động với các chương trình, dự án có thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động. Lựa chọn các cơ sở đào tạo có đủ điều kiện về giáo viên, giáo trình, cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề để tham gia đào tạo nghề. Đồng thời, khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tham gia đào tạo nghề và việc làm cho người lao động. Ngoài ra, thành phố cũng chú trọng tạo nguồn lực để nâng cao chất lượng, số lượng, hiệu quả đào tạo nghề; tập trung đào tạo các nghề gắn với định hướng phát triển dịch vụ, du lịch; gắn đào tạo nghề với việc dự báo, xác định được nhu cầu việc làm, thị trường lao động sau đào tạo...

Bên cạnh đó, thành phố cũng tập trung phát triển nguồn vốn, phát huy hiệu quả sử dụng vốn vay từ Quỹ quốc gia về việc làm và nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Từ đó, tạo điều kiện cho người lao động vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm theo quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP, ngày 9/7/2015 của Chính phủ. Đồng thời, lồng ghép các hoạt động của chương trình cho vay giải quyết việc làm và chương trình giảm nghèo để phát huy hiệu quả vốn vay và tạo việc làm ổn định cho người lao động sau khi được vay vốn. Ngoài ra, thành phố cũng tăng cường tuyên truyền, đẩy mạnh công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài song song với việc quản lý và bảo vệ quyền lợi người lao động; tạo điều kiện cho lao động vay vốn tại Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Sầm Sơn theo mức quy định...

Với các giải pháp trên, tính riêng năm 2023, thành phố đã tạo việc làm mới cho hơn 2.000 lao động. Số lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 175 người. Đã tổ chức được 2 lớp học nghề kỹ thuật chế biến món ăn và nghiệp vụ nhà hàng trình độ sơ cấp dưới 3 tháng cho người lao động trên địa bàn. Qua đó, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và từng bước xây dựng TP Sầm Sơn ngày càng văn minh, hiện đại.

Bài và ảnh: Trường Giang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]