(Baothanhhoa.vn) - Tình trạng đuối nước tại các bãi biển ngày càng có dấu hiệu gia tăng. Điều này đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác phòng chống đuối nước, cứu hộ cứu nạn, sơ cấp cứu tại các bãi biển.

Phòng, chống đuối nước tại các bãi biển

Tình trạng đuối nước tại các bãi biển ngày càng có dấu hiệu gia tăng. Điều này đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác phòng chống đuối nước, cứu hộ cứu nạn, sơ cấp cứu tại các bãi biển.

Phòng, chống đuối nước tại các bãi biểnĐoàn thanh niên xã Hoằng Hải (Hoằng Hóa) cắm biển cảnh báo các điểm có nguy cơ xảy ra đuối nước.

Cách đây không lâu, tại bãi biển thuộc xã Quảng Đại (TP Sầm Sơn) xảy ra vụ đuối nước thương tâm của hai em học sinh, ở xã Quảng Giao (Quảng Xương). Hai em đi tắm biển cùng bố, không may bị sóng cuốn ra xa. Khi phát hiện, người dân xung quanh đã ứng cứu, tuy nhiên hai em đã tử vong trước khi được đưa lên bờ.

Trước đó, khoảng cuối tháng 4-2021, tại xã Hoằng Hải (Hoằng Hóa) đã xảy ra vụ đuối nước thương tâm, khiến 4 học sinh mất tích. Đó là thời điểm đầu hè, nắng nóng, một nhóm học sinh trong xã rủ nhau đi tắm biển, 4 em học sinh không may bị nước cuốn trôi. Các lực lượng chức năng và địa phương đã huy động hàng trăm người cùng các phương tiện tổ chức tìm kiếm.

Hay vụ việc vào khoảng đầu tháng 6-2021, 5 em nhỏ xã Quảng Nham (Quảng Xương) cùng nhau đi tắm biển, nhưng do sóng to 3 em bị sóng cuốn trôi, mất tích. Lực lượng chức năng đã huy động tối đa nhân lực, phương tiện để tìm kiếm.

Theo thống kê của các đơn vị liên quan, từ đầu năm đến ngày 4-6, trên địa bàn tỉnh xảy ra 17 vụ đuối nước, trong đó có 2 vụ xảy ra tại bãi biển, làm 2 người tử vong. Số vụ đuối nước nói chung, đuối nước tại các bãi biển nói riêng đang là những con số “ám ảnh” đối với người dân. Các vụ việc đã để lại hậu quả thương tâm và nỗi mất mát to lớn cho các gia đình nạn nhân. Nguyên nhân được xác định chủ yếu do người bị đuối nước thường gặp phải sóng to, vùng nước xoáy. Người gặp nạn thường chủ quan nghĩ mình biết bơi nên bơi quá xa hoặc bị chuột rút. Đặc biệt, trẻ em do bản tính hiếu động, tò mò và sự bất cẩn nên thường hay ra xa tắm và chơi đùa khi tắm nên dễ gặp rủi ro. Cùng với đó là sự thiếu giám sát, quản lý con em từ các gia đình; sự thiếu hụt kiến thức phòng tránh, sơ cứu của người dân và các bậc phụ huynh...

Trước các vụ việc đuối nước thương tâm, để đảm bảo an toàn tại các bãi tắm, tạo tâm lý thoải mái, yên tâm cho người dân và du khách khi tham gia tắm biển, các địa phương có biển đã chú trọng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống đuối nước tại các bãi biển. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền và lắp đặt hệ thống biển cảnh báo, biển cấm tắm tại những khu vực nguy hiểm, thường hay xảy ra đuối nước. Bên cạnh đó, ban quản lý các khu du lịch phối hợp với các công ty tăng cường công tác quản lý, giám sát du khách khi tắm biển, thiết lập các trạm quan sát, thành lập các đội cứu nạn, cứu hộ trực 24/24h tại điểm tắm biển.

Điển hình như tại xã Hoằng Hải (Hoằng Hóa), để không xảy ra các vụ đuối nước thương tâm, xã đã khẩn trương xác định khu vực thường xảy ra đuối nước, vùng nước sâu, nguy hiểm...; phân công lực lượng triển khai cắm biển cảnh báo khu vực nguy hiểm, cắm phao tiêu, cờ hiệu giới hạn an toàn. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về công tác phòng chống đuối nước, cứu hộ, cứu nạn trên hệ thống loa truyền thanh; xây dựng phương án cứu hộ, cứu nạn, bố trí lực lượng trực thường xuyên tại các bãi biển để cảnh báo, nhắc nhở người dân và sẵn sàng xử lý các tình huống xảy ra tại các bãi tắm.

Đồng chí Nguyễn Xuân Tiến, Chủ tịch UBND xã Hoằng Hải, cho biết: Xã đã phối hợp với các hội đoàn thể, trường học đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng chống đuối nước; phối hợp với các trường học nhắc nhở, cảnh báo phụ huynh và học sinh vào thứ 6 hàng tuần về công tác phòng, chống đuối nước, quản lý con vào những ngày cuối tuần và nghỉ hè. Việc tuyên truyền thường xuyên đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân. Các gia đình đã tăng cường quản lý con trẻ không để tự ý đi tắm. Phần lớn người dân đã bỏ thói quen tắm tại các điểm tự phát, khu vực xa bờ.

Tại TP Sầm Sơn, để đảm bảo an toàn cho du khách và người dân tham gia tắm biển tại các bãi tắm, hằng năm, UBND thành phố đã xây dựng phương án hoạt động công tác cứu hộ, cứu nạn và sơ cấp cứu tại bãi biển. Khi chuẩn bị vào cao điểm mùa du lịch, thành phố phân công lực lượng, chỉ đạo các địa phương khảo sát các điểm, khu vực tắm nguy hiểm, có nguy cơ xảy ra đuối nước hoặc thường xuyên xảy ra đuối nước để tiến hành cắm biển cảnh báo. Đồng thời, bố trí lực lượng cắm phao tiêu giới hạn trên biển, cắm biển cảnh giới nơi nguy hiểm... Tại bãi tắm biển đều có bảng nội quy bãi tắm, quy định dành cho khách tắm biển; bố trí chòi canh, cử lực lượng trực cứu hộ thường xuyên, liên tục. Các quy định về cứu hộ tắm biển được thông báo rộng rãi trên hệ thống loa truyền thanh. Đồng thời, UBND thành phố duy trì đội cứu hộ, cứu nạn và sơ cấp cứu trên biển; thường xuyên cử các thành viên trong đội tham gia các lớp tập huấn và diễn tập về sơ cấp cứu biển. Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp nên khi xảy ra trường hợp đuối nước, các lực lượng và Nhân dân đã kịp thời ứng cứu. Điển hình, như vụ một bé trai tại Nghệ An bị đuối nước tại bãi tắm D (phường Quảng Cư) vào cuối tháng 4 vừa qua. Khi phát hiện vụ việc, người dân tắm gần đó và lực lượng cứu hộ, công an đã nhanh chóng ứng cứu giúp bé thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”.

Hậu quả của đuối nước thường ở mức độ thiệt hại cao nhất về tính mạng. Do đó, cùng với những biện pháp của các địa phương, ngành chức năng, du khách và người dân cần trang bị cho mình những kiến thức và kỹ năng cần thiết để tự bảo vệ mình khỏi những nguy hiểm đuối nước khi tắm biển. Mỗi người nên trang bị phao tắm và khởi động kỹ trước khi xuống biển, tránh chuột rút. Đồng thời, tuân thủ hướng dẫn, nhắc nhở của các thành viên trong đội cứu hộ; tuân thủ các điều kiện về an toàn khi tham gia tắm biển. Những người không biết bơi hoặc phụ nữ, người cao tuổi, trẻ em khi tắm biển cần có sự quản lý của người lớn.

Ngoài ra, tại các địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, cảnh báo để người dân, du khách cẩn trọng hơn khi tắm biển. Các địa phương và ngành chức năng cần quan tâm đầu tư đến chất lượng và số lượng của các thành viên cứu hộ, cứu nạn, sơ cấp cứu trên biển.

Bài và ảnh: Quỳnh Chi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]