Phát triển vùng chè nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu
Với các chính sách khuyến khích phát triển, những năm qua, sản xuất chè tại huyện Như Xuân thu được nhiều kết quả tích cực, hướng đến trồng chè theo hướng hàng hóa, phục vụ chế biến, xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Người dân xã Cát Vân (Như Xuân) chăm sóc cây chè.
Như Xuân đã triển khai Đề án “Phát triển vùng chè nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030" (sau đây gọi tắt là Đề án) nhằm nâng cao giá trị sản xuất từ cây chè, tăng nguồn thu nhập cho các hộ trồng chè, sản xuất chè với nhiều cơ chế hỗ trợ. Tổng mức hỗ trợ trồng chè nguyên liệu là 25 triệu đồng/ha, trong đó, hỗ trợ 15 triệu đồng/ha trồng mới và 10 triệu đồng/ha chăm sóc; hỗ trợ HTX, doanh nghiệp liên kết với các hộ dân để phát triển vùng chè nguyên liệu với mức hỗ trợ là 5 triệu đồng/ha.
Với kỳ vọng khôi phục và phát triển loại cây trồng truyền thống và trồng mới các giống chè có năng suất, chất lượng cao để mang lại nguồn thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, chính quyền xã Cát Vân đã chủ động tuyên truyền, vận động tổ chức triển khai kế hoạch trồng chè đến các xã và người dân; chuẩn bị cây giống có chất lượng tốt, bảo đảm cung ứng kịp thời cho Nhân dân; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về sản xuất, kinh doanh giống, vật tư phân bón trong vùng nguyên liệu nhằm xây dựng vùng chè an toàn.
Đến nay, trên địa bàn xã Cát Vân đã có 43 hộ tham gia trồng chè nguyên liệu với diện tích 22ha. Số diện tích chè đã trồng đang được các hộ chăm sóc và phát triển tốt, bước đầu đã cho thu hoạch với năng suất bình quân từ 270kg đến 330kg/tháng/ha.
Ông Lữ Đình Tuân, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Vân cho biết: “Tuy gần đây giá chè giảm nhiều nhưng nếu một năm người dân thu hoạch 3 vụ thì sẽ mang lại thu nhập khoảng 35 - 40 triệu/ha. Có những hộ gia đình tạo được việc làm cho lao động dư thừa của địa phương, đem lại thu nhập ổn định, góp phần xóa đói, giảm nghèo”.
Nhận thấy cây chè rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương, gia đình ông Đào Khắc Dương, thôn Cát Xuân, xã Cát Tân đã chuyển đổi dần những diện tích đất đồi trồng cây kém hiệu quả sang trồng 1,5ha chè xen với mắc ca. Đến nay, sau một năm gia đình ông thu được 45 triệu đồng từ trồng chè.
Chủ tịch UBND xã Cát Tân, Hoàng Thị Lương cho biết: Thời gian qua, xã đã trồng mới được 9,95ha chè, đưa tổng diện tích trồng chè toàn xã lên 42ha, với 124 hộ dân tham gia. Trước đây, khi giá cả cao các hộ dân có tổng thu nhập khoảng 240 triệu/ha, trừ chi phí còn khoảng 120 triệu/ha/năm. Năm nay, giá cả thấp hơn, tuy nhiên xã vẫn xác định cây chè là một trong những cây trồng chủ lực góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã. Vì vậy thời gian tới, xã tiếp tục vận động Nhân dân thay thế các diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây chè giống PH8 vì loại này cây trồng khỏe, phát triển tốt, búp mập, ngọn vươn dễ thu hoạch, sản lượng cao hơn so với chè cũ, chất lượng chè ngon, thơm.
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Như Xuân, giai đoạn 2021-2023, ngân sách huyện đã hỗ trợ 720,9 triệu đồng để thực hiện Đề án. Cụ thể gồm: Hỗ trợ trồng mới 36,22ha chè nguyên liệu cho 1 HTX và 25 hộ dân trên địa bàn các xã Cát Vân, Cát Tân, Hóa Quỳ và thị trấn Yên Cát với tổng kinh phí 543,3 triệu đồng; hỗ trợ chăm sóc cho 17,76ha trồng chè nguyên liệu từ năm 2021-2022 cho các hộ dân trên địa bàn các xã Cát Vân, Cát Tân với kinh phí 177,6 triệu đồng.
Trên địa bàn huyện đã có 68 hộ dân và 2 HTX tham gia thực hiện Đề án, phát triển trồng mới được 36,2ha chè nguyên liệu, nâng tổng diện tích trồng chè trên địa bàn huyện lên 173ha. Bước đầu hình thành vùng nguyên liệu chè phục vụ chế biến và xuất khẩu trên địa bàn huyện. Thay thế cơ cấu giống chè bằng các giống chè mới có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Hiện huyện đã xây dựng được sản phẩm chè Thanh Vân đạt OCOP 3 sao, được thị trường trong và ngoài huyện ưa chuộng.
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Như Xuân, Lê Tiến Đạt cho biết: Tính trên đầu diện tích, doanh thu từ sản phẩm chè búp tươi là 14,4 triệu đồng/ha/năm; qua khâu chế biến và tiêu thụ, doanh thu từ sản phẩm chè khô đã nâng lên 47 triệu đồng/ha/năm. Đây là kết quả khả quan trong những năm đầu triển khai thực hiện Đề án. Năm 2025, huyện dự kiến sẽ phát triển trồng mới 20ha chè nguyên liệu, nâng tổng diện tích trồng chè trên địa bàn huyện đạt 193ha; 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh chè trên địa bàn huyện đảm bảo các điều kiện về an toàn thực phẩm theo quy định. Phấn đấu đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể chè Như Xuân.
Để làm được điều đó, huyện tăng cường công tác quản lý về giống, vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong vùng nguyên liệu; xây dựng hệ thống cung ứng chè theo hướng hiện đại, kết nối được sản xuất với phân phối, tiêu dùng nông sản thành chuỗi giá trị, ổn định và bền vững; đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất chè, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Chú trọng tuyên truyền đến người dân lợi ích của việc trồng chè; tập huấn nâng cao năng lực của người dân trong sản xuất và tiếp cận thông tin thị trường; đầu tư nâng cấp dây chuyền chế biến sâu sản phẩm chè khô; thay đổi mẫu mã, bao bì đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng; tăng cường công tác quảng bá xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường tiêu thụ.
Bài và ảnh: Anh Tuân
{name} - {time}
-
2025-01-21 13:33:00
Phường Xuân Lâm phát triển thương mại, dịch vụ
-
2025-01-21 09:29:00
Doanh nghiệp vận tải tăng cường phương tiện, đảm bảo an toàn cho hành khách dịp tết
-
2025-01-21 08:31:00
Tiến độ triển khai nhà ở xã hội trên cả nước tính đến tháng 1/2025
Thêm gần 600 chuyến bay trong giai đoạn cao điểm Tết
Bản tin Tài chính 21/1: Vàng “lao dốc”, mất hơn nửa triệu trong 2 ngày
Cầu Xuân Quang và đường Vạn Thiện đi Bến En sẽ thông xe kỹ thuật trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
Hỗ trợ giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng của bão số 3
Sôi động thị trường bán lẻ dịp tết
Cục Đường bộ Việt Nam đề xuất thu phí 6 tuyến cao tốc
Bản tin Tài chính 20/1: Hôm nay ông Trump nhậm chức, giá vàng ra sao?
Bình Lương khơi dậy sức dân, phát huy lợi thế cán đích NTM
“Sẵn sàng chia sẻ, sẵn sàng hợp tác”