(Baothanhhoa.vn) - Những năm qua, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn không phát sinh rác thải. Bước đầu các mô hình đã mang lại hiệu quả tích cực về chất lượng và kinh tế, đồng thời góp phần hạn chế các tác động tiêu cực từ sản xuất đối với môi trường.

Phát triển mô hình nông nghiệp tuần hoàn không rác thải

Những năm qua, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn không phát sinh rác thải. Bước đầu các mô hình đã mang lại hiệu quả tích cực về chất lượng và kinh tế, đồng thời góp phần hạn chế các tác động tiêu cực từ sản xuất đối với môi trường.

Phát triển mô hình nông nghiệp tuần hoàn không rác thảiMô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, không chất thải tại phường Đông Cương (TP Thanh Hóa).

Tại phường Đông Cương (TP Thanh Hóa) đã có rất nhiều trang trại, hộ sản xuất làm tốt mô hình này, sau đó hướng dẫn lại cách thức thực hiện cho những hộ dân khác. Với diện tích gần 2.000m2, gia đình ông Đỗ Đình Hải ở phố 5 đã quyết định đầu tư lắp đặt hệ thống nhà màng, tưới tiêu tự động để sản xuất các loại hoa, rau, củ, quả theo mùa. Được sự định hướng của địa phương, ông đã tận dụng các loại phế phẩm nông nghiệp như thực phẩm hết hạn, rễ cây, rau củ quả hỏng để ủ với chế phẩm sinh học sau đó bón cho cây trồng. Nhờ vậy, từ năm 2018 đến nay, mô hình này đã giúp ông Hải tiết kiệm được lượng lớn phân bón hóa học, giảm tới 60% chi phí sản xuất. Từ đó, tạo ra những sản phẩm chất lượng, an toàn, được người tiêu dùng lựa chọn và tin tưởng; đồng thời hạn chế rác thải và các mùi hôi thối gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Bên cạnh việc “làm sạch” cho trang trại của mình, ông Hải còn hướng dẫn cách thực hiện mô hình tuần hoàn không rác thải cho nhiều hộ dân khác bằng cả sự tâm huyết. Ông cho rằng, “việc xử lý phụ phẩm nông nghiệp tuy rất khó nhưng chỉ cần bỏ chút thời gian chịu khó tìm tòi, quan sát, yêu cây cối hoa lá và yêu môi trường là mình sẽ làm được”.

Là một trong những hộ dân được địa phương tạo điều kiện đi thăm các mô hình nông nghiệp tuần hoàn không rác thải, anh Lê Hữu Chinh, phố 6, phường Đông Cương (TP Thanh Hóa) cho biết: "Gia đình tôi đã chăn nuôi gà rừng được gần 10 năm, tích tụ nhiều chất thải và các loại mùi gây ảnh hưởng đến môi trường và làng xóm xung quanh. Vì vậy, ngay sau khi đi thăm các mô hình về, tôi đã bắt tay vào áp dụng đưa chế phẩm sinh học hủy phân để khử mùi hôi ngay cho trang trại của mình; đồng thời dọn dẹp thường xuyên và định kỳ hàng ngày".

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường đối với sự phát triển bền vững của địa phương và chất lượng cuộc sống của người dân, lãnh đạo phường Đông Cương (TP Thanh Hóa) đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các hộ dân về lợi ích của mô hình tuần hoàn không rác thải; tổ chức cho cán bộ và Nhân dân tham quan các mô hình, mở các lớp tập huấn kỹ thuật. Sau khi áp dụng, đã có nhiều mô hình mang lại hiệu quả thiết thực như: hạn chế thấp nhất rác thải ra môi trường, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho vật nuôi, cây trồng; thu nhập được nâng cao... nên đã được người dân ủng hộ và chủ động triển khai ngay chính tại gia đình mình.

Sau nhiều năm thử nghiệm, gia đình ông Lê Minh Tới, xã Thiệu Duy (Thiệu Hóa) đã thành công với mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn không chất thải. Bước đầu, với mong muốn giảm chi phí sản xuất, ông đã dùng các phế phẩm từ cây trồng để đốt lấy tro và chất thải gia cầm để bón cho cây. Sau đó, ông nhận thấy đây là quy trình tối ưu nhất, vừa ít phát sinh chất thải lại mang đến hiệu quả cao hơn so với cách làm thông thường nên ông Tới đã học hỏi thêm tại nhiều mô hình khác để xây dựng trang trại tuần hoàn. Bắt tay vào làm, ông đã dùng phế phẩm, chất thải của chính trang trại mình, sử dụng ruồi lính đen tạo ra men vi sinh tưới cho cây và enzym trộn với rau quả làm thức ăn cho gia súc, gia cầm. Nhờ đó, trang trại hoạt động theo một vòng tuần hoàn, không hoặc rất ít chất thải, không sử dụng thức ăn và phân bón công nghiệp. Các sản phẩm của trang trại được sản xuất theo hướng đảm bảo an toàn, mang lại giá trị cao hơn 20% so với sản xuất truyền thống. Đây được xem như là một trong những mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, tiêu biểu của huyện Thiệu Hóa.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Thiệu Duy (Thiệu Hóa) Nguyễn Khắc Dũng cho biết: "Tính đến nay, xã Thiệu Duy có khoảng 600ha đất nông nghiệp nên mô hình này rất phù hợp. Thời gian tới, hội nông dân sẽ cùng xã phối hợp tổ chức thêm nhiều lớp tập huấn để giới thiệu về xu thế nông nghiệp tuần hoàn, giúp bà con hiểu và nắm được kiến thức, từ đó áp dụng cho mô hình của mình".

Hiện nay, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn đang là xu hướng tất yếu của nền nông nghiệp. Từ hiệu quả thiết thực mà những mô hình cụ thể đem lại đã góp phần lan tỏa xu hướng này ngày càng rộng rãi, hướng tới sự phát triển nông nghiệp bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống của con người.

Bài và ảnh: Chi Phạm



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]