Phát huy tối đa dư địa, đưa các chỉ tiêu ngành công thương tiếp tục phát triển
Năm 2024, ngành công thương sẽ chú trọng thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại theo chiều sâu và bền vững với các chỉ tiêu hướng tới: chỉ số IIP tăng 8%; giá trị gia tăng công nghiệp 14,8%; giá trị xuất khẩu đạt 6 tỷ USD; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 8,7% so với cùng kỳ.
Chiều 19/12, Sở Công Thương tổ chức hội nghị tổng kết năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Đồng chí Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, đại diện các sở, ngành, các hiệp hội DN, ngành hàng, một số địa phương và doanh nghiệp (DN) tham dự hội nghị.
Đồng chí Phạm Bá Oai, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công Thương phát biểu tại hội nghị.
Năm 2023, hoạt động của ngành công thương tiếp tục phải đối mặt với khó khăn, thách thức do biến động địa chính trị tại một số khu vực trên thế giới và suy thoái kinh tế toàn cầu, cạnh tranh thương mại và xu thế bảo hộ mậu dịch gia tăng. Ở trong nước, việc tiếp cận các yếu tố đầu vào cũng gặp không ít khó khăn; Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn phải tạm dừng sản xuất để bảo dưỡng 48 ngày, ảnh hưởng tới kết quả chung của ngành công nghiệp.
Đại diện các sở, ngành, doanh nghiệp dự hội nghị.
Trong bối cảnh đó, với các giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt và sự nỗ lực của tỉnh, ngành công thương và cộng đồng DN, các chỉ số của ngành vẫn đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 4,87%; giá trị gia tăng công nghiệp tăng 10,73%, tiếp tục là động lực chính của tăng trưởng GRDP toàn tỉnh đạt mức 7,01%. Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực, chiếm tỷ trọng chi phối đã mở rộng thị trường tiêu thụ, có mức tăng trưởng tốt so với cùng kỳ như: Điện sản xuất, clinker, dầu mỡ bôi trơn, thuốc lá bao, giấy bìa...
Phó Giám đốc Sở Công Thương Lê Tiến Dũng báo cáo kết quả phát triển ngành công thương năm 2023.
Trong hoạt động xuất nhập khẩu, toàn tỉnh hiện có 189 DN xuất khẩu đến 53 thị trường với 55 chủng loại hàng hóa. Năm 2023, tổng giá trị xuất khẩu đạt 5,06 tỷ USD, đạt 92% kế hoạch và tiếp tục là động lực cho sản xuất công nghiệp tăng trưởng. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: may mặc, giày dép, dăm gỗ, thủy sản, xi măng... có kim ngạch xuất khẩu cao so với cùng kỳ. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu dần được cải thiện theo hướng chế biến sâu và gia tăng giá trị.
Các đại biểu dự hội nghị.
Hoạt động thương mại trong tỉnh diễn ra sôi động. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 172.926 tỷ đồng, đạt 98,8% kế hoạch và tăng 14,1% so với cùng kỳ. Các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng rất phong phú, giá cả ổn định, không xảy ra hiện tượng đầu cơ, găm giá, nhất là trong các dịp nghỉ lễ, mùa du lịch, lễ hội. Các chương trình kích cầu, chương trình khuyến mại, các hội chợ được diễn ra thường xuyên tại các địa phương. Công tác kết nối cung cầu từng bước gắn kết hiệu quả giữa nguồn cung và thị trường, dần hình thành các chuỗi liên kết đối với hàng hóa có nguồn gốc trong tỉnh, chuỗi tiêu thụ thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn để phục vụ người dân tốt hơn và giảm bớt chi phí trung gian. Thương mại điện tử ngày càng phát triển, tạo động lực cho hoạt động chuyển đổi số của các DN, nâng cao nhận thức và thói quen mua sắm của Nhân dân.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi và Giám đốc Sở Công Thương Phạm Bá Oai chủ trì hội nghị.
Trong năm 2023, ngành công thương cũng hoàn thành nhiều nhiệm vụ trong công tác quản lý Nhà nước như công tác kế hoạch, quy hoạch; quản lý công nghiệp và thương mại nội địa; xuất nhập khẩu và hội nhập kinh tế quốc tế; quản lý năng lượng; an toàn thực phẩm... Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh rất khó khăn, Sở Công Thương đã hoàn thành nhiệm vụ chủ đầu tư cấp điện cho 14 thôn, bản còn lại của 2 huyện Mường Lát và Thường Xuân, đưa Thanh Hóa trở thành một trong những đơn vị đầu tiên của cả nước hoàn thành chương trình đưa điện lưới quốc gia về các thôn, bản miền núi.
Đặc biệt, trong công tác cải cách hành chính và chuyển đổi số, đơn vị đã kiểm soát, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong giải quyết thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho DN và công dân trong quá trình thực hiện thủ tục. Sở Công Thương xếp thứ 2 toàn tỉnh khối sở, ngành trong bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện (DDCI) tỉnh Thanh Hóa năm 2022.
Để góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2024 đã được HĐND tỉnh thông qua, ngành công thương xây dựng các chỉ tiêu: chỉ số IIP tăng 8%; giá trị gia tăng công nghiệp 14,8%; giá trị xuất khẩu đạt 6 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 188.000 tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ.
Đại diện Tập đoàn Hoa Lợi phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, đại diện các hiệp hội, ngành hàng, các DN đã thông tin, chia sẻ về một số khó khăn tác động đến các lĩnh vực, ngành hàng cụ thể; ghi nhận sự vào cuộc hỗ trợ của lãnh đạo tỉnh và Sở Công Thương trong thực hiện các thủ tục liên quan đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Các DN cũng thảo luận, kiến nghị và đề xuất một số nội dung nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho DN khôi phục sản xuất, tiếp tục đóng góp cho tăng trưởng của tỉnh và góp phần hoàn thành các mục tiêu của ngành công thương trong thời gian tới.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đánh giá cao những kết quả của ngành công thương đạt được trong năm 2023. Những chỉ tiêu của ngành tuy chưa đạt kế hoạch, nhưng đang là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như hoàn thành các mục tiêu xã hội của tỉnh.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nêu rõ: Tại Nghị quyết số 58-NQ/TƯ ngày 5/8/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã khẳng định quan điểm “Phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để phát triển tỉnh Thanh Hóa nhanh và bền vững với công nghiệp nặng, nông nghiệp quy mô lớn, giá trị gia tăng cao là nền tảng; các ngành công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ logistics là đột phá”. Với định hướng này cho thấy vị trí, vai trò và trách nhiệm của ngành công thương đối với sự phát triển của tỉnh là rất lớn.
Năm 2024 được tỉnh Thanh Hóa xác định là năm tăng tốc, bứt phá để về đích sớm 1 số mục tiêu trong kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025. Trong việc thực hiện mục tiêu này, 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu đã được hoạch định với mục tiêu là động lực chính cho tăng trưởng. Để thực hiện thành công mục tiêu này, bên cạnh công tác định hướng, chỉ đạo của tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị ngành công thương nâng cao năng lực dự báo, đánh giá, phân tích tình hình, từ đó đưa các giải pháp phù hợp trong tham mưu xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch hành động về phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 trong lĩnh vực công thương; cụ thể hóa các chủ trương, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ chung của ngành thành nhiệm vụ cụ thể, gắn với trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị.
Các đại biểu dự hội nghị.
Đồng chí cũng đề nghị các đơn vị tập trung rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định của Trung ương, của tỉnh để chủ động báo cáo, đề xuất sửa đổi các nội dung còn chồng chéo, bất cập, khó thực hiện, thiếu khả thi nhằm xử lý dứt điểm các “điểm nghẽn” đang làm chậm tiến độ, chậm phát triển đối với lĩnh vực công thương; tuyệt đối không lợi dụng những điểm còn vướng mắc, hạn chế của các văn bản quy phạm pháp luật để cản trở, gây khó khăn cho DN với động cơ không trong sáng.
Đồng chí đặc biệt lưu ý các đơn vị chủ động nắm chắc tình hình đầu tư, sản xuất, kinh doanh của các DN để chủ động xử lý hoặc tham mưu cho cấp có thẩm quyền chỉ đạo khắc phục, tháo gỡ và tháo gỡ đến nơi những khó khăn, vướng mắc của DN. Đẩy nhanh tiến độ các dự án sản xuất công nghiệp, dịch vụ thương mại lớn nhằm nhanh chóng tạo ra các sản phẩm mới xuất xứ trong tỉnh, có giá trị và tính cạnh tranh cao. Triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng và thu hút nhà đầu tư thứ cấp vào các cụm công nghiệp.
Trong lĩnh vực thương mại, cần theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả để chủ động có giải pháp quản lý, điều hành, giữ ổn định thị trường; triển khai hiệu quả các chương trình kích cầu tiêu dùng, xúc tiến thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo tháo gỡ khó khăn trong công tác chuyển đổi và đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, dịch vụ logistics để hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các ngành, đơn vị bám sát chỉ đạo của Bộ Công Thương về nhiệm vụ phát triển ngành năm 2024; triển khai đầy đủ các quy hoạch, chương trình, đề án, dự án cấp quốc gia lĩnh vực công thương; đồng thời đề nghị Sở Công Thương với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các DN sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh hoạt động và phát triển bền vững.
Tại hội nghị, thừa ủy quyền Chủ tịch nước, đồng chí Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã trao Huân chương Lao động hạng 3 cho ông Tseng Jung Huei, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoa Lợi vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2018 đến năm 2022 góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa; trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho đồng chí Trần Đức Lương, Phó Giám đốc Sở Công Thương vì đã có thành tích trong công tác từ năm 2018 đến năm 2022, góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc và Cờ thi đua, Bằng khen của UBND tỉnh cho tập thể Sở Công Thương và cá nhân đạt thành tích xuất sắc.
Thừa ủy quyền Chủ tịch nước, đồng chí Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trao Huân chương Lao động hạng 3 cho ông Tseng Jung Huei, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoa Lợi vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2018 đến năm 2022 góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho đồng chí Trần Đức Lương, Phó Giám đốc Sở Công Thương vì đã có thành tích trong công tác từ năm 2018 đến năm 2022, góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi trao Cờ thi đua của UBND tỉnh cho Sở Công Thương.
Minh Hằng
{name} - {time}
-
2024-12-14 11:52:00
Kiến tạo hành lang pháp lý, lan tỏa quyết tâm vươn mình
-
2024-12-14 11:44:00
Chủ tịch nước: Xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ
-
2023-12-19 18:00:00
Bản tin 18 giờ ngày 19/12: Yêu cầu đẩy nhanh tiến độ các công trình đầu tư công
Lang Chánh xếp thứ 10 toàn tỉnh về tốc độ phát triển năm 2023
Phó Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Tuấn Sinh chúc mừng giáo xứ Phúc Lãng và giáo xứ Sầm Sơn nhân dịp Giáng sinh, chào đón năm mới 2024
Kỳ họp thứ 12, HĐND TP Thanh Hóa: Biểu quyết thông qua 18 nghị quyết và bế mạc kỳ họp
Nga Sơn: kinh tế - xã hội ổn định và có bước phát triển
Chủ tịch nước: Sinh viên cần xác định tâm thế, trách nhiệm đối với đất nước
Thị xã Bỉm Sơn hoàn thành 21/25 chỉ tiêu đề ra trong năm 2023
Phát huy vai trò tiên phong, xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, vững mạnh thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng
Kỳ họp thứ 22, HĐND huyện Thiệu Hóa khóa XIV, nhiệm kỳ 2021 - 2026
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn kiểm tra tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội