(Baothanhhoa.vn) - Khu di tích lịch sử - văn hóa, danh thắng Bàn Bù (khu phố Vân Hòa, thị trấn Ngọc Lặc, huyện Ngọc Lặc) tọa lạc ở nơi phong cảnh thiên nhiên thơ mộng, hữu tình, là điểm đến với những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc.

Phát huy giá trị khu di tích lịch sử - văn hóa, danh thắng Bàn Bù

Khu di tích lịch sử - văn hóa, danh thắng Bàn Bù (khu phố Vân Hòa, thị trấn Ngọc Lặc, huyện Ngọc Lặc) tọa lạc ở nơi phong cảnh thiên nhiên thơ mộng, hữu tình, là điểm đến với những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc.

Phát huy giá trị khu di tích lịch sử - văn hóa, danh thắng Bàn BùLễ rước nước mang đậm nét văn hóa truyền thống tại lễ hội văn hóa - du lịch Bàn Bù hàng năm.

Theo sử sách, khu vực hang Bàn Bù, thuộc làng Ngán, xã Ngọc Khê (nay là khu phố Vân Hòa, thị trấn Ngọc Lặc) vốn là nơi tập hợp nghĩa quân và chế tạo vũ khí của nghĩa quân Lam Sơn. Cùng với đó, suối Bàn Bù là phòng tuyến giúp nghĩa quân Lam Sơn nhiều lần chiến thắng quân Minh, tiêu biểu là trận đánh vào tháng 11 năm 1420. Với chiến thắng này, nghĩa quân Lam Sơn đã thiết lập nên một phòng tuyến vững chắc, tạo đà cho cuộc khởi nghĩa đi đến thắng lợi.

Năm 2005, hang Bàn Bù đã được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa, danh thắng và được đưa vào quy hoạch tổng thể nhằm bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa này. Khu di tích bao gồm khu vực núi, hang động, suối nước, chùa Nán, đền thờ Mẫu Thoải, đền thờ Lê Lai, Lê Lợi, Nguyễn Trãi và các tướng sĩ nghĩa quân Lam Sơn.

Cùng với quần thể núi, hang động, suối, một trong những điểm nhấn trong khu di tích là ngôi chùa Nán (hay còn gọi là Thiền tự Trúc Lâm Bàn Bù). Trước năm 1420, giặc Minh xâm lược đã tàn phá chùa, Nhân dân phải sơ tán vào hang Bàn Bù lập bàn thờ thần nước và thờ Phật. Theo Đại Việt thông sử, sau khi chiến thắng quân Minh, Vua Lê Thái tổ đã sắc phong cho Nhân dân làng Ngán được phụng thờ Tĩnh Quang Ngọc Giám Thủy Lôi Lưu Thanh Thủy Thần, đồng thời hàng năm mở hội mừng chiến thắng.

Đến năm 2016, chùa Nán được trùng tu với kiến trúc đẹp, uy nghiêm, tọa lạc ngay dưới chân núi. Những năm gần đây chùa tiếp tục được xây dựng với những hạng mục như trai đường, nhà bếp, tam quan, khu thất trụ trì và một số công trình khác thu hút đông đảo phật tử, Nhân dân và du khách thập phương đến tham quan, vãn cảnh.

Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích lịch sử - văn hóa, danh thắng Bàn Bù, từ năm 2018 đến nay huyện Ngọc Lặc thường xuyên tổ chức lễ hội văn hóa - du lịch Bàn Bù (năm 2020 và 2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 lễ hội tạm dừng tổ chức) với quy mô cấp huyện, thu hút đông đảo Nhân dân trong và ngoài tỉnh tham gia. Mở đầu cho lễ hội, sau lễ dâng hương những thanh niên sẽ thực hiện lễ rước nước từ điện thờ chính về địa điểm sẽ diễn ra lễ hội. Lễ rước nước biểu hiện một mối quan hệ mật thiết giữa quá khứ - hiện tại và tương lai của cả cộng đồng. Phần hội diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao đặc sắc của địa phương và dân tộc Mường...

Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ngọc Lặc Phạm Đình Cường cho biết: “Nhằm phát huy giá trị khu di tích, những năm qua huyện Ngọc Lặc đã chú trọng công tác bảo tồn, tôn tạo gắn với phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Đặc biệt là việc tổ chức thành công lễ hội văn hóa - du lịch Bàn Bù trong những năm qua đã góp phần quảng bá sâu rộng những giá trị văn hóa, lịch sử, cảnh quan thiên nhiên nơi đây đến đông đảo Nhân dân và du khách thập phương. Lễ hội đến nay đã thực sự trở thành ngày hội văn hóa của cộng đồng các dân tộc trên đất Ngọc Lặc và các vùng lân cận”.

Cũng theo ông Cường, huyện Ngọc Lặc đã và đang huy động nguồn lực xã hội hóa để tôn tạo khu di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng Bàn Bù và không gian văn hóa truyền thống huyện Ngọc Lặc. Về lâu dài, huyện sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, mở rộng không gian phát triển du lịch, thu hút các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư cơ sở lưu trú, nhà hàng, dịch vụ du lịch, đưa khu di tích trở thành điểm đến hấp dẫn.

Với những giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc, năm 2019 khu di tích này đã được UBND tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa, danh thắng cấp tỉnh và được đưa vào quy hoạch tổng thể nhằm bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa, danh lam, thắng cảnh. Cũng trong năm 2019, khu di tích đã được UBND tỉnh công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh.

Bài và ảnh: Hoài Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]