(Baothanhhoa.vn) - Ngay khi Nghị định số 137/2020/NĐ-CP, ngày 27-11-2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo (gọi tắt là Nghị định 137) được ban hành, các cấp chính quyền, ngành chức năng trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức, nhằm nâng cao ý thức của người dân trong sử dụng pháo cũng như chấp hành tốt các quy định của pháp luật.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nâng cao ý thức người dân trong quản lý sử dụng pháo

Ngay khi Nghị định số 137/2020/NĐ-CP, ngày 27-11-2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo (gọi tắt là Nghị định 137) được ban hành, các cấp chính quyền, ngành chức năng trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức, nhằm nâng cao ý thức của người dân trong sử dụng pháo cũng như chấp hành tốt các quy định của pháp luật.

Nâng cao ý thức người dân trong quản lý sử dụng pháoHọc sinh Trường THCS Quảng Định (Quảng Xương) tham gia hoạt động ngoại khóa tuyên truyền về phòng, chống pháo nổ.

5 giờ 45 phút hàng ngày, anh Phạm Văn Bảy, công chức văn hóa xã hội, phụ trách Đài Truyền thanh phường Quảng Tâm (TP Thanh Hóa) lại bắt đầu công việc quen thuộc của mình. Sau khi chuẩn bị loa máy, nhiệm vụ đầu tiên của anh là phát đi thông tin về Nghị định số 137 với nội dung quản lý, sử dụng pháo; cách phân biệt pháo hoa và pháo hoa nổ; các trường hợp được sử dụng pháo hoa... Đây là những nội dung không thể thiếu trong bản tin truyền thanh mà anh Bảy đã thực hiện gần 2 tháng nay. Anh Phạm Văn Bảy chia sẻ: “Từ khi Nghị định số 137 về quản lý, sử dụng pháo được ban hành, đặc biệt là trong thời điểm giáp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, chúng tôi liên tục phát đi những bản tin có nội dung liên quan đến nghị định; về hoạt động mua, bán, phòng, chống, tàng trữ, sử dụng pháo, vật liệu nổ trái phép với tần suất 2 lần/ngày, để người dân nắm bắt, hiểu và thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước. Ngoài việc tiếp âm đài cấp trên, chúng tôi còn xây dựng chương trình riêng, sưu tầm các nội dung liên quan đến nghị định từ các kênh thông tin chính thống để kịp thời truyền tải đến người dân những thông tin mới và hữu ích nhất”.

Anh Nguyễn Văn Hùng, người dân phường Quảng Tâm chia sẻ: “Khi nghe thông tin người dân được phép đốt pháo hoa, bản thân tôi cảm thấy rất hào hứng. Thế nhưng, qua các phương tiên thông tin đại chúng, đặc biệt là từ hệ thống loa truyền thanh của phường, tôi hiểu rõ hơn những nội dung của Nghị định số 137, biết được như thế nào là pháo nổ, pháo hoa nổ, pháo hoa; cá nhân, tổ chức nào được phép sử dụng thì đúng luật, cũng như những quy định xử phạt đối với người sử dụng pháo trái phép... Từ đó, bản thân tôi nhận thấy nên nghiêm chỉnh chấp hành để không gây ảnh hưởng xấu đến bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội”.

Không riêng loa truyền thanh của phường Quảng Tâm, từ khi Nghị định sô 137 ra đời, hệ thống loa truyền thanh của 34 xã, phường của TP Thanh Hóa đều tăng cường thời lượng thông tin về nghị định để mọi tầng lớp Nhân dân nắm rõ và thực hiện theo đúng pháp luật. Ngoài ra, các ban, ngành chức năng, đặc biệt là lực lượng công an của TP Thanh Hóa còn tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về việc sử dụng pháo, như tổ chức lễ ra quân tuyên truyền và thực hiện công tác phòng, chống vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng pháo; tuyên truyền lưu động về thực hiện Nghị định 137; tổ chức cho các hộ kinh doanh, người dân ký cam kết không sản xuất, mua bán, sử dụng trái phép pháo nổ...

Tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, hoạt động thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân cũng được đặc biệt quan tâm. Ông Trịnh Văn Toàn, Chủ tịch UBND xã Định Tân (Yên Định), cho biết: “Ngay sau khi UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành chỉ thị về việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị định số 137, UBND xã Định Tân đã tổ chức hội nghị tuyên truyền, quán triệt nội dung của nghị định đến toàn thể cán bộ, đảng viên và các cụm dân cư trong xã. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thông loa truyền thanh; tổ chức cho các hộ dân ký cam kết không tàng trữ, mua bán, sử dụng pháo trái phép. Đặc biệt, từ ngày 20-1 đến trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, chúng tôi đã phân công các thành viên trong ban chỉ đạo an ninh trật tự xã tập trung về cơ sở để nắm bắt tình hình, tăng cường tuyên truyền cho Nhân dân thực hiện tốt các quy định về phòng, chống sử dụng pháo nổ”.

Cùng với cấp ủy, chính quyền, thời gian qua, các trường học trong tỉnh thường xuyên phối hợp với lực lượng công an, đoàn thanh niên tổ chức hoạt động ngoại khóa tuyên truyền pháp luật về phòng, chống pháo nổ, vũ khí, vật liệu nổ. Qua đó giúp cán bộ, giáo viên và học sinh nâng cao kiến thức, hiểu rõ hơn những quy định của pháp luật, không mua bán, tàng trữ, vận chuyển và đốt pháo nổ; không tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái phép; kịp thời phát hiện, tố giác, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến pháo... Em Nguyễn Hữu Thăng, học sinh Trường THPT Chu Văn An (TP Sầm Sơn) cho biết: Chúng em vẫn thấy trên mạng Internet có chào bán pháo, vật liệu nổ, có cả hướng dẫn cách tự làm pháo, đốt pháo nổ... Nhưng qua nghe tuyên truyền em và các bạn nhận thức rằng, không nên sử dụng pháo nổ và cần tuyên truyền cho bạn bè, người thân không vi phạm các quy định về pháo”. Thầy giáo Lê Văn Yên, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Định Tân (Yên Định) cho rằng, hoạt động ngoại khóa tuyên truyền về Nghị định 137 là rất cần thiết và có ý nghĩa thiết thực đối với học sinh nhà trường. Việc làm này không chỉ giúp các em học sinh hiểu rõ tác hại của việc sử dụng pháo trái phép, mà còn giúp các em trở thành những tuyên truyền viên tích cực trong việc vận động người thân, gia đình, cộng đồng dân cư không vi phạm quy định về pháo, nhằm đón Tết Nguyên đán Tân Sửu an toàn, lành mạnh.

Nhiều người cho rằng, trong đời sống văn hóa của người Việt Nam, đốt pháo nổ là một tập tục đẹp có từ lâu đời. Thế nhưng, do tính chất nguy hiểm của việc sản xuất, buôn bán và sử dụng pháo nên tập tục ấy không còn phù hợp trong xã hội hiện đại. 27 năm qua, kể từ khi thực hiện Chỉ thị số 406/CT-TTg, ngày 8-8-1994 của Thủ tướng Chính phủ về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo, với sự đồng thuận của toàn dân, tập tục này cơ bản đã không còn tồn tại trong đời sống xã hội. Dù vậy, trong tâm khảm nhiều thế hệ vẫn nhớ hình ảnh, âm thanh của tiếng pháo trong thời khắc đón năm mới hay trong các sự kiện quan trọng của đời người. Vì vậy, việc Chính phủ cho phép tổ chức, cá nhân sử dụng pháo hoa theo Nghị định 137 đã đáp ứng nhu cầu của đại đa số Nhân dân. Tuy nhiên, mỗi người dân cần hiểu đúng và nắm rõ nội dung trong nghị định để tránh vi phạm quy định.

Bài và ảnh: Phong Sắc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]