(Baothanhhoa.vn) - Bằng những lời nói ngon ngọt, dựng lên kịch bản hoàn hảo, một số đối tượng đã lợi dụng lòng tin của nhiều người để lừa đảo, chiếm đoạt tiền và tài sản nhằm phục vụ mục đích cá nhân. Đáng nói là phương thức, thủ đoạn lừa đảo tuy không mới nhưng vẫn khiến nhiều người “sập bẫy”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cảnh giác thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Bằng những lời nói ngon ngọt, dựng lên kịch bản hoàn hảo, một số đối tượng đã lợi dụng lòng tin của nhiều người để lừa đảo, chiếm đoạt tiền và tài sản nhằm phục vụ mục đích cá nhân. Đáng nói là phương thức, thủ đoạn lừa đảo tuy không mới nhưng vẫn khiến nhiều người “sập bẫy”.

Từ những “kịch bản” chiếm đoạt tài sản

Là thanh niên khỏe mạnh nhưng lại có tính ăn chơi, lười lao động, nên khoảng cuối tháng 10-2017, Trịnh Đình C., xã Xuân Phong (Thọ Xuân) đã bỏ nhà xuống TP Thanh Hóa giả danh là Tuấn Anh, quê xã Đông Anh (Đông Sơn) làm quen với Bùi Thị D., xã Đông Tân (TP Thanh Hóa) để thực hiện ý định chiếm đoạt tài sản. Tối 16-11-2017, C. điện thoại cho D. đến đón tại địa điểm cạnh chợ Tây Thành. D. mượn xe máy của bố đi đón C., sau đó cả hai đi đến cửa hàng mua bán điện thoại ở phường Ba Đình. C. bảo D. đứng ngoài trông xe, còn C. vào nói dối chủ cửa hàng rằng mình có chiếc điện thoại iphone 7 đỏ đang cầm cố ở cửa hàng khác với giá 10,5 triệu đồng cả tiền lãi, nếu mua được thì đưa tiền để C. chuộc về bán. C. còn khẳng định để chủ cửa hàng yên tâm vì có người yêu và xe máy của C. ở lại đây. Chủ cửa hàng tin tưởng và đồng ý đưa tiền. Cầm được tiền, C. ra ngoài nói D. đứng đợi trước cửa hàng, một lát sẽ quay lại. Thế nhưng C. ra đường bắt xe ôm đi tiêu số tiền vừa mới lừa được. Về phần D., đợi mãi không thấy bạn trai quay lại, D. bị chủ cửa hàng hiểu nhầm là đồng bọn nên bị đánh, giữ xe máy và điện thoại lại để trình báo công an...

Một trường hợp khác đó là đối tượng đã lợi dụng lòng tin của chính những người bạn để chiếm đoạt xe máy đem đi cầm cố. Đó là trường hợp Nguyễn Văn T., phường Ngọc Trạo (TP Thanh Hóa) đã lợi dụng lòng tin của những người bạn là Trương Hồng D., Vũ Ngọc H. để mượn xe rồi đem đi cầm cố lấy 11 triệu đồng để tiêu xài. Trong vụ án này, Nguyễn Văn T. đã bị xử phạt 27 tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Đến các hình thức lừa đảo xin việc làm

Hình thức chiếm đoạt tài sản mà nhiều người đã “sập bẫy” đó là lợi dụng nhu cầu xin việc làm cho con em của nhiều gia đình để lấy tiền và chiếm đoạt. Tháng 6-2017, Báo Thanh Hóa nhận được đơn của bà Lê Thị Q., ở phường Đông Hương (TP Thanh Hóa) tố cáo bà Nguyễn Thị S. về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong đơn, bà Q. cho biết: Bà S. đi đâu cũng khoe rằng mình có quan hệ thân thiết với một số cán bộ trong ngành công an, có thể xin việc cho bất cứ ai có nhu cầu. Bà S. còn khoe những trường hợp mà bà đã xin được vào ngành. Tin là thật, bà Q. đã đến gặp bà S. đưa hồ sơ xin việc và đặt cọc trước 400 triệu đồng. Bà S. còn viết giấy nhận tiền và cam kết là sau 3 tháng sẽ có quyết định đi làm. Tuy nhiên, sau đó gia đình bà Q. không nhận được hồi âm, hỏi đến thì bà S. khất lần và cố ý tránh mặt. Khi tìm hiểu thêm thì bà Q. mới biết nhiều người cũng bị lừa giống mình.

Trường hợp của ông Lê Văn H., ở phường Đông Vệ (TP Thanh Hóa) cũng xảy ra tương tự. Do có quen biết từ trước, cô L.T.H. đến nhà ông H. chơi và giới thiệu rằng mình có quan hệ rộng rãi, có thể xin được việc cho con gái ông H. Tin vào những lời ngon ngọt của cô L.T.H, tháng 7-2015, ông H. đã đưa cho cô L.T.H 190 triệu đồng cùng bộ hồ sơ xin việc và có yêu cầu cô viết giấy vay tiền. Sau đó đến tháng 11-2015, ông H. lại đưa thêm cho cô L.T.H. 50 triệu đồng. Cô L.T.H. hứa là tháng 12-2015 sẽ có quyết định tuyển dụng, nếu không xin được việc sẽ trả lại đủ số tiền trên. Nhưng quá thời hạn đã lâu, cô L.T.H. không xin được việc và cũng không trả lại tiền như cam kết ban đầu. Ông H. đã gọi điện và gặp cô L.T.H. nhiều lần nhưng cô đều khất lần và tránh mặt. Thậm chí, khi ông H. gửi đơn đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Thanh Hóa yêu cầu làm rõ thì cô L.T.H. cũng chỉ trả lại 50 triệu đồng và viết giấy hẹn trả nợ. Nhưng đến ngày hẹn, cô L.T.H. vẫn không trả tiếp số nợ trên. Sự việc diễn ra đã khá lâu và đi vào bế tắc khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Thanh Hóa có thông báo là chưa đủ tài liệu chứng cứ để xử lý cô L.T.H. về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ông H. phải viết đơn khởi kiện cô L.T.H. ra Tòa án Nhân dân TP Thanh Hóa về vụ án dân sự tranh chấp hợp đồng vay tài sản.

Nâng cao ý thức cảnh giác

Thủ đoạn của các hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản không có gì mới, tuy nhiên các đối tượng vẫn khiến nhiều người trở thành nạn nhân khi họ lợi dụng lòng tin của bạn bè, người dân hoặc đánh vào tâm lý muốn có việc làm của nhiều gia đình. Nhiều người đã tin tưởng hoặc quá sốt sắng mà giao tiền, tài sản cho các đối tượng một cách dễ dàng. Bên cạnh đó, còn xuất hiện một số hình thức lừa đảo “chạy” dự án hoặc vẽ ra “kịch bản” rằng mình đang kinh doanh ở một số lĩnh vực có lợi nhuận cao để thu hút nhiều người góp vốn, nhưng sau khi chiếm đoạt được tài sản thì các đối tượng tuyên bố mất khả năng chi trả.

Là thẩm phán trực tiếp xét xử các vụ án hình sự, trong đó có nhiều vụ về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bà Ngô Thị Hà, Tòa án Nhân dân TP Thanh Hóa cho biết: Hiện nay, tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra dưới nhiều hình thức, trong đó phổ biến là các đối tượng dùng thủ đoạn tạo lòng tin đối với cá nhân để giả vờ mượn, thuê tài sản sau đó mang đi cầm cố để lấy tiền tiêu xài đến khi chủ sở hữu tài sản đòi lại tài sản thì bỏ trốn. Bên cạnh đó, nhiều đối tượng lợi dụng uy tín, quen biết để xin việc làm hoặc nhận tiền chạy dự án, sau đó chiếm đoạt tài sản với số lượng lớn. Quá trình trao đổi, thỏa thuận chỉ là giao dịch miệng, các đối tượng khi giao nhận tiền chỉ ghi là giấy vay tiền hoặc viết giấy nhận tiền chung chung để “lách luật”, dẫn đến khi có đơn tố giác của người bị hại, cơ quan chức năng vào cuộc thì việc khởi tố, điều tra, truy tố và đưa ra xét xử đối với loại tội phạm này là hết sức khó khăn.

Để giảm thiểu thiệt hại do loại tội phạm này gây ra, người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, không cho vay, mượn tài sản đối với những đối tượng không biết rõ nhân thân, lai lịch, hoặc có nhân thân không tốt, có tiền án, tiền sự, nghiện hút. Với những người có nhu cầu xin việc làm, dự án, cần tỉnh táo trước các thủ đoạn lừa đảo, tránh những giao dịch qua các kênh môi giới của một số đối tượng “đục nước béo cò”. Theo quy định hiện hành, khi có kế hoạch tuyển dụng, các cơ quan sẽ phải thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Do đó, mỗi người dân khi có nhu cầu về việc làm, cần liên hệ trực tiếp với các đơn vị tuyển dụng để có thông tin chính xác nhất, tránh tình trạng tiền mất mà việc vẫn không xin được.


Việt Hương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]