(Baothanhhoa.vn) - Theo quy định của pháp luật, khi thực hiện dịch vụ cầm đồ, chủ cơ sở kinh doanh phải lập hợp đồng theo quy định. Người đến cầm đồ, thế chấp phải xuất trình chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng để chủ cơ sở kiểm tra, đối chiếu và photocopy lưu lại tại cơ sở.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cần thắt chặt công tác quản lý kinh doanh dịch vụ cầm đồ

Theo quy định của pháp luật, khi thực hiện dịch vụ cầm đồ, chủ cơ sở kinh doanh phải lập hợp đồng theo quy định. Người đến cầm đồ, thế chấp phải xuất trình chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng để chủ cơ sở kiểm tra, đối chiếu và photocopy lưu lại tại cơ sở.

Một cửa hàng kinh doanh dịch vụ cầm đồ tại phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa. (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa).

Không được nhận cầm đồ đối với hàng hóa, tài sản không rõ nguồn gốc hoặc tài sản do các hành vi vi phạm pháp luật mà có. Khi có nghi ngờ hàng hóa, tài sản do phạm tội mà có phải thông báo ngay với cơ quan công an có thẩm quyền kiểm tra, xử lý...

Tuy nhiên, qua tìm hiểu của chúng tôi, nhiều cửa hàng cầm đồ tại TP Thanh Hóa không yêu cầu khách xuất trình chứng minh nhân dân, hộ chiếu, hay lập hợp đồng. Thậm chí khi cầm đồ, chủ cửa hàng còn không ghi tên người cầm đồ. Nhìn chung, số tiền vay được thường chỉ bằng 1/3 hoặc thấp hơn so với giá trị của vật thế chấp và lãi suất dao động từ 2-6%/1 triệu đồng/ngày.

Trong vai người cần tiền gấp, tôi mang chiếc máy ảnh nhãn hiệu Canon của mình đến một hiệu cầm đồ ở đường Lê Lai, TP Thanh Hóa. Sau khi xem xét, chủ cửa hàng định giá 10 triệu đồng, nếu tôi đồng ý cầm từ 10 ngày trở lên thì tính lãi 30.000 đồng/ngày. Chậm nhất sau 1 tháng phải đến lấy lại tài sản hoặc gia hạn thêm nếu không sẽ bị thanh lý hàng. Vậy là nếu đồng ý cầm, tôi sẽ phải trả 900.000 đồng tiền lãi cho khoản vay 10 triệu trong vòng 1 tháng; hơn nữa, nếu không lo đủ tiền chuộc đúng hạn, chiếc máy ảnh gần 30 triệu đồng mới mua nghiễm nhiên được “bán rẻ” cho chủ cửa hàng cầm đồ.

Các tài sản như xe mô tô, ô tô, giấy tờ tùy thân... có thể chứng minh chính chủ; còn đối với vàng bạc, máy tính, điện thoại... rất khó để làm việc này. Đây là điều kiện rất dễ để các đối tượng đưa dịch vụ cầm đồ trở thành nơi tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có. Bên cạnh đó, theo Nghị định số 167/2013/NĐ-CP, ngày 12-11-2013 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, cầm cố, thế chấp tài sản mà không có hợp đồng theo quy định bị phạt tiền từ 2-5 triệu đồng; hành vi cầm cố tài sản do trộm cắp, lừa đảo, chiếm đoạt hoặc do các hành vi vi phạm pháp luật khác mà có bị phạt từ 5-15 triệu đồng; hành vi nhận gửi tiền, cầm đồ, cho vay tại sòng bạc, nơi đánh bạc khác bị phạt từ 2-5 triệu đồng... Tuy nhiên, việc vi phạm xảy ra nhiều ở các cửa hàng cầm đồ, nhất là trên địa bàn TP Thanh Hóa nhưng thực tế việc xử lý vi phạm theo quy định chưa được bao nhiêu.

Thực tế, những người đi cầm cố tài sản thường lâm vào cảnh bức bách về kinh tế cho các công việc cấp thiết trong thời gian ngắn... nên bị “ép” với lãi suất quá cao. Dù vậy, trước khi cầm đồ, khách hàng cũng nên suy xét kỹ lưỡng, tránh để “sa lầy” thêm. Công tác quản lý, kiểm tra hoạt động của các hiệu cầm đồ cần được lực lượng chức năng, chính quyền cơ sở quan tâm để bảo đảm thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.


Bài và ảnh: Minh Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]