Pha Đén hôm nay
Từng được gọi là “Bản đẻ” vì dân trí thấp, tỷ lệ sinh quá cao khi trung bình mỗi gia đình sinh từ 5 con trở lên. Thế nhưng, những người dân nơi đây đã cùng nhau đoàn kết, “viết” nên những câu chuyện thật đáng trân trọng mà không phải nơi nào cũng làm được...
Nhờ Đề án “Ổn định đời sống, sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội đồng bào Mông huyện Mường Lát”, đường lên Pha Đén đã được mở rộng và đổ bê tông rất thuận tiện.
Đường lên “đỉnh trời”
Chuyến thượng sơn lần này, tôi nhờ Lâu Văn Tùng, Bí thư Đoàn xã Nhi Sơn dẫn đường. Trước đây, gia đình Tùng cũng ở trên bản Pha Đén nhưng do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, đất đai khô cằn không thể canh tác được nên phải chuyển xuống vùng đất Pù Toong sinh sống. Vì vậy, đường lên đỉnh Pha Đén, Tùng thuộc nằm lòng.
Chiếc xe khách đi dọc đường tỉnh 520 - sợi dây duy nhất nối Mường Lát với các huyện miền xuôi, đến trụ sở xã Nhi Sơn thì dừng lại. Tùng đã đợi ở đó từ bao giờ. Người Mông bao giờ cũng hiếu khách như thế, ai đến với bản cũng được xem là thượng khách. Đường thượng sơn đi qua Pù Toong – nhà Tùng. Đó là một ngôi nhà gạch, kiên cố. Xung quanh, những ngôi nhà tương tự san sát. Nếu thấp thoáng đâu đó không có sự xuất hiện của những ngôi nhà đất, mái thấp thì không ai nghĩ đây là một bản người Mông. Pù Toong được biết đến là bản đồng bào Mông đầu tiên trong tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới. Chạy qua bản Pù Toong đến một khu đất trống dọc đường, Tùng chỉ tay về phía trước giới thiệu “Trên đỉnh núi kia là nơi mình sinh ra”. Ngước nhìn, Pha Đén như một chấm sáng giữa núi rừng trùng trùng, điệp điệp. Tùng bảo: “Pha Đén là tên đỉnh núi cũng là tên bản. Pha nghĩa là núi, Đén nghĩa là cao trên trán mang hàm nghĩa đỉnh Pha Đén là ngọn núi cao, phải luôn ngước nhìn thì mới thấy”.
Dù chỉ cách nhau bằng một cái... chỉ tay nhưng để lên được đến Pha Đén thật sự không đơn giản. "Nhờ Đề án “Ổn định đời sống, sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội đồng bào Mông huyện Mường Lát”, đường lên Pha Đén đã được mở rộng và đổ bê tông rất thuận tiện. Giờ đây, các gia đình ra trung tâm xã mua sắm đồ, giao lưu thường xuyên chứ không phải vài tháng một lần như trước kia. Bà con có thể bán ngô, bò, dê, lợn cỏ... mà không bị ép giá như trước. Thế giao lưu đang rộng mở hơn bao giờ hết”, vừa chạy xe, Tùng vừa khoe.
Đường lên Pha Đén ngoằn ngoèo vắt ngang qua các sườn núi phủ đầy mây khiến chiếc xe máy thi thoảng lại nhảy chồm lên. Gần nửa tiếng đồng hồ, vượt qua 3 ngọn núi khá cao thuộc dãy Pha Đén hùng vĩ, những ngôi nhà dần hiện hữu. Tiếng lợn réo đòi ăn, bầy trâu lững thững gõ mõ gọi nhau về, lũ trẻ thấy khách lạ, tròn mắt thập thò sau các bậu cửa... Tất cả như một bức tranh.
Tranh thủ thời tiết thuận lợi, cả gia đình anh Lâu Văn Sung tất bật xuống giống, gieo mấy luống rau cải, anh Sung cho biết: “Trên cao, khí hậu mát mẻ, bà con trồng nhiều loại rau ưa lạnh làm nguồn thực phẩm. Trước kia cuộc sống khó khăn, không có nước ngầm để khoan giếng như dưới xuôi, đồng bào dùng ống luồng làm đường dẫn nước từ các suối nhỏ về nương tạo nguồn "thủy nông” tưới tắm cho hoa màu. Giờ thì nhà ai cũng có bể chứa nước, dân bản chủ động được nguồn tưới tiêu nên các loại rau cải, su su, bầu bí nhờ đó mà gối lứa để đâm chồi, nảy lộc quanh năm”.
Gia đình anh Lâu Văn Sung được xem là hộ đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế. Ngoài diện tích nương và ngô rẫy – cây trồng chính của người dân trong bản, gia đình anh còn có đàn trâu, bò lên đến gần 20 con và hàng trăm con gia cầm. Nếu thuận lợi thì mỗi năm gia đình anh cũng thu được trên 100 triệu đồng.
Đổi thay để đổi đời
Trước đây, nếu nhắc đến Pha Đén, có lẽ rất nhiều người sẽ nghĩ đến mảnh đất của những tập tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang, đẻ nhiều, hôn nhân cận huyết, tảo hôn... Khi đó, người Mông nơi đây chủ yếu sống theo kiểu tự cung, tự cấp, phụ thuộc hoàn toàn vào rừng, sản xuất một năm một vụ ngô... Lại thêm tình trạng đẻ nhiều, gia đình ít cũng 5 con, vì thế năm nào bà con trong bản cũng thiếu ăn vài tháng. Chưa kể, nhiều người trẻ còn nghiện thuốc phiện không làm được gì, nên càng cơ cực.
Nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền, đặc biệt là sau khi có điện lưới quốc gia (năm 2019), người dân đã cởi mở hơn, giao lưu với người dân tộc khác. Họ biết tính toán làm ăn, phát triển kinh tế. Ông Lâu Văn Đua, Trưởng bản Pha Đén, chia sẻ: “Chính sự thay đổi trong nếp nghĩ mới là sự thay đổi to lớn và chủ yếu nhất giúp cuộc sống của người dân ở Pha Đén đổi thay từng ngày. Không chỉ xóa bỏ những hủ tục, mà người dân đã biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Đặc biệt mấy năm trở lại đây, bà con được cán bộ cấp giống ngô lai, được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc; được bộ đội tuyên truyền phải chăn nuôi nhiều bò; chăm sóc rừng... Nhờ thế từ hơn 90% hộ trong bản thuộc diện hộ nghèo thì giờ đây chỉ còn 67/95 hộ (246 nhân khẩu); cả bản có hơn 40 ha trồng lúa rẫy và ngô lai, 241 con trâu, nhà nào cũng có xe máy đi lại, 100% trẻ em được đến trường học con chữ, được học tiếng phổ thông, không còn phải vất vả theo bố, mẹ lên nương, lên rẫy”.
Có một điều đáng tự hào mà không phải ai cũng biết, Pha Đén là bản sản sinh ra nhiều cán bộ nhất ở huyện. Bố Tùng – ông Lâu Minh Pó, nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Mường Lát, là một điển hình. Ông được biết đến là một trong những người dân tộc Mông đầu tiên đi học của huyện Mường Lát và cũng là tiên phong trong việc đưa người chết vào quan tài, xóa bỏ hủ tục “nuôi” người chết trong nhà của đồng bào Mông. Ngoài ra còn có ông Lâu Thanh Mai, nguyên Phó Chủ tịch HĐND huyện Mường Lát; ông Lâu Gia Pó, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Pù Nhi... Lớp kế cận thì có anh Lâu Văn Phía, Bí thư Huyện đoàn Mường Lát; anh Lâu Văn Trịa, cán bộ quản lý hành chính Công an huyện Mường Lát; anh Lâu Văn Dơ, cán bộ Đội An ninh Công an huyện Mường Lát; anh Lâu Văn Đức, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Pù Nhi; anh Lâu Văn Lâu, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Pù Nhi...
Ý thức được vai trò của việc học, những lớp người đi trước ở Pha Đén không ngừng nỗ lực. Hiện tại, sự học đã và đang được kế thừa và phát huy nơi thâm sơn, cùng cốc này. Ngoài 40 trẻ đang học mẫu giáo và tiểu học tại bản, Pha Đén có gần 20 học sinh đang học cấp II, 12 học sinh đang trọ học THPT. Rồi đây các em, với tâm thế và con người mới sẽ đẩy mạnh sự giao lưu văn hóa, đưa nhiều cách làm ăn mới và hiệu quả về cho bản làng, giúp quê hương ngày càng khởi sắc.
Chia tay Pha Đén khi mặt trời đã khuất sau những dãy núi, sau lưng chúng tôi vẫn vang vọng tiếng cười giòn tan của những em bé, gương mặt rạng rỡ của người nông dân trở về nhà sau một ngày lên nương rẫy. Tất cả là minh chứng cho một Pha Đén “đã khác nhiều rồi” như lời Trưởng bản Lâu Văn Đua nói. Vẫn là một Pha Đén với những bản sắc riêng, những con người chân chất nhưng không chỉ có sự phát triển đi lên về kinh tế mà cả đời sống tinh thần, hệ ý thức tư tưởng của người dân nơi đây đã có những thay đổi rõ rệt, theo chiều hướng tích cực hơn. Hy vọng rằng một ngày gần nhất khi có dịp trở lại, mảnh đất này sẽ ngày càng phát triển hơn mà vẫn giữ được nét đẹp riêng vốn có.
Bài và ảnh: Tăng Thúy
{name} - {time}
-
46 phút trước
Nâng cao hiệu quả khởi nghiệp trong đoàn viên thanh niên
-
1 giờ trước
Giúp học viên cai nghiện vui xuân, đón Tết
-
06:02 11/09/2022
Thọ Xuân: Tiếp nhận 535 đơn vị máu trong ngày hội “Giọt hồng Lam Sơn”
Lang Chánh đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn 30a
Có bệnh thì vái tứ phương!
Chuyện an cư vùng nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất khu vực miền núi - Nhìn từ các khu tái định cư: Bài cuối - Huy động tối đa các nguồn lực, thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp dân cư
Thăm hỏi, chia buồn với các gia đình có học sinh bị đuối nước tại huyện Quảng Xương
Náo nức vui hội Trung thu
Cán bộ, nhân viên Công ty CP Dạ Lan đón Trung thu cùng trẻ mồ côi huyện Ngọc Lặc
Thọ Xuân tặng quà Tết trung thu cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn
Chủ động, tích cực, tập trung cao nhất các nguồn lực ứng phó với diễn biến mưa lũ
Công ty Nhiệt điện Nghi Sơn tổ chức Đêm hội Trăng Rằm - Vui Tết Trung thu 2022
Thời tiết
- 14°C - 25°CÍt mây, không mưa
- 18°C - 25°CCó mây, không mưa