(Baothanhhoa.vn) - Dạy học các môn tích hợp không chỉ khó do giáo viên chỉ được đào tạo dạy đơn môn mà còn khó bởi trang thiết bị, đồ dùng, học liệu chưa được trang cấp kịp thời... Điều này đòi hỏi giáo viên đơn môn phải nỗ lực, cố gắng hơn rất nhiều.

Nỗ lực dạy học môn tích hợp

Dạy học các môn tích hợp không chỉ khó do giáo viên chỉ được đào tạo dạy đơn môn mà còn khó bởi trang thiết bị, đồ dùng, học liệu chưa được trang cấp kịp thời... Điều này đòi hỏi giáo viên đơn môn phải nỗ lực, cố gắng hơn rất nhiều.

Nỗ lực dạy học môn tích hợpCô giáo Trịnh Thị Chiến, Trường THCS Hà Lai trong giờ dạy học môn Khoa học tự nhiên.

Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ở bậc THCS có nhiều đổi mới trong việc dạy và học. 2 môn độc lập: Lịch sử, Địa lí được tích hợp thành môn Lịch sử và Địa lí; 3 môn độc lập: Vật lý, Hóa học, Sinh học được tích hợp thành môn Khoa học tự nhiên. Do trước đây giáo viên chỉ được đào tạo đơn môn nên khi phân công dạy các môn tích hợp, các trường học vẫn phải phân công giáo viên dạy đơn môn.

Qua 3 năm dạy học môn Khoa học tự nhiên, thầy giáo Vũ Văn Nghị, giáo viên Trường THCS Nguyễn Bá Ngọc (Quảng Xương), chia sẻ: Chuyên môn của tôi được đào tạo là Lý - Hóa. Do đó, khi được phân công dạy học môn tích hợp Khoa học tự nhiên, tôi được nhà trường giao đảm nhiệm phân môn Lý và Hóa đối với các lớp 7, 8 và dạy toàn môn Khoa học tự nhiên đối với lớp 6. Việc một môn học có tới 2 hoặc 3 giáo viên giảng dạy từng phân môn riêng biệt sẽ gây khó khăn trong việc tiếp thu của học sinh; khó khăn trong đánh giá học sinh. Đối với lớp 6, do phải đảm nhiệm cả 3 phân môn của môn Khoa học tự nhiên nên đối với phân môn Sinh học tôi phải học hỏi, nghiên cứu tài liệu nhiều hơn để giảng dạy cho học sinh.

Những thay đổi trong việc tổ chức, sắp xếp lại các môn học cũng khiến các nhà trường gặp khó trong việc sắp xếp, phân công giáo viên giảng dạy đảm bảo thời lượng các mạch chủ đề chung phù hợp với môn tích hợp, do đó thời khóa biểu phải thay đổi liên tục.

Thầy giáo Trần Hải Âu, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Bá Ngọc, cho biết: Thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, nhà trường đã được xây mới khu hiệu bộ, phòng học bộ môn, được bổ sung, trang cấp mới đồ dùng, trang thiết bị dạy học. Tuy nhiên, do chưa có giáo viên “tích hợp” được đào tạo chuẩn về chuyên môn nên nhà trường phải bố trí từ 2 đến 3 giáo viên. Tuy nhiên, do nhà trường đang thiếu giáo viên nên việc phân công chuyên môn cũng gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, trường cũng chưa có nhân viên phụ trách thiết bị thư viện và phụ tá thiết bị, đồ dùng dạy học thí nghiệm. Để giải bài toán nguồn nhân lực, ngành giáo dục cũng đã tổ chức các chương trình bồi dưỡng cho giáo viên cốt cán các nhà trường, tuy nhiên đối với những giáo viên phải trực tiếp đứng lớp cũng không thể khánh khỏi lúng túng khi càng dạy lên lớp cao giáo viên càng áp lực.

Cô giáo Phạm Thị Ngọc, giáo viên Trường THCS Hà Châu (Hà Trung), chia sẻ: Chương trình giáo dục phổ thông đổi mới có nhiều sự thay đổi, trong đó cái khó của chương trình là có những nội dung yêu cầu học sinh cần đạt được quá cao so với trình độ của học sinh THCS. Thêm vào đó, giáo viên đôi khi vẫn còn lúng túng trong quá trình vận dụng phương pháp và kỹ thuật dạy học hướng tới phát triển năng lực học sinh... Do đó, mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có thêm những chương trình tập huấn về phương pháp và ứng dụng kỹ thuật dạy học để giáo viên ứng dụng.

Tương tự, tại Trường THCS Hà Lai (Hà Trung) cô Trịnh Thị Chiến, giáo viên dạy phân môn Hóa và Sinh cũng cho biết, nếu phải đảm nhiệm nhiều môn độc lập trong môn tích hợp thì chắc chắn chiều sâu kiến thức của giáo viên chưa đạt đỉnh, giáo viên gặp khó trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi và khi luyện tập, củng cố kiến thức cho học sinh kết thúc 1 chủ đề của môn tích hợp...

“Thực hiện giảng dạy chương trình mới chắc chắn giáo viên sẽ gặp khó khăn, nhất là những giáo viên được đào tạo đơn môn. Do đó, thay đổi, sáng tạo, nỗ lực nghiên cứu bài giảng, xây dựng giáo án khoa học, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ... là những điều giáo viên và ban giám hiệu phải làm để đáp ứng yêu cầu chương trình mới”, cô giáo Nguyễn Thị Nhung, Hiệu trưởng Trường THCS Hà Lai, cho biết thêm.

Mục tiêu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 xác định rõ: Dạy học tích hợp là định hướng dạy học giúp học sinh phát triển khả năng huy động tổng hợp kiến thức, kỹ năng... thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau để giải quyết hiệu quả các vấn đề trong học tập và cuộc sống; thực hiện ngay trong quá trình lĩnh hội tri thức, rèn luyện kỹ năng. Để đạt được điều đó, bắt đầu từ năm 2024 Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Sư phạm Vinh đào tạo ngành sư phạm khoa học tự nhiên trình độ đại học. Đây được xem là tín hiệu vui, bước đổi mới quan trọng đối với các trường THCS trong công tác giảng dạy môn tích hợp.

Tuy nhiên, trong khi đợi những “giáo viên tích hợp” đầu tiên, Bộ cần đẩy mạnh bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên đơn môn. Đối với giáo viên đơn môn cũng cần có kế hoạch chủ động bồi dưỡng kiến thức còn thiếu trong dạy học môn tích hợp để đáp ứng vị trí việc làm. Tổ chuyên môn cũng cần thường xuyên sinh hoạt, kịp thời hỗ trợ giáo viên cả về phương pháp và nội dung dạy học tích hợp...

Bài và ảnh: Linh Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]