Những vùng chuyên rau sản xuất theo hướng an toàn
Trước nhu cầu sử dụng rau an toàn của người tiêu dùng tăng cao, thời gian qua các địa phương trên địa bàn tỉnh đã định hướng cho các hộ nông dân sản xuất theo quy trình tiêu chuẩn VietGAP; đồng thời, đẩy mạnh liên kết, bao tiêu sản phẩm. Từ đó, đã nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích, góp phần mang lại hiệu quả thu nhập cao cho người nông dân.
Mô hình trồng rau thủy canh của HTX Dịch vụ Nông nghiệp Phú Lộc, xã Phú Lộc (Hậu Lộc).
Đến xã Hoằng Hợp, địa phương có truyền thống trồng rau màu của huyện Hoằng Hóa. Mùa này, những cánh đồng trồng rau của bà con nông dân thuộc địa bàn các thôn Quý Thọ, Thanh Minh, Bính Ất,... đang phủ một màu xanh mướt của các loại rau, củ, quả như su hào, súp lơ, bắp cải, cà chua, rau cải, xà lách, mồng tơi... và các loại rau gia vị.
Đang cắt tỉa những củ su hào để kịp nhập cho thương lái, chị Lê Thị Tâm, thôn Quý Thọ cho biết: "Vụ rau này, gia đình tôi trồng 1,5 sào su hào. Toàn bộ diện tích này được trồng, chăm sóc theo hướng rau sạch, an toàn. Để tránh tình trạng rau bán ồ ạt và không được giá, nên tôi trồng theo hình thức rải vụ. Hiện nay, 1/2 sào su hào của gia đình đang cho thu hoạch, số còn lại sẽ thu hoạch sau tết". Theo chị Tâm, với giá nhập cho thương lái ngay tại ruộng là 5.000 đồng/củ, 1#2 sào su hào của gia đình sau 40 ngày cho thu nhập 3,5 triệu đồng.
Ngoài gia đình chị Tâm, nhiều gia đình tham gia trồng rau khác trên địa bàn xã Hoằng Hợp đều đã nhận thức được tầm quan trọng của việc trồng rau theo hướng an toàn và thực hiện trồng rải vụ, đem lại giá trị thu nhập cao.
Ông Nguyễn Quang Công, Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Hợp, cho biết: Toàn xã hiện có 70ha đất chuyên trồng rau màu với các loại rau như su hào, cải bắp, rau cải, đậu leo, cà chua... và các loại rau gia vị. Đáp ứng nhu cầu rau sạch của người tiêu dùng, các hộ dân đã sản xuất rau theo hướng an toàn và đã có 27,5 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP (đất trồng và nguồn nước tưới đảm bảo, sử dụng phân hữu cơ hoai mục, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong trường hợp cần thiết và phải tuân thủ nghiêm ngặt thời gian cách ly, đảm bảo sản phẩm an toàn cung cấp cho thị trường). Nhờ đó, các sản phẩm rau của xã Hoằng Hợp được đông đảo người tiêu dùng đón nhận. Hiện rau của người dân sản xuất ra đã có mặt tại các siêu thị, nhà hàng, bếp ăn tập thể và các chợ trên địa bàn tỉnh.
Cũng theo ông Công, trồng rau màu cho thu hoạch được nhiều lứa/vụ, bà con lại có kinh nghiệm trồng rau, đặc biệt là trồng rải vụ nên tránh được giá xuống thấp. Nhờ đó, giá trị thu nhập của vùng sản xuất rau chuyên canh đạt từ 220 triệu đồng/ha. Riêng đối với trồng rau trái vụ, giá trị thu nhập có thể đạt trên 300 triệu đồng/ha/năm trở lên.
HTX Dịch vụ Nông nghiệp Phú Lộc, xã Phú Lộc (Hậu Lộc) hiện cũng đã xây dựng được vùng chuyên canh rau màu và đã liên kết với nhiều doanh nghiệp trong việc bao tiêu sản phẩm. Ông Hoàng Văn Toàn, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Phú Lộc, cho biết: Trên diện tích 200ha đất chuyên màu, HTX liên kết với bà con xã viên trong việc bao tiêu sản phẩm, có 40ha được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Các loại cây được trồng trên diện tích đất chuyên màu chủ yếu ngô ngọt, khoai, đậu tương rau, cải bó xôi và các loại rau ăn lá khác. Toàn bộ sản phẩm được HTX đứng ra ký với 3 doanh nghiệp trong việc bao tiêu đầu ra, đó là Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Ninh Bình), Công ty TNHH Đức Cường (Hải Dương) và Công ty TNHH Long Phương Nam (Hậu Lộc).
Nắm bắt xu hướng và nhu cầu sử dụng sản phẩm sạch, HTX đã đầu tư kinh phí với số tiền hàng tỷ đồng lắp đặt hệ thống nhà màng, giàn trồng, tưới tiêu tự động trên diện tích 1.000m2 trồng rau thủy canh, với các loại rau được đưa vào trồng gồm rau cải, xà lách, cần tây..., chủ yếu phục vụ người dân trên địa bàn xã. Từ hiệu quả liên kết cũng như kinh nghiệm, kỹ thuật trong chuyên canh rau màu đã đem lại giá trị thu nhập trên ha đất canh tác của xã Phú Lộc đến thời điểm này đạt khoảng 300 triệu đồng/ha/năm.
Không chỉ vùng chuyên canh sản xuất rau theo hướng an toàn trên địa bàn xã Hoằng Hợp (Hoằng Hóa), xã Phú Lộc (Hậu Lộc), còn nhiều mô hình ở các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đã phát huy hiệu quả, đem lại giá trị thu nhập cao trên ha đất canh tác, từ đó góp phần nâng cao giá trị thu nhập cho người dân. Chính vì vậy, xây dựng vùng chuyên rau, sản xuất theo hướng an toàn được tỉnh quan tâm, chỉ đạo. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ kinh phí để nâng cấp kết cấu hạ tầng, kinh phí kiểm soát và chứng nhận VietGAP theo tinh thần Nghị quyết 185/2021/NQ-HĐND tỉnh về chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022-2025. Trong 2 năm (2022-2023), các địa phương trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được 82 ha rau an toàn; nổi bật là các huyện Hậu Lộc, Nga Sơn, Vĩnh Lộc, Yên Định, Nông Cống...
Bài và ảnh: Minh Lý
{name} - {time}
-
2025-01-14 21:06:00
Bịt “kẽ hở” trong công tác quản lý người nước ngoài (Bài 2): Núp bóng đầu tư “chui”
-
2025-01-14 20:05:00
“Còn thông tin về mộ liệt sĩ, còn tổ chức tìm kiếm, quy tập”
-
2024-02-01 21:03:00
Rộn ràng không khí mua sắm tết
Lan tỏa yêu thương
Loại cây hội tụ đủ yếu tố “ngũ hành” được lựa chọn nhiều trong dịp Tết
Đường xa đã bớt lạnh
Cá ông Công, ông Táo tất bật vào vụ
Năm 2024: Thí điểm 150 vị trí cảnh báo sớm sạt lở đất đá, lũ quét
Phận người giáp tết
Giải quyết tồn đọng về đất đai, môi trường ở các cụm công nghiệp cũ
Khai trương Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của huyện Vĩnh Lộc
Ấm áp “Tết Nhân ái”