(Baothanhhoa.vn) - Những năm gần đây, các HTX trên địa bàn tỉnh đã và đang chú trọng đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (CNC) nhằm nâng cao giá trị kinh tế và thu nhập cho các hộ thành viên. Bước đầu, việc ứng dụng CNC đã mang lại hiệu quả, tạo chuyển biến tích cực, góp phần thay đổi tư duy sản xuất cho người dân, song quá trình triển khai xuất hiện nhiều “rào cản” cần sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành, đơn vị và địa phương.

Nhiều rào cản khi HTX đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Những năm gần đây, các HTX trên địa bàn tỉnh đã và đang chú trọng đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (CNC) nhằm nâng cao giá trị kinh tế và thu nhập cho các hộ thành viên. Bước đầu, việc ứng dụng CNC đã mang lại hiệu quả, tạo chuyển biến tích cực, góp phần thay đổi tư duy sản xuất cho người dân, song quá trình triển khai xuất hiện nhiều “rào cản” cần sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành, đơn vị và địa phương.

Nhiều rào cản khi HTX đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ caoHiệu quả kinh tế của HTX Dịch nông nghiệp CNC Hoằng Đạt (Hoằng Hóa) được nâng lên nhờ áp dụng CNC vào sản xuất.

Xã Hoằng Đạt (Hoằng Hóa) vốn là địa phương thuần nông, sản xuất nông nghiệp của người dân bị ảnh hưởng và phụ thuộc nhiều vào thời tiết, chưa chú trọng đến áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật cao và vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó, ngay từ khi thành lập, HTX Dịch vụ nông nghiệp CNC Hoằng Đạt đã chú trọng đầu tư ứng dụng CNC vào sản xuất để “khắc chế” những tồn tại trong sản xuất nông nghiệp địa phương. Ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc HTX, cho biết: Thành lập từ năm 2019, ban đầu HTX chủ yếu trồng một số cây truyền thống, song cây trồng phát triển không đều, hiệu quả kinh tế thấp, cùng với đó chi phí thuê nhân công lớn, thời gian canh tác lâu. HTX đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đầu tư hệ thống nhà màng, nhà lưới trong sản xuất. Với tổng diện tích trên 3 ha, HTX thâm canh các loại cây trồng mới như: dưa Kim hoàng hậu, cà chua Cherry, dưa leo, dâu tây, xà lách thủy tinh, xà lách tím Mỹ... Đồng thời, đầu tư công nghệ tưới, bón phân tự động của Israel, giúp tiết kiệm tối đa chi phí... Đến nay, chất lượng các sản phẩm, năng suất cây trồng của HTX cũng tăng lên đáng kể. Rau, quả sản xuất theo quy trình VietGAP đã cung ứng cho nhiều chuỗi nông sản thực phẩm an toàn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Nhờ đó, doanh thu của HTX đạt hơn 3 tỷ đồng/năm, cao hơn 2 lần so với khi mới thành lập.

Theo báo cáo của Liên minh HTX tỉnh, tính đến tháng 7-2023, toàn tỉnh có 827 HTX nông nghiệp. Trong đó, có 17 HTX thủy sản, 2 HTX muối và 808 HTX trồng trọt. Tuy số lượng HTX nhiều, song mới có 80 HTX nông nghiệp ứng dụng CNC trong sản xuất, doanh thu của các HTX nông nghiệp ứng dụng CNC trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 1,5 tỷ đồng/HTX, lợi nhuận bình quân đạt 188 triệu đồng/HTX, gấp 2 - 3 lần canh tác theo lối truyền thống. Đã có nhiều HTX đầu tư, ứng dụng CNC vào sản xuất mang lại hiệu quả tích cực, như: HTX Dịch vụ nông nghiệp Cả Tổ (TP Thanh Hóa) đầu tư hơn 6 tỷ đồng xây dựng mô hình nông nghiệp CNC khép kín, xây dựng mô hình sông trong ao để nuôi cá năng suất cao, xây dựng nhà màng, nhà lưới trồng dưa Kim hoàng hậu, dâu tây... tạo việc làm ổn định cho thành viên và 7 lao động; HTX Dịch vụ cơ giới hóa nông nghiệp Đông Tiến (Đông Sơn) đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng hệ thống nhà màng, nhà lưới sản xuất rau, quả theo hướng hữu cơ và thủy canh, doanh thu gần 6 tỷ đồng/năm; HTX Dịch vụ nông nghiệp Phú Lộc (Hậu Lộc) đầu tư 2 tỷ đồng xây dựng nhà trồng rau thủy canh, hỗ trợ tiêu thụ và cung ứng vật tư, sản phẩm cho thành viên...

Dù đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên, theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh, hiện nay, các mô hình ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp ở HTX vẫn còn nhỏ lẻ, phân tán và chậm nhân ra diện rộng. Hàm lượng công nghệ chưa cao, ít các mô hình ứng dụng CNC đồng bộ. Đa số các mô hình chỉ áp dụng CNC một khâu hay một công đoạn của sản xuất. Liên kết chuyển giao CNC giữa HTX và doanh nghiệp trong chuỗi giá trị nông sản còn yếu. Hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm nông sản CNC còn khá mờ nhạt. Cùng với đó là việc thiếu quỹ đất tập trung để làm CNC, đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dẫn đến HTX chưa yên tâm đầu tư, ứng dụng CNC vào sản xuất. Đáng chú ý, tiềm lực kinh tế của các HTX còn yếu nên chưa đủ kinh phí để đầu tư, trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng cho việc ứng dụng CNC vào sản xuất...

Nhằm tháo gỡ những rào cản, thúc đẩy ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp tại các HTX, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lê Hồng Hải, cho biết: Ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp là hướng đi tất yếu của các HTX. Do đó, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý HTX về ứng dụng CNC vào sản xuất; tăng cường tập huấn, nâng cao năng lực quản trị của đội ngũ quản lý và trình độ sản xuất của các thành viên. Cùng với đó, Liên minh HTX tỉnh sẽ cân đối các nguồn kinh phí, nguồn vốn từ các chương trình, dự án và tạo điều kiện để các HTX tiếp cận được với các nguồn vốn vay ưu đãi để tăng thêm cơ hội đầu tư sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tăng cường kết nối, tạo điều kiện cho các HTX tham gia hội chợ, triển lãm, các cuộc xúc tiến thương mại nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm nông nghiệp, nhất là các sản phẩm nông nghiệp CNC và nông sản an toàn.

Bài và ảnh: Lê Hòa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]