(Baothanhhoa.vn) - Phát huy tinh thần “dám nghĩ, dám làm”, đoàn viên thanh niên (ĐVTN) trên địa bàn huyện Như Xuân đã vượt khó vươn lên xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả của thanh niên huyện Như Xuân

Phát huy tinh thần “dám nghĩ, dám làm”, đoàn viên thanh niên (ĐVTN) trên địa bàn huyện Như Xuân đã vượt khó vươn lên xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả của thanh niên huyện Như XuânAnh Lê Văn Thành (bên trái), ở thôn Đức Thắng, xã Thượng Ninh, là người khởi nghiệp thành công mô hình sản phẩm làm từ mây tre đan.

Tham quan gian trưng bày sản phẩm của anh Lê Văn Thành, thôn Đức Thắng (xã Thượng Ninh) chúng tôi khá ấn tượng với các sản phẩm tinh xảo, đẹp mắt được làm từ mây tre đan như: bàn ghế, xích đu, các đồ dùng trong gia đình, đồ trang trí, quà tặng... Các sản phẩm này được chế tác từ bàn tay khéo léo của anh Thành và những người thợ làm nghề tại xưởng của anh. Anh Thành chia sẻ: "Trước đây, tôi được tham gia nhiều lớp tập huấn cũng như được đi tham quan, học hỏi các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả của ĐVTN ở cả trong và ngoài tỉnh. Do đó, sau nhiều trăn trở, suy nghĩ, năm 2012 tôi quyết định vay vốn đầu tư khởi nghiệp từ lợi thế của địa phương, đó là tạo ra sản phẩm từ cây tre, cây luồng. Khi bắt tay vào sản xuất, do là sản phẩm thủ công nên đòi hỏi người làm phải có tay nghề cao, kinh nghiệm lâu năm và kỹ thuật chính xác. Thế nên, trong những năm đầu tôi gặp không ít khó khăn, thất bại, song không vì thế mà tôi có ý định bỏ cuộc. Để vững tay nghề và sản phẩm làm ra có chỗ đứng trên thị trường, tôi tích cực học hỏi thêm các mô hình làm mây tre đan nổi tiếng trên địa bàn tỉnh, sau đó sử dụng mạng xã hội để đăng tải, quảng bá sản phẩm. Nhờ đó, sản phẩm làm ra cũng được nhiều người biết đến. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, từ những sản phẩm thông dụng như giỏ xách, hộp đựng bút... đến nay tôi đã phát triển thêm nhiều sản phẩm như bàn ghế, xích đu... và không ngừng cải tiến mẫu mã phong phú để phục vụ cho các nhà hàng, các khu, điểm du lịch...".

Hiện nay, cơ sở sản xuất của anh Thành đang tạo việc làm cho 10 lao động địa phương. Trung bình mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 300 sản phẩm các loại. Sau khi trừ chi phí, thu lãi khoảng 300 - 400 triệu đồng/năm. Hiện, anh Thành đang xây dựng sản phẩm OCOP từ các mặt hàng mây tre đan và cũng định hướng sẽ mở rộng cơ sở sản xuất, từ đó tạo thêm việc làm cho lao động địa phương.

Từ nguồn vốn tích lũy được sau nhiều năm đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, khi trở về quê hương anh Trịnh Văn Luân, thôn Đồng Xuân, xã Hóa Quỳ đã khởi nghiệp bằng việc đầu tư xây dựng khu vui chơi dành cho trẻ em ngay trên chính mảnh đất của gia đình mình. Anh Luân cho hay: "Sau khi tìm hiểu nhu cầu tại địa phương, tôi đã quyết định dùng số tiền 1,2 tỷ đồng để đầu tư xây dựng khu vui chơi cho trẻ em. Trong khu vui chơi, tôi đã xây dựng không gian vui chơi sinh động và hấp dẫn bằng các màu sắc, hình ảnh, hiệu ứng ánh sáng... kích thích giác quan của trẻ. Đồng thời, chia thành nhiều khu vực vui chơi như: khu nhà bóng, khu xếp hình, khu tô tượng... và lắp đặt các biển hướng dẫn trẻ sử dụng các thiết bị vui chơi đúng cách, tránh nguy hiểm. Tuy đi vào hoạt động chưa lâu thế nhưng hàng ngày tại đây đã thu hút khá đông trẻ em trong xã, huyện đến vui chơi.

Ngoài mô hình phát triển kinh tế của anh Thành, anh Luân, trên địa bàn huyện Như Xuân còn có khoảng 20 mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ mang lại hiệu quả cao như: mô hình kinh doanh nước giặt Ngọc Việt (xã Thượng Ninh), mô hình “Vườn rừng bản Thổ” (xã Hóa Quỳ)... Để hình thành các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao, trong thời gian qua Huyện đoàn Như Xuân đã tích cực đồng hành cùng ĐVTN trong khởi nghiệp, lập nghiệp. Huyện đoàn cũng đã tăng cường phối hợp với các đơn vị chức năng của huyện, tỉnh mở các lớp tập huấn khởi nghiệp, lập nghiệp; mời các giảng viên từ các sở, ban, ngành, doanh nghiệp khởi nghiệp tiêu biểu để trao đổi ý tưởng, cách làm hay với ĐVTN trong huyện.

Cùng với đó, tổ chức cho ĐVTN tham quan các mô hình kinh tế, trao đổi, học tập kinh nghiệm tại các mô hình sản xuất hiệu quả ở trong và ngoài tỉnh. Xây dựng các mô hình câu lạc bộ, đội, nhóm thanh niên chia sẻ kinh nghiệm, giúp nhau phát triển kinh tế. Ngoài ra, công tác rà soát nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế, khởi nghiệp trong ĐVTN cũng được Huyện đoàn quan tâm chỉ đạo quyết liệt. Trong 9 tháng, Huyện đoàn đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tổ chức giải ngân cho 5 thanh niên vay từ nguồn vốn khởi nghiệp với tổng số 395 triệu đồng, quản lý vốn vay ủy thác có hiệu quả từ Ngân hàng Chính sách với tổng dư nợ trên 81 tỷ đồng, cho 31 tổ tiết kiệm vay vốn.

Thời gian tới, Huyện đoàn Như Xuân sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của ĐVTN về khởi nghiệp, lập nghiệp; tăng cường hỗ trợ, kết nối với các cơ quan, đơn vị để thực hiện các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho ĐVTN phát triển các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện của địa phương. Đồng thời, tích cực lan tỏa các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao để truyền cảm hứng, động lực cho các thanh niên khác học tập và làm theo...

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]