Nhiều khó khăn trong việc nâng tỷ lệ sử dụng nước sạch ở Thọ Xuân
Trước thực trạng nguồn nước giếng khoan, giếng khơi tại nhiều xã trên địa bàn huyện Thọ Xuân không đảm bảo chất lượng, nguồn nước bị ô nhiễm. Để người dân tiếp cận được với nguồn nước sinh hoạt đạt quy chuẩn, không chỉ là sự nỗ lực từ đầu tư hạ tầng cấp nước, mà việc để người dân tiếp nhận, sử dụng, nâng cao tỷ lệ sử dụng nước sạch nông thôn... đang là bài toán nan giải.
Hệ thống xử lý nước sạch tại Nhà máy Nước sạch Lam Sơn - Sao Vàng.
Để người dân tin dùng nước sạch
Thiếu nước sạch, nguồn nước không đảm bảo diễn ra tại nhiều xã trên địa bàn huyện Thọ Xuân, đặc biệt là các xã ven sông Chu như: Xuân Bái, Xuân Hòa, Phú Xuân, Xuân Thiên, Thọ Diên, Thọ Xương... Điều này đang tác động không nhỏ đến nhu cầu sử dụng, cũng như chất lượng cuộc sống của người dân. Thực trạng là vậy, song nghịch lý là tỷ lệ các hộ đăng ký sử dụng nước sạch từ các nhà máy nước trên địa bàn lại thấp?
Để có đánh giá khách quan về chất lượng nguồn nước trên địa bàn các xã, UBND huyện Thọ Xuân đã mời Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa) tiến hành lấy ngẫu nhiên và phân tích một số mẫu nước giếng khoan và nước qua hệ thống máy lọc RO. Theo đó, đã tiến hành lấy và phân tích 36 mẫu đại diện, trên địa bàn 12 xã huyện Thọ Xuân. Đây là các mẫu người dân đang sử dụng trực tiếp cho mục đích sinh hoạt.
Kết quả cho thấy, có tới 35/36 mẫu nước không đạt theo QCĐP 01:2021/TH - Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt tỉnh Thanh Hóa. Nhiều mẫu nước có các chỉ tiêu Mangan, Nitrit, Amoni. Ecoli, Coliform quá cao với quy chuẩn. Nếu sử dụng về lâu dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe.
Sau khi có kết quả, huyện Thọ Xuân đã tiến hành công khai các mẫu phân tích đến tất cả các xã, thị trấn. Đồng thời, thực hiện nhiều giải pháp tuyên truyền đến với người dân trong việc sử dụng nước sạch hợp quy chuẩn.
Về phía Nhà máy Nước sạch Lam Sơn - Sao Vàng, để kích cầu và hỗ trợ đến mức cao nhất cho người dân sử dụng nước sạch cũng đã có cơ chế chỉ thu 3,5 triệu đồng/hộ để kéo đường ống nước đến đồng hồ (thấp hơn bình quân cả tỉnh là 1,5 triệu đồng/hộ); giảm giá nước tiêu thụ, từ 9.900 đồng/m3 xuống còn 6.600 đồng/m3 và thống nhất thu một mức giá chung...
Song, vẫn còn nhiều khó khăn...
Theo quy hoạch, Nhà máy Nước sạch Lam Sơn - Sao Vàng được phân vùng cấp nước cho 26 xã và thị trấn trên địa bàn huyện Thọ Xuân, với công suất thiết kế 8.400m3/ngày đêm. Cho đến nay, phía nhà máy nước đã thi công tuyến ống chính số 1 cung cấp nước sạch cho toàn bộ các xã thuộc phía hữu sông Chu, với 13 xã, thị trấn. Hiện tại, công suất trung bình của nhà máy mới chỉ đạt 1.831m3/ngày đêm, với 7.721 khách hàng, chiếm 29,4% trên tổng số hộ của 13 xã, thị trấn.
Ông Nguyễn Kiên Cường, Giám đốc Nhà máy Nước sạch Lam Sơn - Sao Vàng, cho biết: Số liệu của nhà máy tính đến cuối tháng 2/2024 cho thấy, tỷ lệ số hộ sử dụng nước sạch tập trung trên địa bàn huyện đạt thấp, chưa như kỳ vọng. Có thể kể ra như: Xã Thọ Hải (tỷ lệ sử dụng nước sạch chỉ đạt 8,34%), xã Nam Giang (6,18%), xã Thọ Lộc (8,53%), xã Xuân Hưng (9,77%), xã Xuân Thiên (1,7%), xã Xuân Sinh (2,49%)...
Theo ông Cường phân tích, việc cung cấp nước sạch tại khu vực nông thôn gặp nhiều khó khăn, bên cạnh điều kiện địa hình phức tạp, đồng bằng xen lẫn đồi núi, mật độ dân cư thấp, phân tán, kinh tế của người dân còn khó khăn và có sự khác biệt lớn giữa các vùng; nhận thức về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn còn hạn chế,... dẫn đến tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch chỉ đạt 20 - 30%, mức sử dụng nước trung bình rất thấp, dưới 5m3/hộ/tháng.
Bên cạnh đó, người dân vẫn có thói quen sử dụng các nguồn nước tự nhiên, chỉ sử dụng nguồn nước máy khi nguồn nước tự nhiên bị suy giảm. Trong khi suất đầu tư trung bình ở khu vực nông thôn thường cao hơn nhiều so với khu vực thành thị. Thực trạng này gây không ít khó khăn cho đơn vị. Dù vậy, định hướng, mục tiêu của nhà máy trong năm 2024, sẽ hoàn thành lắp đường ống, cấp nước cho 6 xã phía hữu sông Chu còn lại, gồm: Tây Hồ, Bắc Lương, Xuân Giang, Xuân Trường, Xuân Hồng và Xuân Phong.
Từ năm 2025, sẽ tiến tới triển khai 9 xã còn lại bên tả sông Chu. Để triển khai hạ tầng đường ống phục vụ phía bên tả sông Chu gặp rất nhiều khó khăn. Hiện, nhà máy nước nằm bên hữu sông Chu, việc triển khai cấp nước sang bên kia sông phải qua đê, qua sông là hết sức phức tạp. Phía nhà máy cũng đang lên phương án đề xuất với huyện đầu tư mở một nhà máy phía bên kia sông để việc cấp nước cho dân được thuận lợi, tuy nhiên đây mới chỉ là dự kiến.
Ông Nguyễn Văn Vinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thọ Xuân, cho biết: Năm 2024, huyện phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao. Vì vậy, huyện đang nỗ lực thực hiện các tiêu chí, trong đó tiêu chí nước sạch tập trung đang gặp nhiều khó khăn, mặc dù UBND huyện đã giao chỉ tiêu cụ thể tới từng xã, thị trấn trong công tác đấu nối với Nhà máy Nước sạch Lam Sơn - Sao Vàng đưa nước sạch về với người dân. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi tiến độ thực hiện, coi đây là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá, thẩm định các xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu.
Bài và ảnh: Đình Giang
- 2024-11-02 19:11:00
Thức dậy dòng sông để thêm thương nhớ hồn làng
- 2024-11-02 15:28:00
Bế giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội tỉnh Thanh Hoá và Bắc Ninh 2024
- 2024-03-27 21:21:00
Vì đô thị tươi đẹp
Khuyến cáo người dân cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo giả danh cơ quan thuế
Phát huy tính tự quản nghề nghiệp của Hội Công chứng viên tỉnh Thanh Hóa
Triển khai thực hiện Kế hoạch công tác Dân số - KHHGĐ năm 2024
Cao tốc Mai Sơn-Quốc lộ 45 sẽ khai thác thêm một nút giao trước ngày 31/3
Truy tặng danh hiệu “Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng” cho mẹ Lê Thị Lĩnh
Tăng cường phong trào khuyến học, xây dựng xã hội học tập trong các sở, ngành cấp tỉnh
Thực hiện các biện pháp cấp bách diệt chuột bảo vệ sản xuất nông nghiệp và môi trường
Thay đổi để bệnh dại không còn đáng sợ
Tháng Thanh niên với nhiều hoạt động ý nghĩa tại Công ty Nhiệt điện Nghi Sơn