Nhân ngày Quốc tế Người khuyết tật 3/12: Trợ giúp pháp lý - “điểm tựa” pháp luật cho người khuyết tật
Ðảng, Nhà nước luôn quan tâm đến người khuyết tật (NKT) bằng nhiều chính sách, trong đó trợ giúp pháp lý (TGPL) là một trong những chính sách đem lại hiệu quả thiết thực, tạo điều kiện cho NKT được tiếp cận và cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng.
Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Thanh Hóa tập huấn Luật trợ giúp pháp lý cho người cao tuổi và người khuyết tật.
Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có trên 165 nghìn NKT, trong đó có 905 đối tượng NKT đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp xã hội, trên 164 nghìn NKT đang hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội thường xuyên tại cộng đồng. Đây là những người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể; bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn. Bởi vậy, việc bảo đảm sự công bằng trong tiếp cận công lý đối với NKT là rất quan trọng, giúp họ được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.
Để việc thực hiện chính sách TGPL cho NKT nghiêm túc, hiệu quả, hằng năm, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chính sách TGPL cho NKT, NKT có khó khăn về tài chính. Trong đó, giao Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh (Sở Tư pháp) (gọi tắt là Trung tâm) chủ trì thực hiện và đáp ứng 100% yêu cầu TGPL của NKT theo quy định của pháp luật. Trung tâm đã đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, tăng cường khả năng tiếp cận TGPL cho NKT, NKT có khó khăn về tài chính; tổ chức biên soạn, phát tài liệu cho các cơ quan, đơn vị liên quan và NKT; xây dựng pano, băng zôn tuyên truyền và tổ chức tọa đàm nhân Ngày NKT Việt Nam (18/4); Ngày Quốc tế NKT (3/12). Bên cạnh đó, Trung tâm cũng thường xuyên phối hợp với phòng tư pháp các huyện, thị xã, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn trong tỉnh tổ chức các buổi TGPL lưu động nhằm phổ biến những nội dung cơ bản của Luật TGPL, pháp luật về dân sự, hình sự, hôn nhân và gia đình, các vấn đề liên quan đến việc làm, chính sách xã hội, người có công với cách mạng... tới toàn thể người dân, trong đó có NKT tham dự và tư vấn, hướng dẫn, giải đáp những vướng mắc pháp lý.
Cùng với công tác tuyên truyền, Trung tâm còn đẩy mạnh thực hiện tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NKT. Trong đó, Trung tâm tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng, trại tạm giam, UBND các xã, phường, thị trấn bảo đảm 100% NKT được TGPL khi họ có yêu cầu. Cử trợ giúp viên tham gia tố tụng trong các vụ việc án hình sự, án dân sự, hôn nhân gia đình để bào chữa, bảo vệ cho NKT có khó khăn về tài chính là bị can, bị cáo, bị hại, đương sự trong các vụ án hình sự, dân sự. Trong quá trình tham gia tố tụng và đại diện ngoài tố tụng, người thực hiện TGPL luôn đảm bảo tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp cho NKT. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã TGPL 48 vụ việc cho NKT có khó khăn về tài chính bằng nhiều hình thức đa dạng như: tư vấn pháp luật, cử luật sư cộng tác viên và trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trước các cơ quan tố tụng. Ngoài ra, hàng nghìn NKT trên địa bàn tỉnh đã được phổ biến, cung cấp thông tin pháp luật thông qua hoạt động TGPL về cơ sở.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác TGPL cho NKT hiện nay vẫn còn gặp không ít khó khăn, phần lớn NKT thiếu hiểu biết quy định của pháp luật, đặc biệt là ở vùng nông thôn, vùng xa, vùng sâu và do tâm lý tự ti, mặc cảm nên họ thường có tâm lý giấu kín sự việc, e ngại, không tiếp xúc chia sẻ. Nhiều NKT khó khăn về tài chính, không biết về quyền được TGPL miễn phí hoặc có trường hợp có biết về quyền của mình nhưng vẫn không yêu cầu trợ giúp... Ngoài ra, một số trường hợp đặc biệt về dạng tật như câm - điếc rất khó tiếp cận khi không có người phiên dịch hoặc phải nhờ người nhà; đối với trẻ em bị xâm hại có tâm lý tự ti, mặc cảm nên giấu sự việc và chậm tố giác tội phạm, dẫn đến chứng cứ không kịp thời thu thập được. Cùng với đó, hiện nay đội ngũ TGVPL còn ít và chưa được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao các kỹ năng chuyên sâu về tư vấn, tham gia tố tụng khi tiến hành thực hiện TGPL cho nhóm đối tượng đặc thù này... Đây là lý do mà nhiều trường hợp tổ chức và người thực hiện TGPL không thể kịp thời giúp họ bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp để bảo đảm công bằng trước pháp luật.
Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Thanh Hóa Đoàn Văn Dương cho biết: "Trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về NKT bằng nhiều hình thức. Tích cực tham gia các lớp tập huấn để nâng cao trình độ, kỹ năng của TGPL về tư vấn ban đầu để nâng cao hiểu biết pháp luật cho NKT. Tăng cường hoạt động TGPL các vụ việc cụ thể mà trọng tâm là tham gia tố tụng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp các vụ án liên quan NKT".
Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện tốt các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với NKT, các địa phương, đơn vị cần đẩy mạnh tuyên truyền, động viên các tổ chức, cá nhân hảo tâm tích cực chung tay hỗ trợ, chăm lo cho NKT, giúp họ vươn lên trong cuộc sống.
Bài và ảnh: Trần Hằng
{name} - {time}
-
2025-01-07 16:57:00
Hệ thống Anh ngữ quốc tế Ocean Edu chào mừng sinh nhật 18 tuổi và chuỗi hoạt động ý nghĩa
-
2025-01-07 16:23:00
Trao 200 áo ấm và 200 suất quà nhu yếu phẩm cho trẻ em tại Mường Lát
-
2024-12-02 15:25:00
Phụ nữ sáng tạo, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động hội
Thiên đường cúc họa mi giữa lòng thành phố
New Zealand xác nhận lần đầu xuất hiện cúm gia cầm H7N6
Kết quả tích cực trong chương trình xây dựng nhà ở cho người nghèo tại thị xã Nghi Sơn
Mức hỗ trợ xóa nhà tạm cao hơn phù hợp với nguồn xã hội hóa
Mỗi địa phương thiết kế tối thiểu 3 mẫu nhà hỗ trợ hộ nghèo cải thiện chỗ ở
Thi đua phát triển kinh tế, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Đông Sơn quan tâm xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, gia đình chính sách
227 học sinh nghèo vượt khó học giỏi nhận học bổng từ Quỹ Thiện Tâm
Đại hội Hội Hữu nghị Việt - Mỹ tỉnh Thanh Hóa lần thứ nhất