Ngôi nhà chung cho người cao tuổi không nơi nương tựa
Không có nơi nào để ở và cũng không còn đủ sức khỏe để mưu sinh, nhiều người già cô đơn không nơi nương tựa được Trung tâm Bảo trợ Xã hội số 2 đóng trên địa bàn phường Sầm Sơn tiếp nhận và nuôi dưỡng. Dưới mái nhà chung, các ông, bà như được “hồi sinh”, xóa bỏ những mặc cảm, nỗi cô đơn của người già để sống vui, sống khỏe.
Cán bộ tổ công tác xã hội thường xuyên tư vấn, nắm bắt tâm tư của người cao tuổi đang được chăm sóc tại trung tâm.
Bị tai biến, đi lại khó khăn, nhưng hàng ngày bà Trần Thị Thám ở xã Hoa Lộc vẫn lăn chiếc xe của mình ra hành lang hoặc đến phòng các cụ trong trung tâm để trò chuyện cùng mọi người. Vui vẻ, hòa đồng là vậy, thế nhưng khi nhắc về người chồng xấu số, bà Thám không khỏi ngậm ngùi. Chồng mất và không có con, trong khi đó tuổi già với bệnh tật triền miên, khiến cuộc sống của bà gặp rất nhiều khó khăn. Thương cảm trước hoàn cảnh của bà, chính quyền xã đã làm hồ sơ đưa bà vào trung tâm để có người chăm sóc, bầu bạn, và đến nay bà đã có 13 năm gắn bó với trung tâm.
“Ở đây tôi luôn cảm nhận được tình yêu thương của cán bộ, nhân viên và không còn sống cảnh cô đơn, cũng như không phải lo bữa đói, bữa no. Những lúc ốm đau được các cô, chú ở đây tận tình, quan tâm chăm sóc như người thân trong gia đình, giúp cho những người cô đơn, tàn tật như tôi không còn sống trong cảnh buồn tủi”, bà Thám chia sẻ.
Có “thâm niên” ở trung tâm, 15 năm qua bà Nguyễn Thị Hồng Thủy (quê ở tỉnh Quảng Trị làm dâu tại Thanh Hóa), luôn coi trung tâm như ngôi nhà thứ 2 của mình. Bà Thủy có số phận hẩm hiu, chồng mất sớm, bà ở vậy nuôi hai con khôn lớn, thế nhưng cậu con trai cả mất vì tai nạn giao thông, cậu thứ 2 bị bệnh rồi cũng lần lượt “bỏ” bà ra đi. Sống một mình, tuổi già ốm đau bệnh tật, nhiều lúc cô đơn buồn tủi bà lại nghĩ quẩn, hay là mình cũng đi theo chồng con?. Thế nhưng, được sự động viên của chính quyền địa phương cũng như người thân, bà con lối xóm, bà đã dần vực dậy tinh thần để sống quãng đời còn lại.
Bà Thủy cho biết: “Tôi luôn nói với mọi người, trung tâm là ngôi nhà hạnh phúc, vì ở đây tôi được sống trong môi trường thoáng mát, sạch sẽ cũng không còn phải lo lắng nghĩ đến cảnh nhà cửa, tiền điện, nước cuối tháng. Hàng ngày tôi được ăn uống, lúc ốm đau được thăm khám, uống thuốc đầy đủ. Thậm chí có những lúc các cô, chú còn thu xếp việc gia đình, đưa tôi đi bệnh viện khám bệnh và chăm sóc những lúc tôi bệnh nặng. Tôi cảm thấy ấm áp và hạnh phúc lắm”.
Trung tâm Bảo trợ Xã hội số 2 hiện nuôi dưỡng, chăm sóc 52 người già cô đơn không nơi nương tựa, trong đó có 25 người già cô đơn khuyết tật đặc biệt nặng. Người nhiều tuổi nhất là gần 100 tuổi, người ở lâu nhất cũng trên 20 năm. Tổ trưởng Tổ công tác xã hội Trung tâm Bảo trợ Xã hội số 2 Đỗ Thị Liên cho biết: “Khi tiếp nhận các đối tượng vào đây để nuôi dưỡng, cán bộ, nhân viên trong trung tâm luôn tìm hiểu kỹ hoàn cảnh của từng người để tạo được sự gần gũi, thân thiện trong trò chuyện. Từ đó tư vấn, động viên tinh thần giúp các cụ vượt qua mặc cảm, tự ti và cùng những thành viên trong trung tâm luôn yêu thương, giúp đỡ nhau trong cuộc sống”.
Những năm qua, để giúp đối tượng chuyển biến tâm lý theo hướng tích cực, có sức khỏe ổn định, ngay từ khi được tiếp nhận nuôi dưỡng, trung tâm đều kiểm tra sức khỏe của từng người và lập sổ theo dõi, bàn giao về khoa chăm sóc trực tiếp. Tại các khoa chăm sóc đối tượng đều phân công cán bộ trực thường xuyên theo dõi, kiểm tra sát sao tình hình sức khỏe; phân loại đối tượng để chăm sóc khoa học, đạt hiệu quả. Đồng thời, hàng tuần tại các khoa tổ chức giao ban để nắm bắt tình hình đối tượng và quán triệt cán bộ, viên chức, người lao động nghiêm túc, sát sao trong quản lý, chăm sóc đối tượng. Các cán bộ y tế thường xuyên thăm khám, kiểm tra theo dõi sức khỏe các cụ, những bệnh thông thường được điều trị tại chỗ; đối với những bệnh nặng, vượt khả năng điều trị sẽ được chuyển tuyến đến các bệnh viện để khám và điều trị.
Bên cạnh việc chăm sóc sức khỏe, đội ngũ y tá, điều dưỡng, nhân viên dinh dưỡng còn xây dựng thực đơn hàng ngày phù hợp với tình trạng bệnh của người cao tuổi. Các cụ cũng được tham gia các hoạt động phục hồi chức năng, thể thao, văn hóa - văn nghệ, từ đó tạo sân chơi bổ ích, nâng cao sức khỏe, tinh thần.
Mỗi người một hoàn cảnh, số phận khác nhau, nhưng ở trong mái nhà chung này các cụ không còn cảm thấy cô đơn, mặc cảm, vì luôn nhận được sự quan tâm, chăm sóc và tình yêu thương từ cán bộ và nhân viên tại trung tâm cũng như sự đồng hành, sẻ chia của những người cùng cảnh ngộ. Trong ngôi nhà ấm áp với những con người luôn biết yêu thương, sẻ chia đã giúp người cao tuổi không nơi nương tựa tìm lại niềm vui và động lực sống có ích ở tuổi xế chiều.
Bài và ảnh: Trung Hiếu
{name} - {time}
-
2025-07-10 15:51:00
Bí quyết tạo CV xin việc ghi điểm với nhà tuyển dụng trong vài phút
-
2025-07-10 15:06:00
Cảnh báo nguy cơ lộ lọt dữ liệu cá nhân với trào lưu “khoe” ảnh căn cước công dân
-
2025-07-10 14:57:00
Công bố 30 trung tâm đủ điều kiện sát hạch lái xe
Nhân Ngày Dân số thế giới (11/7): Dân số khỏe - gia đình hạnh phúc - đất nước phồn vinh
Tạo dựng tiền đề cho mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục
Đề nghị 29 tỉnh, thành phố đảm bảo an toàn đê điều trong mùa mưa lũ
Phấn đấu không còn người có công nào phải ở trong nhà tạm, nhà dột nát
Cảnh báo trào lưu bắt trend đăng ảnh “phú bà, đại gia bị CSGT xử phạt”
Dự báo thời tiết hôm nay 10/7/2025
Dự báo thời tiết đêm 9 ngày 10/7/2025
Vietcombank Thanh Hóa trao tặng xe cứu thương cho Bệnh viện Nhi Thanh Hóa
Chuẩn bị các điều kiện để công khai thủ tục hành chính, vận hành Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp xã