Ngày đông - nói chuyện du lịch bốn mùa
Đặt trong tương quan giữa sự sôi động, náo nhiệt, “rực lửa” trên những bãi biển nức lòng du khách như: Sầm Sơn, Hải Tiến, Bãi Đông vào mùa hè... thì du lịch xứ Thanh vào những ngày đông có gì ấn tượng, hấp dẫn, tạo ra nguồn thu, nuôi dưỡng nguồn nhân lực? Đó cũng chính là câu hỏi quan trọng nhất được đặt ra trong câu chuyện du lịch bốn mùa của xứ Thanh.
Bản Mạ ngày càng hấp dẫn du khách trong và ngoài tỉnh - “Điểm sáng” trong phát triển du lịch cộng đồng của huyện Thường Xuân.
Thanh Hóa có tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn phong phú, đặc sắc, trải dài từ miền núi, trung du đến ven biển và hải đảo; hạ tầng giao thông ngày càng được đầu tư đồng bộ, kết nối cao tốc nhằm rút ngắn khoảng cách địa lý, thời gian di chuyển, mở rộng liên kết vùng; hạ tầng du lịch với nhiều tổ hợp dự án du lịch quy mô lớn của tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu cả nước đã và đang tiếp tục được đầu tư, đi vào hoạt động... Đó là tiềm năng, lợi thế, sức hút đầu tư, năng lực cạnh tranh để Thanh Hóa phát triển du lịch bốn mùa, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Tuy nhiên, sau nhiều nỗ lực, cố gắng với những tín hiệu tích cực, thẳng thắn nhìn nhận từ thực tế để thấy rằng: Lượng khách và doanh thu từ hoạt động du lịch thời điểm thu – đông của Thanh Hóa còn khá khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.
“Bắt mạch” nguyên nhân, TS Nguyễn Thị Trúc Quỳnh, Trưởng Khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa cho biết: "Ngoài yếu tố chung, mang tính khách quan về điều kiện thời tiết khu biệt 4 mùa rõ rệt thì đầu tiên chúng ta cần bàn tới trong câu chuyện du lịch bốn mùa của xứ Thanh là sản phẩm du lịch. Nguồn tài nguyên để xây dựng sản phẩm du lịch rất phong phú, đa dạng nhưng đó mới chỉ là yếu tố đầu tiên. Để có được sản phẩm du lịch hoàn chỉnh, thực sự hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu, cung cấp các dịch vụ như mua sắm, giải trí, ăn uống, chăm sóc sức khỏe... thì Thanh Hóa còn thiếu và yếu".
Điều thứ hai, đó chính là hệ thống dịch vụ du lịch, nhất là vấn đề hạ tầng, cơ sở vật chất. Trong những năm gần đây, nhờ làm tốt chính sách thu hút đầu tư, kích cầu du lịch, nhiều dự án đầu tư hạ tầng du lịch cũng đã và đang được triển khai; quy mô và chất lượng các cơ sở lưu trú du lịch cũng không ngừng phát triển, đáp ứng nhu cầu của du khách ở tất cả các phân khúc. Tuy nhiên, số lượng cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ và vừa chiếm phần lớn.
Trong khi đó, thời điểm thu – đông, đặc biệt là dịp cuối năm, thị trường du lịch có xu hướng dịch chuyển, hướng trọng tâm vào du lịch nội địa, loại hình du lịch MICE (hình thức du lịch kết hợp tổ chức hội thảo, hội nghị, khen thưởng, sự kiện của các đơn vị, doanh nghiệp dành cho nhân viên, đối tác liên kết...). Loại hình du lịch này yêu cầu cao về cơ sở hạ tầng, chất lượng dịch vụ, nguồn nhân lực. Do đó, “dòng khách MICE khi đến với xứ Thanh vẫn chỉ tập trung ở các khu du lịch nghỉ dưỡng biển chất lượng cao như Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn và TP Thanh Hóa”, TS Nguyễn Thị Trúc Quỳnh nhận định.
Chất lượng nguồn nhân lực cũng là một trong những vấn đề mà TS Trúc Quỳnh nhấn mạnh: “Giữa chất lượng nguồn nhân lực và tính mùa vụ của du lịch Thanh Hóa có sự liên quan mật thiết đến nhau. Vì chưa khắc phục được tính mùa vụ nên nguồn nhân lực luôn trong tình trạng biến động, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả làm việc, khó thu hút và “giữ chân” nhân lực chất lượng cao. Ở chiều ngược lại, chất lượng nguồn nhân lực chưa được đảm bảo sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả, tính bền vững trong phát triển du lịch”.
“Mặc dù Thanh Hóa đã bước đầu khắc phục được “tính mùa vụ” nhưng nhìn chung vẫn đang quá tập trung vào du lịch biển. Trong khi đó, du lịch biển xứ Thanh cũng chưa thể khai thác hiệu quả trong suốt 12 tháng; các sản phẩm du lịch ở giai đoạn “thấp điểm” (thu - đông) chưa thực sự hấp dẫn du khách. Vào thời điểm này, nhất là dịp tết, với dòng khách có điều kiện sẽ lựa chọn du lịch quốc tế; các bạn trẻ thì thích trải nghiệm, khám phá tại các điểm du lịch “hot, “hít”, Thanh Hóa chưa phải là lựa chọn số một” - đó là những nhận định của anh Vũ Văn Bình, Chi hội trưởng Chi hội Lữ hành tỉnh Thanh Hóa, Giám đốc Trust Viet Travel.
Theo anh Vũ Văn Bình, ở giai đoạn “thấp điểm”, du lịch Thanh Hóa chủ yếu tập trung vào du lịch tâm linh, du lịch lịch sử - văn hóa, MICE, du lịch cộng đồng... Nghĩa là sản phẩm du lịch chúng ta vẫn khá đa dạng nhưng sức hút, hấp dẫn đến đâu là điều phải trăn trở. Phần lớn các sản phẩm đang được xây dựng, khai thác theo cách rất “thụ động”, ít tính trải nghiệm, tương tác. Ví dụ, khi đến một vùng đất mới, ngoài việc tìm hiểu lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, du khách, đặc biệt là khách nước ngoài rất hứng thú trải nghiệm văn hóa ẩm thực thông qua việc tự tay vào bếp, học cách chế biến món ăn, đặc sản. Du khách cũng thích được tham gia vào các hoạt động lao động sản xuất thường nhật với người bản địa như: đi hái măng rừng, rau rừng, bắt cá, gặt lúa, lội ruộng... nhưng các sản phẩm du lịch của chúng ta chưa đáp ứng được. Du lịch MICE, du lịch cộng đồng được xem là “điểm sáng” thu hút khách vào “mùa thấp điểm” nhưng cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được; nguồn nhân lực du lịch có thể sử dụng thành thạo các ngôn ngữ khác hạn chế... Các tuyến điểm khai thác du lịch tâm linh tương đối xa nên mất nhiều thời gian cho việc di chuyển, giá tour cao...
Một trong những điểm hạn chế của du lịch Thanh Hóa mà anh Bình đặc biệt quan tâm, đó là hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành. Anh Bình cho biết: “Các đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành chủ yếu khai thác tour theo hình thức đưa khách từ Thanh Hóa đến các nơi khác. Hiện trên địa bàn tỉnh chỉ có khoảng 10 đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành tập trung vào việc đưa khách đến Thanh Hóa; chưa có đơn vị chuyên biệt đưa khách quốc tế “về với xứ Thanh” mà phụ thuộc hoàn toàn vào các đơn vị ngoài tỉnh”. Nhiều lý giải được đưa ra: Một mặt, lợi nhuận của các tour đưa khách đến Thanh Hóa chưa cao nên nhiều đơn vị lữ hành chưa thực sự “mặn mà”. Mặt khác, phần lớn các đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành chưa có văn phòng đại diện ở tỉnh ngoài dẫn đến việc bị giới hạn “tệp” khách hàng. Công tác truyền thông, quảng bá các tour du lịch “về với xứ Thanh” còn hạn chế...
Xây dựng Thanh Hóa thành trọng điểm du lịch của vùng và cả nước với 3 trụ cột chính là du lịch biển, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và du lịch văn hóa; từng bước hiện thực hóa “giấc mơ” du lịch bốn mùa... Đó là cả hành trình với nhiều nỗ lực, cố gắng, chung sức, đồng lòng từ các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Trên hành trình ấy, Thanh Hóa cần tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế, kết quả đạt được; đồng thời nhận diện đúng – trúng những tồn tại, hạn chế để có giải pháp phù hợp, hiệu quả.
Cả TS Nguyễn Thị Trúc Quỳnh, Trưởng Khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch và anh Vũ Văn Bình, Chi hội trưởng Chi hội Lữ hành tỉnh Thanh Hóa, Giám đốc Trust Viet Travel đều thống nhất quan điểm: Du lịch Thanh Hóa cần đầu tư, quan tâm hơn nữa đến việc xây dựng, đổi mới sản phẩm du lịch, tăng tính trải nghiệm, tương tác, định hướng cho khách quốc tế nhiều hơn. Đẩy mạnh thu hút đầu tư; tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án du lịch, nhất là các dự án quy mô lớn đã khởi công để đưa vào hoạt động nhằm tạo sự chuyển biến về chất lượng và sản phẩm du lịch của tỉnh. Tiếp tục thực hiện đa dạng các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; trọng tâm là đẩy mạnh quảng bá bộ nhận diện thương hiệu “Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa”. Tăng cường liên kết du lịch với các vùng nhằm tạo cơ hội cho các nhà đầu tư, các đối tác, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch của tỉnh Thanh Hóa và các vùng, miền, địa phương khác gặp gỡ, liên kết, hợp tác để đem lại sản phẩm, dịch vụ du lịch hoàn chỉnh với chất lượng cao, giá thành phù hợp, liên kết xây dựng gói sản phẩm kích cầu du lịch; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kỹ năng, kiến thức mới, cập nhật xu hướng mới cho đội ngũ làm du lịch...
Bài và ảnh: Thảo Linh
{name} - {time}
-
2024-11-20 15:07:00
Dưới chân núi Chiếu Bạch
-
2024-11-15 21:03:00
Du lịch Thanh Hóa thu hút dòng khách quốc tế, có khả năng chi trả cao
-
2023-12-02 11:28:00
Hành trình khám phá thung lũng Lang Lung, thác Rồng
Chùa Hồng Ân soi bóng Mã giang
Du lịch Thanh Hóa, nhìn từ khách nội tỉnh
Linh thiêng nghè Mỹ Lộc
Niềm tự hào của làng Hồi Cù
Làng nghề nước mắm Khúc Phụ: Chú trọng đầu tư “nâng tầm” sản phẩm
Kho báu của ngành “công nghiệp không khói”
Nét đẹp lao động làng nghề truyền thống xứ Thanh
Sức hấp dẫn của một vùng thắng tích
Về thăm Gia Miêu Ngoại trang