(Baothanhhoa.vn) - Khởi nguồn từ những cuộc lữ hành lấy du ngoạn làm mục đích, du lịch ngày nay đã trở thành một hoạt động kinh tế hay một bộ phận hợp thành của hoạt động kinh tế - xã hội một địa phương, một quốc gia và ngày càng khẳng định được vị thế, cũng như gia tăng tầm ảnh hưởng. Đối với Thanh Hóa nói riêng và Việt Nam nói chung, việc định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị, đã và đang tạo ra đòn bẩy về chủ trương, chính sách để du lịch tăng trưởng, phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ngành “công nghiệp không khói” Thanh Hóa: Chuyển động để đón làn sóng phát triển

Khởi nguồn từ những cuộc lữ hành lấy du ngoạn làm mục đích, du lịch ngày nay đã trở thành một hoạt động kinh tế hay một bộ phận hợp thành của hoạt động kinh tế - xã hội một địa phương, một quốc gia và ngày càng khẳng định được vị thế, cũng như gia tăng tầm ảnh hưởng. Đối với Thanh Hóa nói riêng và Việt Nam nói chung, việc định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị, đã và đang tạo ra đòn bẩy về chủ trương, chính sách để du lịch tăng trưởng, phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững.

Ngành “công nghiệp không khói” Thanh Hóa: Chuyển động để đón làn sóng phát triển

Lễ hội Lam Kinh.

Dấu ấn mới, động lực mới

Năm 2017 đánh một dấu mốc quan trọng khi lần đầu tiên Sầm Sơn được xướng danh ở hạng mục cao quý “Khu du lịch hàng đầu Việt Nam”, bên cạnh những cái tên đắt giá bậc nhất của du lịch Việt Nam hiện nay là Vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), Khu du lịch Bà Nà Hills (TP Đà Nẵng), Khu du lịch Vinpearl Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) và Khu du lịch Vinpearl Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). Điều này có thể gây bất ngờ với nhiều người, song, đó là thành quả xứng đáng cho những nỗ lực của tỉnh Thanh Hóa và TP Sầm Sơn trong việc tạo dựng nên một “diện mạo mới” cho đô thị du lịch biển động lực, dựa trên các yếu tố cơ bản là kỷ cương - văn minh - thân thiện - hấp dẫn.

Trên đà tăng trưởng du lịch năm 2017 (đón trên 3,8 triệu lượt khách, tổng thu trên 2.950 tỷ đồng), bước sang năm 2018, du lịch Sầm Sơn tiếp tục đánh dấu “sự trở lại” xuất sắc trên bản đồ du lịch Việt Nam, khi các chỉ tiêu tăng trưởng đều vượt. Cụ thể, thành phố ước đón 4,285 triệu lượt khách (vượt 2,02% kế hoạch, tăng 2,02% so với cùng kỳ); phục vụ 8,1 triệu ngày khách (vượt 1,25% kế hoạch, tăng 8% so với cùng kỳ); tổng thu ước đạt 3.660 tỷ đồng (vượt 1,4% kế hoạch, tăng 19,4% so với cùng kỳ). Để Sầm Sơn có được vị thế mới này, bên cạnh những ưu thế về cảnh quan thiên nhiên, giá trị văn hóa; thì nhiều kết quả đạt được trong công tác quản lý Nhà nước về du lịch; đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất du lịch; thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm; đẩy mạnh xúc tiến quảng bá, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, tay nghề du lịch cho người lao động... chính là những điều kiện đủ để du lịch Sầm Sơn tiếp tục khẳng định vai trò “mũi nhọn” của mình, góp phần thúc đẩy du lịch Thanh Hóa phát triển.

Bức tranh du lịch ngày càng sáng màu của Sầm Sơn, ví như tấm gương phản chiếu diện mạo du lịch Thanh Hóa vài năm trở lại đây. Trong vòng 5 năm, từ 2013-2018, lượng khách du lịch đến với Thanh Hóa liên tục tăng, từ gần 4 triệu lượt lên trên 8,2 triệu lượt và đạt mức tăng trưởng trung bình 22,6%/năm. Kết quả này chỉ có thể có được từ sự đổi mới trong tư duy phát triển du lịch, với sự bảo đảm nhất quán từ quan điểm, mục tiêu, chương trình hành động và các chính sách mang tính đột phá, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Điều này được cụ thể hóa trong Chương trình phát triển du lịch Thanh Hóa giai đoạn 2016 – 2020, được phê duyệt tại Quyết định số 290-QĐ/TU ngày 27-5-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII và Kế hoạch số 154/KH-UBND ngày 17-10-2016 của UBND tỉnh. Đồng thời, ý thức của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng trong xây dựng, bảo vệ hình ảnh, môi trường du lịch cũng ngày càng được nâng cao. Từ đó, tạo sức hút mới đối với du khách bằng những sản phẩm du lịch không ngừng được cải thiện cả về lượng và chất.

Một “chất xúc tác” mạnh mẽ, đã và đang tiếp tục tạo đà tăng trưởng cho du lịch Thanh Hóa, đó là việc tập trung huy động nguồn đầu tư, tạo sự chuyển biến tích cực về cả quy mô và chất lượng. Trong năm 2018, đã có 17 dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật đang triển khai, với tổng dự toán được phê duyệt hơn 3.200 tỷ đồng (nguồn vốn đầu tư năm 2018 là 626,75 tỷ đồng). Đặc biệt, có nhiều dự án quy mô lớn và có tính chất quyết định đến cơ cấu, thị trường khách, cũng như tạo đòn bẩy thu hút các dự án kinh doanh du lịch, đã và đang được tập trung triển khai. Cụ thể như dự án đường bộ ven biển qua địa phận tỉnh Thanh Hóa (tiểu dự án 4, đoạn từ Đại lộ Nam sông Mã - Sầm Sơn đến cầu Ghép - Quảng Xương); dự án đầu tư đường từ Quốc lộ 1A đến Khu du lịch biển Hải Hòa (huyện Tĩnh Gia); dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống nước thải, nước mưa phía Tây đường Hồ Xuân Hương (TP Sầm Sơn)... Bên cạnh đó, một số dự án quy mô nhỏ nhưng tác động trực tiếp đến việc hình thành và khai thác phát triển du lịch, như đường vào thác Ma Hao - bản Năng Cát (huyện Lang Chánh), đường vào Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (huyện Quan Hóa và Bá Thước); dự án nạo vét, xây dựng bến thuyền, cầu tàu du lịch phục vụ tuyến du lịch “Ngược xuôi sông Mã”; xây dựng, nâng cấp các bãi đỗ xe, nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch...

Việc triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng đã tạo cơ sở cho việc thu hút các dự án đầu tư kinh doanh du lịch. Năm 2018, Thanh Hóa thu hút và cấp chứng nhận cho 13 dự án đầu tư kinh doanh du lịch, trong đó có những dự án lớn như Khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp và du lịch biển Sầm Sơn - Sungroup, Khu đô thị sinh thái Biển Đông Á, Khu đô thị sinh thái FLC Sầm Sơn giai đoạn II... Nâng tổng số dự án đầu tư kinh doanh du lịch đang triển khai trên địa bàn tỉnh đến thời điểm hiện tại là 70 dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 63.500 tỷ đồng (thực hiện đầu tư đến năm 2018 đạt hơn 14.000 tỷ đồng). Ngoài ra, còn có 45 cơ sở lưu trú du lịch được đầu tư, đưa vào kinh doanh trong năm, nâng tổng số cơ sở lưu trú du lịch toàn tỉnh đến hết năm 2018 lên 820 cơ sở, với 28.500 phòng (trong đó, 198 cơ sở được xếp hạng khách sạn từ 1-5 sao, với 12.400 phòng). Các dự án đầu tư đi vào hoạt động đang và sẽ tiếp tục khẳng định quy mô và năng lực cung cấp dịch vụ của du lịch Thanh Hóa.

Một điểm nhấn đáng kể nữa của du lịch Thanh Hóa trong năm 2018 là việc phát triển sản phẩm du lịch tiếp tục được quan tâm, tập trung chỉ đạo, nhằm đa dạng hóa sản phẩm và bảo đảm các điều kiện đón khách du lịch tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh “sản phẩm truyền thống” là du lịch nghỉ dưỡng biển tiếp tục khẳng định được vai trò mũi nhọn; du lịch văn hóa – tâm linh có bước chuyển tích cực; thì loại hình du lịch cộng đồng, sinh thái, trải nghiệm cũng đang trên đà phát triển. Nhiều khu du lịch cộng đồng, khu du lịch trải nghiệm được hình thành và đưa vào phục vụ du khách. Điển hình là việc tổ chức thành công Lễ công bố tour du lịch cộng đồng Pù Luông (huyện Quan Hóa và Bá Thước) đã góp phần quảng bá, thu hút sự quan tâm của khách du lịch đến loại hình du lịch cộng đồng tại tỉnh Thanh Hóa. Đồng thời, việc đa dạng hóa các sản phẩm du lịch đang giúp cho phân khúc thị trường khách du lịch có sự chuyển biến. Trong đó, bên cạnh đối tượng du khách có thu nhập từ trung bình, thì phân khúc cao cấp cũng ngày càng tăng.

Vượt thách thức, đón vận hội

Thanh Hóa đang đứng trước nhiều vận hội để bứt phá ngày càng mạnh mẽ khi Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn chính thức đưa vào vận hành thương mại; Cảng Hàng không Thọ Xuân trở thành cảng hàng không quốc tế; sự ra đời của các dự án hạ tầng, đô thị cao cấp; cùng nhiều thành tựu phát triển ấn tượng đạt được trong năm 2018. Đây cũng chính là thời cơ có khả năng tạo ra “thanh nam châm” thu hút du khách – nhất là phân khúc cao cấp – về với Thanh Hóa. Vấn đề còn lại là du lịch đang và sẽ có sự chuẩn bị ra sao để đón làn sóng phát triển mới này. Trong thực tế, mặc dù những kết quả đạt được là không thể phủ nhận, song, để có thể khẳng định được chỗ đứng trên bản đồ du lịch Việt Nam, du lịch Thanh Hóa phải vượt qua không ít khó khăn, thách thức.

Một trong những cái khó trước mắt là các dự án kinh doanh du lịch quy mô, đẳng cấp quốc tế và có khả năng thu hút khách đột biến như Khu du lịch cao cấp Bến En của Tập đoàn Sungroup và hàng loạt dự án ven biển của các tập đoàn, công ty lớn như Vingroup, Sungroup, BRG... hiện khó hoàn thành và đưa vào hoạt động đúng theo kế hoạch. Trong khi, các doanh nghiệp du lịch trong tỉnh đa phần có quy mô nhỏ và hộ cá thể, tiềm lực cạnh tranh, khả năng quản trị và tính chuyên nghiệp chưa cao. Bên cạnh đó, du lịch chịu ảnh hưởng lớn bởi yếu tố thời tiết, cho nên, những diễn biến khó lường của thời tiết thời gian qua đã dẫn đến tâm lý bất an cho du khách và khiến nhiều công ty lữ hành hủy tour, đã làm hạn chế một lượng lớn khách du lịch đến Thanh Hóa. Ngoài ra, một cái khó mang tính “lâu dài” là nguồn nhân lực – một nhân tố quan trọng, quyết định đến chất lượng sản phẩm và văn hóa du lịch - vẫn chưa được các cơ sở kinh doanh du lịch quan tâm đúng mức. Đồng thời, chưa có chính sách phù hợp để tuyển chọn, bố trí lực lượng hướng dẫn viên du lịch tại các khu, điểm du lịch. Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch còn thiếu cơ chế, chính sách, thiếu nguồn lực, trong khi các hoạt động xúc tiến du lịch nước ngoài, hoạt động quảng bá du lịch ứng dụng công nghệ thông tin và chất lượng đòi hỏi lượng kinh phí lớn...

Để có thể vượt qua khó khăn, thách thức và sẵn sàng đón làn sóng phát triển mới, theo bà Vương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, giải pháp trước mắt là tập trung huy động các nguồn lực, tạo đột phá cho đầu tư phát triển du lịch; đồng thời, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư trong quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư, thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng..., nhất là các dự án lớn của các Tập đoàn Vingroup, Sungroup, FLC, BRG... Từ đó, tạo mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các dự án đầu tư, kinh doanh du lịch trong thời gian nhanh nhất, nhằm sớm hình thành các sản phẩm du lịch chất lượng cao, độc đáo và khác biệt, góp phần xây dựng hình ảnh và thương hiệu du lịch Thanh Hóa. Cùng với đó, tăng cường rà soát, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động đầu tư ở các khu, điểm du lịch trên địa bàn toàn tỉnh; kiên quyết thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, thu hồi đất đối với các dự án chậm tiến độ hoặc vi phạm các quy định của pháp luật.

Cũng theo đại diện lãnh đạo ngành văn hóa, thể thao và du lịch thì phát triển nguồn nhân lực và tăng cường công tác quản lý Nhà nước về du lịch phải được xem là nhiệm vụ trọng tâm; bên cạnh việc phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, nhất là du lịch nghỉ dưỡng biển, theo hướng văn minh, thân thiện, bền vững, hướng đến các dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng cao cấp. Cùng với việc đa dạng hóa cả hình thức và nội dung quảng bá, xúc tiến du lịch; thì việc đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp lữ hành lớn, có uy tín, thương hiệu cũng là một giải pháp hữu hiệu nhằm thu hút du khách về Thanh Hóa. Việc “mở cửa bầu trời” đang và sẽ thúc đẩy việc mở rộng thị trường khách, do đó, cần khuyến khích, hỗ trợ các hãng hàng không mở các đường bay mới từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đến các địa bàn có du lịch phát triển trong và ngoài nước như Đà Nẵng, Cần Thơ, Phú Quốc, Hàn Quốc, Singapore...

Trong thực tế, nhiều cơ chế, chính sách thông suốt từ trung ương đến địa phương đã và đang tạo ra “đường ray”, giúp con tàu du lịch “chạy” khá êm trên cung đường vốn không mấy bằng phẳng. Tuy nhiên, để du lịch Thanh Hóa đạt được các mục tiêu như kỳ vọng đặt ra trong Chương trình phát triển du lịch Thanh Hóa giai đoạn 2016 – 2020, từ đó, thực sự tạo ra một “mũi nhọn” phát triển kinh tế - xã hội địa phương, thiết nghĩ, tinh thần – quan điểm của Nghị quyết số 08-NQ/TW cần được thực thi một cách đầy đủ. Đó là xem phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, của toàn xã hội, có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng. Đồng thời, phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp, của cộng đồng dân cư, cùng sự quản lý thống nhất của Nhà nước, từ đó, tập trung mọi nguồn lực cho phát triển du lịch.

Bài và ảnh: Mộc Lan



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]