(Baothanhhoa.vn) - Berlin và Washington đã thông báo tên lửa hành trình của Mỹ sẽ được đặt tại Đức từ năm 2026. Việc triển khai những loại vũ khí như vậy trước đây bị cấm theo Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) thời Chiến tranh lạnh, nhưng Washington đã rút khỏi thỏa thuận này vào năm 2019. Giới phân tích cho rằng, Nga sẽ sớm đưa ra các biện pháp đáp trả tương xứng.

Nga đáp trả động thái hạt nhân của Mỹ ở Đức

Berlin và Washington đã thông báo tên lửa hành trình của Mỹ sẽ được đặt tại Đức từ năm 2026. Việc triển khai những loại vũ khí như vậy trước đây bị cấm theo Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) thời Chiến tranh lạnh, nhưng Washington đã rút khỏi thỏa thuận này vào năm 2019. Giới phân tích cho rằng, Nga sẽ sớm đưa ra các biện pháp đáp trả tương xứng.

Nga đáp trả động thái hạt nhân của Mỹ ở Đức

Đằng sau kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân tầm xa Mỹ trên lãnh thổ Đức

Theo giới phân tích chính trị, Nga có thể đáp trả việc Mỹ triển khai tên lửa tầm xa ở Đức bằng cách triển khai các hệ thống trang bị hạt nhân tương tự. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết, nếu Chính phủ Đức tin rằng việc triển khai tên lửa tầm xa của Mỹ trong khu vực là có thể chấp nhận được thì Moscow sẽ phản ứng theo cách mà nước này cho là có thể chấp nhận được. Khi được hỏi về việc liệu Nga có thể triển khai tên lửa hạt nhân như một phản ứng trước những hành động mang tính khiêu khích của Mỹ ở châu Âu, Thứ trưởng Sergei Ryabkov trả lời: “Nga không loại trừ bất kỳ lựa chọn nào”.

Ngày 18/7, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius giải thích rằng, Berlin cho phép Mỹ triển khai tên lửa tầm xa trên lãnh thổ nước này nhằm phản ứng trước việc Nga triển khai hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Iskander ở Kaliningrad. Tuy nhiên, giới quan sát bày tỏ quan điểm nghi ngờ về lời giải thích của Bộ Quốc phòng Đức bởi lẽ hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander đã xuất hiện ở Kaliningrad từ năm 2018, chứ không phải hiện nay. Quyết định của Mỹ-Đức được đưa ra ngay sau hội nghị thượng đỉnh NATO tại Washington, sẽ tạo ra mối đe dọa an ninh thường trực đối với Nga.

Theo ông Dmitry Kornev, chuyên gia quân sự và nhà sáng lập cổng thông tin Military Russia nhận định, 2 hệ thống Typhon và Dark Eagle nhiều khả năng nằm trong kế hoạch của Mỹ và Đức. Hệ thống Typhon với tên lửa SM-6 đa năng, có khả năng tiêu diệt các mục tiêu đạn đạo trên quỹ đạo đi xuống. Trong các cuộc thử nghiệm, khả năng bắn trúng tên lửa tầm trung của SM-6 đã nhiều lần được thể hiện, bao gồm trong môi trường gây nhiễu phức tạp. Tầm bắn của SM-6 lên tới 450km, phên bản mới nhất có thể lên tới 700km, dễ dàng tiếp cận tới khu vực Kaliningrad của Nga.

Mỹ cũng có thể triển khai tên lửa hành trình Tomahawk với tầm bắn lên tới 1.800km. Theo chuyên gia Dmitry Kornev, phạm vi tấn công của Tomahawk cho thấy rằng từ Đức, Mỹ có thể tiếp cận nhiều vùng lãnh thổ thuộc phần châu Âu của Nga. Với khoảng cách giữa Moscow và Berlin chỉ khoảng 1.500km, tên lửa Tomahawk của Mỹ chỉ mất khoảng chưa đầy 2 tiếng để có thể tấn công có độ chính xác cao các mục tiêu ở khoảng cách như vậy.

Hệ thống Dark Eagle với tên lửa siêu thanh sử dụng thiết bị bay siêu thanh (CHGB). Hiện tổ hợp này đang hoàn thiện chương trình thử nghiệm trong những tháng tới và có thể được triển khai hoạt động vào năm 2026. Theo chuyên gia Dmitry Kornev, với tầm bắn 2.770km và có khả năng bay nhanh hơn gấp 5 lần tốc độ âm thanh, Dark Eagle có thể tấn công các mục tiêu ở Moscow chỉ mất 14 phút sau khi phóng. Đây sẽ là thách thức rất lớn đối với hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa của Nga, bởi lẽ Dark Eagle có thể cơ động ở các độ cao khác nhau để vượt qua hệ thống phòng không của đối phương.

Các chuyên gia quân sự chỉ ra một thách thức khác đối với Nga là tất cả các hệ thống mà Mỹ nhiều khả năng triển khai ở Đức có tính cơ động rất cao, nghĩa là từ vị trí cố định ở Đức, có thể được chuyển đến một căn cứ khác ở bất kỳ quốc gia NATO nào, chẳng hạn như Phần Lan hoặc các nước vùng Baltic. Việc điều động như vậy có nghĩa là các lựa chọn về mục tiêu có thể có của các hệ thống tên lửa này sẽ thay đổi tuỳ thuộc vào vị trí cụ thể của tổ hợp, gây ra nhiều khó khăn đối với việc giám sát, đánh chặn của các hệ thống radar, phòng thủ tên lửa của Nga.

Những biện pháp đối phó có thể của Nga

Giới phân tích chính trị-quân sự cho rằng, các biện pháp đối phó của Moscow vào lúc này có thể bao gồm cả việc tăng số lượng hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Iskander với tầm bay lên tới 500km (tên lửa đạn đạo 9M723 và tên lửa hành trình 9M728), cũng như triển khai các hệ thống mới mặc dù các hệ thống này chưa được công bố.

“Xét đến thực tế là với những công nghệ hiện có trong việc tạo ra các hệ thống tầm ngắn và tầm trung, ngành công nghiệp quốc phòng Nga không khó để cải tiến, tạo ra một tên lửa đạn đạo mới có tầm bắn lên tới 1.000 km hoặc là xa hơn dựa trên các nền tảng kỹ thuật và giải pháp vận hành của tổ hợp Iskander-M. Các tên lửa này có thể nhanh chóng trải qua quá trình thử nghiệm và việc triển khai có thể bắt đầu trong cùng các lữ đoàn tên lửa được trang bị Iskander hiện nay. Từ lãnh thổ vùng Kaliningrad đến các căn cứ nơi mà tên lửa tầm xa Mỹ được đề xuất ở Đức, thời gian bay có thể không quá 8 phút”, chuyên gia Dmitry Kornev nhận định.

Nga đáp trả động thái hạt nhân của Mỹ ở Đức

Đầu tháng 7/2024, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cho phép bắt đầu sản xuất tên lửa tầm trung và tầm ngắn, vốn trước đây bị cấm theo Hiệp ước các Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), nhưng đã mất hiệu lực sau những căng thẳng leo thang trong quan hệ Nga-Mỹ. Năm 2019, Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã rút khỏi Hiệp ước INF với cáo buộc Nga vị phạm văn kiện rồi thông báo phát triển, thử nghiệm trở lại các mẫu vũ khí bị Hiệp ước INF cấm. Moscow cương quyết bác bỏ cáo buộc và cũng rời khỏi Hiệp ước INF để đáp trả.

“Nga có thể bắt đầu đáp trả bằng cách triển khai “các tên lửa lưỡng dụng mới ở khu vực Kaliningrad và có thể cả ở Belarus”, Mikael Valtersson, cựu quan sát viên chính trị và quân sự của Lực lượng Vũ trang Thụy Điển, nói với Sputnik, khi bình luận về kế hoạch của Mỹ nhằm triển khai vũ khí ở Đức. Nhà quan sát nhận định, điều này có thể được tiếp nối bằng việc bố trí các tên lửa chiến lược của Nga tại các quân khu Moscow và Leningrad mới được tái lập gần đây.

“Các lựa chọn khác sẽ là triển khai tên lửa mới ở Viễn Đông, vùng Alaska và có thể cả bờ biển phía Tây nước Mỹ trở thành mục tiêu của tên lửa tầm trung của Nga”, chuyên gia nói thêm. Theo ông Valtersson, một khả năng khác bao gồm “triển khai tên lửa tầm trung ở phía nam châu Âu và gần Mỹ”, nếu Nga có thể đạt được thỏa thuận với một hoặc nhiều đồng minh truyền thống ở Bắc Phi hoặc Caribe.

Trong khi đó, nhà quan sát quân sự và đại tá đã nghỉ hưu Viktor Litovkin cho rằng, Moscow không nhất thiết phải triển khai tên lửa ở khu vực Kaliningrad, Belarus hay thậm chí là sát biên giới. “Các hệ thống tên lửa có thể được đặt tại các khu vực Voronezh, Smolensk hoặc Moscow. Tên lửa tầm trung bay ở khoảng cách 1.000 đến 5.500 km”, ông Litovkin khẳng định.

Vào tháng 6/2024, chuyên gia của Hiệp hội Công nghiệp hàng không vũ trụ Đức, Markus Ziegler, cho biết, tên lửa siêu thanh có thể bay từ Moscow đến Berlin trong vòng 5 phút. Thậm chí ngay cả từ Bắc Kinh, “nơi mà mọi người nói tới là vô cùng xa, nhưng cũng chỉ mất 20 phút để bay tới Berlin”, chuyên gia nhấn mạnh. Theo ông Markis Ziegler, với sự ra đời của vũ khí siêu thanh, thế giới bị thu nhỏ “trở thành một ngôi làng”.

Khả năng nối lại đối thoại giữa Nga và Mỹ

Hiện đang tồn tại nhiều khó khăn, thách thức trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí vì các hiệp ước chính không có hiệu lực. Ngoài INF, Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược trên thực tế đã chấm dứt. Mỹ nhiều lần tuyên bố muốn nối lại đối thoại về ổn định chiến lược với Nga, nhưng chính quyền Nga lại chỉ ra những mâu thuẫn khách quan trong luận điệu công khai của Mỹ: Một mặt, Mỹ muốn kêu gọi Nga trao đổi về các vấn đề ổn định chiến lược; mặt khác, nước này tuyên bố mục tiêu trong chính sách của mình ở Ukraine là nỗ lực gây ra thất bại chiến lược cho Nga.

Tháng 7/2024, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định cách tiếp cận này rõ ràng không phù hợp với Moscow hiện nay và cơ hội nối lại đối thoại chỉ có thể xuất hiện sau cuộc bầu cử Mỹ. “Về vấn đề an ninh toàn cầu, chúng ta cần đợi cho đến khi chính quyền mới (ở Mỹ) xuất hiện, để hiểu lập trường, quan điểm, kế hoạch của họ là gì và liệu họ có muốn nói về vấn đề này hay không”, Tổng thống Vladimir Putin phát biểu trong cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh SCO ở Astana.

Về phía Nga, các quan chức nước này đánh giá kế hoạch triển khai tên lửa tầm xa của Mỹ ở Đức là động thái nhằm đánh lạc hướng dư luận về tình thế bất lợi và những khó khăn đang bủa vây Tổng thống Joe Biden trong cuộc đua bầu cử sắp tới. Trong khi đó, giới phân tích chính trị cho rằng, quyết định của Mỹ phản ánh những khó khăn, nếu không nói là thất bại, trong việc thực hiện chính sách đối với Ukraine. “Có thể đây là Kế hoạch B mà chính quyền Mỹ nhắm đến khi đang gặp khó khăn trong vấn đề Ukraine”, cựu nhà phân tích CIA Larry Johnson nói với tời Izvestia.

Hùng Anh (CTV)


Hùng Anh (CTV)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]