(Baothanhhoa.vn) - Trước thực trạng công tác xét nghiệm SARS-CoV-2 trên địa bàn tỉnh còn chậm, UBND tỉnh đã yêu cầu ngành y tế khẩn trương khắc phục hạn chế, nâng cao năng lực xét nghiệm, bảo đảm trả  kết  quả xét nghiệm tối đa không quá 8 giờ kể từ khi nhận được mẫu. Để thực hiện nhiệm vụ này, các đơn vị làm xét nghiệm trong tỉnh đã rà soát, bổ sung trang thiết bị, sắp xếp lại nhân lực để công tác xét nghiệm đạt năng suất tối đa.

Nâng công suất và năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2 đáp ứng công tác phòng, chống dịch

Trước thực trạng công tác xét nghiệm SARS-CoV-2 trên địa bàn tỉnh còn chậm, UBND tỉnh đã yêu cầu ngành y tế khẩn trương khắc phục hạn chế, nâng cao năng lực xét nghiệm, bảo đảm trả kết quả xét nghiệm tối đa không quá 8 giờ kể từ khi nhận được mẫu. Để thực hiện nhiệm vụ này, các đơn vị làm xét nghiệm trong tỉnh đã rà soát, bổ sung trang thiết bị, sắp xếp lại nhân lực để công tác xét nghiệm đạt năng suất tối đa.

Nâng công suất và năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2 đáp ứng công tác phòng, chống dịchKỹ thuật viên xét nghiệm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa làm xét nghiệm COVID-19 trên hệ thống Realtime-PCR. Ảnh: Tô Hà

Theo báo cáo của Sở Y tế, hiện nay công suất xét nghiệm Realtime-PCR khẳng định SARS-CoV-2 trên địa bàn tỉnh đạt tối đa 1.900 mẫu đơn/ngày (dự kiến 6 giờ/lần xét nghiệm) và nếu gộp 5 khoảng 9.000 mẫu gộp/ngày, gộp 10 khoảng 18.000 mẫu/ngày (theo Quyết định số 1817/QĐ-BYT ngày 7-4-2021 của Bộ Y tế về ban hành hướng dẫn tạm thời việc gộp mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2).

Cụ thể, tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh có 2 bộ (2 máy xét nghiệm Realtime-PCR và 2 máy tách chiết tự động), công suất mỗi máy 96 mẫu đơn/1 lần xét nghiệm. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa có 1 bộ, công suất 96 mẫu đơn/1 lần xét nghiệm. Tại Bệnh viện Phổi Thanh Hóa có 1 bộ, công suất 96 mẫu đơn/1 lần xét nghiệm (hiện chưa được Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương thẩm định). Tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa có 1 máy xét nghiệm Realtime-PCR (hiện nay đã bị hỏng). Tại Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực đã triển khai xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime-PCR từ tháng 7-2021, công suất 96 mẫu đơn/1 lần xét nghiệm.

Dự kiến bổ sung năng lực xét nghiệm Realtime-PCR, tỉnh triển khai gói thầu mua sắm bổ sung 1 hệ thống xét nghiệm Realtime-PCR (gồm hệ thống Realtime-PCR và máy tách chiết tự động) cho Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Lặc, công suất khoảng 400 mẫu đơn/ngày (Quyết định số 3035/QĐ-UBND ngày 10-8-2021 của UBND tỉnh Thanh Hóa). Tiếp nhận 2 hệ thống xét nghiệm Realtime-PCR (dự kiến cấp cho Bệnh viện Nhi và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh); 1 máy tách chiết cấp cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (theo Quyết định số 3685/QĐ-BYT ngày 2-8-2021 của Bộ Y tế về việc phân bổ trang thiết bị xét nghiệm do Tập đoàn Vingroup hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19). Đối với hóa chất sinh phẩm mua (theo Quyết định số 3035/QĐ-UBND ngày 10-8-2021 của UBND tỉnh Thanh Hóa), gồm sinh phẩm xét nghiệm Realtime-PCR 60.000 test; test nhanh kháng nguyên 31.120 test. Sinh phẩm test nhanh Bộ Y tế hỗ trợ là 337.500 test (theo Quyết định số 3537/QĐ-BYT ngày 21-7-2021 là 112.500 test và Công văn số 5737/BYT-KH-TC ngày 18-7-2021 của Bộ Y tế là 225.000 test).

Sau khi hoàn thành, sẽ nâng năng lực xét nghiệm Realtime-PCR khẳng định SARS-CoV-2 trên địa bàn tỉnh lên 2.400 mẫu đơn/ngày và nếu gộp 5 khoảng 12.000 mẫu gộp/ngày; gộp 10 khoảng 24.000 mẫu/ngày.

Mới đây, tại hội nghị bàn giải pháp nâng cao năng lực xét nghiệm và điều trị bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn tỉnh, nhằm ứng phó với những diễn biến của dịch COVID-19 trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt hơn nữa, nâng cao hơn nữa mức độ phòng, chống dịch ở tất cả các khâu, các công việc; trong đó, việc nâng cao năng lực xét nghiệm và điều trị bệnh nhân COVID-19 phải được xác định là nhiệm vụ rất quan trọng. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các đơn vị đang vận hành hệ thống xét nghiệm Realtime-PCR, kể cả công lập và tư nhân, chủ động nghiên cứu, đầu tư để nâng công suất và năng lực xét nghiệm. Sở Y tế và CDC Thanh Hóa khẩn trương triển khai các công việc chuyên môn liên quan để sớm đưa hệ thống xét nghiệm Realtime-PCR vừa được đầu tư bổ sung đi vào hoạt động, đặc biệt là hệ thống máy xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Lặc. Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Y tế khẩn trương tham mưu để UBND tỉnh thành lập tiểu ban chỉ đạo xét nghiệm; thành lập 150 tổ lấy mẫu cơ động để điều động khi cần thiết; ban hành quy định, hướng dẫn quy trình hoạt động của cơ sở lấy mẫu xét nghiệm trên địa bàn tỉnh, nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối ở tất cả các khâu trong quá trình lấy mẫu xét nghiệm.

Tuy nhiên, hiện nay có một thực tế là nơi làm không hết công suất, nơi lại quá tải xét nghiệm. Tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa hiện có 2 bộ máy xét nghiệm, công suất mỗi máy 96 mẫu đơn/1 lần xét nghiệm. Trung tâm đã cơ cấu, sắp xếp lại nhân lực làm xét nghiệm bảo đảm duy trì 4 ê kíp xét nghiệm liên tục 24/24 giờ trong ngày, trung bình thực hiện xét nghiệm từ 3.000 - 4.000 mẫu/ngày. Mặc dù vậy, công tác xét nghiệm SARS-CoV-2 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa có nhiều thời điểm vẫn bị quá tải.

Trong khi đó, tại 2 đơn vị được phép làm xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime-PCR là Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa và Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực, số lượng mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 được thực hiện mỗi ngày mới chỉ đạt khoảng 1/5, thậm chí 1/6 công suất.

Bác sĩ CKII Dương Thị Thanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Hiện nay, bệnh viện đang thực hiện xét nghiệm khoảng 300 - 400 mẫu/ngày cho các bệnh nhân, nhân viên y tế tại bệnh viện và làm xét nghiệm theo yêu cầu. Trong tình huống bệnh viện được điều động tăng cường năng lực xét nghiệm cho toàn tỉnh, thì bệnh viện có thể đáp ứng được 500 mẫu đơn/ngày và khoảng 2.500 mẫu gộp 5/ngày.

Trao đổi với Thầy thuốc Ưu tú, BS CKII Nguyễn Thanh Vân, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực, được biết: Hiện nay mỗi ngày tại bệnh viện có khoảng 300 - 500 người đến xét nghiệm. Năng lực xét nghiệm tại bệnh viện có thể đáp ứng được hàng chục ngàn mẫu/ngày. Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, bệnh viện đang tích cực chuẩn bị lắp đặt, dự kiến đưa vào vận hành thêm 1 hệ thống xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa quốc tế Nghi Sơn vào cuối tháng này.

Để xảy ra tình trạng nơi làm không hết công suất, nơi quá tải xét nghiệm là do hiện nay, toàn bộ số mẫu xét nghiệm của người cách ly tập trung và người cách ly tại nhà của các địa phương trong tỉnh đều được gửi về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa với một số lượng rất lớn. Còn tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực hiện chỉ có người bệnh điều trị nội trú, nhân viên y tế tại đơn vị và các trường hợp xét nghiệm theo yêu cầu thực hiện xét nghiệm tại đây. Rõ ràng, ngành y tế cần có cơ chế và sự điều tiết phù hợp để các cơ sở xét nghiệm phát huy tối đa năng lực xét nghiệm, tránh lãng phí và quá tải cục bộ, đáp ứng kịp thời công tác phòng, chống dịch trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến nhanh và khó lường như hiện nay.

Bài và ảnh: Tô Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]