(Baothanhhoa.vn) - Hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (gọi tắt là XKLĐ) không chỉ góp phần giải quyết việc làm, thu hút ngoại tệ, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực mà còn bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo, thúc đẩy phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Vì vậy, ngoài việc giữ vững những thị trường truyền thống, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ có cơ hội việc làm tốt, thu nhập cao đang được các đơn vị chức năng và người lao động hướng đến.

Nâng “chất” hoạt động xuất khẩu lao động

Hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (gọi tắt là XKLĐ) không chỉ góp phần giải quyết việc làm, thu hút ngoại tệ, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực mà còn bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo, thúc đẩy phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Vì vậy, ngoài việc giữ vững những thị trường truyền thống, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ có cơ hội việc làm tốt, thu nhập cao đang được các đơn vị chức năng và người lao động hướng đến.

Nâng “chất” hoạt động xuất khẩu lao độngTừ nguồn tiền XKLĐ, gia đình anh Lương Văn Lưu ở bản Na Lộc, xã Sơn Điện đã xây được nhà mới khang trang, thoát nghèo và có vốn phát triển kinh tế hộ.

Kênh giảm nghèo hiệu quả

Quan Sơn là huyện miền núi cao, có 2 xã đặc biệt khó khăn, 1 xã khó khăn và 9 bản đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới hơn 30%. Xác định XKLĐ là kênh giải quyết việc làm, giảm nghèo hiệu quả, huyện huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, giao chỉ tiêu XKLĐ cho các xã. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan, các doanh nghiệp được cấp phép tuyển người đi XKLĐ về các xã tổ chức tuyên truyền, tư vấn cho người lao động về hiệu quả của công tác XKLĐ; các chủ trương, chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đối với người lao động ở huyện nghèo, xã nghèo, đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số khi đi XKLĐ...

Thực hiện tiểu dự án 3 - dự án 5 thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2024, ngoài việc tổ chức 85 lớp học nghề, huyện còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp, học nghề, việc làm... Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp mà huyện đã giải quyết việc làm trong nước cho hàng nghìn lao động. Về XKLĐ, huyện đã thực hiện hỗ trợ trực tiếp cho 27 người là dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hỗ trợ đào tạo ngoại ngữ cho 23 người... Chỉ tính trong năm 2024, huyện đưa được gần 300 người đi XKLĐ, đạt 300% kế hoạch tỉnh giao. Số người đi XKLĐ thu về khoảng 30 tỷ đồng/tháng. Nhiều gia đình có người đi XKLĐ không những thoát nghèo mà còn vươn lên trở thành hộ có kinh tế khá ở địa phương.

Ví như hộ anh Lương Văn Lưu ở bản Na Lộc, xã Sơn Điện. Qua tuyên truyền, vận động, nhận thấy nhiều người đi XKLĐ gửi tiền về cho gia đình phát triển kinh tế, anh đã quyết tâm tham gia học ngoại ngữ để đi XKLĐ. Thời gian làm việc tại Đài Loan, anh Lưu gửi tiền về cho gia đình trả hết nợ vay lúc đi và xây được ngôi nhà mới khang trang, tiện nghi đầy đủ. Hiện gia đình anh không những thoát nghèo mà còn là hộ có kinh tế khá ở địa phương.

Thuộc diện hộ nghèo nhiều năm, hộ anh Phạm Bá Đông ở bản Nhài, xã Sơn Điện loay hoay mãi nhưng không tìm ra cách để thoát nghèo. Được các hội đoàn thể của xã tuyên truyền, động viên, anh quyết tâm thay đổi thói quen, tập quán sinh hoạt lạc hậu, tham gia học ngoại ngữ và XKLĐ sang thị trường Rumani. Chỉ sau 2 năm đi XKLĐ anh đã gửi tiền về cho gia đình trả nợ, xây nhà mới và thoát được nghèo.

Tương tự, tại huyện Như Thanh trong giai đoạn 2021-2025, mỗi năm huyện đưa được 150 người đi XKLĐ. Nhiều gia đình có người đi XKLĐ không những thoát nghèo mà còn vươn lên trở thành hộ có kinh tế khá giả. Điều đáng nói là trong thời gian làm việc ở nước ngoài, người lao động tích lũy được kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn, kỹ thuật cũng như tác phong làm việc khoa học, khi trở về quê hương đã góp phần tích cực trong công tác tạo việc làm, tăng thu nhập, phát triển kinh tế ở địa phương.

“Nâng chất” để “phá rào cản”

Năm 2024 toàn tỉnh đưa được 13.820 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, gấp 2,3 lần kế hoạch năm, tập trung vào các thị trường trọng điểm như: Đài Loan 5.500 lao động, Nhật Bản 4.500 lao động, Hàn Quốc 3.300 lao động... Kết quả ấn tượng này đã góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị xuống còn 2,65% vào cuối năm 2024, giảm 0,15% so với năm 2023. Đồng thời, tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực nông thôn cũng được kéo giảm xuống còn 5,65%, giảm 0,15% so với cùng kỳ năm trước.

Hiệu quả từ XKLĐ đã rõ, song ngoài những thị trường truyền thống đã trở nên bão hòa thì những thị trường mới có thu nhập cao, chế độ và điều kiện sống tốt như: Australia, Đức, Hungary, Singapore... đang được nhiều người lao động hướng đến. Tuy nhiên, muốn tiếp cận các thị trường này không dễ dàng, phải vượt qua không ít tiêu chuẩn khắt khe.

Để “phá rào cản” ở những thị trường khó tính, trước tiên người lao động phải vượt qua “cửa ải” khá quan trọng chính là ngoại ngữ và ý thức tổ chức kỷ luật. Muốn tiếp cận được các thị trường này làm việc, học tập, người lao động cần hoàn thiện kỹ năng nghề và kỹ năng “mềm”, nhất là khả năng ngoại ngữ.

Bên cạnh việc người lao động tự chủ động hoàn thiện mình thì các địa phương cần chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn phối hợp với các doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đào tạo ngành nghề phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động; giáo dục ý thức kỷ luật, đào tạo kỹ năng cho người lao động. Chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyển chọn, đào tạo người lao động trước khi đi XKLĐ đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn theo yêu cầu của nước tiếp nhận. Đào tạo kỹ lưỡng người lao động nêu cao ý thức trách nhiệm cá nhân với cộng đồng, đất nước... Để tránh tình trạng doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở pháp lý để trục lợi từ người lao động, các đơn vị chức năng cần quản lý chặt chẽ hoạt động XKLĐ của các doanh nghiệp.

Hơn nữa, việc đa dạng hóa thị trường lao động sẽ giúp giảm bớt sự phụ thuộc vào các thị trường truyền thống và mở ra nhiều cơ hội việc làm hơn cho người lao động. Vì vậy, ngoài tập trung vào các thị trường truyền thống, có thu nhập ổn định, cần quan tâm phát triển, mở rộng XKLĐ đến các quốc gia, vùng lãnh thổ có cơ hội việc làm tốt, thu nhập cao cho người lao động.

Bài và ảnh: Mai Phương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]