Mỹ nỗ lực làm suy giảm ảnh hưởng của Nga tại không gian hậu Xô viết
Ngày 29/5/2024, Ngoại trưởng Mỹ lên đường công du Đông Âu, trong đó trạm dừng chân đầu tiên là Moldova. Động thái cho thấy nỗ lực của Mỹ trong việc giữ chân chính quyền thân phương Tây ở Moldova, đồng thời tạo ra một bàn đạp mới để đối phó với Nga.
Củng cố quyền lực và bảo đảm an ninh cho chính quyền thân phương Tây ở Moldova
Chuyến thăm Moldova của Ngoại trưởng Mỹ Blinken diễn ra trong bối cảnh Chính quyền của Tổng thống Maia Sandu đang đối mặt với nhiều sóng gió. Quan hệ xấu đi với Nga đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế Moldova. Nền kinh tế Moldova vốn từng là “vườn ươm” công nghệ sản xuất nông nghiệp và công nghiệp tiên tiến thời Liên Xô, giờ đây đã xuống cấp nghiêm trọng, biến nước này trở thành quốc gia nghèo nhất châu Âu. Kết thúc năm 2023, Moldova chỉ đạt mức tăng trưởng GDP 0,7%. Theo Bộ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế và Số hóa Moldova Dmitry Alaiba thừa nhận nước này tụt hậu ở châu Âu về trình độ phát triển kinh tế và hiện tiềm năng tăng trưởng kinh tế chỉ ở mức 2-3%/năm. Theo ông Alaiba, để có một bước đột phá về kinh tế, mức tăng trưởng hàng năm của Moldova phải đạt ít nhất 8%.
Moldova đang trải qua một cuộc nội chiến khi đất nước gần như bị chia cắt thành 2 phe: một bên là phe thân phương Tây của Chính quyền Tổng thống Maia Sandu, còn một phên là phe ủng hộ Nga. Từ tháng 5/2022, phe đối lập đã tổ chức các cuộc biểu tình chống, yêu cầu Nội các và Tổng thống Maia Sandu từ chức. Những người biểu tình cáo buộc chính quyền nước này không đối phó được với cuộc khủng hoảng kinh tế, năng lượng, cũng như thực hiện nhiều biện pháp đàn áp mạnh tay các đảng và tổ chức đối lập thân Nga, như đảng “Shor”, đảng Xã hội... Ngoài ra, đảng cầm quyền đã đóng cửa 13 cơ quan truyền hình và truyền thông với lý do có liên hệ với Nga. Cho đến giữa tháng 3.2024, Chính quyền Moldova không cho phép các ứng cử viên đối lập tranh cử trong các cuộc bầu cử địa phương hoặc quốc gia.
Ngoài vấn đề liên quan tới Transnistria, vốn đã đơn phương tuyên bố ly khai khỏi Moldova sau khi Liên Xô tan rã, Chính quyền Tổng thống Maia Sandu cũng phải đối mặt với căng thẳng liên quan tới khu vực tự trị của nước này mang tên Gagauzia. Căng thẳng “nóng” lên sau khi Chính quyền Gagauzia bất đồng quan điểm với chính phủ thân phương Tây. Thống đốc Gagauzia, bà Eugenia Gutul từng cáo buộc Tổng thống Maia Sandu “đàn áp” những cư dân ủng hộ Điện Kremlin. Tháng 4/2024, bà Gutul cảnh báo nếu Chính quyền Moldova muốn hợp nhất với Romania, Gagauzia sẽ tuyên bố độc lập.
Theo nhà khoa học chính trị Nga Vladimir Kornilov, những thỏa thuận hợp tác trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Blinken như một thông điệp khẳng định sự ủng hộ của Washington đối với Moldova trong việc gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và giải quyết các vấn đề kinh tế, an ninh năng lượng. Điều này giúp củng cố vững chắc cho Chính quyền Tổng thống Maia Sandu, cũng như duy trì chủ trương thân phương Tây của Moldova, trong bối cảnh nhiều sóng gió chính trị nổi lên tại quốc gia châu Âu này. Ngoài ra, một nhiệm vụ khác của Ngoại trưởng Blinken khi tới Moldova là thiết lập các kết nối bổ sung, đánh giá, kiểm tra sự chuẩn bị của chính quyền địa phương cho cuộc bầu cử tổng thống dự kiến được tổ chức vào tháng 11/2024. Mỹ kỳ vọng vào chiến thắng tiếp theo của bà Maia Sandu, hoặc chí ít là một nhân vật khác thân phương Tây.
Tạo ra bàn đạp mới để đối phó Nga?
Trong bối cảnh xung đột Ukraine chưa có dấu hiệu lắng xuống, chuyến thăm Moldova của Ngoại trưởng Mỹ Blinken được giới phân tích chính trị nhận định là một động thái nhằm gia tăng ảnh hưởng tại không gian hậu Xô viết, vốn có vai trò địa chiến lược quan trọng đối với Nga. Trong trường hợp Ukraine thất thủ, Moldova có thể được sử dụng làm “phương án B” giúp các nước phương Tây gây sức ép lên Nga. Nhận định này hoàn toàn có sơ sở khi thời gian qua Mỹ và các nước phương Tây đã tận dụng triệt để những chuyển biến chính trị tại khu vực và thúc đẩy hợp tác chặt chẽ với các nước trong không gian hậu Xô viết khác, như Armenia, Gruzia.
Lực lượng quân sự của Mỹ và Romania đã tham gia cuộc tập trận quân sự mang tên JCET 2024 từ ngày 1-19/4. Theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Moldova, cuộc tập trận nhằm huấn luyện chung và trao đổi kinh nghiệm giữa các lực lượng đặc biệt của Moldova, Romania và Mỹ, cũng như tăng mức độ tương tác giữa các lực lượng tham gia. Sự kiện năm nay cũng có sự tham dự của đại diện Cơ quan An ninh và Bảo vệ Nhà nước Moldova và Lực lượng Đặc biệt Pantera.
Theo chuyên gia Vladimir Bruter tại Viện Nghiên cứu Chính trị và Nhân đạo Quốc tế, các cuộc tập trận như JCET 2024 sẽ từng bước đưa quân đội Moldova trở thành một lực lượng theo “chuẩn NATO”, khi Mỹ tập trung vào việc hiện đại hóa lực lượng, xây dựng chiến thuật tác chiến đồng bộ và có khả năng phối hợp cao giữa quân đội Moldova với các lực lượng NATO trong chiến đấu. Việc xây dựng Moldova trở thành một “thành viên không chính thức” của NATO giúp Mỹ đạt được một số mục tiêu quan trọng, như: Làm suy giảm ảnh hưởng của Nga tại không gian hậu Xô viết, khiến Moldova ngày càng trở nên phụ thuộc và phải gắn kết chặt chẽ hơn với NATO về mặt chính trị-an ninh.
Còn với Nga, Chính quyền Moscow sẽ không dễ dàng từ bỏ ảnh hưởng của mình ở Moldova, do Moldova có vị trí địa chiến lược quan trọng đối với nền an ninh-quốc phòng của Nga. Việc để Moldova rơi vào tầm ảnh hưởng của Mỹ và phương Tây sẽ khiến an ninh của Nga bị đe dọa nghiêm trọng, không kém gì việc Mỹ và NATO đang viện trợ nhiều loại vũ khí hạng nặng cho Ukraine để chống Nga. Một khi chính quyền thân phương Tây ở Moldova bước qua “lằn ranh đỏ”, chấp nhận để NATO sử dụng làm bàn đạp để chống Moscow, Nga hoàn toàn có khả năng sử dụng các vấn đề kinh tế, năng lượng để gây sức ép đối với Moldova, buộc nước này phải quay trở lại chính sách ngoại giao mềm mỏng với Nga. Hơn nữa, Nga vẫn đang duy trì được ảnh hưởng chặt chẽ tại các vùng ly khai, tự trị ở Moldova, khiến Chính quyền Tổng thống Maia Sandu đặc biệt lo ngại. Cuối tháng 2/2024, các nhà lập pháp tại vùng Transnistria ra nghị quyết đề nghị Nga hỗ trợ trước sức ép kinh tế của Chính quyền Moldova.
Quốc gia nhỏ bé Moldova có thể sẽ đối mặt với cuộc xung đột lớn nếu trở thành bàn đạp cho một chiến lược của phương Tây nhằm vào thành phố Odessa ở miền Nam Ukraine và Bán đảo Crimea. Vẫn chưa rõ liệu phương Tây có thể làm được điều đó hay không, nhưng Moldova đang rơi vào vòng xoáy bất ổn chính trị, và khả năng nước này trở thành “một Ukraine thứ hai” là hoàn toàn có thể xảy ra.
Hùng Anh (CTV)
{name} - {time}
-
2024-12-12 08:03:00
Mọi thứ chỉ mới bắt đầu ở Syria
-
2024-12-12 07:26:00
Hàng triệu người Syria bắt đầu hồi hương với kỳ vọng về cuộc sống tốt đẹp hơn
-
2024-05-29 17:34:00
Những chủ đề sẽ làm nóng chương trình nghị sự tại Đối thoại Shangri-La 2024 sắp tới
Pháp và Đức kêu gọi tập trung hỗ trợ tăng trưởng cho EU
Hội nghị thượng đỉnh ba bên Trung-Nhật-Hàn: Khi các nước vẫn rất cần nhau
Hội nghị Thượng đỉnh ba bên - “Khởi đầu mới” trong quan hệ Trung-Hàn-Nhật
Cuộc tập trận Armenia - Mỹ: Mối đe dọa với Nga ở Caucasus
Sức ép lớn từ Nga, Mỹ thúc đẩy châu Âu tự chủ chiến lược
Thấy gì từ những cam kết viện trợ quân sự khổng lồ của Mỹ và châu Âu cho Ukraine?
Nhận định về khả năng NATO đối đầu trực diện với Nga ở Ukraine
Thế giới mong muốn có cuộc chiến thay thế đồng USD
Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Putin tạo ra “xung lực” mới cho quan hệ chiến lược Nga-Trung