(Baothanhhoa.vn) - Ngay từ khi tham gia vào Chương trình OCOP, các chủ thể sản xuất trên địa bàn tỉnh đã chủ động ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nhằm nâng cao chất lượng, hoàn thiện mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm. Sau khi được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh, các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất là tác giả của 69 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đã không ngừng nâng cao chất lượng để sản phẩm OCOP khẳng định thương hiệu trên thị trường.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Sản phẩm OCOP từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường

Ngay từ khi tham gia vào Chương trình OCOP, các chủ thể sản xuất trên địa bàn tỉnh đã chủ động ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nhằm nâng cao chất lượng, hoàn thiện mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm. Sau khi được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh, các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất là tác giả của 69 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đã không ngừng nâng cao chất lượng để sản phẩm OCOP khẳng định thương hiệu trên thị trường.

Sản phẩm OCOP từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trườngCác sản phẩm OCOP thực hiện đổi mới mẫu mã, bao bì, nâng cao chất lượng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Mục tiêu của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị. Do đó, các ngành, địa phương đã rà soát, vận động những cơ sở sản xuất, chủ thể kinh tế có sản phẩm tiềm năng để hỗ trợ, hướng dẫn, định hướng, tư vấn nâng cấp, hoàn thiện các sản phẩm theo hướng chuẩn hóa chất lượng; xây dựng nhãn hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm. Do đó, hàng trăm chủ thể sản xuất đã tập trung đầu tư nâng cao chất lượng, hoàn thiện các tiêu chí sản phẩm, nỗ lực cải thiện kỹ năng phát triển thị trường cho sản phẩm.

HTX nông lâm nghiệp Bình Sơn (Triệu Sơn) có hai sản phẩm được xếp hạng OCOP 3 sao từ lần đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đầu tiên (năm 2019). Ngay sau khi được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh, HTX đã tăng cường quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ, đến nay, các sản phẩm của HTX đã có mặt tại hệ thống đại lý phân phối, chuỗi cửa hàng, siêu thị trong và ngoài tỉnh. Từ đó, doanh thu năm 2020 của HTX đạt khoảng 2 tỷ đồng, cao gấp 2 lần trước khi được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh... Thành công đã có, song HTX vẫn tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, từng bước tiến tới những thị trường, phân khúc khách hàng khó tính hơn. Đầu năm 2020, HTX nông lâm nghiệp Bình Sơn đã đầu tư thêm máy hạ thủy phân, tách tạp chất mật ong, cải tiến bao bì, mẫu mã sản phẩm. Đồng thời, nghiên cứu phát triển thêm một số sản phẩm mới, như: cà gai leo túi lọc Bình Sơn và trà xanh túi lọc Bình Sơn. Ông Lê Đình Tú, giám đốc HTX nông lâm nghiệp Bình Sơn, cho biết: Việc vừa đầu tư để hoàn thiện, nâng cao chất lượng 2 sản phẩm đã được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh là mật ong bốn mùa hoa rừng nguyên chất và trà xanh sạch Bình Sơn, vừa nghiên cứu sản xuất sản phẩm mới chính là chiến lược phát triển của HTX để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu ngày càng cao, đa dạng của người tiêu dùng. Do đó, thời gian tới, HTX tiếp tục tham khảo, trưng cầu đánh giá của các chuyên gia và người tiêu dùng để từng bước đổi mới sản phẩm, đáp ứng những tiêu chí khắt khe của những thị trường mới.

Sau 2 năm tham gia Chương trình OCOP, Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia (Hoằng Hóa) đã có 3 sản phẩm được công nhận đạt chất lượng 4 sao. Việc được chứng nhận sản phẩm OCOP là dấu mốc quan trọng, giúp sản phẩm của công ty nâng cao uy tín trên thị trường. Phát huy lợi thế đó, thời gian qua, bên cạnh việc đầu tư máy móc, nâng cao chất lượng sản phẩm, Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia không ngừng thúc đẩy quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường. Ông Lê Anh, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia, cho biết: Chương trình OCOP đã mang lại những giá trị tích cực góp phần nâng tầm thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp. Hiện nay, sản phẩm của công ty đã xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Đài Loan, My-an-ma... Để giữ vững thị trường, trong thời gian tới, công ty tiếp tục đầu tư công nghệ, máy móc để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 69 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, đạt chất lượng 3 - 4 sao. Hầu hết các sản phẩm OCOP đều có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, đánh giá cao. Các sản phẩm OCOP đều được hoàn thiện tiêu chuẩn chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, nhãn hiệu tập thể, đăng ký mã QR... nên đã tạo được sự tin tưởng của người tiêu dùng.

Ông Bùi Công Anh, Phó chánh Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng nông thôn mới, cho biết: Thời gian tới, để các sản phẩm OCOP của tỉnh thiết lập chỗ đứng vững chắc trên thị trường, các sở, ngành, địa phương cần tiếp tục tuyên truyền, hỗ trợ các chủ thể khai thác, nâng cấp các sản phẩm; đồng thời, có phương án hỗ trợ để các chủ thể mở rộng sản xuất khi sản phẩm đã chiếm lĩnh được thị trường tiêu thụ. Cùng với đó, các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất tham gia Chương trình OCOP cần chủ động đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chế biến, nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã sản phẩm OCOP.

Bài và ảnh: Lê Hòa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]