Máy bay chiến đấu F-16 sẽ mang lại lợi thế cho quân đội Ukraine trên chiến trường?
Thời gian gần đây, nhiều quốc gia phương Tây tuyên bố viện trợ “át chủ bài” máy bay chiến đấu F-16 cho quân đội Ukraine. Vậy tính toán của phương Tây là gì? Động thái này sẽ tác động như thế nào đến cục diện chiến trường Nga-Ukraine hiện nay?
Tính toán của phương Tây và Ukraine khi đưa máy bay F-16 vào cuộc chiến
Ngày 10/7, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, lô máy bay chiến đấu F-16 đầu tiên do Mỹ chế tạo đang được chuyển từ Đan Mạch và Hà Lan đến Ukraine và sẽ bay trên bầu trời Ukraine vào mùa hè này.
Ông Blinken tiết lộ thêm, một gói viện trợ dành cho Ukraine sẽ được công bố trong thời gian tới nhằm xây dựng một cầu nối rõ ràng và vững chắc cho tư cách thành viên NATO của Ukraine trong tương lai.
Phát biểu sau cuộc gặp với người đồng cấp Hà Lan và Đan Mạch, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov cho biết: “Chúng tôi đang chuẩn bị đón các máy bay chiến đấu hiện đại trên bầu trời Ukraine”. Trong một bài đăng trên mạng xã hội, Tổng thống Zelensky bày tỏ cảm ơn Mỹ, Đan Mạch và Hà Lan đã giúp “tăng cường sức mạnh cho lực lượng không quân Ukraine bằng máy bay chiến đấu F-16”.
Đan Mạch đã cam kết viện trợ 19 máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine. Con số này của Hà Lan là 24 chiếc. Trong tuyên bố chung về việc chuyển giao F-16, các nhà lãnh đạo Mỹ, Hà Lan và Đan Mạch cho biết các nước này “cam kết tăng cường hơn nữa khả năng không quân của Ukraine, trong đó sẽ bao gồm các phi đội máy bay đa chức năng F-16 thế hệ thứ tư hiện đại”.
“Liên minh dự định hỗ trợ duy trì và trang bị vũ khí, cũng như đào tạo thêm các phi công để nâng cao hiệu quả hoạt động. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chung để hỗ trợ khả năng tự vệ của Ukraine trước hành động của Nga”, thông báo cho biết thêm.
Trong một động thái mới nhất, Na Uy đã trở thành quốc gia châu Âu thứ ba sau Hà Lan và Đan Mạch tặng chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine. Reuters dẫn lời chính phủ Na Uy đưa tin Na Uy đã cam kết chuyển 6 máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine, khi lãnh đạo các nước NATO tập trung tại Washington dự hội nghị thượng đỉnh lần thứ 75 của khối.
Ngày 10/7, trước khi tới Washington dự hội nghị thượng đỉnh NATO, Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Støre cho biết chính phủ nước này sẽ tặng 6 chiếc F-16 cho Ukraine để Kiev tự vệ trước các cuộc tấn công của Liên bang Nga, và việc chuyển giao sẽ được tiến hành trong năm nay.
Thủ tướng Na Uy cho rằng khả năng tự vệ trước các cuộc tấn công từ trên không của Kiev là vô cùng quan trọng trong cuộc chiến phòng thủ chống lại Liên bang Nga, và Na Uy đặt mục tiêu bắt đầu chuyển máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine vào năm 2024. Năm ngoái, trong chuyến đi tới Kiev vào tháng 8, ông Støre lần đầu tiên nói rằng Na Uy sẽ tặng máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine, nhưng không nêu rõ số lượng. Kể từ đó, Oslo đã gửi hai chiếc F-16 tới Đan Mạch để sử dụng cho việc đào tạo phi công Ukraine.
Kiev hy vọng “át chủ bài” F-16 sẽ tăng cường đáng kể sức mạnh của lực lượng Ukraine khi họ đang phải vật lộn để đẩy lùi các cuộc tấn công dữ dội của Nga dọc chiến tuyến, bao gồm những quả bom lượn có sức tàn phá khủng khiếp mà F-16 có khả năng phá hủy.
Theo Reuters, các nước phương Tây coi F-16 là “át chủ bài” nhờ những tính năng hiện đại của dòng máy bay chiến đấu này. F-16 là loại máy bay chiến đấu phản lực đa năng đã tham gia hàng chục cuộc chiến và được hơn 20 quốc gia sử dụng. Đối với Ukraine - quốc gia sử dụng MiG-29 thời Liên Xô lớn nhất, F-16 là một bản nâng cấp cực kỳ ý nghĩa. Nó sẽ cải thiện khả năng của Không quân Ukraine trong việc hỗ trợ lực lượng mặt đất và đánh chặn máy bay ném bom Nga trước khi chúng có thể tấn công các mục tiêu quân sự hoặc dân sự.
Mark Cancian, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS), cho rằng Kiev sẽ chủ yếu sử dụng phi cơ F-16 cho nhiệm vụ phòng không, bên cạnh việc yểm trợ binh lính trên tiền tuyến và thực hiện “một số cuộc tấn công gây nhiều chú ý” vào lãnh thổ Nga. Trước đó, hàng loạt các quốc gia phương Tây đã “bật đèn xanh” cho phép quân đội Ukraine sử dụng vũ khí được phương Tây viện trợ tấn công vào các mục tiêu quân sự trong lãnh thổ Nga.
Đồng quan điểm trên, Michael Bohnert, chuyên gia mua sắm hàng không - hàng hải của hãng tư vấn RAND, cho rằng máy bay chiến đấu F-16 sẽ giúp đánh chặn tên lửa hành trình Nga và bảo vệ các khu vực mà Ukraine không triển khai hệ thống phòng không mặt đất. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, trong bối cảnh hậu phương Ukraine gần đây hứng nhiều thiệt hại từ các cuộc tập kích tầm xa của Nga. Ngoài ra, tiêm kích F-16 còn có thể đóng vai trò mồi nhử để thu hút hỏa lực phòng không của Nga, cũng như buộc đối phương phải phân bổ thêm nguồn lực để có thể tìm cách tiêu diệt các máy bay này khi chúng còn đậu trên mặt đất.
Máy bay F-16 liệu có thể giúp quân đội Ukraine cải thiện tình hình chiến sự?
Theo Tạp chí National Interest, máy bay chiến đấu F-16 sẽ không thể hoạt động hiệu quả trong không phận do Nga kiểm soát. “Một khi quân đội Ukraine xâm nhập vào không phận do Nga kiểm soát, khả năng sống sốt và tính năng hoạt động của F-16 sẽ giảm đi rõ rệt”, ấn phẩm khẳng định; đồng thời cho rằng dù có nhiều tính năng hiện đại hơn các máy bay từ thời Liên Xô hiện trong biên chế của quân đội Ukraine, song máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất không phải là “át chủ bài” có thể tạo bước đột phá mới, bởi quân đội Nga đang nắm thế chủ động và có những bước tiến vững chắc trên chiến trường hiện nay.
Tờ Izvestia dẫn nhận định của chuyên gia quân sự Dmitry Kornev cho rằng, F-16 thua kém nhiều về khả năng chiến đấu so với Su-35S của Nga, loại máy bay hiện có hơn 100 chiếc trong Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga.
Theo chuyên gia Dmitry Kornev, với chiều dài 72 feet (22 m) và sải cánh 50 feet (15,2 m), Su-35 lớn hơn F-16 khoảng 50%. Su-35 được trang bị pháo 30 mm cũng như hàng chục giá treo có khả năng phóng một loạt vũ khí không đối không và không đối đất. Điều đặc biệt khiến Ukraine và phương Tây lo lắng là tên lửa không đối không dẫn đường bằng radar R-37 và R-77, là loại vũ khí “fire and forget”, có thể tiêu diệt máy bay Ukraine ở ngoài tầm bắn của tên lửa không đối không Ukraine. Nếu như khả năng tác chiến của F-16 chưa được kiểm chứng, thì Su-35 lần đầu thực chiến trong chiến dịch quân sự của Nga ở Syria vào năm 2016 và đã mang lại hiệu quả cao.
Giới phân tích chính trị - quân sự cho rằng, việc các nước phương Tây cam kết cung cấp máy bay F-16 cho quân đội Ukraine mang nhiều ý nghĩa chính trị hơn là hiệu quả trên chiến trường. Nhận định này xuất phát từ một số nguyên nhân sau:
Thứ nhất, bằng cam kết viện trợ máy bay F-16 cho quân đội Ukraine, các nước phương Tây muốn thể hiện sự hỗ trợ, sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu từ phía quân đội Ukraine nhằm duy trì vững chắc tuyến phòng thủ trước sức tấn công mạnh mẽ của quân đội Nga. Ngoài ra, điều này còn góp phần củng cố tâm lý chiến đấu cho quân đội Ukraine, vốn đang rệu rã nghiêm trọng sau những thất bại từ đầu năm 2024 do thiếu hụt vũ khí.
Thứ hai, theo Phó Nguyên soái Không quân Anh đã nghỉ hưu Sean Bell cho rằng, việc quân đội Ukraine vận hành máy bay F-16 như thế nào cũng là một dấu hỏi lớn. Bởi lẽ, F-16 là máy bay chiến đấu hiện đại nhưng phải được các chuyên gia điều khiển, được bảo trì, sửa chữa bởi các chuyên gia có kinh nghiệm. Trong khi đó, quân đội Ukraine rõ ràng là không có đủ nhân lực cũng như khả năng cho các hạng mục này. Ông Sean Bell cho biết, quá trình đào tạo tối thiểu để trở thành một phi công lái máy bay chiến đấu F-16 đòi hỏi hơn một năm đào tạo chuyên sâu.
Thứ ba, quân đội Nga nắm trong tay nhiều vũ khí phòng không, được cho là có thể vô hiệu hoá các tính năng của máy bay F-16. Giới phân tích quân sự liệt kê hàng loạt vũ khí trong biên chế của quân đội Nga, như: Tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung Muk-M3, bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách 70km với tốc độ lên tới 3000 km/h. Tổ hợp này thể hiện năng lực tác chiến cao, tiêu diệt mọi phương tiện tấn công đường không của quân đội Ukraine, bao gồm cả các UAV vũ trang. Ngoài ra, quân đội Nga còn có các hệ thống phòng không hiện đại, như S-300, S-350, S-400, và đặc biệt là “rồng lửa” S-500 có tầm bắn lên tới 600km và khả năng phát hiện mục tiêu ở khoảng cách lên tới 800km. Hệ thống này có thể đồng thời nhắm vào 10 mục tiêu tên lửa đạn đạo siêu thanh đang bay với vận tốc lên tới 7km/s. Nó cũng có thể tấn công các mục tiêu đang bay ở tốc độ siêu thanh (lên tới Mach10, tương đương với 12.348km/h).
Hùng Anh (CTV)
{name} - {time}
-
2024-11-21 10:07:00
Nga thay đổi học thuyết hạt nhân: Đòn “nắn gân” có sức nặng
-
2024-11-21 09:14:00
COP29: Các quốc gia giàu có cam kết không xây mới nhà máy điện than
-
2024-07-15 12:44:00
Trung Quốc làm gì để giải cứu thị trường bất động sản?
Mục tiêu chiến lược của NATO ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
NATO ra bản tuyên bố chung 38 điểm - Giới hạn của tham vọng
Nga-Ấn Độ có mối quan hệ đối tác chiến lược bền chặt và mở rộng
Bầu cử sớm không chấm dứt được cuộc khủng hoảng chính trị tại Pháp
Tổng thống Macron phải làm gì để “chung sống” với cánh tả?
Mục đích chuyến thăm Đức của Ngoại trưởng Anh chỉ một ngày sau khi nhậm chức
Iran hướng tới quá trình chuyển đổi chính trị dưới thời tân Tổng thống Pezeshkian
Các nước châu Âu chỉ trích gay gắt chuyến thăm Nga của Thủ tướng Hungary
Định hướng chính sách đối nội, đối ngoại của Nội các mới ở Anh