(Baothanhhoa.vn) - Làm quan dưới triều Lê - Trịnh, từng giữ chức Tham tụng trong phủ Chúa, danh vọng rực rỡ, danh nhân Lưu Đình Chất còn được sử sách ghi nhận là một nhà ngoại giao có nhiều đóng góp. Cuộc đời và sự nghiệp làm quan của ông đã góp phần vào sự rạng danh của đất và người xứ Thanh.

Lưu Đình Chất: Danh quan tài đức

Làm quan dưới triều Lê - Trịnh, từng giữ chức Tham tụng trong phủ Chúa, danh vọng rực rỡ, danh nhân Lưu Đình Chất còn được sử sách ghi nhận là một nhà ngoại giao có nhiều đóng góp. Cuộc đời và sự nghiệp làm quan của ông đã góp phần vào sự rạng danh của đất và người xứ Thanh.

Lưu Đình Chất: Danh quan tài đứcDanh sĩ Lưu Đình Chất được hậu thế thờ ở nhà thờ dòng họ Lưu, làng Đông Khê. Ảnh: Khánh Lộc

Sinh năm 1566 ở làng Đông Khê xã Quỳ Chữ (nay là xã Hoằng Quỳ, huyện Hoằng Hóa), Lưu Đình Chất là con trai của Lâm Quận công Lưu Đình Thưởng - một công thần Trung hưng nhà Lê. Ông đỗ Đình nguyên, Đệ nhị giáp xuất thân (Hoàng giáp) khoa thi Đinh Mùi (1607). Dù đỗ đạt muộn, nhưng sự nghiệp quan trường lại ghi nhiều dấu ấn.

Sinh ra và lớn lên trong thời buổi tao loạn, cuộc nội chiến Nam - Bắc triều vẫn chưa kết thúc; họ Mạc chiếm cứ vùng đất phía Bắc, triều Lê - Trịnh quản lý vùng đất phía Nam (từ Thanh Hóa trở vào), tình trạng nội chiến, cát cứ khiến cho đất nước bất ổn, đời sống người dân khốn khó. Phải đến năm 1593, quân Lê - Trịnh chiếm được Thăng Long, chúa Trịnh rước vua Lê từ Vạn Lại - Yên Trường xứ Thanh về kinh đô, ngự ở chính điện để “trăm quan chầu mừng” thì sự nghiệp Trung hưng nhà Lê mới cơ bản hoàn thành.

Do thân phụ là công thần Trung hưng nhà Lê, nên Lưu Đình Chất được hưởng chế độ “tập ấm” theo quy định thời bấy giờ. Đến khoa thi năm Đinh Mùi (1607) ông đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân. Theo học giả Phan Huy Chú trong sách Lịch triều hiến chương loại chí, trước khi đỗ đạt, Lưu Đình Chất đã từng giữ chức Cấp sự trung Lại khoa (do hưởng chế độ tập ấm) nên sau khi thi đỗ Tiến sĩ, ông được thăng giữ chức Đô cấp sự trung, hàm Tòng thất phẩm.

Đáng nói, chỉ sau chưa đầy 10 năm thi đỗ, Lưu Đình Chất đã làm đến chức Hữu Thị lang Bộ Lại (hàm Tòng tam phẩm), tước Nhân Lĩnh hầu - một chức quan cao cấp dưới triều Lê - Trịnh.

Lý giải về sự thăng tiến nhanh chóng của Lưu Đình Chất, PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ, cho rằng: “Dưới triều Lê, chế độ khảo khóa quan lại rất nghiêm ngặt và chặt chẽ... theo định lệ cứ ba năm khảo khóa một lần chia ra các hạng Thượng khảo, Trung khảo và Hạ khảo, rồi Bộ Lại căn cứ vào đó mà nghị bàn thăng thưởng hay giáng hạ. Khảo khóa gồm Sơ khảo và Thông khảo... Lệ khảo khóa cốt để nhắc nhở quan lại luôn phải liêm khiết, mẫn cán, chăm lo cho dân được an cư lạc nghiệp. Như vậy, khi bước chân vào chốn quan trường, quan lại phải có 3 năm tập sự để thử thách. Bàn về lệ khảo khóa này, nhà sử học Phan Huy Chú đã viết: “Xét việc khảo khóa đời nhà Lê rất là tinh vi, kỹ lưỡng”... Nếu theo đúng lệ thì từ Đô cấp sự trung (tòng Thất phẩm) để được trao vị trí Hữu Thị lang Bộ Lại (tòng Tam phẩm), Lưu Đình Chất phải trải qua nhiều đợt khảo khóa với tổng cộng thời gian trên 30 năm. Nhưng trên thực tế, quá trình ấy chỉ diễn ra trong gần 10 năm. Để được thăng lên chức Hữu thị lang Bộ Lại (hàm Tòng Tam phẩm) có thể Lưu Đình Chất đã được ban ân điển, bỏ qua nhiều quy trình khảo khóa”.

Từ chức Hữu Thị lang, Lưu Đình Chất được chuyển sang làm Lại Bộ Tả Thị lang. Năm 1623, Bình An vương Trịnh Tùng ốm nặng, giao Thanh Quận công Trịnh Tráng nắm giữ binh quyền. Tuy nhiên người con thứ là Vạn Quận công Trịnh Xuân lại gây biến khiến phủ Chúa náo động. Bấy giờ, Lưu Đình Chất ở gần Trịnh Tráng đã dốc sức bàn mưu, tính kế, cuối cùng vượt qua được nạn. Nhờ đó, ông được thăng giữ chức Đô ngự sử. Ông cũng từng giữ chức Thượng thư Bộ Hộ.

Về sau, ông lại được chúa Trịnh Tráng tin cậy giao giữ chức Tham tụng đứng đầu Phủ liêu. “Thời Trung hưng, từ sau khi Trịnh Tùng được tấn phong Bình An vương, mở Phủ, thế tập tước vương thì Ngũ phủ - Phủ liêu cũng hình thành, nắm toàn bộ quyền điều hành đất nước. Đứng đầu Phủ liêu là Tham tụng. Trên thực tế “Tham tụng là Tể tướng nhưng đó chỉ là quyền chứ không phải chức, cho nên khi dùng người không cứ phẩm thứ, có khi Thượng thư vào làm Tham tụng"... Như vậy, giữ chức Tham tụng, Bồi tụng phải là những người tài giỏi, được chúa Trịnh tin dùng” (theo PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ).

Sự nghiệp quan trường hanh thông, thuận lợi, ghi nhiều dấu ấn. Trong đó, Lưu Đình Chất được sử sách nhắc đến với vai trò là một nhà ngoại giao có tài.

Năm 1613, ông được triều đình Lê - Trịnh cử làm Chánh sứ sang nhà Minh. Trong lịch sử bang giao giữa Đại Việt và triều đình phong kiến phương Bắc thời Trung đại, các viên quan được triều đình Đại Việt lựa chọn giao trọng trách Chánh sứ - dẫn đầu đoàn sứ bộ, đều phải là người tài cao, học rộng, thông minh mẫn tiệp, có tài thơ văn, khả năng ứng đối giỏi. Họ mang trọng trách lớn, củng cố mối quan hệ hữu hảo giữa Nhân dân hai nước Việt Nam và Trung Quốc. Và trong mọi trường hợp, thuận lợi hay khó khăn thì vừa phải giữ được sự mềm dẻo song không kém phần cứng rắn khi cần thiết để nâng cao quốc thể trước triều đình Trung Hoa, cũng như trước các sứ thần nhiều nước khác. Sau 2 năm đi sứ trở về, đoàn sứ thần do Lưu Đình Chất dẫn đầu được vua Lê - chúa Trịnh trọng thưởng, bản thân ông được thăng giữ chức Lại Bộ Hữu Thị lang, tước Nhân Lĩnh hầu.

Đánh giá về con người và sự nghiệp làm quan của Lưu Đình Chất, PGS.TS Nguyễn Minh Tường (Viện Sử học), nhìn nhận: “Hoàng giáp Lưu Đình Chất không chỉ là nhà ngoại giao giỏi, Chánh sứ sang nhà Minh năm 1613, “không làm nhục mệnh vua”, mà còn là vị quan thanh liêm, luôn canh cánh nỗi lòng thương dân, lo cho nước”.

Trong Lịch triều hiến chương loại chí, sử gia Phan Huy Chú lựa chọn 39 nhân vật thời Lê Trung hưng xếp vào hàng “Những người phò tá có công lao tài đức”, Lưu Đình Chất nằm trong số đó. Tên tuổi ông xếp cùng với những nhân vật nổi tiếng như Phùng Khắc Khoan; Lương Hữu Khánh; Nguyễn Thực; Nguyễn Duy Thì; Lê Bật Tứ...

Với tài đức và những đóng góp quan trọng, Lưu Đình Chất được triều đình Lê - Trịnh tin tưởng trọng dụng. Sau khi mất, ông được ban tặng Thiếu sư. 400 năm đã trôi qua, nhưng danh thơm ông để lại cho đời thì còn mãi.

Về Đông Khê, theo chân trưởng thôn Hoàng Đình Tuyền ghé thăm nơi thờ tự Lưu Đình Chất, thắp nén hương thơm lên bàn thờ tiền nhân, bà Trịnh Thị Khả, 88 tuổi, con dâu dòng họ Lưu ở làng Đông Khê, tự hào: “Thế hệ tiền nhân như cụ Lưu Đình Thưởng, Lưu Đình Chất... có công với đất nước, Nhân dân và góp phần vào sự rạng danh của dòng họ. Tiếp nối truyền thống đó, con cháu dòng họ Lưu đến nay vẫn không ngừng cố gắng lập thân, xây dựng quê hương, đất nước”.

Khánh Lộc

Bài viết tham khảo, sử dụng nội dung trong Hội thảo khoa học vai trò của danh nhân Lưu Đình Chất trong lịch sử dân tộc và việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản về ông.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]