Lực lượng nào bắn hạ máy bay chiến đấu F-16?
Ngày 26/8, một trong 6 máy bay chiến đấu F-16 được Washington chuyển cho chính quyền Kiev được xác nhận đã rơi trên lãnh thổ Ukraine và khiến một phi công thiệt mạng. Nguyên nhân vụ việc hiện vẫn chưa được làm sáng tỏ.
Theo Bộ Tổng tham mưu Ukraine, vụ tai nạn xảy ra vào ngày 26/8, khi lực lượng không quân của lực lượng vũ trang Ukraine cố gắng đẩy lùi một cuộc tấn công bằng tên lửa và đường không của Nga. “Trong quá trình tiếp cận mục tiêu, một trong các máy bay đã mất liên lạc. Kết quả là, chiếc máy bay chiến đấu F-16 bị rơi và phi công đã thiệt mạng”, Bộ Tổng tham mưu cho biết trong một tuyên bố.
Tuy nhiên, có nhiều giả thuyết về nguyên nhân dẫn đến máy bay chiến đấu F-16 rơi trên lãnh thổ Ukraine. Tờ Wall Street Journal dẫn nguồn tin cho biết F-16 không bị bắn hạ, mà vụ tai nạn là do lỗi của phi công. Ấn phẩm này nhắc lại rằng Ukraine đã nhận được những chiếc F-16 đầu tiên chỉ ba tuần trước. Reuters dẫn nguồn từ Bộ Quốc phòng Mỹ cũng xác nhận vụ tai nạn không phải do cuộc tấn công của Nga mà do lỗi của phi công hoặc trục trặc kỹ thuật.
Cũng có giả thuyết cho rằng, máy bay chiến đấu F-16 trở thành mục tiêu trong một cuộc tấn công của Nga. “Người Nga đã sử dụng một cuộc tấn công tổng hợp kéo dài từ 6 đến 8 giờ. Lực lượng vũ trang Ukraine đã điều động máy bay, bao gồm cả F-16, để đẩy lùi cuộc tấn công. Tuy nhiên, F-16 đã bị tên lửa Kinzhal bắn hạ”, một trong những nguồn tin nội bộ của quân đội Ukraine cho biết.
Trong khi đó, theo Maryana Bezuglaya, thành viên Ủy ban Quốc phòng của Verkhovna Rada, đã viết trên kênh Telegram của mình, tiêm kích F-16 đã bị hệ thống tên lửa phòng không Patriot (SAM) của chính lực lượng vũ trang Ukraine bắn hạ. Theo bà Bezuglaya, sự việc xảy ra là hệ quả của việc thiếu hiệp đồng tác chiến giữa các đơn vị. “Hệ thống chỉ huy, kiểm soát không được cải thiện dẫn đến những phân tích, thông tin thiếu nhất quán, không bảo đảm tính liên lạc giữa các đơn vị”, bà Bezuglaya nhấn mạnh.
Có nhiều giả thuyết về vụ việc, một mặt, cho thấy cục diện chiến sự ác liệt đang diễn ra tại miền Đông Ukraine; mặt khác, có những động thái nhằm che giấu bởi lẽ điều này có thể sẽ tác động tiêu cực đến thế trận của quân đội Ukraine. Truyền thông phương Tây gọi sự cố F-16 là một tổn thất nặng nề với lực lượng vũ trang Ukraine. Theo The Washington Post, việc mất đi máy bay chiến đấu có giá trị cũng như cái chết của một trong những phi công giàu kinh nghiệm nhất là “một đòn đau” đối với Ukraine. Mặc dù mới chỉ 30 tuổi, nhưng Alexey Mes là một trong 6 phi công có khả năng lái F-16 trong điều kiện thực chiến nhờ tham gia khóa huấn luyện đầu tiên do các nước phương Tây tổ chức.
Các phi công Ukraine bắt đầu được huấn luyện trên F-16 vào cuối năm 2023, trải qua khóa huấn luyện cấp tốc chỉ kéo dài 6 tháng, trong khi để vận hành trơn tru F-16 cần phải được huấn luyện, thực hành trong nhiều năm. Tờ Financial Times đánh giá, rõ ràng quân đội Ukraine đang thiếu hụt lực lượng tinh nhuệ có thể vận hành vũ khí phương Tây hiệu quả nhất. Vụ rơi máy bay F-16 và cái chết của phi công Alexey Mes là “một bước thụt lùi nghiêm trọng đối với Kiev, quốc gia đã nỗ lực vận động hành lang phương Tây cung cấp một phi đội máy bay chiến đấu do Mỹ sản xuất trong 2 năm qua”. Thất bại này có thể làm phức tạp thêm các cuộc đàm phán về các chuyến hàng viện trợ quân sự tiếp theo của phương Tây cho Ukraine.
Có cùng quan điểm trên, nhà khoa học chính trị và Trung tá Quân đội Mỹ đã nghỉ hưu Earl Rasmussen nhận định, các phi công Ukraine có thể không có đủ thời gian để lái thành thạo loại máy bay chiến đấu này. Trả lời tờ Izvestia của Nga, chuyên gia Earl Rasmussen lưu ý rằng, quá trình đào tạo phi công thường mất khoảng 2 năm, nhưng quân đội Ukraine chỉ được tham gia một chương trình bị cắt giảm đáng kể. Rõ ràng, quân đội Ukraine không có kinh nghiệm và không đủ nguồn lực để huấn luyện và bảo trì F-16. Hơn nữa, các máy bay chiến đấu F-16 được phương Tây cung cấp cho lực lượng vũ trang Ukraine không còn mới. Khi bàn giao có thể đã được kiểm tra các chức năng, nhưng các máy bay này đến từ nhiều quốc gia khác nhau nên rất khó để đánh giá chúng đang ở tình trạng nào.
Ngược lại, Ilya Kramnik, chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu kế hoạch chiến lược thuộc Viện Kinh tế - Chính trị thế giới của Viện Hàn lâm khoa học Nga nhận định rằng, việc quân đội sử dụng máy bay chiến đấu F-16 về mặt lý thuyết không khác gì việc sử dụng xe tăng của phương Tây. Với số lượng nhỏ và không có cơ sở hạ tầng phù hợp, những vũ khí phương Tây sẽ không phát huy hiệu quả và dễ dàng nằm trong tầm ngắm của quân đội Nga.
Trong khi đó, theo tờ Izvestia, chuyên gia quân sự Alexei Leonkov cho rằng, đây là thông tin hoàn toàn bất lợi với Mỹ và “Washington sẽ tìm cách che giấu nguyên nhân thực sự của vụ tai nạn F-16”. Các nước phương Tây coi F-16 là “át chủ bài” nhờ những tính năng hiện đại của dòng máy bay chiến đấu này. F-16 là loại máy bay chiến đấu phản lực đa năng đã tham gia hàng chục cuộc chiến và được hơn 20 quốc gia sử dụng. Tuy nhiên, việc dễ dàng bị bắn hạ tại Ukraine sẽ khiến dòng tiêm kích này “mất điểm” trong mắt các khách hàng tiềm năng của Mỹ.
Hùng Anh (CTV)
{name} - {time}
-
2025-01-14 09:05:00
Ukraine mất thế trận trên chiến trường, thoả thuận ngừng bắn còn mơ hồ
-
2025-01-13 07:00:00
Điều gì chờ đợi Trung Đông sau một năm đẫm máu?
-
2024-08-29 16:37:00
Thủ tướng Anh Keir Starmer nỗ lực “đảo ngược” Brexit
Tiến trình đàm phán ngừng bắn ở Dải Gaza đối mặt nhiều thách thức
Tại sao Israel và Hezbollah quyết định tránh một cuộc chiến lớn?
Các nhà đầu tư bắt đầu chuyển hướng sang Đông Nam Á
Ứng viên độc lập Robert Kennedy Jr. rút lui, tạo bước ngoặt cho cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ?
Thách thức không nhỏ của nền kinh tế lớn nhất châu Âu
Ấn Độ, Nhật Bản tăng cường hợp tác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Từ Trung Đông đến Ukraine: Trật tự thế giới mới đang được định hình
Khoảng lặng cần thiết đối với Tổng thống Macron
Chiến dịch quân sự của Ukraine tại khu vực Kursk đẩy xung đột Nga - Ukraine lên nấc thang mới