“Lòng nồng nàn yêu nước” - bản sắc và cội nguồn sức mạnh Việt Nam
“Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và cướp nước” - Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cần coi trọng giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay. (Trong ảnh: Khách tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh, Chi nhánh TP Hồ Chí Minh).
Vốn dĩ, lòng yêu nước không phải đặc trưng hay truyền thống của riêng một quốc gia hay dân tộc nào trên trái đất này. Song với Việt Nam, lòng yêu nước nồng nàn dường như đã trở thành phần “bản sắc tinh hoa” nhất, có tính đại diện nhất cho truyền thống dân tộc. Bởi lẽ, lòng yêu nước đã cắm rất sâu vào thành lũy Tổ quốc, đã phân thành vô vàn nhánh tầng, để cố kết và giữ gìn cho bờ cõi này luôn vững chãi trước sóng gió. Nhìn vào lịch sử nghìn năm dựng nước và giữ nước, với không ít cuộc kháng chiến vĩ đại, không khó để tìm ra “điểm rất khác” của Việt Nam, cũng là để hiểu vì sao tinh thần yêu nước đã trở thành truyền thống ngàn đời, thành chủ nghĩa yêu nước cao cả, thấm sâu vào tận cùng tâm khảm dân tộc.
Con đường từ buổi sơ khai hình thành nên đất nước, vốn đã không bằng phẳng. Khi nhà nước Văn Lang, Âu Lạc đặt nền móng đầu tiên, thì đã phải đương đầu với mối họa ngoại bang. Cuộc kháng chiến chống Tần (thế kỷ III TrCN) - một đế chế lớn mạnh và tàn bạo nhất thời bấy giờ - đã được sử sách ghi lại là “cuộc đụng đầu lịch sử” đầu tiên giữa dân tộc ta với thế lực bành trướng phương Bắc. Thắng lợi trong cuộc kháng chiến trường kỳ này, đã mở ra trang sử thứ nhất về truyền thống đánh giặc, giữ nước của dân tộc Việt Nam. Để rồi, từ bài học mất nước của An Dương Vương, đến đêm trường nghìn năm Bắc thuộc; từ mất lãnh thổ, mất chủ quyền, đến nguy cơ bị đồng hóa, xóa tên đất nước... nhờ thấm rất sâu bài học giữ nước của tổ tiên mà Nhân dân ta vẫn luôn dưỡng nuôi lòng yêu nước, tinh thần bất khuất, kiên cường, bền bỉ đấu tranh để bảo tồn giống nòi và giành lại độc lập.
Từ khởi nghĩa Hai Bà Trưng - biểu tượng cho quyết tâm đánh giặc “giành lại giang san, cởi ách nô lệ”; đến cuộc khởi nghĩa do Lý Bí lãnh đạo đã đánh tan quân Lương, lập ra nước Vạn Xuân (năm 544), là lời khẳng định đanh thép về khát vọng độc lập và ý thức dân tộc. Để với chiến thắng Bạch Đằng năm 938, đánh tan quân Nam Hán, trở thành dấu mốc mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc - kỷ nguyên phát triển quốc gia phong kiến Đại Việt độc lập và lớn mạnh. Từ đó, đặt nền móng để qua các vương triều Ngô (938 - 965), Đinh (968 - 979), Tiền Lê (980 - 1009), Lý (1009 - 1226), Trần (1226 - 1400), Hồ (1400 - 1407) và Lê Sơ (1428 - 1527), Đại Việt đã trở thành một quốc gia thịnh vượng ở khu vực châu Á, với sức mạnh không thể bị khinh nhờn.
Vốn dĩ, lịch sử luôn luôn biến động, đầy khúc quanh và những điều khó dự báo. Lịch sử Việt Nam càng đúng với điều đó, khi một chương dựng nước thường sẽ song hành hoặc được tiếp nối với một chương chống ngoại xâm để giữ nước. Từ thế kỷ X đến thế kỷ XV, dù nước Đại Việt đang vươn mạnh mẽ, nhưng không có thế kỷ nào dân tộc ta không phải chống ngoại xâm. Từ 2 lần kháng chiến chống Tống dưới thời Tiền Lê (981) và thời Lý (1075-1077); đến 3 lần kháng chiến chống Mông - Nguyên (1258, 1285, 1288) dưới thời Trần; rồi ngót chục năm kháng chiến chống quân Minh, với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1418 - 1427) lẫy lừng “mở nền muôn thuở thái bình”; hay cuộc kháng chiến chống quân Thanh (1788 - 1789), dưới sự lãnh đạo của vua Quang Trung - Nguyễn Huệ “Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”...
Có thể nói, lịch sử dân tộc đã liên tiếp trải qua nhiều bước thăng trầm, có thịnh có suy, nhưng không khi nào tinh thần yêu nước không được gìn giữ và thôi thúc. Để khi đứng trước câu hỏi lớn về sự tồn vong của dân tộc, Đảng ta đã ra đời và gánh lấy sứ mệnh lịch sử cao cả. Từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đến cuộc trường chinh 30 năm chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đảng ta đã khơi dậy, kế thừa và phát huy đến đỉnh cao truyền thống yêu nước và sức mạnh vô địch của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Từ đó, làm nên những chiến thắng vĩ đại, mà đỉnh cao chói lọi nhất là chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 và Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975.
Lịch sử không phải là con chữ được in trên mặt giấy khô khan. Lịch sử của một dân tộc có hàng ngàn năm đấu tranh không ngơi nghỉ với thiên tai và ngoại xâm, lại càng không đơn thuần chỉ là thuật lại các sự kiện theo dòng chảy thời gian. Mỗi trang sử được lật giở, ẩn sâu trong câu chữ và con số, là những bài học máu xương vô giá. Bởi hơn ai hết dân tộc này hiểu rằng, “riêng rẽ, mỗi chúng ta chỉ là một giọt nước; cùng nhau, chúng ta là đại dương”; và rằng, “cái chết đến với tất cả con người, nhưng những thành tựu vĩ đại sẽ dựng nên tượng đài mãi trường tồn cho tới khi mặt trời trở nên lạnh lẽo”. Bởi vậy cho nên, một dân tộc “nhược tiểu” lại nằm ở vị trí địa - chính trị cực kỳ quan trọng, trở thành “đích ngắm” của các thế lực ngoại bang, đã không cam chịu sống đời nô lệ mà chọn “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”. Từ đó, dựng lên “những tượng đài bất diệt” về tinh thần dám chiến đấu và chiến thắng bất kỳ kẻ thù hùng mạnh và tàn bạo nào; dám hy sinh để khẳng định phẩm giá làm người, cũng là khẳng định giá trị con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam - một dân tộc dẫu nhỏ bé về địa lý nhưng vĩ đại về vị thế quốc gia - dân tộc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khi nói chuyện với bạn bè quốc tế, đã lý giải: “Nhiều người đến với chúng tôi, họ rất ngạc nhiên hỏi chúng tôi, tại sao một đất nước nhỏ bé, lạc hậu như Việt Nam lại có thể tiến hành thắng lợi chống lại cuộc xâm lược của Mỹ? Nhưng khi họ được xem tấm hình này, thì họ hiểu ngay“”. Đó là tấm hình về nữ du kích Nguyễn Thị Kim Lai, tay cầm súng áp giải phi công Mỹ Uyliam Rôbinxơn (ảnh được nhà báo Phan Thoan, chụp ngày 20/9/1965, tại tỉnh Hà Tĩnh). Xin dẫn lời của luật gia người Ý Claude Gérald Falazzoli, để lý giải về sự đối lập ấy. Trong cuốn “Việt Nam giữa hai huyền thoại” (xuất bản năm 1981), ông đã cho thế giới thấy một góc nhìn rất đặc biệt về Việt Nam - một dân tộc “như một huyền thoại” gắn liền với cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc: “Huyền thoại về một dân tộc nhỏ bé, dũng cảm và đầy tự hào; một dân tộc khôn ngoan, hiệu quả và cần cù; một dân tộc mà sự bền bỉ kiên cường của nó, cùng với sự không cân xứng về mặt phương tiện sử dụng so với phía bên kia, làm cho cuộc chiến càng được ủng hộ”.
Dải đất hình chữ S trong mắt Claude Gérald Falazzoli là “một đất nước Việt Nam nhân văn vô tận, hấp dẫn và nhạy cảm”. Lời đúc kết này vừa rất chân thực, vừa đầy tính chiêm nghiệm. Chân thực bởi đó là tinh thần nhân văn của dân tộc Việt Nam, được chắt lọc và thể hiện cao nhất ở tinh thần yêu nước, thương nòi và khát vọng hòa bình, độc lập. Còn chiêm nghiệm là bởi, dù có “cố tìm mà hiểu” thì cũng khó có ai hay công trình nghiên cứu nào, có thể đào sâu và lật ra đủ các lớp lang lịch sử, các vỉa tầng văn hóa, nhằm lý giải thấu đáo về sự tồn tại và phát triển của đất nước này, cũng như sức mạnh đã làm nên những kỳ tích vĩ đại của dân tộc này.
Tròn 50 năm kể từ ngày 30/4/1975 lịch sử, người dân Việt Nam được nhận món quà tinh thần quý giá từ người bạn tin cậy và yêu chuộng hòa bình Thụy Điển. Đó là thước phim tài liệu chưa từng công bố về ngày 30/4/1975. Ngay khi nghe tin lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên Dinh Độc Lập, người dân Thụy Điển đã xuống đường tuần hành và hô vang các khẩu hiệu mừng chiến thắng cho một đất nước cách họ hàng nghìn cây số. Đặc biệt, nữ văn sĩ Sara Lidman - người đã góp tiếng nói mạnh mẽ phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ và ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của Nhân dân Việt Nam - đã có những lời đầy xúc động: “Những lời dối trá của truyền thông Mỹ như đám mây mù phủ khắp thế giới. Nó là thứ chất độc khiến bao tình bạn úa tàn trước khi có cơ hội được bung nở. Hàng triệu người mang ý thức mạnh mẽ về quyền và tinh thần đoàn kết sẽ sẵn sàng ủng hộ cho cuộc đấu tranh của dân tộc Việt Nam. Chính phủ Mỹ đã oanh tạc thế giới bằng những lời xuyên tạc, vu khống nhằm ngăn chặn sự ủng hộ này. Nhiệm vụ của chúng ta là làm vô hiệu hóa những lời độc địa đó. Những cuộc biểu tình của chúng ta chỉ là những xô nước giữa đại dương đen, chỉ đủ để làm sạch một phần nhỏ. Nhưng dòng sông chân lý luôn bắt nguồn từ Việt Nam. Cuộc đấu tranh giành thắng lợi của Nhân dân Việt Nam cuối cùng đã khiến mọi người bừng tỉnh...”.
“Dòng sông chân lý luôn bắt nguồn từ Việt Nam”! Là người dân Việt Nam khi nghe lời nhận xét rất mực quý giá này, lẽ nào lại không xúc động và tự hào về đất nước mình? Việt Nam từng đứng đầu trên chiến tuyến của hai ý thức hệ đối lập, dẫu rằng chúng ta không hề muốn điều đó. Nhưng dù phải “chiến đấu trong vòng vây” từ sức mạnh áp đảo của đối phương, từ áp lực của các nước XHCN hay từ vô vàn khó khăn, thiếu thốn khi vừa bước ra khỏi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, thế nhưng Việt Nam quyết không sợ và quyết đánh Mỹ, thắng Mỹ. Bởi, “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một! Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi!”. Lẽ sống thiêng liêng ấy đã hòa vào mạch nguồn yêu nước, làm nên sức mạnh Việt Nam với thắng lợi “không tưởng” trước tên đế quốc sừng sỏ nhất.
Thắng lợi của dân tộc Việt Nam trước đế quốc Mỹ đã góp phần “viết lại lịch sử thế giới” trong thế kỷ XX. Song, cái giá của nó là không thể đong đếm hết. Và có lẽ người hiểu hơn ai hết cái giá phải trả chính là người cầm quân. Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng trả lời các nhà báo, học giả quốc tế rằng: “Giá phải trả để đánh Mỹ là rất đắt. Chúng tôi đã hy sinh cả quân, cả dân là hàng triệu người. Nhưng mà, không gì quý hơn độc lập, tự do. Cái độc lập, tự do còn quý giá hơn cái hy sinh đó. Vì vậy, giờ đây chúng tôi cũng mắc một cái nợ đối với những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh, để cho Tổ quốc Việt Nam độc lập, tự do, mang lại hạnh phúc cho Nhân dân, góp phần hòa bình thế giới. Cho nên chúng tôi phải làm nghĩa vụ, đó là xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh”.
Mỗi từ “hòa bình”, “độc lập”, “tự do” được chiết từ máu tim, từ xương thịt của lớp lớp cha ông. Cho nên, trách nhiệm của thế hệ hôm nay là luôn sẵn sàng tâm thế chung tay dựng xây và quyết tâm sắt đá bảo vệ Tổ quốc tươi đẹp này. Để thay vì được gắn huân chương chiến công như cha ông đi trước, thì trong ngực mỗi người luôn cần có một “huân chương yêu nước”!
Bài và ảnh: Lê Dung
{name} - {time}
-
2025-04-30 09:51:00
Diễn văn của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Lễ kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước
-
2025-04-30 09:27:00
“Uống nước nhớ nguồn” - dòng chảy bất tận của nghĩa tình
-
2025-04-30 07:20:00
Thanh xuân gửi lại con đường
“Đi sâu, đi lâu, đi xa, đi đến ngày toàn thắng”
Nghe lại lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống chính quyền Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh trưa 30/4/1975
30/4 - Đất nước trọn niềm vui
Ý nghĩa “Đoàn tàu Thống nhất"
TRỰC TIẾP: Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Tinh thần Đại thắng mùa xuân 1975 với kỷ nguyên giàu mạnh, hùng cường, phồn vinh của dân tộc
Nghệ thuật quân sự độc đáo về tạo thời, lập thế, chớp thời cơ trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975
Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
PODCAST 6AM: Điểm tin nổi bật sáng 30/4