Lời giải nào cho hiện tượng cá sông Mã chết hàng loạt? (Bài 2): Hoài nghi và những kết luận chưa hoàn toàn thuyết phục
Người nuôi cá khẳng định, cả 3 đợt cá chết trên sông Mã trong tháng 3 và 4 vừa qua đều trùng với thời điểm nước sông có màu đen kịt, bốc mùi thối như gỗ ngâm. Trong khi đó, cơ quan chức năng lại kết luận không phát hiện độc tố trong nước, xác cá không có vi khuẩn gây bệnh... Nguyên nhân cá chết càng trở nên “bí hiểm” bởi đến nay vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.
Hàng chục nhà máy sản xuất giấy đế, vàng mã, chế biến luồng dọc sông Mã ở huyện Bá Thước và Quan Hóa vẫn phải dùng hóa chất, xút, để làm mềm và xử lý luồng, gỗ trong các khâu sản xuất.
Do xả thải hay thời tiết?
Ông Nguyễn Văn Tuấn ở khu phố 1 Lâm Xa, thị trấn Cành Nàng (Bá Thước) - người có các lồng cá bị thiệt hại trong những ngày tháng 4 vừa qua, khẳng định: “Cả 3 đợt cá chết vừa qua đều trùng với thời điểm nước sông trở nên đen kịt. Toàn bộ dòng sông đoạn qua địa bàn đổi màu, thoang thoảng mùi thối gần giống luồng ngâm, gỗ ngâm. Đợt cá chết năm 2021 cũng vậy. Với những hiện tượng bằng cảm quan cũng nhận thấy rõ, đây khả năng cao là hoạt động xả thải ở phía thượng nguồn gây ra”.
Đa phần hệ thống xử lý nước thải của các nhà máy giấy ở khu vực miền núi Thanh Hóa đều xây dựng sát sông Mã.
Cùng trú tại địa phương, vợ chồng bà Nguyễn Thị Hồng được cho là những người đầu tiên phát hiện hiện tượng nước sông đổi màu dẫn đến cá chết hàng loạt vào cuối tháng 4.
“Là dân thuyền chài, khoảng 3 giờ sáng ngày 28/4, tôi cùng chồng đi thuyền lên phía thượng nguồn, gần đập Nhà máy thủy điện Bá Thước 1 để thả lưới. Do trời tối không thấy màu nước, nhưng tôi ngửi thấy mùi hôi thối bất thường bốc lên, đưa gần mũi ngửi thì có cả mùi hắc như hóa chất. Tôi nói, sau đó chồng soi đèn pin thì mới biết nước đen. Cùng thời điểm đó, cá lăng, cá mương tự nhiên trên sông cũng lờ đờ, thoi thóp lên mặt nước, khi vớt lên thì nhanh chóng chết ngay. Đoán nguồn nước bị xả thải có thể có chất độc, chúng tôi không lấy cá nữa, quay về xem các lồng cá của gia đình trước nhà. Đến mờ sáng, toàn bộ cá trắm trong các lồng chen chúc ngoi lên mặt nước hớp không khí, sau đó chết cứng với màu trắng bệch”.
Nhiều cá trong các lồng nuôi dọc sông Mã đoạn qua huyện Cẩm Thủy và Bá Thước bị chết trong tháng 4 vừa qua.
Những người nuôi cá lồng ở Bá Thước đều khẳng định, các đợt phát hiện nước đen và cá chết đều vào sáng sớm. Điều này càng dấy lên nghi ngờ bị lén lút xả thải vào ban đêm. Nguồn nước đen sau khi phát hiện thì dần trong trở lại cùng ngày bởi sự khuếch tán, hòa tan và chảy về phía hạ nguồn. |
Sau cả 4 đợt cá sông Mã chết tính từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 4 vừa qua, các cơ quan chức năng của Sở Tài nguyên và Môi trường cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều tích cực vào cuộc, điều tra nguyên nhân. Trong tháng 5, các cơ quan này đều có các kết quả xét nghiệm các mẫu nước và mẫu cá lồng chết. Theo đó, đa phần các mẫu nước đều được khẳng định chỉ số DO (hàm lượng oxy hòa tan trong nước) thấp hơn ngưỡng cho phép là 4.0. Tuy nhiên, chưa có cơ quan nào kết luận do thời tiết hay hóa chất xả thải gây lên hiện tượng thiếu oxy. Riêng các chi cục liên quan của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì có thêm kết luận, mẫu xác cá không phát hiện vi khuẩn gây bệnh, có nghĩa đã loại trừ được nguyên nhân cá bị bệnh hàng loạt.
Không tìm ra nguồn xả thải, theo suy luận thông thường, cá chết là do thời tiết, do môi trường, nhưng điều này lại không thuyết phục với nhiều người bởi mỗi lần cá chết là nước sông có màu và mùi bất thường (?!).
Quy trình lấy mẫu đã kịp thời?
Trong nội dung kết luận số 3831 của Sở Tài nguyên và Môi trường ngày 7/5 vừa qua, cả 3 đợt cá chết trong tháng 4, Sở Tài nguyên và Môi trường đã lấy tổng cộng 15 mẫu nước tại các khu vực có cá chết để phân tích, đánh giá. Chi cục Chăn nuôi và Thú y thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng lấy 6 mẫu nước và 3 mẫu cá chết để xét nghiệm. Đến nay, các bản kết luận đều được công bố, đa phần mẫu nước không phát hiện độc tố, một số còn lại có những chỉ tiêu bất lợi cho nuôi trồng thủy sản.
Khi phát hiện dòng nước có màu đen, sự khuếch tán, hòa loãng khiến nước sông Mã trong dần trở lại nên cần được lấy mẫu nước ngay thời điểm đầu.
Tìm hiểu ngược về các sự cố cá chết hàng loạt vừa qua cho thấy, đợt đầu tiên là từ ngày 20 đến 22/3, chỉ 4 lồng nuôi ở thị trấn Cành Nàng bị chết. Do lượng cá chết trên diện hẹp với chỉ hơn 70kg tại 4 lồng nuôi nên chỉ các đơn vị của huyện xuống kiểm tra, chưa lấy mẫu đi xét nghiệm.
Đến ngày 6/4, đợt cá chết mở rộng ra nhiều xã như Thiết Ống, Ái Thượng, Lương Ngoại, Hạ Trung, Lương Trung, Ban Công và Điền Lư. Khi có thông tin từ các xã báo lên, cùng ngày, UBND huyện Bá Thước đã thành lập các đoàn xuống kiểm tra, đồng thời báo cáo để Trung tâm Quan trắc và Bảo vệ môi trường (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường) lên phối hợp lấy 6 mẫu nước vào ngày 7/4.
Như vậy, thời điểm lấy mẫu sớm nhất cách thời điểm cá chết 1 ngày. Với khối lượng nước mênh mông của dòng sông Mã, sau 1 ngày đã hòa loãng, chưa tính nước chảy về phía hạ nguồn. Tương tự, đợt cá chết ngày 27/4 thì đến ngày 28/4 các đơn vị liên quan cấp tỉnh mới tiến hành lấy mẫu nước.
Câu hỏi đặt ra, liệu các mẫu nước có còn khách quan nếu dòng sông bị xả thải ô nhiễm?
Người nuôi cá và các huyện chưa đủ điều kiện và thẩm quyền lấy mẫu nước kiểm nghiệm.
“Khi có thông tin cá chết, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Tài Nguyên và Môi trường cùng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuống kiểm tra. Tuy nhiên, khi đoàn của huyện xuống thì nước gần như đã hết đen, không còn màu như trong các clip của người dân quay khi phát hiện cá bắt đầu chết” Trương Quỳnh Trang Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bá Thước. |
Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bá Thước Tống Minh Hóa khẳng định: “Các chi cục của 2 sở cấp tỉnh liên quan đã rất trách nhiệm, khi nhận được tin báo là lên phối hợp nhiệt tình. Tuy nhiên đường xa nên việc đến được hiện trường lấy mẫu mất nhiều thời gian, không thể triển khai ngay được”.
Vấn đề đặt ra là, những người trong cuộc ở huyện có thể lấy mẫu trước, quay lại clip để chờ các cơ quan cấp tỉnh lên đưa đi kiểm tra? Nhưng theo ông Hóa, huyện không có người có chứng chỉ lấy mẫu, cũng không có các thiết bị kiểm định, không có dung môi bảo quản mẫu. Huyện cũng rất mong muốn, nhưng theo các quy định thì chưa đủ điều kiện và thẩm quyền lấy mẫu kiểm nghiệm.
Phải khẳng định các chi cục của cơ quan cấp tỉnh đã tuân thủ các quy trình, có trách nhiệm trong kiểm tra, lấy mẫu, nhưng về yêu cầu kịp thời theo diễn biến thực tế thì còn là vấn đề đáng trăn trở. Có thể là từ cấp bộ ngành Trung ương, nhưng quy định là do con người đặt ra, cần được sửa đổi khi đã lạc hậu.
Bài và ảnh: Nhóm PV
{name} - {time}
-
2024-12-13 22:09:00
Quy định mới của Chính phủ về thực hiện đấu giá biển số xe
-
2024-12-13 16:49:00
Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn trao 196 suất học bổng cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn
-
2024-05-31 13:55:00
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhân dịp Quốc tế thiếu nhi
Hội thao công chức, viên chức, người lao động TP Sầm Sơn
“Nâng bước em tới trường” xuyên biên giới
Nhiều hoạt động hè bổ ích cho trẻ em
Bảo vệ trẻ em trước những tác động của ngành công nghiệp thuốc lá
8 kỹ năng thoát hiểm cần biết khi xảy ra hỏa hoạn
Thạch Thành: Phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2024
Thọ Xuân: Trao quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn nhân ngày Quốc tế thiếu nhi
Lời giải nào cho hiện tượng cá sông Mã chết hàng loạt? (Bài 1): Tan giấc mơ thoát nghèo