(Baothanhhoa.vn) - Làng Lú Khoen nằm trong không gian đất Mường Rặc xưa, nay là thôn Quang Thái Bình, xã Quang Trung (Ngọc Lặc) có đồi Tô, suối Rùa gắn liền chuyện kể thuở “đau đẻ” của vũ trụ với "mụ Dạ Dần" bước ra từ Mo sử thi "Đẻ đất, đẻ nước"...

Làng Lú Khoen trên đất Mường Rặc xưa

Làng Lú Khoen nằm trong không gian đất Mường Rặc xưa, nay là thôn Quang Thái Bình, xã Quang Trung (Ngọc Lặc) có đồi Tô, suối Rùa gắn liền chuyện kể thuở “đau đẻ” của vũ trụ với “mụ Dạ Dần” bước ra từ Mo sử thi “Đẻ đất, đẻ nước”...

Làng Lú Khoen trên đất Mường Rặc xưaMiếu làng Lú Khoen là nơi người dân thờ “mụ Dạ Dần” và những người có công với làng. Ảnh: Khánh Lộc

Từ trung tâm huyện Ngọc Lặc, đi thêm khoảng 5km là đến làng Lú Khoen. Vùng đất Mường cổ có cảnh quan thiên nhiên yên bình và những con người thuần hậu, mến khách. Chỉ tay về phía Đồi Tô với dáng hình như mâm xôi khổng lồ, ông Hà Minh Tuân, một người già trong làng cho biết: “Từ thuở khai thiên lập địa, lập các mường, ở vùng đất Mường Rặc này đồi Tô đã hiện hữu. Đồi Tô cao rộng, mát xanh, là món quà mà tạo hóa đã tặng cho bản mường... Những truyền thuyết, chuyện kể ở đất Mường Rặc nói chung, làng Lú Khoen nói riêng, vẫn thường bắt đầu từ đồi Tô”.

Truyền thuyết kể rằng, thuở xa xưa vào thời kỳ “đau đẻ” của vũ trụ có mụ Dạ Dần. Khi mụ Dạ Dần đến vùng đất Mường Rặc, thấy đồi Tô mỹ lệ, đất đai tốt tươi, đã quyết định gieo lên đây những mầm xanh. Mụ Dạ Dần cắm những ngón tay khổng lồ xuống đồi Tô, từ đó tạo nên những cây dâu tằm. Cây dâu tằm được mụ Dạ Dần “cắm” xuống đất chẳng mấy chốc đã xanh tốt, lan khắp đồi Tô, lá xanh, quả chín đỏ thẫm đẹp mắt vô cùng.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Vương Anh trong bài viết “Thắng tích đồi Tô - suối Rùa”, đã viết: “Vùng Mường nào cũng nhắc tới đồi Tô, cái đồi cây dâu tằm bình dị mà cây dâu, lá dâu xanh quanh năm tươi tốt, để hẹn mùa chăn tằm, ươm kén, kéo tơ. Đồi Tô với huyền thoại mụ Dạ Dần là tổ sư của nghề chăn tằm kéo kén - ngày nay ở làng Lú Khoen có ngôi đền thờ mụ Dạ Dần” (sách Thanh Hóa di tích và danh thắng).

Ngày nay, trên đồi Tô, người dân Lú Khoen trồng các loại cây rừng và cây công nghiệp xen canh.

Từ đồi Tô, những mạch nước ngầm chảy đã tạo nên dòng suối nhỏ, người dân vẫn thường gọi tên suối Rùa. Không ai biết tên gọi suối Rùa có từ bao giờ, nhưng những thế hệ người Mường thì vẫn thường kể cho cháu con nghe. Rằng thuở xa xưa, khi con người còn trú ẩn trong hang núi, gốc cây, chưa biết làm nhà. Cho đến một ngày có đôi trai gái tìm được rùa vàng quý giá đem về dâng lên Lang Cun Cần. Nhìn thấy rùa vàng có 4 chân và mai, Lang Cun Cần nghĩ đến việc làm nhà hình con rùa với 4 cột, trên có mái che. Làm xong nhà, nghe nói nơi đồi Tô có suối nước xanh mát, chảy quanh năm, Lang Cun Cần lại cho người chặt bương, luồng làm ống, đến đồi Tô lấy nước về dội lên mái nhà hình rùa, thấy không bị dột nên vui mừng vô cùng. Có lẽ từ đây, nơi có dòng suối có nước chảy mát quanh năm đã được người dân bản gọi tên là suối Rùa - suối được Lang Cun Cần lấy nước đổ lên mái nhà hình con rùa?!

Suối Rùa tuy không lớn nhưng có nhiều cua cá, người dân trong bản vẫn thường rủ nhau ra đây bắt cá. Cá suối Rùa nấu với lá tai chua (một loại cây có lá vị chua, mọc tự nhiên) là món ăn được người dân làng Lú Khoen ưa thích, thường dùng để đãi khách.

Đồi dẫu không quá lớn, suối dẫu không quá rộng, đồi Tô, suối Rùa mang vẻ đẹp tao nhã, hoang sơ. Tại đây, người Mường đã tụ cư, cùng nhau sinh sống, dựng xây bản làng, tạo nên làng Lú Khoen - một trong những cái nôi của văn hóa dân gian Mường. Ngày nay, ở làng Lú Khoen, hơn 70% dân số là người Mường.

Lại nói, nhằm ghi nhớ công ơn của mụ Dạ Dần đã gieo trồng cây dâu tằm trên đồi Tô và dạy dân Mường nuôi tằm, kéo sợi... Người dân đã cùng nhau lập nên miếu thờ người đàn bà “bước ra” từ trong Mo sử thi "Đẻ đất, đẻ nước”, dân gian vẫn thường gọi tên miếu thờ làng Lú Khoen. Ngôi miếu nhỏ nằm trên thế đất cao thoáng, phía trước là suối Rùa nước chảy róc rách, tạo nên sự hài hòa của “bức tranh” phong cảnh làng Lú Khoen.

Dẫn chúng tôi ghé thăm miếu, Bí thư Chi bộ, trưởng thôn Quang Thái Bình Phạm Văn Lộc cho biết: “Ngoài thờ bà Dạ Dần thì người dân làng Lú Khoen còn phối thờ, tưởng nhớ những người đã có công với làng... Hằng năm, vào dịp đầu xuân, người dân trong làng lại mở hội truyền thống. Trước khi tổ chức các trò chơi, trò diễn dân gian gắn liền với đời sống văn hóa của người Mường như biểu diễn cồng chiêng, múa hát quanh cây bông, hát xường... thì người dân làng theo chân nhau về miếu thờ của làng để dâng hương, kính cáo”.

Phó Chủ tịch UBND xã Quang Trung Phạm Ngọc Biên cho biết: “Xã Quang Trung ngày nay là trung tâm của đất Mường Rặc xưa. Tại đây có làng Lú Khoen (thôn Quang Thái Bình) là một trong những bản làng được lập dựng sớm nhất ở Mường Rặc. Những thế hệ người dân Lú Khoen đã cùng nhau xây dựng bản làng, vun đắp, giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống. Đến nay, Quang Thái Bình là một trong những thôn có phong trào văn hóa - thể thao khá phát triển trên địa địa bàn xã Quang Trung”.

Về làng Lú Khoen, lên đỉnh đồi Tô, nhìn xuống suối Rùa, thu vào tầm mắt là không gian mênh mông, xanh mát với những bản Mường bình yên và xinh đẹp. Trước thiên nhiên bao la và rộng mở, ta nghĩ về buổi “bình minh” của con người, thuở đất trời còn hỗn mang, về những chuyện kể trong Mo sử thi “Đẻ đất, đẻ nước”. Lắng lòng, ta thấy tạo hóa thật tài hoa trong sắp đặt và những thế hệ tiền nhân cũng đã nỗ lực biết bao để tạo dựng nên cuộc sống này.

Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]